Trải qua nhiều năm cống hiến cho nền ẩm thực, bánh chưng làng Lỗ Khê luôn giữ vững vị trí lan tỏa những cái hay, cái đẹp trong việc giữ gìn "vị" quê nhà. Từ những công đoạn phức tạp, dày công, chiếc bánh chưng ra đời, đóng vai trò quan trọng đối với nền ẩm thực Việt Nam. Với hương vị đặc trưng nhờ bí quyết gói và luộc bánh, bánh chưng Lỗ Khê không chỉ là món ăn gắn liền với ngày Tết cổ truyền mà còn là niềm tự hào của người dân nơi đây.
Gói bánh chưng mỗi dịp Tết đến, xuân về là truyền thống thường niên của làng Lỗ Khê. Trước kia, người dân chỉ gói bánh mỗi dịp Tết Nguyên đán nhưng những năm gần đây, do sự phát triển của xã hội và nhu cầu tăng cao của người dân, bánh chưng của làng còn được phục vụ trong nhiều sự kiện, lễ hội văn hóa, được đặt trên mâm cơm của các bữa tiệc liên hoan. Làng Lỗ Khê dần mở rộng phát triển làng nghề, đưa việc sản xuất bánh chưng trở thành thu nhập chính trong gia đình.
Sau khi sản phẩm được hoàn thành, bánh được mang đi phơi khô và hút trên không để bảo quản. Khi đến với tay khách hàng, những chiếc bánh chưng thơm ngon này thường được bán với mức giá phổ biến khoảng 45.000 đồng/ chiếc bánh. Bà Lành cho biết gói bánh chưng còn đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế địa phương, góp phần tạo công ăn việc làm cho nhiều người: “Từ việc gói và bán bánh chưng, chúng tôi có thể phát triển thêm kinh tế trong gia đình. Nhiều người cũng có thêm công ăn việc làm trong dịp Tết để trang trải cuộc sống, đón một cái Tết đầy đủ hơn”.
Làng nghề truyền thống không chỉ lưu giữ những giá trị tinh thần quý báu, gắn kết cộng đồng mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Làng nghề bánh chưng Lỗ Khê đã không ngừng gìn giữ hương vị Tết cổ truyền, lan tỏa tinh hoa ẩm thực qua biết bao thế hệ. Những chiếc bánh chưng được làm ra không chỉ thể hiện sự khéo léo, tâm huyết của người thợ mà còn góp phần làm phong phú cho di sản văn hóa Việt Nam, nối liền quá khứ với hiện tại trong dòng chảy thời gian, khẳng định sức sống bền bỉ của truyền thống giữa nhịp sống hiện đại.
Dù làng Lỗ Khê đóng vai trò quan trọng trong việc giữ gìn văn hóa ẩm thực Việt Nam nhưng làng nghề vẫn đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Những năm gần đây, nhiều nguồn thông tin đồn thổi rằng bánh chưng làng Lỗ Khê sử dụng chì và pin để luộc bánh, bán ra thị trường. Giải thích cho những tin đồn không có căn cứ trên, bà Phạm Thị Lành cho biết bánh chưng Lỗ Khê từ lâu nay luôn có hiệu ứng tốt, sản phẩm bán ra thị trường không chỉ đem về lợi nhuận kinh tế mà còn đón nhận được nhiều tình cảm nồng nhiệt, sự tin cậy, yêu thương của người dân.
“Đó cũng là lý do khiến nhiều nơi sản xuất bánh chưng khác đố kị và đi lan truyền những thông tin không chính xác về bánh chưng Lỗ Khê, khiến chúng tôi luôn phải đính chính thông tin, chứng minh cho người dân khi họ tra hỏi về vấn đề này”, bà Phạm Lành bức xúc chia sẻ. Theo quan sát và ghi nhận trực tiếp của phóng viên, sự thật là làng Lỗ Khê luôn sử dụng nguồn nước sạch, tinh khiết để luộc bánh nhằm cho ra những chiếc bánh vừa thơm, vừa dẻo, vừa ngọt.
Đối diện với những khó khăn trên, những nghệ nhân làm bánh tại làng Lỗ Khê vẫn luôn làm việc chăm chỉ, chịu khó nâng cao tay nghề để sản xuất ra những sản phẩm chất lượng, phục vụ nhu cầu ngày càng cao của người dân và chứng minh sự trong sạch, uy tín của bánh chưng Lỗ Khê. “Một chiếc bánh chưng được người dân khen ngon và nhiệt tình ủng hộ chính là động lực lớn nhất để chúng tôi tiếp tục phát triển rộng rãi thương hiệu, nâng cao chất lượng bánh của mình”, bà Lành cho hay.
Chia sẻ về niềm vui gói bánh chưng dịp Tết, bà Chu Thị Thơ (75 tuổi) cho biết: “Năm nào tôi cũng tới đây hỗ trợ chủ xưởng gói bánh. Một ngày chúng tôi có thể gói được vài trăm, thậm chí lên hàng nghìn chiếc bánh. Năm nay, số lượng đặt hàng đang tăng lên so với năm ngoái, đây là một tín hiệu tốt đối với xưởng bánh của chúng tôi”. Đối với bà Thơ, việc hỗ trợ các chủ xưởng gói bánh chưng không chỉ giúp bà kiếm một chút thu nhập ở tuổi già mà còn giúp bà kết nối thêm với những người bạn chung sở thích, niềm đam mê với việc gói bánh chưng.
Trong thời kì hội nhập văn hóa toàn cầu, nước ta không chỉ tiến hành hội nhập về âm nhạc, điện ảnh, nghệ thuật, ngôn ngữ,... mà còn hội nhập về ẩm thực. Nhiều món ăn mới du nhập vào đất nước ta khiến một vài bộ phận giới trẻ tỏ ra thờ ơ với chiếc bánh chưng truyền thống. Nhiều gia đình vì bận rộn với công việc thường ngày nên không tạo nhiều sân chơi để con em được tiếp xúc với truyền thống gói bánh chưng ngày Tết. Đây cũng là nỗi trăn trở, băn khoăn lớn của các gia đình tại làng Lỗ Khê.
Bà Lành tâm sự: “Tôi rất muốn truyền nghề cho các thế hệ tiếp theo, cho con, cho cháu của tôi. Tôi hy vọng con cháu tôi sẽ học và rèn nghề thật tốt để duy trì xưởng bánh của tôi ngày càng phát triển”.
Trước niềm mong mỏi giữ nghề của bà Lành, bạn Phạm Văn Giang (14 tuổi) cho biết, bạn rất muốn tiếp nối truyền thống của làng nghề. “Ngày Tết, mình luôn được chứng kiến ông bà, bố mẹ, họ hàng quây quần bên nhau gói bánh chưng. Mình cảm nhận được niềm vui, hạnh phúc, sự sum vầy và ấm áp trong dịp lễ này. Cùng với đó, mình cảm thấy ngày Tết vui vẻ, ý nghĩa hơn khi các thành viên trong gia đình cùng nhau gói bánh, luộc bánh rồi cúng giao thừa”, Phạm Giang hào hứng chia sẻ.
Bánh chưng không chỉ là một món ăn, mà còn là biểu tượng của văn hóa, lịch sử và tinh thần dân tộc Việt Nam. Qua từng lớp lá dong xanh, từng hạt gạo nếp trắng, bánh chưng lưu giữ câu chuyện về lòng biết ơn tổ tiên và khát vọng hòa bình. Mỗi dịp Tết đến, hình ảnh gia đình quây quần bên nồi bánh chưng sôi lửa trở thành biểu tượng của sự đoàn tụ và yêu thương. Bánh chưng đã vượt qua thời gian, gắn kết thế hệ, mang hương vị truyền thống thấm đượm tình quê hương. Giữ gìn bánh chưng không chỉ là giữ lửa cho bếp nhà, mà còn là giữ hồn cho văn hóa ẩm thực Việt.
Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"
(Sóng trẻ) - 14h30 ngày 05/12/2024, Trang tin điện tử Sóng trẻ sẽ tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Đi và viết khi ta còn trẻ”.
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.
Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam
(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.