(Sóng trẻ) - Phúc và những người cộng sự của mình đã không ngừng nỗ lực và cống hiến, không chỉ mang lại những đóng góp cụ thể trong công việc thiện nguyện mà còn trở thành cảm hứng cho cộng đồng về thế hệ người Việt trẻ. 

Nhóm phóng viên đã có buổi trò chuyện cùng Lê Văn Phúc - Chủ nhiệm Nhóm từ thiện Fly To Sky, đồng thời đảm nhiệm chức Phó Trưởng Ban Thường trực Mạng lưới Tình nguyện Quốc gia khu vực miền Nam (thuộc Trung tâm Tình nguyện Quốc gia).

01| Nỗ lực cho hành trình phụng sự cộng đồng 

PV: Từ đâu Phúc có ý tưởng thành lập nhóm từ thiện Fly To Sky khi mới chỉ là một chàng trai 16 tuổi? 

Lê Văn Phúc: Sinh ra và lớn lên ở Gia Lai, tôi có cơ hội tham gia các hoạt động từ thiện nhỏ cùng với gia đình, tôi nhận ra xung quanh mình còn rất nhiều người khó khăn cần sự giúp đỡ. Năm 16 tuổi, tôi tự đặt cho mình một câu hỏi: “Người trẻ làm được gì?” và bắt đầu đi tìm câu trả lời bằng cách đi theo con đường tình nguyện để cống hiến cho cộng đồng và xã hội.

Ở thời điểm đó tại Gia Lai, các hoạt động thiện nguyện thường do những người lớn tuổi và những người có điều kiện nắm vai trò chủ chốt. Những người trẻ hoạt động tình nguyện chỉ mang tính phong trào, không lâu dài và bền vững, các dự án tình nguyện không được mọi người quan tâm. Do đó, ngày 02/09/2018, tôi quyết định thành lập nhóm từ thiện Fly To Sky với mong muốn tạo ra một môi trường thiện nguyện, giúp người trẻ có cơ hội được cống hiến nhiều hơn. 

Tháng 09/2019, Dự án Tủ sách Bồ câu trắng được Nhóm từ thiện Fly To Sky thành lập với mong muốn tạo thói quen đọc sách đến các trẻ em yếu thế và trẻ em vùng cao. (Ảnh: NVCC)
Tháng 09/2019, Dự án Tủ sách Bồ câu trắng được Nhóm từ thiện Fly To Sky thành lập với mong muốn tạo thói quen đọc sách đến các trẻ em yếu thế và trẻ em vùng cao. (Ảnh: NVCC)

PV: Mặc dù công việc mang tính chất thiện nguyện là những người có tầm ảnh hưởng trong xã hội, tuy nhiên ở độ tuổi khá trẻ Phúc đã tập hơn 6700 tình nguyện viên vào nhóm thiện nguyện. Vậy, Phúc và những người cộng sự của mình đã làm gì để tạo sự tin tưởng, thu hút nhiều người đồng hành và phát triển nhóm Fly To Sky?

Lê Văn Phúc: Fly To Sky khi mới thành lập bao gồm những thành viên rất trẻ tuổi, vì vậy chưa có được sự tin tưởng từ mọi người. Bản thân tôi và Fly To Sky không ngừng nỗ lực, dùng hành động để xây dựng niềm tin, cũng như vận động sự ủng hộ của mọi người. 

Giai đoạn đầu tiên, nhóm thực hiện các dự án gây quỹ nhỏ như bán hàng, biểu diễn âm nhạc, kêu gọi từ những người thân xung quanh. Khi đã tạo dựng được niềm tin, tôi cùng nhóm bắt đầu kêu gọi tài trợ từ các công ty, doanh nghiệp và những tổ chức lớn hơn.

Tôi và nhóm không không đặt mục tiêu phải vận động được bao nhiêu. Chúng tôi xác định dựa vào khả năng của mình để thực hiện các hoạt động thiện nguyện là chính. Kêu gọi ủng hộ được bao nhiêu sẽ sử dụng bấy nhiêu. Quan điểm của tôi là dù có bao nhiêu cũng có thể tổ chức được những chương trình có giá trị và ý nghĩa.

PV: Vậy để vận hành và phát triển nhóm từ thiện Fly To Sky cho đến bây giờ, Phúc và nhóm cộng sự của mình đã gặp những khó khăn gì?

Lê Văn Phúc: Bắt đầu hành trình khi mới 16 tuổi, tôi gặp không ít khó khăn. Lúc mới thành lập, 100% thành viên của Fly To Sky là các bạn học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường. Vì vậy bản thân tôi và nhóm luôn phải cân bằng thời gian giữa việc học và việc tham gia các hoạt động tình nguyện. Đặc biệt các bạn ở độ tuổi học sinh phổ thông khi tham gia hoạt động tình nguyện cũng là một khó khăn với đặc thù của tổ chức. 

Tôi nghĩ, để những hoạt động thiện nguyện này trở nên chuyên nghiệp hơn, những người trẻ như chúng tôi cần có định hướng rõ ràng. Vì thế, chúng tôi đã bắt tay vào đi tìm sự hỗ trợ từ những người đi trước và những anh chị đã hoạt động xã hội lâu năm.

Việc kết nối với Trung tâm Tình nguyện quốc gia đối với tôi và Fly To Sky là một bước tiến mới. Hơn một năm sau khi thành lập nhóm, ngày 01/01/2020, nhóm từ thiện Fly To Sky chính thức trực thuộc Trung tâm Tình nguyện quốc gia Trung ương Đoàn. Đó là sự kiện quan trọng, vừa tạo nền tảng pháp lý, vừa tạo định hướng rõ ràng cho tôi cũng như Fly To Sky. 

02| Giá trị thực sự của sự tử tế

PV: Khi thực hiện những hoạt động thiện nguyện, mang lại những giá trị thiết thực cho cộng đồng và được xã hội ghi nhận, Phúc có cảm xúc như thế nào?

Lê Văn Phúc: Bản thân tôi khi thực hiện các hoạt động cộng đồng thực chất là từ niềm say mê và khao khát được cống hiến. Vì vậy trong hành trình thiện nguyện đó, chúng tôi luôn nỗ lực, hăng say để tạo dựng các giá trị tới cộng đồng. Chúng tôi không mong muốn gì hơn ngoài nụ cười và niềm hạnh phúc của người được giúp đỡ. Với tôi đó là giá trị thực sự của sự tử tế, chứ không phải là được vinh danh hay nhận lại bất cứ thành tựu nào. 

Tôi luôn tâm niệm và chia sẻ rất nhiều với đội ngũ của Fly To Sky rằng: “Tờ giấy khen thưởng cũng chỉ là tờ giấy, giấy được in mực có ngày sẽ phai. Mười năm nữa chưa chắc người ta nhớ tới mình nhận được thành tựu gì, nhưng họ sẽ nhớ đến những giá trị mà mình đóng góp”.

Những thành tựu cộng đồng và giải thưởng mà tôi vinh dự nhận được vừa là động lực và cũng phần nào đó là đáp án cho câu hỏi tôi đặt ra những ngày đầu tiên khi thành lập nhóm Fly To Sky: “Người trẻ làm được gì?”. 

PV: Tính đến thời điểm hiện tại, Fly To Sky đã tổ chức được khoảng 27 dự án và hơn 180 chương trình chiến dịch tình nguyện ở 26 tỉnh, thành phố. Vậy dự án nào khiến Phúc ấn tượng và tự hào nhất trong các hoạt động của nhóm từ thiện Fly To Sky?

Lê Văn Phúc: Trong suốt hành trình của Fly To Sky có rất nhiều dự án và chương trình tình nguyện khác nhau. Mỗi hành trình đều để lại những ấn tượng và ý nghĩa với tôi.

Tuy nhiên, dự án ấn tượng nhất có thể kể đến là chiến dịch “Anh hùng diệt khuẩn”. Đó là chiến dịch mà Fly To Sky triển khai trong thời gian dài, bắt đầu từ khi Việt Nam công bố ca mắc Covid-19 đầu tiên và kéo dài trong 2 năm. Đây cũng là chiến dịch có quy mô kinh phí lớn nhất tính tới thời điểm hiện nay. 

Fly To Sky đã triển khai hơn 13 tỷ đồng cho chiến dịch “Anh hùng diệt khuẩn”, trong đó có hơn 5,5 tỷ đồng dùng để hỗ trợ trang thiết bị y tế cơ bản để phòng, chống dịch ở nhiều địa phương. Bất kỳ nơi nào ở Việt Nam có ca mắc đầu tiên, chúng tôi đều thực hiện chiến dịch này. Đây cũng là cách chúng tôi đồng hành cùng với đất nước trong giai đoạn căng thẳng của đại dịch Covid-19. 

Chúng tôi không cố gắng tìm kiếm ý tưởng mới để hành động, bởi vì tất cả các dự án của Fly To Sky đều được tổ chức dựa trên tình hình thực tiễn. Mỗi dự án được thành lập đều có lý chứ không phải miễn cưỡng được tạo thành. Vì vậy chúng tôi luôn cố gắng triển khai và thực hiện từng dự án, với tinh thần của tuổi trẻ là “cho đi mà không cần nhận lại”.

PV: Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Đừng bỏ lỡ
Khóa II Khoa Báo chí: Hành trình 50 năm hội ngộ và tri ân

Khóa II Khoa Báo chí: Hành trình 50 năm hội ngộ và tri ân

Tin nổi bật2 tuần trước

(Sóng trẻ) - Nhân kỷ niệm 50 năm ngày tựu trường của cựu sinh viên báo chí (1975 - 2025), ngày 15/3, Ban liên lạc khóa II khoa Báo chí tổ chức buổi gặp mặt thân mật tại tầng 10, tòa nhà A1, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Người dân cả nước hân hoan đón Giao thừa Tết Ất Tỵ 2025

Người dân cả nước hân hoan đón Giao thừa Tết Ất Tỵ 2025

Tin nổi bật2 tháng trước

(Sóng trẻ) - Thời khắc chuyển giao sang năm mới Ất Tỵ 2025, không khí hân hoan bao trùm nhiều tỉnh thành trên cả nước. Hàng triệu người dân từ Bắc vào Nam hòa mình vào màn pháo hoa rực rỡ, các chương trình nghệ thuật đặc sắc cùng nhiều hoạt động văn hóa.

Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"

Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - 14h30 ngày 05/12/2024, Trang tin điện tử Sóng trẻ sẽ tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Đi và viết khi ta còn trẻ”.

XEM THÊM TIN