Bối cảnh xã hội hiện đại đã đặt người trẻ vào vô vàn những tình thế mới so với các thế hệ trước và vô hình trung đây chính là “bầu khí quyển” làm nảy sinh căn bệnh trầm cảm.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2023, bệnh trầm cảm xếp ở vị trí thứ ba trong danh sách gánh nặng bệnh tật thế giới và trong tương lai năm 2030 sẽ đứng ở vị trí đầu tiên với tốc độ tăng trưởng như hiện tại. Tại Việt Nam, theo số liệu mới nhất trong báo cáo của Bộ Y tế vào năm 2023, cứ 32 người sẽ có 1 người mắc trầm cảm. Điều đáng nói là người trẻ chiếm một tỉ lệ đáng kể và đang có chiều hướng ngày càng tăng.
Đằng sau những con số biết nói là hàng triệu câu chuyện khác nhau về sự mất mát, cô đơn, tuyệt vọng và hàng loạt những nỗi đau không thể kể tên, và đây dường như là tín hiệu đáng báo động về một cuộc khủng hoảng tinh thần mà xã hội không thể làm ngơ. Liệu ta đã sẵn sàng đối mặt và tìm ra giải pháp cho nó?
Thời gian gần đây, số lượng bệnh nhân mắc bệnh trầm cảm ngày càng trẻ hóa. Theo bác sĩ Nguyễn Viết Chung, trưởng khoa Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện E (Hà Nội), đơn vị này vừa tiếp nhận một số trường hợp vào khám liên quan tới áp lực học hành vào tháng 9 vừa qua. Một nữ sinh 15 tuổi (trú tại Hà Nội) được mẹ đưa tới bệnh viện vì thường xuyên gặp ác mộng. Gần đây, nữ sinh này có mong ước sau giấc ngủ mình không tỉnh lại nữa và tìm cách gây thương tích cho bản thân để kết thúc cuộc đời.
Đây chỉ là 1 trong 40.000 người tìm cách kết thúc cuộc đời vì trầm cảm tại Việt Nam theo số liệu của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường quốc gia (Bộ Y tế) vào năm 2023. Đáng nói, con số này cao gấp 4 lần ca tử vong do tai nạn giao thông.
Bạn trẻ T.T.V (30 tuổi, Hà Nội), người từng trải qua nỗi đau trầm cảm, chia sẻ: “Mỗi ngày thức dậy, mình luôn tự hỏi sao hôm nay mình chưa chết nhỉ. Cuộc sống trở nên vô nghĩa, và ý nghĩ duy nhất còn sót lại là kết thúc tất cả”. Cảm giác trống rỗng cùng suy nghĩ tiêu cực đeo bám từng phút giây là trạng thái mà không ít người trẻ phải đối diện khi mắc căn bệnh trầm cảm.
Theo Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia Hoa Kỳ, trầm cảm là một rối loạn tâm trạng nghiêm trọng gây ảnh hưởng sâu sắc đến cảm nhận, suy nghĩ và hoạt động của một người. Triệu chứng của trầm cảm kéo dài và không dễ dàng biến mất, khiến người bệnh không thể tập trung vào công việc, học hành và thậm chí có thể suy nghĩ đến việc tự tử như là một lối thoát cuối cùng.
Tại Việt Nam, trầm cảm là nguyên nhân thứ 5 dẫn đến gánh nặng bệnh tật. Theo báo cáo của Bộ Y tế năm 2023, ước tính có khoảng 3,2 triệu người Việt Nam mắc căn bệnh này. Con số này chiếm 3,1% dân số, tương đương với 1 trong 32 người. Trong đó, nhóm tuổi từ 18 - 29 tuổi có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất (5,4%), tỷ lệ mắc bệnh cao hơn ở phụ nữ (4,2%) so với nam giới (2,1%).
Có một thực tế đáng báo động rằng trầm cảm đang ngày càng gia tăng một cách chóng mặt trong những năm gần đây, trong khi đó những nút thắt khi đối diện và chống chọi với căn bệnh này vẫn chưa thể được tháo gỡ.
Thạc sĩ tâm lý học lâm sàng Đặng Đức Anh (Đại học giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội) đã lý giải về số liệu được thống kê về người mắc trầm cảm và khẳng định rằng tình trạng trầm cảm gia tăng hiện nay là hệ quả của nhiều yếu tố.
Đầu tiên, so với trước đây, nhận thức của người dân về các rối loạn tâm thần đã cải thiện đáng kể. Sự thay đổi tích cực này bắt nguồn từ việc người dân được tiếp cận với tri thức về rối loạn tâm thần nhiều hơn, cộng đồng hiện nay có nhiều quan tâm hơn đến sức khỏe tinh thần và đang dần được tiếp cận với các nghiên cứu cải tiến trong lĩnh vực này. Điều này có thể dẫn tới tỷ lệ gia tăng của căn bệnh trầm cảm theo số liệu thống kê bởi nhiều người đã trả lời trung thực hơn, khai báo rõ ràng hơn về tình hình sức khỏe tinh thần của bản thân.
Bên cạnh đó, người dân cũng dễ dàng truy cập những đường dây, tổ chức, bệnh viện để khai báo về tình trạng của bản thân, từ đó số liệu về căn bệnh này cũng dễ dàng được tổng hợp và thống kê hơn so với trước đây. Đây dường như là một tín hiệu tốt bởi xã hội đã có nhận thức toàn diện hơn về sự nguy hiểm của căn bệnh này so với thời gian trước đây.
Thứ hai, xã hội hiện đại với sự bùng nổ của công nghệ, mạng xã hội cùng sự biến đổi trong mọi mặt của đời sống đã trao quyền cho thế hệ trẻ được phát triển và tự do hơn trong các lựa chọn, nhưng đồng thời, đặt người trẻ vào hàng loạt những áp lực mới. Sự cạnh tranh và những kỳ vọng về một sự lý tưởng khiến nhiều người trẻ luôn sống trong sự căng thẳng, mệt mỏi. “Cứ mỗi lần lên mạng xã hội, em lại thấy bạn bè có cuộc sống hoàn hảo, từ công việc đến mối quan hệ, khiến em cảm thấy mình thật kém cỏi” - N.H.L (15 tuổi, Ninh Bình) bày tỏ.
Mạng xã hội - “con dao hai lưỡi” khiến người trẻ dễ dàng phải đối mặt với nguy cơ bị bắt nạt, công kích. Những tổn thương này có thể dẫn đến ảnh hưởng tiêu cực lên sức khỏe tinh thần, khiến nguy cơ trầm cảm gia tăng đáng kể. Hiện tượng này không chỉ xảy ra tại Việt Nam mà còn phổ biến ở nhiều quốc gia khác.Tại Hàn Quốc, một trong những ngành công nghiệp giải trí lớn nhất châu Á, nhiều ngôi sao trẻ tuổi đã chọn cách kết thúc cuộc đời khi không thể chịu nổi áp lực từ truyền thông và xã hội. Vụ việc đau lòng của nghệ sĩ Sulli vào năm 2019 đã để lại dư âm mạnh mẽ về những áp lực mà giới trẻ phải chịu đựng trong thời đại mạng xã hội bùng nổ. “Tôi đã nói là tôi mệt mỏi lắm rồi, nhưng chẳng ai lắng nghe cả” là câu nói ám ảnh của Sulli trước khi cô qua đời.
Thứ ba, ThS. Đặng Đức Anh cũng khẳng định rằng: “Công nghệ cũng phần nào đó tước đi những khoảng thời gian tương tác trực tiếp giữa các cá nhân, rèn luyện thể chất... và điều này cũng ảnh hưởng đến khả năng chống lại bệnh tật của người trẻ”. Anh cũng chỉ thêm rằng trầm cảm thường được nhắc tới là sự đau khổ, bất lực, tuyệt vọng trước hoàn cảnh khó khăn mà cá nhân không đủ năng lực vượt qua. Cá nhân thiếu hụt những sự kiện tích cực giúp cá nhân cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc, tự tin trong khi đó các khó khăn lại liên tục xảy đến mà không thể được giải quyết tốt, từ đó ảnh hưởng đến cách cá nhân nhìn bản thân, nhìn tương lai và nhìn thế giới đầy tiêu cực.
Bên cạnh đó, theo ý kiến của ThS. Đặng Quốc Anh, cuộc khủng hoảng sức khỏe tinh thần ở giới trẻ còn bắt nguồn từ các yếu tố khách quan, điển hình là trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Trong giai đoạn phong tỏa kéo dài, nhiều người trẻ đã trải qua cảm giác cô lập, mất mát và bất an. Công việc và thu nhập bị ảnh hưởng, kế hoạch học tập và sự nghiệp phải trì hoãn, và từ đó, tương lai họ dần trở nên mù mịt.
T.T.V.A (26 tuổi, nhân viên văn phòng) bồi hồi khi nhớ lại những kí ức khi đấu tranh với trầm cảm trong giai đoạn khó khăn này: “Sa thải hàng loạt, thu nhập giảm sút, gánh nặng tài chính, và ngày nào cũng phải đối mặt với những tin tức tiêu cực về dịch bệnh, mình cảm giác như cả thế giới đang sụp đổ. Mình thường xuyên mất ngủ và phải uống thuốc an thần rất nhiều để có thể ngủ được”.
Theo dõi bài viết chi tiết tại: Kỳ 1 - Những ca bệnh kéo dài
Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc mở phòng trưng bày dành riêng cho "Oegyujanggak Uigwe"
(Sóng trẻ) - Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc (NMK) sẽ chính thức khai trương phòng trưng bày cố định đầu tiên dành riêng cho bộ sưu tập "Oegyujanggak Uigwe" vào thứ sáu,15/11.
196 thầy cô được vinh danh trong lễ trao giải “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo”
(Sóng trẻ) - Ngày 14/11, lễ trao giải "Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” diễn ra tại Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam.
Chúng ta thường ít lắng nghe hơn trong thời đại ngày nay
(Sóng trẻ) - Là một hoạt động nghệ thuật trong Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội, chuỗi workshop âm thanh “Lắng Nghe Sâu” mang đến trải nghiệm âm thanh độc đáo giúp người tham gia tương tác, cảm nhận và kết nối với không gian xung quanh.