(Sóng trẻ) – Làng gốm Hương Canh (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) trải qua bao biến cố, thăng trầm của thời gian, là một làng gốm nức tiếng xa gần nay cũng đã vang bóng một thời, dần đi vào quên lãng, mai một. Về làng gốm Hương Canh, nghệ nhân còn giữ nghề gốm chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Nhưng không vì thế mà gốm Hương Canh tự đánh mất mình, vẫn có những con người âm thầm, bền bỉ giữ nghề, tiếp lửa cho gốm Hương Canh hồi sinh. Một trong số đó phải nhắc tới nghệ nhân Nguyễn Hồng Quang – đôi bàn tay tài hoa thổi luồng gió mới cho nghề gốm truyền thống Hương Canh.



Theo chân cán bộ huyện Bình Xuyên, về làng gốm Hương Canh trong một buổi chiều lộng gió. Đi sâu vào những con ngõ nằn nèo chúng tôi cũng đã tìm được đến nhà anh Nguyễn Hồng Quang. Người mà anh cán bộ huyện Bình Xuyên giới thiệu là người duy nhất còn giữ nghề làm gốm Hương Canh truyền thống đúng lối xưa. Đi vào con ngõ mà bờ tường chất kín những thanh củi to, nhỏ đủ loại bao quanh bờ tường kéo dài đến tận cuối xóm, chúng tối bước vào xưởng gốm của anh Quang bắt gặp một khung cảnh vô cùng đông vui với sự xuất hiện có rất đông những bạn trẻ, những bạn sinh viên từ Hà Nội xuống học làm gốm. Xưởng gốm chừng 300m2 chật kín những sản phẩm gốm mỹ nghệ vô cùng bắt mắt, độc đáo được bày trí trên kệ theo hàng lối rất ngăn lắp. Khi ấy anh Quang vẫn đang tỉ mỉ hướng dẫn các bạn trẻ vuốt gốm, vẽ gốm.
 

Thấy đoàn chúng tôi đến, anh Quang cho các nhóm sinh viên tự vẽ gốm, anh đến tiếp chúng tôi. Thoạt nhìn thấy anh Quang cho người ta cái cảm nhận về một người nghệ nhân làm gốm trẻ tuổi đậm chất nghệ sĩ, giọng nói vang sáng, nụ cười tươi hồ hởi mời chúng tôi tiếp chuyện về gốm về anh về những điều anh làm để giữ nghề gốm truyền thống. Một cảm giác gần gũi đan xen những hào hứng tìm hiểu về người nghệ nhân đặc biệt này khiến cuộc trò chuyện của chúng tôi với anh Quang càng thêm những hứng khởi được khơi gợi.


Vùng đất Hương Canh (tỉnh Vĩnh Phúc) từ lâu đã nổi tiếng với sản phẩm gốm sành. Được nung ở nhiệt độ cao, gốm sành Hương Canh giữ được vẻ đẹp mộc mạc, tự nhiên và có độ bền cao. Những sản phẩm nổi tiếng làm nên thương hiệu gốm Hương Canh là chum, vại, nồi niêu, ấm chén,… Tuy nhiên, do không kịp chuyển mình để bắt kịp với thị hiếu và cơ chế thị trường, gốm Hương Canh dần mất đi chỗ đứng trên thị trường. Làng gốm Hương Canh nổi tiếng ngày nào tấp nập buôn bán, giờ trở nên yên ắng. Những chuyến xe đến và đi để vận chuyển sản phẩm đi tiêu thụ giờ chỉ là dĩ vãng. Cả làng Hương Canh giờ chỉ còn 7 hộ làm gốm trong đó còn 6 hộ còn giữ nghề gốm truyền thống. Các hộ còn giữ nghề gốm cũng hoạt động cầm chừng, không đem lại hiệu quả kinh tế như trước.
 
Đau đáu trước nguy cơ mai một làng nghề truyền thống của cha ông, chàng trai trẻ Nguyễn Hồng Quang năm đó đã quyết định lựa chọn và thi đỗ vào Khoa Điêu khắc, Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Suốt những năm tháng ngồi trên ghế giảng đường, anh Quang luôn trăn trở làm sao để gốm Hương Canh có thể vực dậy và tìm được chỗ đứng trên thị trường. Sau nhiều lần nghiên cứu, tìm tòi và học tập mô hình của nhiều làng gốm, anh Quang nung nấu quyết tâm: Phải khoác cho cái chum, cái vại Hương Canh một bộ áo mới, tinh tế và có hồn hơn.Với quyết tâm cháy bỏng khôi phục nghề quê hương, anh Quang bắt tay làm gốm mỹ thuật. “Nếu mà mình vẫn cứ làm chum, vại, tiểu như ông cha thì mình bỏ sức ra rất nhiều nhưng cái hưởng lợi từ việc bỏ sức ra và cái mình đầu từ không đáng. Không thể dừng ở đấy, phải bắt buộc vận động, phải học từ các bạn, các thầy và bản thân mình cũng phải nỗ lực đi theo đuổi những trường đại học liên quan đến nghệ thuật để nâng tầm gốm, không chỉ là gốm dân dụng mà là gốm nghệ thuật” – anh Quang chia sẻ.

Vốn “con nhà nòi” 3 đời làm gốm lại năng khiếu từ nhỏ, bắt đầu được tiếp xúc với gốm, anh Quang đã quyết định đi theo con đường này. Với anh Quang, “được làm cái nghề mà mình yêu thích thì cái tâm huyết của mình sẽ tốt hơn, trọn vẹn hơn”. Sự cộng hưởng giữa hoài bão làm mới nghề gốm quê hương với kiến thức được đào tạo bài bản, được sự hướng dẫn và chỉ bảo tận tình của người cha, tay nghề của anh Quang nhanh chóng được nâng cao.


Sau khi tốt nghiệp đại học, trở lại quê hương với hoài bão của một chàng trai trẻ muốn dựng lại “thời hoàng kim” của làng gốm Hương Canh vang bóng một thời nhưng chỉ có một mình, anh Quang lực bất tòng tâm. Lúc mới ra trường, anh Quang cùng với gia đình phát triển các sản phẩm truyền thống của gốm Hương Canh như chum, vại, sành, tiểu… theo nhu cầu của thị trường. Anh Quang mạnh dạn đầu tư lò nung bằng ga để nung các các sản phẩm truyền thống, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nung được nhiều sản phẩm cùng lúc, vừa đạt hiệu quả cao từ 95 - 100%. Cùng với đó, anh Quang mày mò học hỏi kinh nghiệp từ bố, mẹ, những bậc già làng trưởng bối trong làng để gây dựng lại cách đốt lò gốm thủ công để phục vụ cho các sản phẩm gốm sành mỹ thuật.

 
Việc chuyển đổi, vận động theo nhu cầu thị trường từ gốm dân dụng sang gốm nghệ thuật lại là một quá trình với vô vàn khó khăn với anh Quang. Với người dân Hương Canh xưa nay, chỉ biết và hiểu gốm đơn thuần là vại làm dưa, chum làm tương, chỉ để ở góc vườn, xó bếp. Nhưng với anh Quang, những sản phẩm gốm chính anh làm ra không còn đơn thuần là những chum, những vại để ở xó bếp hay sân vườn mà là những sản phẩm gốm nghệ thuật có giá trị thẩm mỹ cao trang trí ở bàn uống nước, phòng khách, thâm chí được đưa lên ban thờ. Anh Quang luôn tâm niệm, việc giữ gìn và nâng tầm giá trị của gốm Hương Canh là trách nhiệm của anh. “Khi tôi đã quyết định đi với gốm, yêu gốm, thì mình phải có trách nhiệm với nó. Một cân đất mà bố mẹ tôi làm gốm thì chỉ bán được 15 đến 20 nghìn nhưng tôi không thể bán như thế được. Tài nguyên nó hạn chế, dùng mãi cũng sẽ hết nên trách nhiệm của mình với quê hương là phải biến một cân đất phải là 500 nghìn…” – anh Quang tâm sự. 

 
Theo anh Quang, một yếu tố quan trọng để nâng tầm giá trị của các sản phẩm truyền thống nói chung và với gốm Hương Canh nói riêng đó là việc lắng nghe của người làm nghề. Bản thân mỗi người làm nghề, nhất là làm nghề truyền thống cần phải là một người biết lắng nghe, “lắng nghe phản ứng của thị trường, lắng nghe thời cuộc và bản thân mình cũng phải vận động theo nó” – anh Quang chia sẻ.

Có gặp anh Quang, có nghe những câu chuyện đau đáu của anh với nghề gốm mới thấu hiểu con người này yêu gốm đến thế nào? Luôn nghĩ tới sự phát triển của làng nghề, luôn tìm tòi, chuyển mình theo nhu cầu của thị trường để sản xuất ra những sản phẩm gốm chất lượng kết tụ trong đó cả giá trị truyền thống gốm Hương Cảnh cả nét mới của giá trị nghệ thuật đương thời đã khiến gốm Hương Canh dần hồi sinh dưới bàn tay và tâm hồn tài hòa của những con người tận hiến như Nguyễn Hồng Quang.


Lựa chọn hướng đi mới cho làng nghề gốm truyền thống, anh Quang bắt tay sản xuất những sản phẩm gốm nghệ thuật thủ công. Mặc dù là những sản phẩm mang giá trị thẩm mỹ cao về nghệ thuật nhưng những sản phẩm này vẫn mang dấu ấn đặc trưng đậm nét của gốm Hương Canh xưa. Màu gốm nâu, đỏ mộc mạc, gần gũi, âm gốm khi gõ trong, thanh. Vừa giới thiệu đặc trưng gốm Hương Canh, anh Quang vừa cầm trên tay một bình gốm lấy tay gõ vào thân gốm cho chúng tôi được tận mắt thấy, tận tai nghe thứ âm thanh trong vắt như tiếng chuông vang vọng khắp không gian xưởng gốm. 
 

Theo lời anh Quang, để sản xuất ra một sản phẩm gốm nghệ thuật thủ công cần trải qua rất nhiều công đoạn cầu kì, tỉ mỉ, cẩn trọng. Đầu tiên là công đoạn xử lí đất thô. Đất làm gốm Hương Canh có hai loại là đất nâu và đất xanh. Mỗi loại đất lại có một đặc trưng riêng. Đất nâu tạo cho xương gốm cứng, âm gốm vang, ngân thích hợp làm các sản phẩm gốm kiến trúc như con tiện cầu thang, lan can, ống nối,… Còn đất xanh là đất trầm tích tạo độ mịn, âm trong cho gốm. Khi kết hợp cả hai loại đất với nhau sản phẩm gốm sẽ có được bề mặt láng mịn. Tùy vào từng sản phẩm thì sử dụng mỗi loại đất hoặc kết hợp chúng với nhau.

Đất lấy từ nài đồng về phải trải qua nhiều công đoạn khác nhau như: phơi đất, đập nhỏ, cho vào bể ngâm, cho vào máy khuấy, tiến hành lọc 5 lần từ bể này sang bể kia bằng tấm lọc 140 lỗ/ 1m2 để có thể tạo ra loại đất mịn hơn bột. Sau công đoạn xử lí đất đến công đoạn vuốt tay tạo hình sản phẩm. Một người thợ một ngày vuốt được từ 5 – 10 sản phẩm. Sau công đoạn vuốt tay, đến công đoạn quan trọng nhất đó là nung đốt bằng lò thủ công. Khi nung đốt bằng lò thủ công sẽ tạo được màu lửa cho gốm điều này là một nét độc đáo nhưng cũng là một hạn chế của gốm Hương Canh khi con người không lường trước được kết quả nên gốm hay bị biến dạng. Tất cả các công đoạn để làm ra được một sản phẩm gốm nghệ thuật hoàn toàn được làm thủ công bằng tay nên giá trị của một sản phẩm gốm nghệ thuật Hương Canh có giá rất cao. Bởi vậy mà, anh Quang vừa cười vừa nói: “Gốm Hương Canh chỉ bán cho người giàu, chỉ chơi với người giàu”.

 
Từ những chum làm tương, vại muối cà muối dưa, dưới bàn tay tài hoa và một tâm hồn nghệ sĩ của mình anh Quang đã biến hóa nắm đất quê hương thành những bức phù điêu đậm chất nghệ thuật, những bình gốm, những chiếc lọ với những tạo hình bắt mắt, thẩm mỹ cao,… nâng tầm giá trị cho sản phẩm gốm quê hương.  Sản phẩm gốm của anh Quang không chỉ có mặt ở khắp các tỉnh thành trong nước từ Bắc vào Nam mà còn đã và đang chinh phục nhiều thị trường quốc tế khó tính như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan,… Với trung bình từ 300.000 – 500.000 đồng/ 1 sản phẩm, thu nhập hàng tháng lên tới 50 triệu đồng/ 1 tháng, anh Quang đã và đang khẳng định con đường mình đi đã đúng và thành công. Với vị thế anh đã xây dựng cho gốm Hương Canh ngày hôm nay có trong có cả sự quyết tâm và tình yêu mãnh liệt với gốm, với nghề truyền thống, với quê hương. 

Với anh Quang ở thời điểm hiện tại: “Hạnh phúc là ngày nào cũng được vào xưởng, hạnh phúc là ngày nào cũng được sờ vào gốm”. Anh vừa nói, vừa thoăn thoắt nhúng cây cọ vào lọ màu vừa đưa bàn xoay vẽ những nét vẽ men theo vành lọ gốm trên bàn xoay.  Anh chăm chú, tỉ mỉ mắt không rời cây cọ và bình gốm.

Nhìn những người thợ trẻ thoăn thoắt vuốt nặn gốm bên bàn xoay, hay miệt mài, tỷ mẩn từng nét vẽ trang trí sản phẩm, chúng tôi hiểu rằng tình yêu tha thiết với gốm đã giúp tâm hồn họ thăng hoa. Gốm Hương Canh hôm nay không chỉ còn là những chum, vại, tiểu sành đơn sơ mà thực sự trở thành những tác phẩm nghệ thuật tinh sảo, đem lại giá trị kinh tế cao.  Gốm Hương Canh vẫn sẽ sống và thâm trầm với cuộc đời nhờ những nghệ nhân có tâm, có tầm như Nguyễn Hồng Quang.


Bài, ảnh và thiết kế:  Công Bắc



Người khoác áo mới cho gốm truyền thống Hương Canh

(Sóng trẻ) – Làng gốm Hương Canh (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) trải qua bao biến cố, thăng trầm của thời gian, là một làng gốm nức tiếng xa gần nay cũng đã vang bóng một thời, dần đi vào quên lãng, mai một. Về làng gốm Hương Canh, nghệ nhân còn giữ nghề gốm chỉ

Video 5 năm trước