(Sóng trẻ) - Tái chế nhưng gây ô nhiễm, đời sống của nhóm lao động phi chính thức không được đảm bảo. Thế nhưng, những làng nghề như vậy vẫn tồn tại hàng chục năm vì lợi ích kinh tế. Trước tình cảnh đó, triển khai EPR với những yêu cầu cao hơn về giảm thiểu rác thải, bảo vệ môi trường sẽ là thách thức hay cơ hội cho hệ thống này? Để tìm hiểu rõ hơn, chúng tôi có cuộc trao đổi với TS. Quách Thị Xuân (Trưởng đại diện Tổ chức Môi trường Thái Bình Dương (PE), Điều phối viên của Liên minh không rác Việt Nam) về vấn đề trên.

Một báo cáo của Ngân hàng Thế giới chỉ ra Việt Nam lãng phí gần 3 tỷ USD mỗi năm vì không tái chế hết rác thải nhựa từ sinh hoạt. Từ số liệu trên, bà đánh giá như thế nào về tiềm năng phát triển ngành tái chế của nước ta hiện nay? 

Trong mô hình kinh tế tuần hoàn chia thành 9 mức, từ cao đến thấp. Trong đó, đốt nguyên vật liệu để thu hồi năng lượng (R9) và tái chế (R8) là hai mức thấp nhất của tuần hoàn. Đối với nhựa, chúng ta cần phải thận trọng đánh giá hiệu quả của R8 và R9. Bởi vì hầu hết các loại nhựa chỉ có thể tái chế được từ 1 - 2 lần và rất nhiều loại nhựa chỉ tái chế được 1 lần. Tái chế chỉ thực sự có ý nghĩa khi nhựa tái chế thay thế được nhựa nguyên sinh và giảm khai thác tài nguyên thiên nhiên, không gây ô nhiễm môi trường. 

9 mức của mô hình kinh tế tuần hoàn
9 mức của mô hình kinh tế tuần hoàn

Hiện nay, rất nhiều làng nghề tái chế có cơ sở hạ tầng kém, lạc hậu, không có các thiết bị đảm bảo kiểm soát được ô nhiễm về khí thải, nước thải. Khi nghiên cứu tại làng tái chế nhựa Minh Khai (huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên), tôi nhận ra trong tổng số 100 % lượng nhựa nhập vào chỉ có 60% là có thể tái chế còn 40% là bị thải ra ngoài khiến môi trường cực kì ô nhiễm và ảnh hưởng đến sức khỏe của nhiều người. 

Bên cạnh đó, hầu như rác thải nhựa được thu gom bởi lực lượng ve chai, đồng nát tại các bãi rác hay trên đường. Bởi vì người dân không phân loại ngay từ đầu nên rác nhựa bị nhiễm chất thải hữu cơ khác, không đảm bảo chất lượng để sản xuất lại. Do đó, nhiều doanh nghiệp phải nhập khẩu phế liệu nhựa sạch từ nước ngoài, đặc biệt là của Nhật khiến tỷ lệ tái chế rác nội địa bị giảm đi.

Đầu năm 2024, Việt Nam bắt đầu triển khai EPR (Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất) đối với bao bì. Bà đánh giá như thế nào về vai trò của công cụ này trong mục tiêu hướng đến kinh tế tuần hoàn của nước ta?

Theo như mô hình trên, tôi đánh giá EPR là giải pháp hướng đến các giải pháp đầu nguồn. Đây là công cụ đắc lực giúp hệ thống chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn, hướng đến phát triển bền vững. Nếu EPR được thiết kế tốt thì Việt Nam có thể giải quyết được vấn đề ô nhiễm chất thải rắn, đặc biệt là ô nhiễm nhựa hiện đang rất nghiêm trọng. 

Vậy, theo bà, Việt Nam cần phải làm gì để phát huy hiệu quả EPR trong tình trạng hệ thống thu gom, tái chế còn thiếu đồng bộ, lạc hậu ở nhiều nơi? 

Tôi đề nghị một số khuyến nghị sau: 

Với người dân, cần làm cho họ hiểu được tầm quan trọng của tái chế. Từ đó, họ không tiêu dùng hay hạn chế sử dụng những sản phẩm có bao bì không thể tái chế hoặc không thể tái sử dụng được.

Với tiêu chuẩn thiết kế, các nhà sản xuất phải có những thiết kế hướng tới tuần hoàn, tức là có thể tái sử dụng hoặc dễ dàng thu gom để tái chế. Như tại Hàn Quốc, chính sách nước này khuyến khích nhà sản xuất sử dụng nhựa trong hơn nhựa màu vì khả năng tái chế cao. Đồng thời, chúng ta phải có một tiêu chuẩn thiết kế do quốc gia ban hành và dựa trên tiêu chuẩn quốc tế để các doanh nghiệp dễ dàng triển khai, 

Với hệ thống pháp luật, tôi nghĩ Nhà nước cần đưa ra những biện pháp mạnh hơn như cấm sử dụng nhựa dùng một lần, hạn chế nhập khẩu phế liệu nhựa từ nước ngoài. Như vậy sẽ thúc đẩy được việc tái chế nguồn phế liệu trong nước. Đồng thời, siết chặt giám sát việc thực thi phân loại chất thải rắn tại nguồn để đảm bảo nguồn cung chất lượng cho doanh nghiệp. 

Theo bà, EPR sẽ tác động như thế nào đến các làng nghề tái chế chất thải nhựa và nhóm lao động phi chính thức (ve chai, đồng nát) ở Việt Nam? 

EPR hoạt động sẽ giúp các làng nghề tái chế nhựa hay nhóm lao động phi chính thức tại đây được nâng cấp. Khi các doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, chính họ sẽ phải bắt tay với hệ thống thu gom phế liệu, tái chế. Nhờ vậy, hệ thống này sẽ được quan tâm hơn trong nền kinh tế.

Hiện nay, văn phòng EPR đã ban hành danh sách các đơn vị tái chế đạt chất lượng. Để tham gia vào nhóm này, làng nghề phải đáp ứng được các yêu cầu về công nghệ sản xuất, chuẩn hóa lao động cũng như đảm bảo các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường. 

EPR giúp các hộ kinh doanh tiếp cận dễ dàng hơn với các sự hỗ trợ tài chính từ Nhà nước để cải thiện năng lực tái chế. Ngoài ra, người lao động trong những cơ sở đạt chuẩn cũng được đảm bảo đầy đủ các chính sách an sinh xã hội và môi trường làm việc trong lành.

Ngược lại, những đơn vị không chịu thay đổi để đáp ứng đủ điều kiện của EPR, họ sẽ bị loại ra khỏi hệ thống. Và khi những quy định cao hơn về ô nhiễm môi trường được thực thi, họ có thể sẽ phải đóng cửa. 

Có ý kiến cho rằng khi triển khai EPR thì những người nhặt ve chai, đồng nát sẽ dần biến mất. Quan điểm của bà về ý kiến này như thế nào? 

Ở một số nước phát triển, người dân thực hiện phân loại rác tại nguồn rất tốt và có một hệ thống thu gom riêng chuyên nghiệp. Khi đó, chúng ta có thể hình dung ra một viễn cảnh lực lượng phi chính thức sẽ bị giảm đi nhiều hay thậm chí biến mất. 

Nhưng hiện tại chúng ta chưa thực hiện tốt việc phân loại rác tại nguồn và các công ty môi trường chưa có cách thu gom bài bản thì lực lượng ve chai, đồng nát vẫn sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thu gom tiếp những loại rác có thể tái chế và bán qua các vựa ve chai để đến với công ty tái chế hay làng nghề. Với kịch bản như vậy, họ sẽ trở thành yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp thực hiện tốt EPR. Vì khi tỷ lệ thu gom cao thì tỷ lệ tái chế sẽ cao, giúp cho việc tuân thủ EPR của các doanh nghiệp được đảm bảo.

Vậy làm thế nào để nhóm lao động phi chính thức có thể đồng hành tốt với doanh nghiệp trong thực hiện EPR?

Để lực lượng phi chính hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp thực hiện tốt EPR, theo tôi các đơn vị Nhà nước liên quan và công ty tái chế cần tạo một điều kiện thuận lợi để nhóm lao động đặc biệt này được mua bán phế liệu một cách dễ dàng với mức giá ổn định. Để làm được thì ta cần hoàn thiện chính sách về hàm lượng tái chế, bao gồm những quy định sử dụng nhựa tái sinh trong sản xuất. Vì khi có lượng cầu ổn định thì giá phế liệu mới ổn định được. 

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần thêm sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ cũng như là các tổ chức quốc tế hoặc nhà nước trong việc nhìn nhận lại vai trò của những người làm đồng nát, ve chai bằng cách tôn vinh họ. Như một số tổ chức hỗ trợ phương tiện thu gom, đồ bảo hộ lao động hay cấp học bổng cho con em của những hộ nghèo trong lực lượng thu gom phế liệu. Đồng thời, với sự vào cuộc của báo chí và truyền thông sẽ giúp cho xã hội nhìn nhận lại vai trò của nhóm lao động này. 

Nhìn ra thế giới, tại Ấn độ có Liên minh người nhặt rác quốc gia (AIW), tại Philippines có Hiệp hội Công nhân xử lý chất thải quốc gia (National Waste Worker Association). Bà có nghĩ đây là một hạn chế của Việt Nam trong quá trình hỗ trợ cho những người lao động phi chính thức? 

Đây đúng là một hạn chế của Việt Nam. Tại Ấn Độ, mạng lưới những người nhặt rác quốc gia đã được hình thành từ rất lâu và những người ở trong tổ chức này họ luôn tự ý thức được vai trò của mình để đưa ra những tiếng nói yêu cầu chính sách của Chính phủ đối với họ. 

Còn tại Việt Nam, những tổ chức như vậy rất lẻ tẻ và mới chỉ dừng lại ở mức độ  địa phương. Ví dụ như VietCycle thành lập Xanhnet ở Hà Nội, mạng lưới các hợp tác xã do MDA hỗ trợ ở thành phố Hồ Chí Minh hay mạng lưới những người nhặt rác (The Collector Network) ở Đà Nẵng. Còn ở cấp quốc gia thì chưa có bởi vì số lượng người thu gom phế liệu ở Việt Nam ít hơn so với các nước trên. Đồng thời, chúng ta cũng chưa huy động được các nguồn lực nên việc hỗ trợ nhóm người này vẫn còn bị hạn chế. 

Với vai trò là Điều phối viên của Liên minh không rác Việt Nam, bà và tổ chức đã có những giải pháp như thế nào để hỗ trợ nhóm lao động phi chính thức? 

Hiện tại, Liên minh Không rác Việt Nam khuyến khích các thành viên thực hiện các nghiên cứu và hoạt động hỗ trợ nhóm lao động phi chính thức trong lĩnh vực môi trường. Chúng tôi đã kết nối được hai tổ chức phi chính phủ ở Đà Nẵng để xây dựng nghiên cứu chi tiết hệ thống những người nhặt ve chai, đồng nát tại Việt Nam. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng phối hợp với VietCycle hay XanhNet để tổ chức các ngày hội tôn vinh họ tại Hội An, Hà Nội.

Trong tương lai, Liên minh Không rác Việt Nam chắc chắn sẽ có nhiều hoạt động hơn hướng đến đối tượng này. Việc xây dựng mạng lưới lao động nhặt rác cấp quốc gia, tăng cường năng lực và cung cấp kiến thức cho họ để họ có thể tự nói lên tiếng nói của mình đang được chúng tôi cân nhắc. Bởi, khi trở thành một đoàn thể, tiếng nói của họ sẽ đủ mạnh để tham gia vào quá trình hoạch định chính sách, có thể là thiết kế hệ thống EPR hoặc cải thiện các quy định liên quan. 

Cảm ơn bà vì những chia sẻ quý báu trên! 

Theo dõi toàn bộ tuyến bài tại đây: Thách thức của tái chế nhựa

Đừng bỏ lỡ
[Infographic] 2 mức quà tặng người có công dịp 27/7 của TP Hà Nội

[Infographic] 2 mức quà tặng người có công dịp 27/7 của TP Hà Nội

Tin nổi bật2 tháng trước

(Sóng trẻ) - Theo quyết định số 590/QĐ-CTN Chủ tịch nước ký ngày 25/6/2024, quà tặng cho người có công với cách mạng nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024) được chia thành hai mức 600.000 đồng và 300.000 đồng.

Đoàn giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực tế tại cơ quan báo chí, xuất bản Thanh Hoá

Đoàn giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực tế tại cơ quan báo chí, xuất bản Thanh Hoá

Tin nổi bật3 tháng trước

(Sóng trẻ) - Hoạt động diễn ra vào ngày 6/6, nhằm tăng cường gắn kết lý luận với thực tiễn, nâng cao chất lượng đào tạo ngành báo chí - truyền thông tại các đơn vị.

Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác

Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 19/5, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), đồng bào khắp mọi miền Tổ quốc đều hướng về Lăng Bác dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1980 - 19/5/2024). Trong tim mỗi người dân đều mang một cảm xúc bồi hồi khó tả.

XEM THÊM TIN