(Sóng trẻ) - Sơn mài Hạ Thái giờ đã có một sức sống mới, đứng vững trong các làng nghề thủ công mỹ nghệ có tiếng ở Việt Nam với hàng hóa chủ yếu là xuất khẩu sang các nước trên thế giới.

Toạ lạc tại xã Duyên Thái, Thường Tín, Hà Nội, tiền thân của làng nghề Hạ Thái chính là phường son thếp vàng Cự Tràng – một nơi từng được trọng dụng vì có nhiều nghệ nhân tài hoa, khéo léo. Do nghề lúc bấy giờ là chuyên gia công đồ cho tầng lớp quý tộc và vua chúa nên thời xưa gọi nơi đây là làng nghề “dâng vua”. Nhờ vậy, nghề sơn mài tuy “sinh sau đẻ muộn” hơn các làng nghề cổ truyền khác nhưng sớm đem lại được tiếng vang nhờ gốc rễ, tính công phu, cầu kỳ của nghề trong quá trình sáng tạo làm nên sản phẩm nghệ thuật. Sự phát triển của sơn mài qua các thế kỷ đã nâng nghề sơn lên một tầm cao mới.

Hiện nay, xã Duyên Thái cũng đã quy hoạch và xây dựng các cụm, điểm công nghiệp ngay tại làng nghề Hạ Thái để các cơ sở tập trung sản xuất, phát huy hiệu quả, nâng cao năng suất công việc. Không chỉ vậy, việc quy hoạch lại còn mang ý nghĩa thu hút khách nước ngoài, phạm vi không còn bó hẹp vào những người có quan hệ giao thương, buôn bán như trước mà xuất hiện thêm những đoàn khách du lịch đến tham quan, tìm hiểu về làng nghề thủ công truyền thống “độc nhất vô nhị” của nước ta. 

Ngoài tranh sơn mài vốn đã rất nổi tiếng trong và ngoài nước, sản phẩm chính của làng sơn mài Hạ Thái chủ yếu là đồ dùng để thờ cúng, phục vụ nhu cầu văn hoá tâm linh. Sau này, để đáp ứng nhu cầu thị trường, sản phẩm của làng nghề ngày càng đa dạng, nhiều mặt hàng phục vụ được nhu cầu thiết yếu và trưng bày của người tiêu dùng như lọ hoa, khay, đĩa, đồ lưu niệm,…

Nghề làm sơn mài nhiều công phu, nhiều công đoạn. Mỗi công đoạn đều đòi hỏi người làm nghề phải thật kiên nhẫn, tỉ mỉ, chau chuốt, nâng niu, nếu không, sản phẩm hoàn chỉnh sẽ chẳng thấy được cái hồn đâu cả. 

Khi mới ra đời, sơn mài chỉ có 3 màu: sơn then (màu đen), sơn son (màu đỏ) và sơn cánh gián (màu vàng nâu). Nhờ quá trình tìm tòi sáng tạo, các nghệ nhân làng Hạ Thái đã phát hiện ra nhiều màu mới với nhiều sắc độ khác nhau, lộng lẫy mà đằm thắm, ẩn hiện lớp lớp tầng tầng, Màu dưới nâng mầu trên, lại tiếp những lớp bột vàng, bột bạc được rắc phủ đậm, nhạt tạo nên những sắc màu tươi tắn lạ thường.

Chất liệu chính của sơn mài Hạ Thái là gỗ, tre, nứa, song, mây, gần đây có thêm các chất liệu mới như composite, gốm sứ… càng tạo nên sự độc đáo cho sản phẩm. Để làm ra một sản phẩm sơn mài, các nghệ nhân phải thực hiện các công đoạn chính như: bó hom vóc, trang trí, mài và đánh bóng. Để bó hom vóc, các nghệ nhân dùng đất phù sa (hoặc bột đá) trộn với sơn ta giã nhuyễn cùng giấy bản rồi hom, chít các vết rạn nứt của sản phẩm. Mỗi lớp sơn lại lót một lớp giấy bả hoặc vải màn. Nếu là sản xuất tranh sơn dầu thì các nghệ nhân còn phải đục mộng mang cá để cài và gắn sơn cho các nẹp gỗ ngang ở sau tấm gỗ nhằm chống các vết rạn. 

Sau đó, để gỗ khô kiệt mới hom sơn kín cả mặt trước, mặt sau. Công đoạn này chủ yếu để bảo vệ sản phẩm không bị mối mọt, không thấm nước và không bị co lại do tác động của môi trường. Khi có được sản phẩm nói trên, các nghệ nhân tiến hành trang trí bằng cách gắn, dán các chất liệu tạo mầu như vỏ trứng, mảnh xà cừ, vàng, bạc…, rồi phủ sơn rồi mài phẳng.

“Sơn mài Hạ Thái vẫn tồn tại và có những bước phát triển rực rỡ là bởi có giá trị cao vầ mặt truyền thống và mỹ thuật, phục vụ được nhiều đối tượng khách hàng, đặc biệt là những người yêu thích nghệ thuật sơn mài. Hơn nữa chính lòng yêu nghề, làm nghề bằng cái tâm cùng việc giữ gìn kinh nghiệm qua nhiều đời đã làm nên lịch sử lâu dài của làng nghề sơn mài nổi danh nhất Hà Nội”, ông Vũ Huy Mến, nghệ nhân sơn mài tiêu biểu của làng Hạ Thái chia sẻ.

Nằm tại xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, Thành phố Hà Nội, làng tranh sơn mài Hạ Thái đã bền bỉ tồn tại suốt hơn 200 năm bởi cái đẹp, cái đặc trưng riêng của tranh không đâu có. Từng ấy năm tồn tại cũng đủ để chứng tỏ một điều rằng nghề thủ công truyền thống sơn mài rất độc đáo và phát triển. 

Thế nhưng trong cuộc sống xô bồ, hối hả như hiện nay thì khoảng lặng thưởng thức cái đẹp đang dần bị hao mòn, mai một. Trước thực tế tranh sơn mài công nghiệp phát triển ồ ạt, làng Hạ Thái đang phải gồng mình để giữ nghề tranh sơn mài truyền thống. Một trong số đó không thể không nhắc tới nghệ nhân Vũ Huy Mến - một trong số những viên ngọc quý của làng nghề sơn mài Hạ Thái.

Là Ủy viên Ban chấp hành của Hội làng nghề sơn mài Hạ Thái, nghệ nhân Vũ Huy Mến được bà con dân làng tin tưởng giao nhiệm vụ bảo tồn và phát triển nghề sơn mài. Năm 2015, ông vinh dự là một trong 13 người của làng Hạ Thái được Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội. Ông là một trong những nghệ nhân nhiều kinh nghiệm, đã dành nhiều tâm huyết và cả cuộc đời để góp phần duy trì và phát triển sơn mài Hạ Thái.

Hơn 50 năm sống với nghề, ông mến đã tích luỹ được vốn kiến thức với kinh nghiệm nhiều năm vừa làm, vừa được đào tạo cơ bản tại trường mỹ thuật Hà Tây. 20 năm trở về làng làm việc tại HTX sơn mài Bình Minh dưới thời bao cấp, cùng hàng chục năm làm sơn mài cải tiến đáp ứng cơ chế thị trường, đến nay, nghệ nhân Vũ Huy Mến là người hiếm hoi ở làng sơn mài Hạ Thái không chỉ sản xuất dòng sản phẩm sơn mài theo lối cổ với chất liệu sơn ta truyền thống mà còn là người có bàn tay tài hoa đưa những sản phẩm sơn mài truyền thống trở thành tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao dựa trên bốn tiêu chí “nhất dáng, nhì men, tam chàm, tứ vẽ”. Cũng chính vì thế mà những đường nét, đường kỷ hà, nước sơn của ông thường phóng khoáng hơn, tự do hơn so với những thế hệ họa sĩ, nghệ nhân sau này.

Với ông, sơn mài là bản sắc, là tinh hoa mà các cụ để lại. Cái cốt của sơn mài không phải chỉ ngày một ngày hai là có được. “Bây giờ nhiều nhà dùng nhiều loại sơn mới chứ ít dùng sơn ta như xưa. Còn với tôi thì sơn ta vẫn là hơn cả, nó thuộc vào người mình, vào mắt mình rồi”.

Việc chế tạo nguyên liệu sơn ta đã khó, nhưng để ra đời một sản phẩm sơn mài truyền thống còn khó gấp bội. Trong đó, người làm tranh phải thực hiện từ làm vóc, tạo cốt cho đến khảm hoa văn, vẽ, ủ tranh… Tất cả quy trình làm ra một sản phẩm sơn mài truyền thống phải qua ít nhất 10 tới 18 công đoạn, đến khi hoàn thiện mất từ 2 - 3 tháng, có khi phải mất nửa năm. Mỗi công đoạn đều đòi hỏi người làm nghề phải thật kiên nhẫn, tỉ mỉ, chau chuốt, nâng niu. Các công đoạn này đều có liên quan chặt chẽ với nhau, nếu thiếu một công đoạn nào thì sản phẩm cũng không thể hoàn thiện và không bảo đảm độ bền cũng như tính mỹ thuật.

Ông Mến khẳng định, hiện nay mặc dù làng Hạ Thái được xem là làng nghề tranh sơn mài truyền thống, song hầu hết đã chuyển sang sử dụng loại sơn mới, sơn công nghiệp. Đối với tranh sơn mài truyền thống, mỗi tác phẩm cần phải đồ qua từ 10-12 nước sơn, phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, nhưng đối với loại sơn mới rất nhanh khô chỉ cần đồ từ 1 - 5 nước sơn trong ngày, thậm chí vài tiếng. Vì vậy, trước khi làm một tác phẩm truyền thống người làm tranh ngoài yếu tố kỹ thuật còn phải “bắt hanh”, tức lựa chọn thời tiết hanh khô. Nếu xử lý kỹ thuật không tốt, lại “bắt hanh” không được, sản phẩm để hàng tháng cũng không khô. Bên cạnh đó, làm tranh sơn mài truyền thống phải dành riêng một chỗ để làm buồng “ủ”, bởi buồng ủ là khâu không thể thiếu trong chế tác sơn mài truyền thống. Sản phẩm sau mỗi nước sơn đều được đưa vào buồng ủ, lấy độ ẩm tự nhiên từ 10 - 24 giờ, làm cho sơn bám đều, bền và sáng đẹp. 

“Không ủ tranh thì không phải tranh sơn mài truyền thống. Việc bỏ qua rất nhiều công đoạn cũng như không sử dụng sơn ta, tuy tiết kiệm và thời gian nhưng sẽ không đảm bảo chất lượng, độ bền và sắc màu đặc trưng của tranh sơn mài truyền thống”, Nghệ nhân Vũ Huy Mến giải thích.

Trong bối cảnh nhiều họa sĩ có xu hướng chạy theo thị trường đã sử dụng sơn công nghiệp, sơn pha chế, thậm chí bỏ hẳn công đoạn mài tranh nhằm cho sản phẩm ra đời và tiêu thụ nhanh, thì nghệ nhân Vũ Huy Mến vẫn âm thầm, cần mẫn giữ lại cho mình dòng sản phẩm sơn mài truyền thống của các bậc tiền nhân để lại. Nghệ nhân Vũ Huy Mến hiểu giá trị sơn mài truyền thống, yêu nghề, tâm huyết với sơn mài và đây cũng là trách nhiệm để ông quyết tâm gìn giữ nó. Với ông, làm sơn mài truyền thống trước hết là để cho mình, sau là để bảo tồn, gìn giữ làng nghề truyền thống cho muôn đời sau.

Nhưng đó là câu chuyện của nhiều năm về trước, khi sơn mài đóng vai trò là chỗ dựa kinh tế cho bà con trong làng, trong xã hội mới, nhiều ngành nghề mọc lên, sự lựa chọn cũng đa dạng hơn làm thế hệ trẻ trong thôn ít quan tâm hơn với lĩnh vực sơn mài truyền thống. Đặc biệt sau đại dịch covid – 19, lớp trẻ trong làng thường có xu hướng đi xa hoặc thử sức ở những lĩnh vực khác. Làng nghề truyền thống giờ đây dần vắng mặt những gương mặt trẻ, không gian nghệ thuật “ngót dần”.

Miệt mài giữ nghề với mong muốn sơn mài truyền thống phát triển trở lại, bên cạnh đó nghệ nhân Mến còn dành thời gian, tâm sức truyền dạy cách làm sơn mài theo lối cổ truyền với chất liệu sơn ta cho con cháu. Dù biết sơn mài truyền thống đã đuối sức cạnh tranh trên thị trường nhưng ông vẫn động viên, hướng con cháu của mình vào nghề sơn mài truyền thống. Ông tâm niệm, thêm được người theo nghề là thêm cơ hội giữ nghề. Với ông, khôi phục lại sơn mài truyền thống cũng chính là bảo tồn bản sắc văn hóa.

Cùng với truyền thống của một làng nghề hơn 200 năm tuổi, sơn mài Hạ Thái giờ đã có một sức sống mới, đứng vững trong các làng nghề thủ công mỹ nghệ có tiếng ở Việt Nam với hàng hóa chủ yếu là xuất khẩu sang các nước trên thế giới. Sản phẩm của sơn mài Hạ Thái đã xuất hiện và nhận được sự thán phục của khách tham quan tại nhiều hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ và làng nghề trong và ngoài nước.

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật6 tháng trước

(Sóng trẻ) - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN