(Sóng trẻ) - Ít ai biết rằng Bế Thị Băng - Hoa khôi “Vẻ đẹp Vầng trăng khuyết 2019”, dù mất một bên chân sau tai nạn nghiêm trọng, nhưng suốt 10 năm qua, cô chưa từng một ngày ngồi xe lăn. Với ý chí mạnh mẽ và tinh thần kiên cường, Băng không chỉ tự mình vượt qua nỗi đau mất mát, mà còn trở thành biểu tượng của nghị lực và sự lạc quan, truyền cảm hứng sâu sắc đến cộng đồng người khuyết tật và toàn xã hội.
“Giải thưởng Hoa khôi cuộc thi “Vẻ đẹp vầng trăng khuyết giống như một cuộc “cách mạng tư tưởng” để tôi tự chiến thắng nỗi đau”, Bế Thị Băng chia sẻ với ánh mắt đầy tự tin và bản lĩnh trong từng câu nói. Chúng tôi nói vui với nhau, khí chất ấy đã “vận vào” cuộc đời tỏa sáng của Băng. Giờ đây, cô không chỉ là một hoa khôi xinh đẹp mà còn là một đại sứ năng nổ trong các hoạt động thiện nguyện và là niềm cảm hứng cho hàng nghìn người trong cộng đồng người khuyết tật (NKT).
Nhìn hình ảnh người phụ nữ tài giỏi hôm nay, chắc hẳn nhiều người đã lãng quên hoặc thậm chí không biết rằng Bế Thị Băng cũng mang trong mình khiếm khuyết về thể chất. Chúng tôi tự hỏi, làm sao một cô gái từng mất đi không chỉ một phần cơ thể mà còn cả những ước mơ, hy vọng của tuổi trẻ lại có thể mạnh mẽ đứng dậy và bước tiếp?
Hành trình gian khó không báo trước
Tiếng va chạm xe chói tai như xé toạc không gian. Một ngày tưởng chừng như bình thường của cô gái nhỏ Bế Thị Băng, nhưng không ngờ rằng tai nạn đó lại trở thành bước ngoặt lớn nhất trong cuộc đời cô.
“Khi tỉnh dậy, tôi hoang mang và sốc khi thấy mình phải nằm trong phòng cấp cứu với toàn thân đầy những băng bó và chỉ còn lại một chân”, Băng nhớ lại.
Mới mấy ngày trước đó, cô sinh viên vẫn còn được đi dạo cùng chúng bạn qua khắp các ngóc ngách Thủ đô, tận hưởng những ngày tháng tự do, bay nhảy của tuổi trẻ. Chỉ sau 1 giấc mơ dài, tỉnh dậy trước mắt Băng chỉ còn trắng xóa nỗi đau từ những vết thương hoại tử từ thể xác, nhưng hơn cả nỗi đau tinh thần - có một điểm khuyết sẽ theo cô đến hết cuộc đời. Cô gái ấy vẫn nhen nhóm hy vọng thời gian liệu có đợi mình và những vết thương này có thể lành trở lại?
Nhưng điều kỳ diệu đã không đến. “Tôi cảm thấy tương lai tôi đã tắt và chẳng còn hy vọng nào để lấy lại những gì đã mất”, những cảm xúc yếu đuối khi ấy vẫn khiến Bế Thị Băng không khỏi bồi hồi khi kể lại.
Mạnh mẽ lựa chọn bước tiếp sau vụ tai nạn nguy hiểm tới tính mạng, chúng tôi xúc động và có đôi chút ngạc nhiên khi biết rằng động lực để Bế Thị Băng vượt qua từng bắt nguồn từ nỗi mặc cảm vì những định kiến xã hội về những người khuyết tật. Trong ánh mắt của nhiều người, người khuyết tật luôn phải chịu đựng thiệt thòi, họ bị đóng khung trong những giới hạn vô hình, ít có cơ hội được thể hiện bản thân hay thực hiện những khát vọng to lớn mà họ ấp ủ.
Theo kết quả điều tra của Viện Nghiên cứu Dư luận xã hội và Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội, Đảng và Nhà nước cùng toàn xã hội luôn dành nhiều ưu tiên đặc biệt cho cộng đồng những người NKT, tuy nhiên sự kỳ thị liên quan đến khuyết tật vẫn rất phổ biến và có những tác động tiêu cực nghiêm trọng tới cuộc sống của họ. Cũng theo kết quả điều tra trên, tỉ lệ NKT bị kỳ thị là cao nhất trong giao tiếp (chiếm 95,5%); NKT trong nhóm trẻ bị kỳ thị nhiều hơn NKT cao tuổi; NKT có trình độ học vấn càng cao càng bị kỳ thị; NKT là nữ chịu kỳ thị nhiều hơn NKT nam giới.
Khi ấy, Bế Thị Băng không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình và quê hương: “Chỗ dựa duy nhất của tôi là chính mình”.
Tôi nhủ phải tự mình làm sạch tinh thần, tôi không thể để tinh thần của tôi trở nên tiêu cực như một “ly thuốc độc” giết chết đi năng lượng tích cực, sự sống đã từng hoàn thiện của tôi trước đây và hiện tại. Nhưng điều đó thật sự không dễ dàng để thực hiện trong một tuần, một tháng hay một năm mà nó phải mất đến gần ba năm để tôi chấp nhận hình hài khiếm khuyết của mình. Một phần thanh xuân của tôi gắn với hành trình bi kịch và đau thương đột ngột”, hoa khôi Bế Thị Băng nhớ lại.
Băng đã lựa chọn giải phóng chính mình bắt đầu từ việc tự nghĩ ra những chiêu phục hồi chức năng “khác người”- luyện lấy thăng bằng trên giày cao gót. Lúc ấy với tâm lý không phụ thuộc, cô muốn tự mình có thể đứng và đi lại bằng nạng gỗ.
“Có những khó khăn như việc bị vấp ngã, hoặc trẹo chân sưng tím cả vài tháng, hay có lúc tôi tập đứng đến sưng hết cả bàn chân và ngón chân chín mọng nước, chai sạn nổi thành cục không biết bao nhiêu lần. Tôi đã luyện tập đến khi tôi đứng không còn biết cảm giác đau là như thế nào”. Bế Thị Băng xúc động. Cô biết rằng, nỗi đau ấy chẳng là gì so với viễn cảnh mình phải ngồi xe lăn suốt đời.
Điều khiến Băng đạt được những thành công như ngày hôm nay không thể lãng quên tinh thần kiên cường, không bỏ cuộc năm ấy. Sau khi thực hiện thành công việc tập luyện thăng bằng trên giày cao gót, cô đã tự học nhảy múa trên trên những đôi giày ấy để tăng độ khó cho việc luyện tập và lấy được sự thăng bằng tốt hơn.
Hoa khôi Bế Thị Băng không khởi nguồn hành trình với sự lạc quan như nhiều người lầm tưởng đó là năng lượng cô vốn có. Nhưng qua hành trình kiên trì tập luyện với mong muốn tự chủ, hòa nhập cộng đồng, cô đã tìm lại chính mình - một cô gái vui vẻ, yêu đời, sống có lý tưởng trước kia.
“Sau những cơn ác mộng ám ảnh vì khiếm khuyết cơ thể, tôi lại tìm thấy tình yêu cuộc sống, mà còn là sống đẹp hơn trước. Tôi muốn bản thân phải làm điều gì đó có ích, nó không phải là có ích cho cá nhân tôi mà to lớn hơn là để nhân rộng lòng nhân ái, yêu thương tới cộng đồng”, Băng xúc động.
Phải sống dù cơ hội chỉ còn 5%
Câu nói “với tôi, vũ khí của tuổi trẻ là sự kiên cường, không ngại khó, ngại khổ” của Bế Thị Băng đã khiến nhóm phóng viên chúng tôi không ngừng ngưỡng mộ, chúng tôi tự hỏi động lực nào đã khiến cô gái nhỏ nhắn ấy vượt qua vết thương cả về tinh thần lẫn thể xác để có được sự lạc quan, tích cực và đạt được nhiều thành công như hiện tại.
Khi nghe bác sĩ nói sự sống chỉ có 5%, chắc chắn ai cũng sẽ lo lắng, sợ hãi, Băng cũng không ngoại lệ. Cô đã từng đếm từng ngày có mặt trên đời, mỗi ngày “cảm nhận” nỗi đau từ những vết thương hoại tử, động lực lúc ấy chính là bố mẹ và quê hương, hơn hết cô suy nghĩ phải vượt qua chính mình. “Tôi sợ bản thân sẽ là gánh nặng cho người khác, tôi muốn sống và tôi phải sống”, Băng tâm sự, đây cũng là lúc cô quyết tâm thay đổi để sống và lan tỏa những giá trị tốt đẹp đến xã hội.
Sau bước ngoặt tai nạn giao thông, đối với cô gái ấy quan trọng nhất là sự hoà nhập bởi chỉ hoà nhập mới giúp cô giải phóng được cuộc sống thứ hai này. Bỏ lại đằng sau những rào cản về thể chất, tổn thương về tinh thần, những lời nói kỳ thị, Băng muốn mình chính là nguồn động lực cho những người không may bị khuyết tật và cả những người đang gặp khó khăn trong cuộc sống.
Đến với “Vẻ đẹp vầng trăng khuyết”, Băng không đặt ra mục tiêu chiến thắng mà coi coi đó là cơ hội giao lưu, hoà nhập với những hoàn cảnh đặc biệt và cũng muốn truyền cảm hứng đến những người yếu thế. “Bản thân tôi tuy đã mất đi 1 phần cơ thể nhưng tôi không muốn “sống hoài, sống phí” mà thay vào đó tôi muốn “sống khỏe , sống đẹp, sống có ích” để truyền cảm hứng và sống hết mình vì tuổi trẻ “, Băng chia sẻ.
Giải thưởng Hoa khôi “Vẻ đẹp vầng trăng khuyết” là sự bất ngờ lớn mà Băng chưa nghĩ tới: “Tôi không chỉ được 1 giải nhất mà còn có thêm giải khán giả bình chọn nhiều nhất và giải tài năng. Đêm hôm đó tôi thực sự không ngủ được và nghĩ về những điều đã trải qua. Lần đầu tiên kể từ sau khi tai nạn, tôi thấy tự hào về chính mình, bởi trước đây tôi luôn nghĩ với khiếm khuyết này, mình rất khó để thực hiện điều gì”.
Hành trình ấy vẫn chưa dừng lại, sau cuộc thi, cô đã có cơ hội gặp gỡ nhiều người khuyết tật và tham gia nhiều chương trình thiện nguyện, Băng đặt mục tiêu mỗi ngày phải làm ít nhất một việc mà bản thân cảm thấy ý nghĩa để tâm hồn được xoa dịu, được sống ý nghĩa hơn với tuổi trẻ của mình.
Hiện nay, Bế Thị Băng đang là đại sứ Mottainai gây quỹ học bổng cho trẻ em mồ côi bị thiệt thòi và ảnh hưởng bởi tai nạn giao thông (do báo phụ nữ Việt Nam và Đại sứ quán Nhật Bản tổ chức), cô tham gia một số hoạt động cộng đồng hỗ trợ các bạn khuyết tật vùng cao như Câu lạc bộ điểm tựa cuộc sống Người khuyết tật Cao Bằng, hỗ trợ bệnh nhân ung thư, trẻ tự kỷ, bại não…Ngoài ra, Bế Thị Băng có những hoạt động cá nhân riêng nhằm xoa dịu nỗi đau người khuyết tật như tặng nạng, tặng xe lăn, hỗ trợ làm chân giả cho những bạn có hoàn cảnh khó khăn…
Chia sẻ về động lực thôi thúc Băng thực hiện những hoạt động ý nghĩa, cô cho biết: “Trước đây tôi không nhận được sự đồng cảm từ mọi người, tôi tự mình bấu vào chính mình cố gắng, tôi tự ý thức sự đồng cảm rất cần thiết trong xã hội, đặc biệt là với những người có hoàn cảnh đặc biệt hơn so với những người bình thường. Vì vậy tôi muốn được gặp gỡ, hoà nhập với những bạn yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn để các bạn có cuộc sống tốt hơn, vui vẻ hơn. Các bạn ấy có mong cầu gì, tôi sẽ giúp trong khả năng của mình như chân giả, tay giả, xe lăn, nạng...”Nhưng không có chặng đường nào dễ dàng đối với cô, khi muốn đi tình nguyện ở một địa điểm xa hơn lại sợ là gánh nặng cho những người cùng đoàn hay phải nghe những lời nói “đi chỉ để làm màu”, “chụp hình ké lấy hình ảnh”... “Khi ấy tôi cũng chỉ cười vì tôi mới hiểu mình nhất, tôi biết tôi muốn làm gì và lý do mình muốn thực hiện. Những việc làm không có giá trị và chỉ toàn sự tiêu cực chắc chắn tôi sẽ không có mặt”, Băng bộc bạch.
Khiếm khuyết chính là động lực cố gắng
Trước đây, nghệ thuật chẳng hề nằm trong thế giới của Băng. Nhưng sau biến cố, cô đã tìm thấy trong nó một người bạn đồng hành đặc biệt. Mỗi bước nhảy, mỗi động tác uyển chuyển đều là cách Băng tự chữa lành vết thương, vượt qua giới hạn của bản thân. Với Băng, nghệ thuật không chỉ là một sở thích mà còn là cách để cô khẳng định bản thân, truyền cảm hứng cho những người xung quanh. Cô đã chứng minh rằng, bằng sự nỗ lực không ngừng, con người có thể vượt qua mọi khó khăn và biến ước mơ thành hiện thực.
“Thời gian trước tôi chỉ giới hạn bản thân sống thu mình ở một góc nhỏ và mang suy nghĩ bị khuyết tật như một sự trả giá. Nhưng từ khi bản thân ý thức được giá trị của mình, mọi rào cản khuyết tật sẽ không còn nữa, nếu luôn suy nghĩ khuyết tật là bị phụ thuộc vào ai đó sẽ hình thành thói quen ỉ lại, thiếu đi ý chí cầu tiến, vì vậy tôi đã lấy hết sự tự tin để làm vũ khí để sống và làm những điều có ích”, Băng cho biết.
Khiến người khác hạnh phúc cũng chính là làm cho bản thân mình hạnh phúc, đây là suy nghĩ vẫn luôn tồn tại ở Băng: “Mỗi lần tham gia những sự kiện dành cho người khuyết tật, tôi rất xúc động. Vẻ ngoài tuy không hoàn hảo nhưng trái tim họ không ngừng khao khát về ước mơ trong tương lai. Càng đến gần hơn với họ, tôi càng tự nhắc bản thân phải sống tốt, khoẻ mạnh hơn để được giúp đỡ các bạn ấy nhiều hơn nữa”.
Dù có bị cho là làm màu, tạo hình ảnh, Băng vẫn kiên định với con đường mình đã chọn, cô tự tin vào những gì mình đang làm và không hề bận tâm đến những lời bình phẩm tiêu cực từ người khác: “Làm tình nguyện không phải theo phong trào, vài ngày hay vài tháng. Tôi làm tình nguyện với tinh thần, có ít cho ít, làm việc tốt không quan trọng bạn cho được bao nhiêu mà là tình cảm của bạn dành cho họ thật sự là bao nhiêu. Tôi luôn hướng đến sự vui vẻ, đoàn kết trong cuộc sống để bản thân luôn tích cực, tâm hồn rộng mở hơn”, Băng chia sẻ.
Câu chuyện của Bế Thị Băng đã lan tỏa được cảm hứng để những người đang gặp khó khăn, thử thách có thêm động lực vượt qua: “Với tôi, mỗi khó khăn, bước ngoặt đều giúp mình trưởng thành hơn. Ai cũng có những khó khăn riêng biệt, hãy tự mình khắc lên những điều ý nghĩa để sống cuộc sống có nghĩa hơn”, Bế Thị Băng gửi lời nhắn nhủ.
Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"
(Sóng trẻ) - 14h30 ngày 05/12/2024, Trang tin điện tử Sóng trẻ sẽ tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Đi và viết khi ta còn trẻ”.
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.
Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam
(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.