Chúng tôi gặp Nhà giáo Ưu tú Đỗ Ca Sơn (sinh năm 1932, quê làng Dục Tú, Đông Anh) vào những ngày cuối thu tại nhà riêng thuộc khu chung cư cao cấp ở Hà Nội. Người thầy giáo ấy nguyên là Trung đội trưởng thuộc Tiểu đoàn 251, Trung đoàn 174, Đại đoàn 316 tham chiến trực tiếp tại cứ điểm đồi A1 trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng thời là cựu giảng viên tiếng Nga - Đại học Sư phạm Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, tác giả của cuốn sách “Người lính Điện Biên kể chuyện”.
Ở tuổi ngoài 90, Nhà giáo Ưu tú Đỗ Ca Sơn tóc bạc trắng, mắt mờ, tay run run và tai cũng đã lãng phần nào nhưng trí tuệ vẫn còn đầy mẫn tiệp. Phong thái của ông còn đầy vẻ hiên ngang, khí phách của người lính Điện Biên thuở nào.
Trong cuốn sách “Người lính Điện Biên kể chuyện” được xuất bản lần đầu cách đây 10 năm mà chính ông là tác giả, ông chia sẻ: “Tôi không kể lịch sử chiến dịch, không kể về những diễn biến của chiến dịch mà kể chuyện về những người lính chúng tôi ở Trung đoàn 174 của Đại đoàn 316 đã chiến đấu như thế nào, sống như thế nào trong 56 ngày đêm ấy”.
Trong suốt cuộc trò chuyện, ông nói với chúng tôi những điều tương tự. Ông bảo mình cũng chỉ là một người lính ở dưới chiến hào, chẳng có gì đặc biệt, chẳng có thành tích gì để mà ghi nhận, có chăng là “may mắn hơn những người đồng đội vì còn sống để còn cơ hội ngồi đây kể chuyện”. Nhiều lần trong cuộc trò chuyện, người thầy giáo ấy mắt đỏ hoe, đã cố kìm nén nhưng vẫn rưng rưng khi nhắc về những người đồng đội – những người mà theo ông, “họ cần phải được nhớ tới, họ cũng xứng đáng ngồi đây kể chuyện hơn tôi, nhưng không thể”.
Năm 1949, chàng thanh niên Đỗ Ca Sơn khi ấy 17 tuổi đang là học sinh cuối cấp 3 đã tự nguyện xung phong lên đường nhập ngũ. Bấy giờ, việc nhập ngũ là tự nguyện, không giống nghĩa vụ quân sự như hiện tại. “Thế hệ thanh niên chúng tôi thời ấy có tinh thần yêu nước sục sôi lắm. Chúng tôi thấy những người lính khi ấy sao mà hiên ngang, sao mà oai hùng đến vậy. Chúng tôi xung phong lên đường vì lý tưởng, một lý tưởng thực sự cao đẹp”, Nhà giáo Ưu tú Đỗ Ca Sơn bày tỏ.
Vài tháng sau khi nhập ngũ, ông có trận đánh đầu tiên tại chiến dịch Đông Khê 1950. Ông gọi đó là trận đánh “mở lửa” với tư cách là một người lính của mình. Kể từ đó cho tới kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ, các trận đánh lớn nhỏ của Đại đoàn 316, ông đều tham gia chiến đấu.
Ngày 26/1/1954, sau một đêm thức trắng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp (bấy giờ là Tổng tư lệnh quân đội) đã đưa ra quyết định khó khăn nhất của cuộc đời chỉ huy của mình. Đó là thay đổi kế hoạch tác chiến từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, đào hầm hào để bao vây, tiến sát các vị trí của địch, chủ động tiêu diệt địch.
Trung đoàn 174 do ông Đỗ Ca Sơn làm Trung đội trưởng khi ấy nhận nhiệm vụ đào hầm, hào. Mỗi đêm, mỗi chiến sĩ được khoán đào 2m giao thông hào. Kết thúc chiến dịch, Trung đoàn 174 đã đào được 27km đường giao thông hào trục và đường giao thông hào nhánh nối các đường trục với nhau. Ông Sơn chia sẻ, về sau ông mới hiểu, chính việc đào giao thông hào như thế đã hình thành một mạng lưới giao thông hào như mạng nhện bủa vây đồi A1.
“Đào hào rất vất vả, mức khoán cao, mà đêm nào cũng có thương vong. Sau mỗi đêm đi đào trận địa, quân số lại giảm dần. Mỗi tấc đất chiến hào đều phải trả bằng máu. Quân địch khi phát hiện ra chúng tôi đào hào thì ném bom, gài mìn rồi bắn phá. Ngày đầu tiên có 100 người, đến hôm sau chỉ còn 80 người, đến đêm sau nữa còn lại chỉ 60 người. Đào trận địa cũng là một cuộc chiến ác liệt, dai dẳng và đẫm máu không kém gì những cuộc tiến công giáp lá cà”, ông ngậm ngùi nhớ lại.
Ông Sơn tiếp tục: “Ngày nay chúng ta nói với nhau rằng chiến dịch Điện Biên Phủ kéo dài 56 ngày đêm. Nhưng với người lính Điện Biên chúng tôi, chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra trong khoảng 100 ngày. Bởi từ trước đó, chúng tôi đã có thương vong, đã có hy sinh”.
Người cựu binh đồi A1 cho biết, ở chiến trường Điện Biên, bất kỳ lúc nào cũng có thể chết. Kể tới đây, khóe mắt ông đỏ hoe và rơm rớm nước mắt. Ông xòe hai bàn tay, đưa lên ngang ngực rồi xúc động kể tiếp: “Hai bàn tay này trước khi cầm lại bút, cầm lại sách vở và viết bảng đã phải vùi hơn 100 đồng đội. Hai bàn tay này ngày ấy lúc nào cũng đẫm máu, không phải máu kẻ thù hay máu mình, mà là máu những đồng đội đã hy sinh.
Lúc này tôi đang vùi đồng đội, nhưng cũng chẳng thể biết ngay sau đó thôi, có thể chính tôi lại là người được các đồng đội khác vùi xuống. Lính Điện Biên thời ấy chỉ được vùi qua loa, không phải được chôn cất. Mỗi một tấc đất trên đồi A1 đều có máu xương của bộ đội ta ngã xuống”.
Hàng chục đạn pháo của địch liên tục bắn vào sau đồi làm đất đá tụt xuống khiến ông Sơn bị vùi theo. Rất may cả hai lần đó ông đều được đồng đội kịp lôi ra. Ông Sơn cho biết thêm, công tác hậu cần trong chiến dịch Điện Biên Phủ ngoài dự trù lương thực, nước uống, thuốc men… thì có một thứ dự trù khiến ai cũng đau lòng. Đó là dự trù vải liệm, dự trù cho những cái chết.
Ký ức về những chiến hào “máu thịt trộn bùn non” có lẽ sẽ đi theo Nhà giáo Ưu tú Đỗ Ca Sơn tới hết cuộc đời. Ông cho biết, việc di chuyển dưới những hầm, hào ngày ấy dần trở thành nỗi sợ đối với những người lính. Không phải vì sợ chết, sợ hy sinh vì địch nã đạn pháo mà sợ vì phải giẫm lên xác đồng đội.
“Có những người bị thương hoặc đã hy sinh chưa kịp mai táng vẫn còn đang nằm dưới chiến hào. Khi di chuyển, chúng tôi không có cách nào vượt qua mà không giẫm vào các đồng đội”, ông hồi tưởng.
Ông Sơn chia sẻ, mỗi lần như vậy, ông phải lấy que gạt đi cả bùn đất và máu thịt của đồng đội. Vừa làm, nước mắt ông lại chảy ròng ròng.
Trong những bữa cơm thường ngày, cảnh tượng chua xót ấy cũng diễn ra. Bữa cơm của những chiến sĩ Điện Biên chỉ có một nắm cơm, hai con cá khô và muối. Nắm cơm ấy khi đưa vào miệng còn có cả mùi máu đồng đội. Bởi trong chiến trường, nước uống còn thiếu thốn, nước sinh hoạt lại càng xa xỉ nên những người lính không có nước để rửa tay. Những vết máu khô vẫn luôn bám dính trên những kẽ ngón tay của họ.
Mấy chục ngày dưới chiến hào không được tắm, mỗi người lính chỉ có hai bộ quần áo thay đổi. Bộ quần áo trên người lúc nào cũng ướt đẫm mồ hôi, còn có cả bùn và máu bám dính trên những bộ quần áo đó. Những cựu binh đồi A1 sau này gặp lại nhau vẫn hay đùa vui: “Ngày ấy bọn mình phá kỷ lục thể giới về… bẩn”. Bởi thiếu nước, nên họ có bốn không: không đánh răng, không rửa mặt, không tắm và không thay quần áo.
Sau trận đánh đầu tiên trên đồi A1 ngày 30/3/1954, Đại đội của ông có 100 người thì chết và bị thương quá một nửa. Những người còn sống sót vừa mệt mỏi lại vừa thương đồng đội. Những nắm cơm lăn lóc trên chiến hào, nhiều người chẳng buồn ăn. Anh nuôi ném mạnh con dao và nắm cơm đang cắt dở, nước mắt giàn giụa: “Nấu cơm mà chẳng thằng nào ăn thì nấu cơm để làm gì?”.
Sau câu nói nghẹn ngào ấy, anh nuôi quyết định cầm súng ra chiến trường. Bởi đằng nào cũng chết, chết với tư cách là chiến sĩ vẫn hơn là chết với tư cách anh nuôi. Những tân binh mới bổ sung của đơn vị sau đó lại trở thành anh nuôi.
Hơn 70 năm đã trôi qua, cựu binh đồi A1 Đỗ Ca Sơn vẫn còn ngậm ngùi, xúc động khi nhắc đến những người anh nuôi. Ông bảo không chỉ Điện Biên mà chiến dịch nào cũng có anh nuôi hi sinh. Nhưng không có trận đánh nào, không có chiến dịch nào mà anh nuôi chết nhiều như ở đồi A1.
Có những ngày đường tiếp tế bị địch khống chế khiến các chiến sĩ bị đứt bữa, bị đói bị khát. Anh nuôi gánh nước, gánh cơm lên tiếp tế, nhưng cứ lên lại bị pháo địch bắn chết. Những chiến sĩ ở trên vừa thét lên vừa khóc, nước mắt giàn giụa: “Thôi, đừng lên nữa mà chết, trên này không cần gì nữa. Lên thằng nào chết thằng ấy thì mang lên để làm gì?”.
“Chúng tôi thà chịu đói, chịu khát còn hơn phải thấy anh nuôi chết nhiều như vậy”, ông xót xa.
Chiều ngày 7/5/1954, quân Pháp chính thức đầu hàng, những người lính ở đồi A1 trong đó có ông Đỗ Ca Sơn đều vui mừng, nhưng chẳng ai reo hò bởi họ gần như đã kiệt sức. Họ nắm tay, ôm chặt lấy nhau, thi thoảng có người đấm vào đồng đội để tỏ vẻ vui mừng. “Tôi cũng nắm tay đồng đội lên khỏi chiến hào. Lên tới mặt đất, tôi nằm duỗi thẳng người ra, mặt ngửa lên trời rồi bảo: “Chúng mày ơi sống rồi”.
Sau giây phút đó, tôi nghĩ về mẹ và các em tôi vẫn còn ở vùng bị tạm chiếm. Tôi nói thầm một mình: “Mẹ ơi, con sống rồi… Con sống rồi. Thế nào con cũng về tìm gặp mẹ và các em, mẹ nhé!”. Kháng chiến xa nhà, tôi như nhiều anh em khác, nhớ nhà lắm chứ. Bên cạnh đó là nỗi khao khát được trở về quê hương, về lại ngôi làng của mình”, ông Sơn bộc bạch.
Do biết tiếng Pháp nên khi chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, ông được giao nhiệm vụ dẫn giải 600 tù binh từ Điện Biên về Thanh Hóa để trao trả cho Pháp. Trên đường trao trả tù binh, phải đi bộ hơn 500km, nhiều binh lính Pháp không quen và coi đó là “địa ngục”. Trong cuộc hội ngộ, họ cũng than phiền với ông về điều đó. Ông liền phân tích lại cho những cựu binh Pháp để họ hiểu rằng, quân đội Việt Nam không có sự phân biệt đối xử và ngược đãi tù binh. Những phân tích của ông khi ấy hợp tình, hợp lý khiến những cựu binh Pháp phải đồng tình.
Sau này khi về hưu, ông Sơn dành nhiều thời gian để đi phiên dịch cho khách du lịch Pháp và bận bịu kể chuyện Điện Biên Phủ cho các nhà văn, nhà báo, học sinh trong nước và nước ngoài, đặc biệt với các bạn Pháp. Những câu chuyện ông kể đều rất xúc động và hấp dẫn người nghe ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ. Điều đó làm ông tin rằng, thế hệ trẻ không thờ ơ với quá khứ, ngược lại, thế hệ trẻ rất trân trọng các giá trị lịch sử nếu họ được truyền đạt, giáo dục đúng cách.
Đó cũng luôn là tâm tư, nguyện vọng của ông, muốn cho càng nhiều người biết rằng những người ở thế hệ của ông đã mất mát, hy sinh như thế nào để làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
“Những người đồng đội của tôi cần phải được nhớ tới sự hy sinh của họ. Khi chúng ta rất sôi nổi kỷ niệm chiến thắng thì phải nghĩ đến những liệt sĩ đã ngã xuống”, ông bày tỏ.
Đó cũng chẳng biết là lần thứ bao nhiêu trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, Nhà giáo Ưu tú Đỗ Ca Sơn cố gắng kìm nén sự xúc động khi nhắc về các đồng đội. Cảm xúc, tình cảm của ông dành cho các đồng đội có lẽ chưa bao giờ phai mờ mà mỗi lần nhắc lại, vẫn đầy sự xót thương.
Ông bảo mỗi lần tới thăm lại chiến trường xưa, thấy mộ của những đồng đội xếp hàng dài tít tắp, ông lại càng chạnh lòng, xót xa. Bởi ông vẫn được sống, được hạnh phúc, có sự nghiệp, được kính trọng…, còn những đồng đội của ông mãi mãi nằm lại ở chiến trường xưa, tuổi đôi mươi.
Đó là câu trả lời của Nhà giáo Ưu tú Đỗ Ca Sơn khi chúng tôi hỏi về điều gì làm nên sức mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam gần 80 năm qua kể từ lúc được thành lập vào năm 1944. Ông bảo, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, mọi tinh thần, phẩm chất của người lính bộ đội cụ Hồ đều được bộc lộ rất rõ, nhưng ông muốn kể nhiều hơn về tinh thần đoàn kết, thương yêu nhau của họ. Điều ấy được thể hiện ở ngay người Tổng tư lệnh quân đội là Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Ông chia sẻ: “Tôi muốn nói về lòng nhân ái của Đại tướng Tổng tư lệnh. Ông ấy thương lính lắm. Quân đội nhân dân Việt Nam, từ Tổng tư lệnh đến các chiến sĩ đều hay xúc động, dễ rơi nước mắt. Sau chiến thắng, nghe báo cáo về quân số tại các đơn vị hy sinh và bị thương, nhiều tiểu đoàn trưởng, trung đoàn trưởng không trở về, Đại tướng lại khóc…”.
Tại chiến trường, các chiến sĩ mắc bệnh sốt rét không phải là điều quá xa lạ. Nhưng thuốc chống sốt rét lại không đủ. Trung đoàn 174 của ông Sơn khi ấy có khoảng hơn 30 người nhưng chỉ được cấp phát 20 viên thuốc. Ông nhớ lại: “Tôi phát cho đồng chí nào, các anh ấy cũng từ chối nhận và bảo tôi đưa cho đồng đội khác. Nếu mỗi người chỉ có một viên thì mười mấy người sẽ không có viên nào. Ai cũng hiểu rằng, 1 viên thuốc này chẳng ăn thua gì, phải 3 viên mới có hiệu quả. Nhưng nếu 3 viên mới hiệu quả thì chỉ có 7 người được dùng thuốc. Không ai nỡ lòng nào nhận 3 viên thuốc ấy rồi bỏ mặc các đồng đội của mình. Sau đấy chúng tôi quyết định hòa tan cả 20 viên thuốc ấy vào bi đông nước rồi mỗi anh làm 1 ngụm”.
Một điểm tựa vững chắc nữa của Quân đội nhân dân Việt Nam theo cựu chiến binh Điện Biên Đỗ Ca Sơn chia sẻ, đó là nông dân, nông thôn Việt Nam.
Lý giải điều này, Nhà giáo Ưu tú Đỗ Ca Sơn cho biết: “Tôi xin nói thế này, mặc dù thiếu thốn, nhưng có ai hỏi các chiến sĩ Điện Biên thời ấy có đói không thì chắc chắn là không. Nếu đói một bữa, hai bữa thì chiến đấu rất khó khăn. Nếu đói tới bữa thứ ba, không bộ đội nào có thể đánh nhau được. Vậy mà chúng tôi đã chiến đấu tới 56 ngày đêm hay thậm chí là hơn 100 ngày nếu tính cả thời gian đào hầm, hào. Chúng tôi không đói mà chỉ thi thoảng bị đứt bữa do anh nuôi bị quân địch nã pháo không thể tiếp tế đồ ăn được.
Chúng ta có một hậu phương vững vàng là nông thôn Việt Nam. Chỗ dựa vững vàng nhất chính là những người nông dân từ nông thôn ấy. Các đồng chí dân công cũng hoàn toàn là những người nông dân. Kẻ địch thua chúng ta cũng bởi chúng không có được hậu phương, không có được chỗ dựa vững chắc như thế”.
Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Đỗ Ca Sơn được cử đi học tiếng Nga. Sau đó, ông trở thành cán bộ giảng dạy tiếng Nga tại Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội từ khóa 1 tới khóa 34.
Là giảng viên dạy tốt, có những cống hiến tận tụy như việc tham gia viết giáo trình tiếng Nga cho học sinh phổ thông Việt Nam được Bộ Giáo dục Liên Xô ghi nhận và in tài trợ, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú trong đợt xét duyệt đầu tiên.
“Trở thành một nhà giáo, nhưng trong tôi vẫn có một anh bộ đội với tinh thần chịu đựng gian khổ, hy sinh. Vậy nên, tôi dễ dàng vượt qua được mọi khó khăn, gian khổ. Chính quãng thời gian chiến đấu tại Điện Biên Phủ khiến tôi rất trân trọng cuộc sống sau này. Mọi lý tưởng, lẽ sống của tôi chưa bao giờ xa rời so với lý tưởng của mình lúc còn trẻ”, Nhà giáo Ưu tú Đỗ Ca Sơn cho biết.
Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"
(Sóng trẻ) - 14h30 ngày 05/12/2024, Trang tin điện tử Sóng trẻ sẽ tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Đi và viết khi ta còn trẻ”.
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.
Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam
(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.