(Sóng trẻ) - Ở cách Việt Nam hơn 8000km, nhiều thế hệ học viên Quân Y theo học và huấn luyện hệ trao đổi tại Học viện Quân Y Kirov, trong đó có anh Đỗ Quang Hưng, học viên năm 4 ngành Bác sĩ đa khoa không quân. 5 năm học tập nơi xứ người cũng là 5 năm anh đón Tết xa nhà.
Tết của người học viên ở Cố đô nước Nga
Học viện Quân Y Kirov nằm trong lòng thành phố Xanh-Petecbua, Liên Bang Nga. Xa xôi, khí hậu khắc nghiệt hơn nhiều so với Việt Nam, đến đây học tập, anh lính quân Y đã có những ký ức Tết thật đặc biệt!
Cộng đồng người Việt ở Nga khá đông nên hàng năm mọi người đều cố gắng tổ chức bữa tiệc chung vào tối 30 hoặc mùng 1 Tết. Dịp Tết cổ truyền của dân tộc ta trùng với kỳ nghỉ đông của các trường đại học ở Nga nên một số du học sinh có điều kiện sẽ về quê đón tết cùng gia đình. Nhiều bạn khác ở lại thường cùng nhau nấu những món ăn truyền thống, chơi những trò chơi dân gian của Việt Nam.
Là bạn học cùng cấp 3 và cũng đã học tập tại Nga được 5 năm, anh N.P.T chia sẻ về cách đón Tết cổ truyền ở một trường Sĩ quan chỉ huy ở Nga: “Do đặc thù nên dịp Tết nguyên đán ở trường anh sẽ được tổ chức khá long trọng. Hiệu trưởng sẽ gửi lời chúc mừng tới học viên Việt Nam, sau đó các anh sẽ được nghỉ học đón lễ”.
Nhưng đối với các học viên Quân Y như anh Hưng, dịp Tết lại thường là mùa thi cử của các anh. “Học Y vốn đã khó, học Y bằng tiếng Nga trong môi trường quân đội lại càng khó hơn nhiều. Các anh cũng muốn chung vui Tết nhưng lại không có nhiều thời gian dành cho hoạt động Tết”, anh Hưng nói.
Ở Học viện hạn chế việc dùng điện thoại và nấu ăn, không có điều kiện gói bánh chưng như các bạn, các anh chỉ có ảnh Bác và quốc kỳ Việt Nam treo ở ngăn tủ, sắp mâm ngũ quả như truyền thống quê nhà nhưng có phần giản dị hơn. Có thời gian rảnh, ai nấy cũng cố gắng gọi điện về nhà với gia đình, sau đó lại vùi đầu vào ôn thi…
Đón Tết ở Nga, có một “đặc sản rất Nga”: tuyết. Việt Nam là vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa nên chỉ có Sapa là có tuyết, ai đến đây vào mùa lạnh cũng tranh thủ check-in. Nhưng ở Nga, mùa đón Tết cũng là mùa nhiệt độ xuống thấp chỉ còn -30 độ, tuyết rơi dày đặc, các anh học viên sẽ có thêm một nhiệm vụ: đi đục băng, dọn tuyết ở trường sau giờ học.
Tết năm nay ở Nga còn đặc biệt hơn nữa khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Mặc dù các học viên đều đã được tiêm vacxin nhưng để đảm bảo an toàn, Học viện hạn chế tối đa việc đi lại của học viên. Các anh gần như chỉ đến lớp rồi về nhà luôn, không được đi lại tự do khi không có sự cho phép của sĩ quan Nga quản lý.
Trong thành phố và trên toàn nước Nga, mọi hoạt động đón Tết gần như bị tê liệt. Do tình hình dịch nên mọi người tránh tụ tập đông người, cũng hạn chế những chuyến bay về Việt Nam. Cái Tết của những người học viên, trước đã thiếu vắng không khí Tết gia đình, năm nay lại thiếu vắng cả không khí Tết của những người đồng bào xung quanh. Cái rét khắc nghiệt ở vùng Tây Bắc nước Nga có lẽ cũng không sánh được cái giá lạnh trong lòng người lúc này!
Nỗi niềm của những bác sĩ Quân Y tương lai
Sắp đến giây phút giao thừa, anh Hưng và nhiều học viên khác, mỗi người đều có những nỗi niềm riêng, về ngày Tết cổ truyền sắp đến, về tình hình dịch bệnh COVID-19 ở Việt Nam Tết này, về ngày hoàn thành xong khóa học chính thức trở thành người bác sĩ Quân Y.
Đi xa nhà 5 năm, mới chỉ về nhà được 1 lần, anh Hưng nghẹn ngào tâm sự: “Bất kì năm nào cũng vậy, cứ đến tầm này anh lại nhớ không khí Tết ở Việt Nam, nhớ những món ăn quê hương, nhớ những việc mình hay làm vào dịp Tết như dọn dẹp nhà cửa, ăn tất niên bên gia đình vào mỗi tối 30, ra thắp hương cho ông bà tổ tiên, đi chùa xin lộc đầu năm,…”
Trong khoảnh khắc giáp Tết, anh Hưng cũng cố gắng gọi điện về nhà hỏi thăm sức khỏe, tình hình sắm sửa ở nhà nhiều hơn. Nhưng gọi về, lòng người học viên vừa mừng cũng vừa buồn thêm khi thấy cảnh gia đình quây quần bên nhau đón Tết, khác biệt hẳn với anh ở đất Nga lạnh buốt.
Nhưng không chỉ là một du học sinh, anh Hưng còn là một người lính cụ Hồ, một bác sĩ tương lai. Gạt đi những tâm tình riêng tư, anh càng nhận rõ hơn trách nhiệm của bản thân trong việc cố gắng học tập.
Nhắc về Tết này của dân tộc trong diễn biến dịch bệnh, anh Hưng thể hiện sự lo lắng cho nước nhà, song cũng vô cùng tự hào về những người đồng đội, đồng nghiệp của mình trên tuyến đầu chống dịch: những y bác sĩ xông pha vào tâm dịch chữa trị cho người bệnh, các chiến sĩ bộ đội biên phòng đón tết ở vùng biên giới lạnh giá để đảm bảo cho dân có cái Tết ấm no. Nhờ những người hùng ấy, bạn bè quốc tế đều dành rất nhiều lời khen cũng như sự ngưỡng mộ đối với đất nước và con người Việt Nam.
Tương lai, người học viên Quân Y ấy cũng sẽ tiếp bước những thế hệ trước, góp công góp sức mình cho nền Y học nước nhà, cho công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
(Vì lý do bảo mật thông tin, bài viết xin phép không nêu rõ họ tên, trường học của nhân vật T)
[Infographic] 2 mức quà tặng người có công dịp 27/7 của TP Hà Nội
(Sóng trẻ) - Theo quyết định số 590/QĐ-CTN Chủ tịch nước ký ngày 25/6/2024, quà tặng cho người có công với cách mạng nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024) được chia thành hai mức 600.000 đồng và 300.000 đồng.
Đoàn giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực tế tại cơ quan báo chí, xuất bản Thanh Hoá
(Sóng trẻ) - Hoạt động diễn ra vào ngày 6/6, nhằm tăng cường gắn kết lý luận với thực tiễn, nâng cao chất lượng đào tạo ngành báo chí - truyền thông tại các đơn vị.
Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác
(Sóng trẻ) - Sáng 19/5, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), đồng bào khắp mọi miền Tổ quốc đều hướng về Lăng Bác dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1980 - 19/5/2024). Trong tim mỗi người dân đều mang một cảm xúc bồi hồi khó tả.