(Sóng trẻ) - Tang thương, mất mát,... Bão lũ mang đi quá nhiều thứ. Bão lũ khổ cực, khó khăn thật nhưng cũng từ đó, ta biết vì sao mình gọi nhau bằng hai chữ “đồng bào”. Từ miền Trung ruột thịt, nhân dân Thừa Thiên Huế đồng lòng hướng về miền Bắc thân thương. Bằng những cách thức khác nhau, họ đã gói ghém “ruột thịt đồng bào” vượt hơn 700km ra Bắc “trả nợ ân tình”.

Ngay sau khi cơn bão số 3 đổ bộ vào miền Bắc và để lại những hậu quả nghiêm trọng, dòng chữ “Hải Phòng - Quảng Ninh chờ Huế nhé!” được lan tỏa khắp các hội nhóm ở Huế. Đó là khẩu hiệu được dán trên những chiếc xe tình nguyện đã sẵn sàng lăn bánh. Gác lại sau lưng những công việc hằng ngày, các bạn trẻ thuộc Đội xe 0 đồng Thừa Thiên Huế quyết tâm lên đường tiến ra Bắc cứu trợ đồng bào. 

Là một trong những đoàn tiên phong ở Huế xuất phát tiến ra Bắc ngay từ những ngày đầu sau bão, Đội xe 0 đồng do bạn Nguyễn Ngọc Nhật Hoàng (27 tuổi, Đội trưởng) dẫn đầu kết hợp cùng Đội phản ứng nhanh PUN75, các đội, nhóm, tình nguyện viên khác đã tập hợp và lên đường trong đêm. 

Nhật Hoàng chia sẻ rằng “Ban đầu mình khá đắn đo và lo lắng, bởi các thành viên trong Đội đều là những bạn trẻ đang học tập và có công việc riêng. Hơn nữa Đội chúng mình chưa từng đi xa dài ngày và cần lượng thành viên lớn như thế. Nhưng nghĩ lại, mình cứ đứng ngồi không yên, mình nghĩ đến đồng bào miền Bắc, nghĩ đến nhân dân Huế, miền Trung mình cũng đã từng trải qua như thế… Mình kêu gọi anh em và quyết tâm lên đường bằng được.” 

Đội Hoàng di chuyển ra Bắc bằng chính xe cứu thương hằng ngày Đội vẫn hỗ trợ nhân dân Huế và các khu vực lân cận. “Chúng mình lái xe xuyên đêm, ra đến Đồ Sơn, Hải Phòng vào giữa giờ sáng. Nhìn khung cảnh ngổn ngang trước mặt, chúng mình không cầm lòng nổi. Cả Đội chẳng ai bảo nhau, cũng chẳng nghỉ ngơi mà  bắt tay vào hỗ trợ dọn dẹp cùng mọi người ngay”

Băng qua những cơn mưa lớn, quãng đường dài trong đêm, chiếc xe chở đầy sự nhiệt huyết, lòng phụng sự và tình yêu đồng bào từ Huế ra đến Đất Cảng là sự cố gắng không ngừng nghỉ của những bạn trẻ. 

Khi lên đường, các anh chị em trong Đội đều với tinh thần tiến ra Hải Phòng, Quảng Ninh hỗ trợ dọn dẹp, khắc phục hậu quả sau bão. Thế nhưng ngay trong đêm đầu tiên ở tại Đồ Sơn, cuộc điện thoại trong đêm thôi thúc Hoàng và đồng đội tiếp tục di chuyển. Dù nhận tin bất ngờ, nhưng như mọi khi ở Huế, tinh thần sẵn sàng luôn ở đó, cả Đội tức tốc đi trong đêm. 

Trong lúc cả Đội di chuyển lên Yên Bái hỗ trợ, trên đường cao tốc đoạn qua xã An Bình, huyện Văn Yên, Đội gặp những người dân đứng chờ xin cứu trợ. “Đến giờ mình vẫn nhớ hình ảnh đó như in. Hai ba người tuổi đã tầm trung, dùng đen pin, cái áo mưa nilon màu vẫy chúng mình trên cao tốc. Thật may lúc đó đoạn đường tốc độ vừa phải, chúng mình dừng xe chia đồ đạc, thức ăn cho mọi người. Để ra được đến đường cao tốc kêu cứu xe qua lại, bà con đã phải đi bộ hơn 3km băng quãng đường ruộng ngập sâu”

“Nhìn mọi người như thế, mình thầm nghĩ, mình phải tiếp tục ở lại Bắc một thời gian nữa để giúp đỡ đồng bào bị lũ lụt, chứ không chỉ dừng lại khắc phục hậu quả sau bão” - anh Hoàng bộc bạch. 

Suốt những ngày sau đó, Đội xe 0 đồng Thừa Thiên Huế với các bạn trẻ kết hợp cùng những nhóm thiện nguyện khác đã có mặt ở những địa bàn nóng cần hỗ trợ, từ Bát Xát, Lào Cai đến Nho Quan, Ninh Bình,... Thế nhưng với thủ lĩnh Đội xe 0 đồng, như thế là chưa “đủ”, Hoàng tiếp tục kêu gọi ở Huế hỗ trợ, giúp đỡ và gửi gắm “những ân tình” từ Cố đô ra cho đồng bào miền Bắc.

Gần 1000 chiếc bánh gói từ bà con xã Phú Hồ, huyện Phú Vang (Thừa Thiên Huế) cùng nhiều vật dụng, thuốc men, nhu yếu phẩm khác đã lên đường, vượt hơn 700 km mang theo những tấm lòng thơm thảo, những trái tim chân thành của người dân Huế.  

“Tôi xúc động lắm. Bà con mình tuyệt vời. Các ông bà 80 - 90 tuổi đến đây mà tim tôi bồi hồi. Đúng là chẳng có thứ tình cảm gì thiêng liêng bằng tình yêu Tổ quốc, dân tộc và đồng bào mình” - Chị Thảo (thôn Di Đông, xã Phú Hồ, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế).

Ngay từ những ngày đầu nghe tin, chị đã gửi một số tiền nho nhỏ ra Hà Nội nhờ bạn chị mua sắm một số lương thực gửi đến những vùng lũ. Thế nhưng chị cảm thấy như thế có thể giúp đỡ ít người, ít vùng quá. Thế là ngay trong một đêm liên lạc với chính quyền địa phương, bạn bè lân cận, sáng hôm sau mọi người đã tập trung tại nhà chị, kịp lúc chị Thảo cũng đi chợ về.

Người vo gạo, người chặt lá, người thái thịt, người làm nhân đậu, người nhóm lửa. Nhìn những đôi chân đã run rẩy tiến về nhà chị Thảo góp sức, những đôi mặt đã không còn nhìn rõ những tay vẫn lau lá, gói bánh cần mẫn. Thế mới biết tình đồng bào ta nồng nàn đến chừng nào. 

Dì Dương Thị Tý (thôn Đông Đỗ, xã Phú Hồ, huyện Phú Vang) tuy đang ốm, chân đang đau nhưng vẫn cố gắng sang cùng mọi người. Dì tâm sự: “Dì thấy lụt bão khiến đồng bào miền Bắc ta thiệt hại, mất mát, chết chốc. Dì rất thương, dì chỉ biết ủng hộ tinh thần. Mặc dù không có của nhưng dì đến đây góp công. Dì cảm thấy mừng vì dân ta đoàn kết, làm bánh ủng hộ, cứu trợ đồng bào mình. Một miếng khi đói bằng một gói khi no”.

Sáng đèn, đỏ bếp suốt 2 ngày đêm, hàng trăm chiếc bánh tét, bánh chưng thơm ngon, đậm tình nghĩa hoàn thành và chuyển ra Bắc. Những “hậu phương” ở Huế đã và đang vững chãi, ủng hộ vật chất và tinh thần như thế với “chiến trường” miền Bắc. 

Họ là những người ông, người bà, những cô chú, anh chị không thể tiến ra Bắc để hỗ trợ trực tiếp như những bạn trẻ trong Đội xe 0 đồng. Nhưng họ gói ân tình, sức mạnh dân tộc vào trong những chiếc bánh kia với hy vọng tiếp thêm động lực cho bà con vùng bão lũ miền Bắc vượt qua giai đoạn khó khăn này. 

Những ngày này, miền Bắc thực sự là “chiến trường” - tất cả phải chống chọi với quá nhiều đau thương, mất mát. Như bao quê hương khác, Huế cùng miền Trung ruột thịt một lòng hướng về miền Bắc. 

Biết bao đồng bào ta như các bạn trong Đội xe 0 đồng Thừa Thiên Huế, vô vàn món quà đầy ân tình như những chiếc bánh gói của bà con Phú Hồ cứ như thế lại tiếp tục lên đường, nối dài trên dải đất hình chữ S dọc ra miền Bắc yêu thương, động viên bà con vùng bão lũ. 

Bằng bất cứ hình thức nào, với bất cứ ai, dù già hay trẻ, dù ra “tiền tuyến” hay ở “hậu phương”, họ đã “làm việc vì tình dân tộc, nghĩa đồng bào” - Trích lời Thủ tướng Phạm Minh Chính. Tất cả đồng bào ta vẫn đang từng ngày từng giờ ôm lấy nhau, yêu thương và đoàn kết một lòng vượt qua những gập ghềnh này. 

  

 
Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN