Qua những tấm biển chỉ dẫn cho thuê phòng trọ giăng khắp nơi, chúng tôi bắt đầu tiến vào con ngõ nằm đối diện cổng Bệnh viện K, thuộc phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội. Những bước chân vội vàng, khuôn mặt bơ phờ, vai đeo ba lô nặng trĩu của bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân ung thư, tiếng nói chuyện xôn xao của các bệnh nhân từ bệnh viện đi về sau mỗi ca vào điều trị, tiếng chào mời thuê phòng trọ cũng không át nổi không khí ảm đạm ở xóm trọ buồn nhất Hà thành.

Nhắc đến ung thư, người ta liền nghĩ đến ngay “án tử”. Ngặt thay, căn bệnh này đến với con người ta như một cơn bão không hề báo trước đã khiến nhiều người rơi vào hố sâu tuyệt vọng. 

Bệnh nhân đủ các lứa tuổi, từ tứ xứ về Hà Nội chữa bệnh. Trung bình mỗi bệnh nhân phải đến bệnh viện xạ, hóa trị, khám bệnh 3 - 4 lần một tuần. Có người may mắn chữa bệnh vài tháng rồi khoẻ, có người đã gắn bó tại “xóm ung thư” này vài năm, có người lỡ vận thì đành chấp nhận “án tử”. 

Từ Ninh Bình lên thuê trọ điều trị ở Bệnh viện K, ông Trường (ngoài 60 tuổi) cho biết mới phát hiện bệnh cách đây gần tháng, nhưng khi biết thì đã ở thời điểm khá muộn.

 


Căn phòng nhỏ ông Trường dẫn chúng tôi đi xem khoảng 15 m2 chia thành 8 buồng nhỏ cho 8 người thuê, với giá 3 triệu/người/tháng. Mỗi buồng vừa đủ kê một chiếc giường cỡ nhỡ và một kệ chất đầy những vật dụng sinh hoạt cũng như các loại thuốc. Dù chật hẹp và bí bách nhưng đây là chỗ trọ tốt nhất trong số các nhà nghỉ trọ ở khu này: "Ở đây ổn hơn các chỗ khác rồi, cầu thang rộng, đi lại thoải mái. Tôi đi xem thử các chỗ khác, lối cầu thang bé tí, mà tối u ám lắm. Ở đấy chết vì buồn trước khi chết vì bệnh".

Chia sẻ về cuộc sống nơi xóm trọ, ông Trường cho hay, không chỉ lo tiền viện, những bệnh nhân ung thư ở đây còn phải chắt bóp từng đồng để chi trả cho các khoản phí khác khi trọ gần viện như tiền ăn uống, tiền trọ và các khoản lặt vặt khác. 

Cùng phòng ông Trường là một bệnh nhân 67 tuổi mắc ung thư vòm họng, mới từ Thanh Hóa ra Hà Nội để điều trị được nửa tháng nay. Căn bệnh quái ác khiến người đàn ông không thể phát âm rõ lời, dù đã rất cố gắng. Nói đỡ cho người bạn cùng phòng, ông Trường kể: "Ông ấy ho ra máu, đi khám thì mới biết ung thư vòm họng. Cái bệnh quái quỷ này có ốm đau gì đâu để người ta biết sớm. Đến lúc sút cân dai dẳng, thì đã rồi!"

Hỏi tên người bạn già, ông Trường cũng không biết, bởi ở nơi sự sống và cái chết cách nhau trong gang tấc, người ta cũng không quan tâm gì hơn câu chuyện về sinh mệnh.

Nỗi cô đơn, trống trải bao trùm lên dáng vẻ người đàn ông cao tuổi.
Nỗi cô đơn, trống trải bao trùm lên dáng vẻ người đàn ông cao tuổi.

Lần thứ hai, chúng tôi quay trở lại xóm trọ đối diện bệnh viện K Tân Triều, tìm tới Nhà trọ Từ Tâm khi gần tới giờ cơm trưa. Đây là mái ấm của hàng chục bệnh nhân nhi cùng phụ huynh đi theo chăm sóc các cháu. Vừa bước tới cổng, đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh vài người phụ nữ đang lúi húi nấu nướng.

Chị Nguyễn Thị Ngọc (quê Thái Bình) dẫn chúng tôi đi xem cảnh nhà trọ và giới thiệu hoàn cảnh của từng bé. Theo lời chị kể, hiện nhà trọ đang có khoảng 22 cháu bé sinh sống. Mọi sinh hoạt của các bé đều phụ thuộc hoàn toàn vào người thân. 

Nhà trọ có 2 tầng cho bệnh nhi thuê miễn phí, tùy vào diện tích phòng mà kê giường cho phù hợp. Phòng rộng nhất tầm 15 mét vuông, kê đủ 4 giường tầng. 2 căn phòng nhỏ còn lại vỏn vẹn 6 mét vuông, đủ kê 1 chiếc giường tầng cho 2 cặp mẹ con ngủ nghỉ. 

Chị Ngọc dẫn chúng tôi đến căn phòng cuối cùng, nơi mẹ con chị đang sống. Cháu Nguyễn Xuân Trường (15 tuổi) - con trai chị, băng gạc bịt kín một bên mặt, đang truyền ống xông trong phòng. Thấy người lạ đến, cháu rụt rè, né tránh ánh mắt. 

Lau vội những giọt nước mắt, chị Ngọc kể: “Từ cuối năm 2022 đến tháng 8/2023, Trường phẫu thuật, cắt hết mắt và xương má, quai hàm”. Ban đầu gia đình chỉ nghĩ cháu chấn thương phần mềm, đến khi đưa xuống Hà Nội mới biết cháu có u ác tính ở nửa mặt bên phải. Cho tới nay, Trường đã trải qua 3 cuộc đại phẫu, khiến sức khỏe của cháu yếu đi nhiều.

Nhớ lại lần phẫu thuật lâu nhất của con, chị Ngọc thở dài tâm sự: “Cháu ở ca cấp cứu hồi sức 17,18 ngày. Đợt đấy yếu lắm, gọi 3 lần không nổi một tiếng ‘mẹ’. Đến khi bình phục hơn chút thì lại tiếp tục chuyển sang khoa ngoại rồi lại xuống khoa nhi để truyền hóa chất tiếp”. Việc học hành của Trường cũng đành dừng hẳn. 

Mỗi ngày, nhiệm vụ của chị Ngọc là nấu ăn, đưa con ngồi xe lăn sang bệnh viện. Cả thế giới của chị xoay quanh con, bất đắc dĩ xuống đất thủ đô mà chưa biết ngày trở về. 

Cũng như Trường, cháu Hoàng Hải Đăng (7 tuổi, quê Tuyên Quang) theo mẹ xuống Hà Nội xạ trị gần 3 tháng này vì mắc u ác tính ở ống tai. Đăng còn quá nhỏ để nhận thức về bệnh hiểm nghèo, cháu chỉ muốn được mẹ dẫn về nhà, về với bố và anh trai. “Nó kêu con buồn lắm rồi, ở trong phòng suốt con không biết chơi với ai nên đòi về suốt”, chị Vy Thị Tình chia sẻ. 

Nhắc về bệnh tình của con, chị Tình lại tủi thân, thương cho con và cho phận mình. Chị là lao động chính trong nhà, chồng chị mắc bệnh viêm phổi, con trai lớn tật loạn thị bẩm sinh. Chị chạy vạy vay mượn khắp nơi mới được 10 triệu để đưa Đăng xuống Hà Nội chữa bệnh.

Dù có mẹ, Đăng vẫn buồn và mong sớm được về quê nhà. 
Dù có mẹ, Đăng vẫn buồn và mong sớm được về quê nhà. 

Cậu bé 7 tuổi hiện đã xạ trị được 4 mũi, và phải chống chọi với 26 lần xạ trị nữa để giành lấy cơ hội sống mong manh. Mỗi lần xạ trị xong, Đăng không đứng vững, nũng nịu đòi mẹ cõng. Hai mẹ con cứ vậy bám víu lấy nhau. Đối với chị Tình, được sống cùng con ngày nào đều đáng quý. “Bác sĩ bảo người nhà cứ chuẩn bị tinh thần, khối u gần màng não nên ‘đi’ rất nhanh”, chị Tình vừa ôm con vừa rơm rớm nước mắt.

 

Con mắc bệnh từ “trên trời rơi xuống”, tâm can mỗi người mẹ đau đớn nhưng vẫn phải mạnh mẽ để làm chỗ dựa cho con. Chị Nguyễn Thị Hương (quê Vĩnh Phúc) - mẹ cháu Tạ Lê Hải Yến (14 tuổi) cho biết, giây phút bác sĩ thông báo con gái mắc ung thư tuyến nước bọt, chị run rẩy, ngất ngay tại chỗ. 

“Thương cho số phận con mình, đến bản thân nó cũng không hiểu K là gì. Mới đầu, khi mọi người gọi điện hỏi thăm, tôi cứ khóc. Cháu lại bảo mẹ, rõ là mẹ bảo con phải mạnh mẽ, phải chịu khó ăn mà sao mẹ cứ yếu đuối”, chị Hương thở dài tâm sự. 

Đứa con nhỏ nhất của chị Hương mới hơn 1 tuổi. Vì mẹ đi chăm chị ốm, bé phải xa mẹ, cai sữa sớm, phải gửi cho bà ngoại trông nom giúp. 

Đi chăm con lớn, chị Hương vẫn canh cánh nỗi lo cho con út thiếu hơi mẹ.
Đi chăm con lớn, chị Hương vẫn canh cánh nỗi lo cho con út thiếu hơi mẹ.

Tiếng cười tại “xóm ung thư” là điều xa xỉ. Dường như họ đã quá quen với tiếng thở dài, sự thất vọng và những giọt nước mắt. Ngày qua ngày, những bệnh nhân nơi đây vẫn âm thầm gắng gượng, chống chọi để giành giật sự sống, dẫu hy vọng thật mong manh. 

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN