(Sóng Trẻ) - 17 tuổi đã nổi tiếng, 40 tuổi nhận danh hiệu NSND trẻ tuổi nhất, ít ai biết đã có lúc nghệ sĩ Hoài Thu từng muốn “đoạn tuyệt với chèo”. 

Đam mê theo đuổi chèo từ thuở hoa niên, NSND Hoài Thu bảo có lẽ tình yêu âm nhạc từ nhỏ đã dẫn dắt cô tới con đường nghệ thuật hôm nay. 

Một trong “tứ đại mỹ nhân” của làng chèo Thái Bình 

Sinh năm 1984, NSND Hoài Thu là con út trong gia đình có 7 anh chị em, tất cả đều không theo đuổi con đường nghệ thuật. Không phải “con nhà nòi”, cô được truyền và thổi bùng ngọn lửa đam mê nghệ thuật từ… những chương trình âm nhạc qua đài tiếng nói, loa phát thanh của xã.

Lớn lên tại cái nôi của nghệ thuật chèo, nơi mà những đứa trẻ đã biết ngân nga những làn điệu khi còn tấm bé, con đường đi học gần 3km của nghệ sĩ Hoài Thu gắn liền với chương trình “30 phút dân ca và nhạc cổ truyền”. “Đi học về, nhà nào cũng bật chương trình đó, nghe dọc đường, nghe hát chèo ngấm dần, ngấm dần”. Cô bé Hoài Thu khi ấy thấy âm nhạc luyến láy sao mà hay và có sức hút đến thế. “Các đoàn nghệ thuật về biểu diễn ở quê, tôi thích mê! Nhìn các công chúa hoàng hậu thích lắm, ước gì như người ta, được làm công chúa, hoàng hậu”, cô nhớ lại.

15 tuổi, tham gia vào đợt tuyển diễn viên, cô được điểm cao nhất. Ngẫm lại, quyết định này như một định mệnh đưa cô gái Thái Bình gặp gỡ và bén duyên cùng chèo. Hoài Thu khăn gói vào Đoàn chèo Thái Bình (nay là Nhà hát Chèo Thái Bình), bước đầu tiên trong hành trình khẳng định tài năng và tâm huyết của mình với bộ môn nghệ thuật truyền thống này. 

Được đào tạo tại lớp sơ cấp chèo từ năm 1999-2000, cùng với năng khiếu “thiên bẩm” sẵn có, Hoài Thu nhanh chóng trở thành lứa diễn viên trẻ tiềm năng của Đoàn chèo Thái Bình. Về Đoàn hơn 1 năm, học 10 làn điệu chèo, vừa học vừa làm, các anh chị trong nghề dạy thêm, học vai trong các vở, cô được chọn đi thi ở Hội diễn Sân khấu Chèo chuyên nghiệp toàn quốc năm 2001 tổ chức tại Quảng Ninh. 

Cô bé 17 tuổi khi ấy được giao cho vai Thị Mầu trong vở “Quan Âm Thị Kính”. Vai diễn kinh điển này trở thành cột mốc đáng nhớ trong sự nghiệp của cô. 

Trong hàng loạt vở diễn được các nhà hát, đoàn nghệ thuật đem ra đua tài, rất nhiều Thị Kính, Thị Mầu cùng khoe sắc, rất nhiều Súy Vân, Đào Huế cùng đua độ tinh xảo của ca và diễn, Hoài Thu 17 tuổi trở thành Thị Mầu trẻ nhất hội thi. Để rồi, cũng tại nơi đó, Hoài Thu được 4 giải trong 1 hội diễn: Huy chương Vàng cho vở diễn, giải Diễn viên xuất sắc, giải Diễn viên trẻ nhất hội diễn và Bằng khen Diễn viên trẻ tài năng, giữa các liền chị sẵn tên tuổi hơn mình. 

1.png
Ở tuổi 17, Hoài Thu gây ngỡ ngàng cho đồng nghiệp và Ban Giám khảo khi thể hiện xuất sắc vai diễn Thị Mầu. (Ảnh: NVCC)

Những thành tích đó đã khích lệ cô tiếp tục nỗ lực hơn với các vai diễn khác và được giao đóng nhiều vai chính trong các vở diễn của Đoàn Chèo Thái Bình. Sau vở diễn, cái tên Hoài Thu nhận được nhiều sự quan tâm của công chúng. Hoài Thu khi ấy là người trẻ nhất được Nhà báo Thanh Hạnh mời xuất hiện trong chương trình “Dành cho người hâm mộ” của VTV3.

Mối duyên nợ định mệnh với chèo 

Năm 2006, cô tạm xa sân khấu chèo, quyết định lui về chăm con. Thời điểm đó, nghệ sĩ Hoài Thu công tác tại Đoàn kịch hình thể, Nhà hát Tuổi trẻ (Hà Nội). Cô gái Thái Bình vẫn thăng hoa trên các sân khấu kịch, vẫn yêu sân khấu, yêu các vở diễn. “Nếu nói về sân khấu, bộ môn nào tôi cũng yêu, nghệ thuật sân khấu nào tôi cũng thích. Nhưng mình sinh ra ở đất chèo, chèo ngấm trong máu nên tình yêu dành cho nó sắc son lắm. Mình làm để đỡ nhớ chèo của mình thôi!”. 

Quyết định “không quay lại với chèo”, trong lòng nghệ sĩ Hoài Thu cũng nhiều lần diễn ra những cuộc đấu tranh nội tâm. “Nghe thấy chèo là tắt đi, nhất định không xem, để mình không bị nhớ, không bị ám ảnh về nó nữa!”, nghệ sĩ Hoài Thu tâm sự, “không xảy ra sự vô tình, bởi cứ thấy là sẽ không nghe nữa”. 

artboard-2.png

Năm 2009, một lần về Quảng Ninh xem Hội diễn sân khấu Chèo chuyên nghiệp toàn quốc, con ẵm, con bồng đi theo nhưng không được diễn. Nhìn bạn bè đồng nghiệp tất bật chuẩn bị, nghệ sĩ Hoài Thu không giấu được sự tủi thân. “Cũng nơi này, 8 năm về trước, mình đã thành công ở đây. Nhưng hôm nay, nhìn họ hân hoan, họ vui vẻ, mình ngồi ôm con, mình không làm nghề nữa, mà mình là cái đứa làm được nghề, mình lại bỏ nghề - tôi cứ nghĩ như thế trong Hội diễn hôm đó”. Nước mắt cứ chảy, không kêu ca, phàn nàn với ai là “nhớ nghề lắm”. Một câu nói vô tình từ người bạn “vai này mà con Thu nó diễn thì hay lắm”, lại làm người diễn viên đang “bỏ nghề” chạnh lòng, tủi thân. 

Như “duyên nghiệp”, năm 2013, khi đang trong chế độ nghỉ thai sản, nghệ sĩ Hoài Thu được NSND Trịnh Thuý Mùi mời tham gia vở "Vương nữ Mê Linh" của Nhà hát Chèo Hà Nội. Đã “xác định bỏ nghề”, nhưng dường như tình yêu với chèo còn quá nhiều, nữ diễn viên nhận lời sau khi xem vở diễn đó tại Nhà hát Lớn. Đúng một tuần tập vai Trưng Trắc trong vở “Vương nữ Mê Linh”, cô đi Hội diễn. Hội diễn năm 2013, cả vở diễn lẫn người diễn đều chiến thắng rực rỡ. 

3.png
4.png
artboard-3.png

Sau thành công này, Hoài Thu chính thức về với Nhà hát Chèo Hà Nội, chính thức trở lại với nghệ thuật chèo. “Nghĩ lại, nghề chọn mình, nó là cái duyên tiền định. Cái nghiệp của mình sinh ra để gắn với nó, kiểu gì cũng phải quay lại”, NSND Hoài Thu tâm sự. 

NSND trẻ nhất làng chèo 

Khi về Nhà hát Chèo Hà Nội, Hoài Thu được giao nhiều vai chính, trong đó có những vai giành giải thưởng lớn. Điển hình là vai Mỹ Duyên trong vở “Cánh chim trắng trong đêm” của đạo diễn Doãn Hoàng Giang, đạt Huy chương Vàng tại Cuộc thi nghệ thuật chèo chuyên nghiệp toàn quốc 2016. Ngoài ra, vai Kiều Loan trong vở diễn cùng tên cũng giúp NSND Hoài Thu giành thêm một Huy chương Vàng.

6.png
NSND Hoài Thu trong vở “Cánh chim trắng trong đêm”. (Ảnh: Sưu tầm) 

31 tuổi, nghệ sĩ Trần Hoài Thu nằm trong danh sách trao tặng Nghệ sĩ ưu tú Việt Nam. Cuối năm 2023, cô nhận tin vui là một trong 42 nghệ sĩ có tên trong danh sách được phong tặng danh hiệu NSND, là nghệ sĩ chèo trẻ nhất được phong tặng tính tới thời điểm này. 

Thành công đến sớm, đây là niềm tự hào, nhưng cũng đặt cô trước nhiều sức ép và những câu hỏi về việc “còn trẻ mà đã được phong NSND”. “Những người đồng nghiệp trong làng chèo đều biết tôi thành danh từ những năm 17 tuổi, họ không nghi ngờ về khả năng của tôi. Nhưng những người bên ngoài, họ đặt câu hỏi rằng tôi có xứng đáng với danh hiệu đó hay không, tôi có dựa dẫm vào ai để có danh hiệu đó không?”, nghệ sĩ Hoài Thu chia sẻ. 

nsnd-hoai-thu-63-1.jpg
Nghệ sĩ Hoài Thu nhận danh hiệu NSND ở tuổi 40. (Ảnh: Báo Dân tộc và Phát triển) 

Ở tuổi 40, khi đã trở thành NSND trẻ nhất làng chèo Việt Nam, cô hiểu sự hoài nghi ấy là điều không thể tránh khỏi. “Tôi chỉ tiếp tục nỗ lực, miệt mài cống hiến cho nghề, thời gian sẽ chứng minh rằng những danh hiệu và giải thưởng tôi nhận được là hoàn toàn xứng đáng". Với cô, cách tốt nhất để dập tắt mọi hoài nghi không phải là những lời thanh minh, mà là khẳng định mình qua chính sự nghiệp, qua khả năng và nhiệt huyết không ngừng nghỉ.

artboard-6.png

Danh hiệu, với Hoài Thu, chưa bao giờ là đích đến cuối cùng của một nghệ sĩ. “Danh hiệu chỉ là sự ghi nhận, chứ không phải là mục tiêu tôi hướng tới”, cô chia sẻ. “Tôi đến với nghề vì niềm đam mê. Đối với tôi, nghệ thuật là sự kết nối giữa trái tim và khán giả, là niềm vui được cống hiến hết mình cho chèo”.

Cô cho rằng, chọn nghề cũng giống như chọn bạn đời. “Khi mình đã tìm đến nó, yêu nó và say mê nó, thì dù có khó khăn, thử thách thế nào, mình vẫn sẽ gắn bó, cống hiến trọn vẹn”, nữ nghệ sĩ cho hay. 

9.png
10.png

Cho tới nay, nghệ sĩ Hoài Thu trở thành một trong những cô gái “vàng” của làng nghệ thuật. Cô sở hữu 1 cúp Bạc quốc tế, 6 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc, 2 giải Diễn viên xuất sắc nhất, 1 giải Đạo diễn xuất sắc cho các vai diễn của mình. 

Các vai diễn nổi bật của Hoài Thu ngoài Thị Mầu trong vở “Quan Âm Thị Kính”, Trưng Trắc trong vở “Vương nữ Mê Linh”, còn phải kể đến vai Mỹ Duyên trong vở “Cánh chim trắng trong đêm”, Trương phu nhân trong “Chuyện tình trên bến Nam Xang”, Đặng Thúy Hạnh trong vở “Nàng thứ phi họ Đặng”, Kiều Loan - “Kiều Loan”, Mợ Ba trong “Cánh diều làng Vũ Đại”, Nụ trong “Của thiên trả địa”, Thanh Loan - “Tình xưa”, bà Dịu - “Biến vĩ của tình yêu”, Trâm - “Cô gái đội mũ nồi xám”, Thanh Nga - “Tiếng chuông”, Thanh Hoa - “Kiếp người cần che chở”...

Trong vai trò đạo diễn, NSND Hoài Thu cũng giành được nhiều tiếng vang lớn trong nghề với 4 vở diễn: “Tình trăng”, “Linh Từ quốc mẫu” - giải Vàng Liên hoan Chèo toàn quốc 2022, “Cung thương một khúc” và mới đây nhất, trong dịp kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô, Nhà hát Chèo Hà Nội cùng đạo diễn NSND Hoài Thu ra mắt vở “Người hát ả đào”.  

Tự hào với thế hệ tương lai của chèo 

Cô Thị Mầu ngày nào giờ đây không chỉ là diễn viên, mà còn hoạt động với vai trò là một đạo diễn tài năng và một giáo viên chèo tâm huyết. Cô đã cống hiến không chỉ bằng tài năng mà còn bằng cả tâm hồn, truyền lửa đam mê cho thế hệ trẻ. 

11.png
Vở “Linh Từ quốc mẫu” do NSND Hoài Thu làm đạo diễn giành Huy chương Vàng Liên hoan Chèo toàn quốc 2022. (Ảnh: Phạm Quốc Dũng)

“Tôi thật sự vui mừng khi thấy thế hệ trẻ hiện nay đang tìm đến chèo nhiều hơn. Các vở diễn của Nhà hát Chèo Hà Nội giờ đây luôn thu hút đông đảo người trẻ đến xem. Những phản hồi từ khán giả trẻ thật sự ấm lòng: 'Đây là lần đầu tiên xem chèo và thật sự ngỡ ngàng vì chèo hay đến vậy!' Họ hứa sẽ quay lại, tìm hiểu sâu hơn về chèo”, nữ NSND chia sẻ. Theo cô, đó là dấu hiệu tích cực cho thấy chèo không “sống sót” mà đang khôi phục và phát triển mạnh mẽ. 

Hơn tất cả, điều khiến nữ đạo diễn cảm thấy tự hào nhất chính là đội ngũ nghệ sĩ trẻ tài năng hiện nay. “Điều tôi tự hào hơn cả là lực lượng diễn viên trẻ của Nhà hát hiện nay rất tài năng và đầy đam mê với nghề. Họ không chỉ đẹp, mà còn hát hay, diễn tốt. Trong Nhà hát, không chỉ có một đôi “đào - kép” (nam - nữ), mà ít nhất cũng có 5-6 đôi, đều xuất sắc, đều “mạnh”, đều đẹp và hát hay như nhau”, NSND Hoài Thu chia sẻ.  

12.png

Với cô, đây chính là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy chèo vẫn luôn có sức sống, luôn có những con người yêu mến và trân trọng nó. “Nếu không, làm sao có thể giải thích được sự xuất hiện của những nghệ sĩ trẻ, xinh đẹp và đầy tài năng đến với chèo? Sân khấu truyền thống vẫn sống, vẫn mạnh mẽ, và sẽ luôn phát triển nếu những người làm nghề này giữ được sự chân thành, tận tâm với nghề, và có đam mê cháy bỏng. Khi đó, khán giả sẽ tự động bị cuốn hút, sẽ tìm đến với chèo như một nguồn cảm hứng bất tận”.   

artboard-5.png

Để chèo có thể tiếp tục vươn xa, trở thành niềm tự hào của nền nghệ thuật dân tộc, mỗi người làm nghề đều phải nhận thức rõ giá trị và trách nhiệm của mình. “Tổ nghiệp cho mình cái nghề, nhưng bản thân mình phải biết gìn giữ và phát triển nghề ấy. Nếu thế hệ đi trước không trân trọng, làm nghề một cách qua loa, bỡn cợt, thì làm sao thế hệ sau có thể tiếp nối một cách xứng đáng? Những người đi trước cần phải nhận thức rõ giá trị của nghề, phải đối xử với nghề bằng sự tôn trọng, lòng biết ơn và tâm huyết. Chỉ khi đó, Tổ nghề mới có thể “đãi” mình, ban cho mình những thành quả xứng đáng”, NSND Hoài Thu nhấn mạnh.

14.png

Nghệ thuật chèo, với tất cả sự tinh túy và di sản văn hóa mà nó mang lại, sẽ chỉ thật sự sống mãi nếu thế hệ hôm nay biết gìn giữ và phát huy những giá trị ấy. Khi đó, chèo không chỉ là môn nghệ thuật để biểu diễn, mà trở thành sợi dây nối kết quá khứ với hiện tại, đưa nó bay cao, vươn xa cùng thời gian.

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN