(Sóng trẻ) - Trao đổi với Phóng viên Sóng Trẻ News, anh Vương Khả Phong - Viện Phó Viện iSEE đã lý giải nhiều lầm tưởng xoay quanh cộng đồng LGBTIQ+ cũng như nguồn gốc khiến nhiều người bệnh lý hóa sự khác biệt về xu hướng tính dục.
PV: Anh có thể chia sẻ về sự xuất hiện của các phương pháp được quảng bá là “chữa bệnh” đồng tính trong xã hội không? Động cơ nào thúc đẩy những người cung cấp dịch vụ này?
Những tình trạng, hiện tượng chữa bệnh người đồng tính rất đa dạng và rộng rãi, không chỉ dừng lại ở các phương pháp y tế như xét nghiệm hoóc môn hay tham vấn tâm lý, mà còn bao gồm nhiều hình thức khác như đưa con đi chùa, đi gặp thầy đồng, thầy cúng với các phương pháp như cắt duyên âm… Những hành vi này xuất phát từ nhiều lý do, nhưng phần lớn là từ quan niệm sai lầm cho rằng “Đồng tính hoặc người thuộc cộng đồng LGBT có thể chữa được.” Nguyên nhân chính của quan niệm này là sự thiếu hiểu biết toàn diện về kiến thức khoa học, dẫn đến việc coi đồng tính là một căn bệnh, mà đã là bệnh thì họ tin rằng có thể chữa khỏi. Thêm vào đó, những người cung cấp các dịch vụ này thường cũng tin rằng đồng tính là bệnh và nghĩ rằng mình có thể chữa được, vì vậy họ sẵn sàng cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, có không ít người mặc dù biết rõ đồng tính không phải là bệnh và không thể chữa được, nhưng vẫn cố tình cung cấp dịch vụ bằng nhiều hình thức khác nhau như xem bói, xem tử vi, để trục lợi.
Thứ hai, hành vi chữa trị “bệnh” đồng tính hiện chưa được quản lý chặt chẽ bởi nhà nước. Dù những hành vi này trái với tiêu chuẩn và hướng dẫn của các hiệp hội tâm lý cũng như các tổ chức chuyên môn, nhưng vẫn được thực hiện tại Việt Nam. Lý do là vì Việt Nam chưa có các quy định pháp luật cụ thể và nghiêm ngặt để điều chỉnh và quản lý các hành vi chữa trị này. Do đó, các dịch vụ này vẫn tiếp tục tồn tại và phát triển, được quảng cáo công khai, và khi có bệnh nhân tìm đến thì họ tiến hành “chữa trị”.
PV: Theo anh, các quan niệm sai lầm nào phổ biến nhất về đồng tính trong cộng đồng góp phần duy trì sự tồn tại của các “liệu pháp chữa trị” này?
Theo tôi, có một số quan niệm sai lầm phổ biến về đồng tính trong cộng đồng góp phần duy trì sự tồn tại của các “liệu pháp chữa trị” này:
Thứ nhất, quan niệm cho rằng đồng tính là bệnh và vì thế có thể chữa trị được. Nhiều người, đặc biệt là những thế hệ lớn tuổi, vẫn giữ quan niệm rằng người đồng tính có vấn đề về tâm lý hoặc sinh học, và vì vậy, cần phải điều trị giống như một căn bệnh. Điều này bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết về kiến thức khoa học và sự kỳ thị, không nhận thức được rằng đồng tính là một phần tự nhiên của sự đa dạng giới tính và không phải là một bệnh lý.
Thứ hai, có quan niệm cho rằng đồng tính là do tác động từ môi trường, hoặc do "lầm đường lạc lối". Nhiều người tin rằng nếu con cái của họ có xu hướng đồng tính, đó là do sự ảnh hưởng từ bạn bè, văn hóa phương Tây, hoặc môi trường sống. Từ đó, họ nghĩ rằng việc thay đổi môi trường hoặc dùng các liệu pháp tâm linh có thể "cứu" con cái khỏi đồng tính.
Thứ ba, đồng tính có thể bị ảnh hưởng bởi yếu tố tâm linh. Trong một số trường hợp, người ta tin rằng người đồng tính là do bị “duyên âm”, hoặc bị các yếu tố tâm linh tác động, từ đó dẫn đến việc sử dụng các phương pháp như cắt duyên âm, cầu siêu, hay các hình thức cúng bái khác để “giải thoát”. Đây là một quan niệm sai lầm sâu sắc, nhưng lại rất phổ biến, đặc biệt ở các khu vực tôn giáo mạnh.
Có những người vẫn luôn lợi dụng tình trạng thiếu thông tin về cộng đồng LGBT mà thực hiện các hoạt động chữa trị mang tính lừa đảo. Trong những trường hợp như vậy thì vai trò của cơ quan chức năng vô cùng quan trọng, nhất là những cơ quan có thẩm quyền liên quan đến y tế. Các cơ quan chức năng nếu có những quan điểm mạnh mẽ và cơ chế hiệu quả hơn để nghiêm túc xử phạt những đối tượng có hành vi lừa đảo chữa bệnh đồng tính. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại thì Việt Nam mình chưa có.
PV: Viện iSEE đã từng ghi nhận phản ánh nào xoay quanh nhu cầu tìm kiếm liệu pháp chữa bệnh đồng tính chưa?
Viện ISEE cũng đã tiếp nhận nhiều cuộc gọi và tin nhắn hỗ trợ liên quan đến cộng đồng LGBT. Việc đưa người đồng tính đi chữa trị thường xuất phát từ những lầm tưởng phổ biến về cộng đồng LGBT. Điều đáng nói là nhiều nạn nhân bị ép đi chữa trị thậm chí không thuộc cộng đồng LGBT. Một ví dụ điển hình mà anh từng gặp là một bạn nam có những biểu hiện nữ tính, thích chơi với các bạn gái hoặc chỉ thích ở nhà đọc sách thay vì tham gia các hoạt động như đá bóng. Những hành vi này khi cha mẹ quan sát thường dẫn đến suy nghĩ rằng con mình có vấn đề về giới tính.
Những lầm tưởng trong xã hội về việc nam giới phải có các đặc điểm như thế nào, và nữ giới phải ra sao đã ảnh hưởng rất nhiều đến suy nghĩ của cha mẹ, khiến họ cho rằng cần phải đưa con đi chữa trị. Thậm chí, những trẻ em đang trong quá trình tìm hiểu về giới tính và có những hành vi không theo đúng chuẩn mực nam - nữ cũng dễ bị hiểu nhầm là thuộc cộng đồng LGBT. Ngoài ra, nguyên nhân dẫn đến việc đưa con đi chữa trị còn do cha mẹ thiếu hiểu biết đầy đủ về cộng đồng LGBT.
PV: Theo anh, cần làm gì để nâng cao nhận thức của cộng đồng và giảm thiểu quan niệm sai lầm về cộng đồng LGBT?
Trả lời câu hỏi này, anh Phong đã chỉ ra những điều cần làm ngay tại thời điểm này những giải pháp trong tương lai nhằm nâng cao nhận thức của cồng và giảm thiểu quan niệm sai lầm về cộng đồng LGBT. Anh đánh giá rằng tại Việt Nam, những thông tin và dữ liệu, kiến thức liên quan đến cộng đồng LGBT còn thiếu rất nhiều. Bản thân chúng ta không thể biết được ngoài việc chữa trị bởi các liệu pháp từ lĩnh vực y tế thì tại nước ta còn rất đa dạng các cách chữa bệnh khác nhau mang nhiều yếu tố tác động như: chữa bệnh bằng tâm linh - đem con đi thầy cùng, cô đồng hoặc cắt duyên,… Thậm chí, những đám cưới bình phong với mục đích cưới để cho ba mẹ yên tâm, làm tròn chữ hiếu…. Đây có thể không được coi là một liệu pháp chữa trị nhưng là hành vi để đối phó với các áp lực và định kiến “trai dựng vợ - gái gả chồng” trong xã hội khiến ảnh hưởng đến con người.
Thứ hai, việc nhận được sự quan tâm hơn nữa từ các bộ, ban, ngành hoặc các cơ quan chuyên môn cũng cần phải vào cuộc thì sẽ có những hướng dẫn chi tiết, cụ thể. Từ đó, định hướng và hướng dẫn cho công chúng tại Việt Nam nói chung và cộng đồng LGBT nói riêng có những cái nhìn chi tiết, cụ thể hơn. Đồng thời, đảm bảo quyền lợi và tiếng nói của người thuộc cộng đồng.
Thứ ba, việc nâng cao nhận thức tại Việt Nam cho những người trực tiếp liên quan đến cộng đồng như cha mẹ, các bạn trẻ thuộc cộng đồng LGBT. Tuy nhiên, có những bạn đã có kiến thức liên quan đến cộng đồng nhưng chưa đủ để có thể bảo vệ bản thân nếu gặp phải trường hợp đó thì việc nâng cao nhận thức, bổ sung những kiến thức liên quan đến cộng đồng là một điều không thể thiếu.
PV: Viện ISEE đã thực hiện những hoạt động gì để hỗ trợ và bảo vệ cộng đồng LGBT trước các hành vi “chữa trị” sai trái?
Hiện tại, viện ISEE đang thực hiện nghiên cứu lớn mang tính tổng quát nhằm hỗ trợ và bảo vệ cộng đồng LGBT trước các hành vi “chữa trị” sai trái, trong đó một phần của nghiên cứu tổng quát này đã được Viện hoàn thiện xong là nghiên cứu liên quan đến trải nghiệm “Chữa trị chuyển đổi cùng LGBT tại Việt Nam”. Không những vậy, phía Viện đang tiến hành nghiên cứu nốt phần còn lại trong thời gian tới để hoàn chỉnh của nghiên cứu tổng quát. Sau cùng, sử dụng chính nghiên cứu để làm chiến dịch truyền thông xã hội liên quan đến vấn đề này, phần nào giúp nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của xã hội tới cộng đồng đó là những dự định tiếp theo của Viện ISEE đang cố gắng, nỗ lực để hỗ trợ và bảo vệ cộng đồng LGBT tại Việt Nam.
PV: Thông qua các dự án, hoạt động truyền thông xã hội nhằm hỗ trợ và bảo vệ người thuộc cộng đồng LGBT, anh có lời khuyên nào cho họ khi phải đối mặt với áp lực về xu hướng tình dục của mình?
Thông qua đó, anh mong muốn những bạn thuộc cộng đồng LGBT cần đảm bảo sự an toàn cho bản thân. Việc công khai xu hướng tính dục là lựa chọn kéo dài cả đời, cho nên các bạn không cần quá vội vàng công khai khi đang trong môi trường không thân thiện với cộng đồng LGBT. An toàn là điều đầu tiên với chính các bạn.
Thứ hai, việc chuẩn bị tâm thế rằng mình biết bản thân thuộc cộng đồng LGBT, chính bản thân các bạn đã có khoảng thời gian dài nhưng đồng thời cũng cần có tâm thế để đi vào cuộc trò chuyện với người thân và gia đình một cách cởi mở và nhẹ nhàng. Bởi, người thân và gia đình các bạn là những đối tượng chưa thể chấp nhận hay làm quen với việc bản thân các bạn thuộc cộng đồng LGBT. Điều này rất quan trọng để mỗi người cần chuẩn bị tâm thế một cách sẵn sàng nhất. Sự kiên nhẫn và luôn giữ mạch trò chuyện không quá mong đợi những điều không thực tế hay vội vã điều vô cùng quan trọng.
Cuối cùng, để hỗ trợ và bảo vệ cho những người thuộc cộng đồng LGBT thì điều quan trọng nhất vẫn cần nâng cao nhận thức và hiểu biết xã hội về cộng đồng để mọi người có cái nhìn cởi mở, khách quan hơn. Từ đó, giúp cho việc công nhận những người thuộc cộng đồng cũng dễ dàng hơn và loại bỏ dần dần những định kiến trong xã hội thì việc chữa trị cũng dần biến mất bởi sự vô lý của nó.
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.
Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam
(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam
(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.