(Sóng trẻ) - Gói gọn về sự nghiệp của bản thân, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Tiến Hà cho biết cả đời ông chỉ làm và làm tốt hai việc là cầm súng và cầm bút.
Chàng thanh niên Nguyễn Tiến Hà (tên thật là Nguyễn Hữu Tự) sớm đạt trình độ tú tài trong thời điểm nước ta hơn 90% số dân mù chữ. Được sự tín nhiệm của mặt trận Việt Minh, ông Hà tham gia vào hội truyền bá quốc ngữ, được phân công giảng dạy tại khu vực Bạch Mai. Lần đầu tiên, chàng thanh niên “cầm phấn” vào khoảng trước Cách mạng tháng Tám, năm 1945.
Thời ấy, hoạt động giảng dạy phải được sự cho phép của chính quyền Pháp, Nhật. Dù đã được cụ Nguyễn Văn Tố (công tác tại Viện Viễn Đông Bắc Cổ, hội trưởng hội truyền bá quốc ngữ) đứng ra xin phép và được cấp phép, nhưng những lớp học vẫn hoạt động bán công khai.
Đối tượng học sinh của lớp học này là dân lao động, đủ mọi ngành nghề và hầu hết họ đều là người mù chữ. Những ngày đầu, điều kiện vật chất còn quá nhiều thiếu thốn, lớp học xóa mù chữ của thầy Hà phải mượn phòng của các lớp thuộc trường cấp 1 Trương Công Ích (Bạch Mai, Hà Nội). Đợi đến khi trường tan học, học sinh về hết, lớp truyền bá quốc ngữ mới có chỗ để tổ chức giảng dạy.
Hành trình xóa mù chữ của vị thầy giáo trẻ không hề dễ dàng. Để tổ chức được lớp học, thầy Hà đôi khi phải đích thân đi vận động chủ nhà của người giúp việc. “Vận động là để tránh chủ nhà người ta hiểu lầm. Vì không chủ nhà nào lại thích người ăn kẻ ở nhà mình túm năm tụm bảy để mà đàm tiếu cả. Nên phải giải thích cho họ là đi học chứ không phải là đàn đúm”, ông cho hay.
Người dân lao động có ít thời gian học tập nên thầy Hà lại đắn đo trong việc tìm kiếm phương pháp giảng dạy phù hợp, dễ hiểu. Chương trình học bao gồm 4 phép tính cơ bản: cộng, trừ, nhân, chia và dạy đọc, viết chữ quốc ngữ. Thầy Hà dùng cách hình tượng hóa mặt chữ để trò dễ ghi nhớ, tiếp thu. Phương pháp này được Thạc sĩ Hoàng Xuân Hãn sáng tác.
Thông qua dạy chữ để dạy người, mỗi buổi học, thầy Hà đều dành thời gian tuyên truyền về mục đích, tôn chỉ của Mặt trận Việt Minh cho học trò. Đồng thời, thầy đã truyền những tư tưởng cấp tiến đến đông đảo học trò, khai sáng cho dân lao động. “Phá hàng rào gai, cài hàng rào sắn” là một trong những ví dụ tiêu biểu. “Khi cơn đói đã được giải quyết phần nào. Mình mới bắt đầu tuyên truyền cho người ta về lợi ích của việc biết chữ thì họ mới thích được…”, thầy Hà cho biết.
Ngay sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, công cuộc xóa nạn mù chữ đã được đặt lên hàng đầu. Bộ Quốc gia Giáo dục ra đời, cùng với Nha bình dân học vụ, kế thừa và phát triển sự nghiệp mà Hội truyền bá quốc ngữ đã dày công gây dựng. Thầy giáo Hà tiếp tục đóng góp vào mặt trận chống giặc ngoại xâm và gieo mầm tri thức cho dân tộc.
Ngày 19/12/1946, nghe lời kêu gọi thiêng liêng của Bác Hồ, thầy giáo Hà đã tạm gác cây bút, lên đường nhập ngũ. Cuối năm 1949, ông được giao nhiệm vụ đặc biệt, hoạt động bí mật trong lòng địch. Dù đối mặt với hiểm nguy tột cùng, thầy Hà vẫn kiên trung, bất khuất. Trong quá trình hoạt động, ông bị địch bắt và giam ở nhà tù Hỏa Lò.
30 tháng bị giam cầm không thể khuất phục được ý chí sắt đá của người chiến sĩ cách mạng. Trong bóng tối nhà tù, ngọn lửa cách mạng trong lòng ông vẫn luôn rực sáng. Ông thực hiện chủ trương của Thành ủy, biến nhà tù thành trường học, lò luyện ý chí cách mạng, phá tan âm mưu tiêu diệt người yêu nước cách mạng về thể xác và bào mòn ý chí cách mạng của địch.
Tại đây, ông dạy cùng một số đồng đội khác dạy anh em biết đọc, biết viết, nâng cao hơn là làm văn, tả cảnh…thậm chí là học ngoại ngữ (Anh, Pháp) ở mức cơ bản để có thể giao tiếp với địch. Các cán bộ cách mạng, trong đó có những người đã từng nghiên cứu sâu về tư tưởng Mác - Lênin, đã tận dụng mọi cơ hội để truyền đạt những kiến thức quý báu cho đồng đội. Nhờ vậy, ngọn lửa cách mạng luôn cháy sáng trong lòng mỗi người tù.
Theo ông Hà, để có thể tổ chức được các lớp học trong tù là điều rất khó. Bởi vừa thiếu thốn về dụng cụ học tập vừa phải tổ chức cho khéo, tránh địch phát hiện. Người học phải vận động được gia đình đưa tài liệu học tập qua đồ tiếp tế hàng tuần làm sao cho khéo, qua được lớp kiểm tra của địch.
Thầy giáo kháng chiến chia sẻ: “Sách giáo khoa các môn tự nhiên được xuất bản trong vùng địch hậu. Còn sách văn hóa, xã hội khi đó mình không dùng bởi có nhiều tư tưởng phản động. Giấy được chuyển vào hàng tuần theo các làn đồ tiếp tế từ gia đình. Thư làn cũng từ đó. Mình cũng phải vận động tên coi tù ngả theo mình để hắn mắt nhắm mắt mở cho qua những hòm đồ tiếp tế như vậy…”.
Danh hiệu “Nhà giáo Ưu tú” là sự công nhận những cống hiến to lớn của vị thầy giáo có tâm, có tầm.
Trong điều kiện thiếu thốn, thầy Hà và các đồng chí đã tìm mọi cách để duy trì các lớp học. Họ tận dụng những phút giây quý giá của những người tù làm khổ sai, giúp việc cho các gia đình Pháp để chuyển lén tài liệu vào. Bút viết, giấy, bảng đen đều được thay thế bằng những vật dụng đơn sơ nhất. Khi thiếu, giấy bìa hay mặt trắng của vỏ bao thuốc lá cũng đều có thể ghi chép bài. Phấn của thầy Hà hầu hết là gạch non, đôi lúc là phấn trắng. Bảng là sàn nhà. Khi dạy xong phải lấy giẻ ướt để lau sạch.
Ngoài giờ học, ông Hà cũng nhiều anh em khác phải giấu tài liệu, dụng cụ học tập dưới chăn gối thật kỹ, tránh địch phát hiện. Thậm chí, thầy Hà kể: “Ở chân tường, chúng tôi khoét những hố như hàm ếch để giấu tài liệu. To bằng nắm đấm thôi. Sau đó phải lấy viên gạch lấp cái lỗ lại cho kín… Địch cũng cứ nghi nghi ngờ ngờ thôi chứ chưa phát hiện ra tài liệu hay lớp học…”.
Là người khởi xướng những lớp học trong tù, ông Hà được anh em gọi thân mật với cái tên “Thầy hiệu trưởng trong tù Trần Hữu Thỏa” (tên khi bị bắt của thầy Hà). Ở tuổi 97, thầy Hà tự hào mà nói rằng: “Cuộc đời tôi chỉ có 2 nghề là nghề cầm súng và nghề cầm bút… Trước Cách mạng cầm bút. Sau lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, tôi gác bút nghiên, để cầm súng. Sau này vào tù vẫn dạy học mà ra tù vẫn dạy học…”.
Bên cạnh việc giảng dạy, ông cũng từng giữ chức Tổng Thư ký Hội Liên hiệp Sinh viên Việt Nam; chuyên gia Đại học Sư phạm ở Angola, châu Chi; sáng lập khoa Kỹ thuật Nông nghiệp (sau sáp nhập vào khoa Sinh học, Đại học Sư phạm Hà Nội). Trước khi nghỉ hưu, ông là chuyên viên cao cấp của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú.
Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"
(Sóng trẻ) - 14h30 ngày 05/12/2024, Trang tin điện tử Sóng trẻ sẽ tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Đi và viết khi ta còn trẻ”.
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.
Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam
(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.