(Sóng trẻ) - Thông qua những cuộc giao dịch trên Facebook, Zalo, sinh viên dễ dàng thuê được người học hộ, thi hộ. Tuy nhiên, sự dễ dàng đó cũng khiến nhiều sinh viên phải nhận hậu quả nặng nề.
Học hộ, thi hộ đang ngang nhiên trở thành một loại "dịch vụ". Qua thời gian thâm nhập trong các nhóm học hộ, thi hộ ở nhiều trường đại học và cao đẳng, nhóm phóng viên đã có cuộc gặp mặt trực tiếp với người chuyên cung cấp loại hình “dịch vụ” này.
Trong vai người có nhu cầu tìm người thi hộ chứng chỉ Tiếng Anh, nhóm phóng viên đã đăng bài tìm người thi hộ trong các hội nhóm này. Chỉ sau ít phút khi bài viết được đăng tải, có hàng chục bình luận nhận “làm việc” với nhiều mức giá khác nhau.
Sau quá trình trao đổi sơ lược thông qua Facebook, nhóm phóng viên đã hẹn gặp trực tiếp được N, người nhận thi hộ với mức giá 650.000đ tại một quán cà phê “kín đáo” để tiện trao đổi chi tiết. N. giới thiệu mình từng là sinh viên của một trường Đại học Kinh tế và nhận thi hộ Tiếng Anh, đồng thời, các môn liên quan đến chuyên ngành của mình để kiếm thêm thu nhập cá nhân.
Không chỉ nhận thi chứng chỉ Toeic mà chúng tôi đang quan tâm, N. còn nhận thi cả chứng chỉ IELTS và VSTEP. Tất cả những chứng chỉ này đều được N. cam kết đủ điểm đầu ra mà người có nhu cầu mong muốn.
Ngoài ra, N. cũng nhận hỗ trợ thi bằng cách giải đề cho sinh viên ngồi trong phòng thi chụp ảnh gửi đề ra ngoài. Yêu cầu càng cao thì mức giá chi trả cần phải “tương xứng”, có thể từ 400.000 đồng cho đến 2.000.000 đồng.
N. thoải mái chia sẻ các kinh nghiệm “đóng giả” sinh viên sao cho thật nhất, tự nhiên nhất: “Mình phải thoải mái, không được thể hiện sự lúng túng sợ hãi, khi các thầy cô hỏi thì cứ trả lời bình thường nhất có thể, chắc chắn sẽ không có ai phát hiện ra vì các thầy cô coi thi thường không phải là người trực tiếp dạy trên lớp”.
Khi được phóng viên hỏi N. ngoài “phải thoải mái” ra thì còn cách nào khác để qua mặt giám thị không, vì việc kiểm tra các thông tin của sinh viên tại nhiều trường hiện nay khá gắt gao và chặt chẽ, N cũng nhiệt tình “bày” cho chúng tôi cách làm thẻ sinh viên giả.
N. chia sẻ cho chúng tôi nhiều địa chỉ làm giả thẻ uy tín. Một chiếc thẻ giả như vậy chỉ mất nửa ngày để hoàn thành và chi phí đã bao gồm trong giá thuê được hai bên thống nhất từ ban đầu. Bên cạnh đó, nếu sinh viên cần thi hộ là nam, N. cũng có thể liên hệ “giúp” chúng tôi một bạn nam khác làm công việc này.
Theo N., có cung thì mới có cầu, công việc này là hoàn toàn chính đáng vì những người thi hộ đều kiếm tiền trên sức lao động của mình. Đây cũng được N. coi như việc giúp đỡ những người bận đi làm không có thời đi học, đi thi.
Về vấn đề người đi thi hộ có phải chịu trách nhiệm hình sự không, Căn cứ Điều 22 Luật Giáo dục 2019 có quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong cơ sở giáo dục như sau: Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ, người lao động của cơ sở giáo dục và người học. Xuyên tạc nội dung giáo dục. Gian lận trong học tập, kiểm tra, thi, tuyển sinh. Hút thuốc; uống rượu, bia; gây rối an ninh, trật tự. Ép buộc học sinh học thêm để thu tiền. Lợi dụng việc tài trợ, ủng hộ giáo dục để ép buộc đóng góp tiền hoặc hiện vật.
Tuy nhiên, hiện nay Bộ luật Hình sự 2015 không có quy định đối với hành vi đi thi hộ hay nhờ người thi hộ, do đó những chủ thể này không phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi này. Trường hợp những chủ thể này thực hiện hành vi phạm tội khác như làm giả giấy tờ đi thi thì mới có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Điều này vô tình tạo ra kẽ hở pháp luật cho những người cung cấp “dịch vụ” thi hộ tha hồ lộng hành.
Ngoài ra, những người này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức xử phạt sau, căn cứ Điều 14 Nghị định 04/2021/NĐ-CP khoản e: “Phạt tiền từ 14.000.000 đồng đến 16.000.000 đồng đối với hành vi thi thay hoặc thi kèm người khác hoặc nhờ người khác làm bài hộ hoặc thi thay, thi kèm”. Như vậy, hành vi thi hộ người khác có thể bị xử phạt lên đến 16 triệu đồng.
Không chỉ học hộ, thi hộ, dịch vụ thuê viết tiểu luận, bài tập lớn cuối kỳ cũng diễn ra rất phổ biến. Người tiếp cận với loại dịch vụ này nhiều và người bị lừa cũng không ít. Đó là câu chuyện của sinh viên P. khi thuê viết tiểu luận qua một trang trên Facebook.
P. cho biết, khi tìm thông tin của dịch vụ làm hộ tiểu luận trên mạng, mức giá sẽ từ 700.000 đồng trở lên. Vì kinh tế hạn hẹp nên khi tìm thấy một trang trên Facebook nhận viết bài với mức giá 300.000 đồng, P. đã lập tức liên hệ ngay.
Khi liên hệ, người nhận viết hộ yêu cầu chuyển cọc 50.000 đồng và cam kết một ngày sau có thể trả bài. Để tạo sự tin tưởng với khách hàng, người nhận viết hộ còn nói rằng: “Trước có học qua môn này rồi”. P. yêu cầu đến tối hôm sau phải có bài, người nhận viết bài cẩn thận mặc cả: “Để đến đêm cho chỉn chu”.
Trong thời gian thuê, P. lo lắng và liên tục nhắn hỏi tiến độ làm bài của người được thuê. Người này vẫn trả lời nhưng đến hạn giao bài lại không liên lạc được. Lúc này, P. mới biết rằng mình đã bị lừa khi chỉ còn vài tiếng nữa đến hạn nộp bài.
Đây chỉ là một trong nhiều trường hợp “tiền mất tật mang” khi tìm đến loại dịch vụ này. Những lời chào mời viết tiểu luận thuê thường sẽ là: cam kết không dính đạo văn, đạt mức điểm từ 7 trở lên. Tuy nhiên, cách mà những người này làm là thêm dấu ngoặc kép vào đầu và cuối tiểu luận để tránh kiểm tra đạo văn. Hoặc tìm mọi cách bắt người thuê phải chuyển tiền trước sau đó chặn số và tin nhắn của người thuê để cắt liên lạc.
Hậu quả đối với việc học hộ, thi hộ không chỉ dừng lại ở việc “tiền mất tật mang” mà còn đến từ những biện pháp xử lý của nhà trường khi phát hiện sai phạm. Những hình thức kỷ luật cho hành vi gian lận sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới tương lai của các sinh viên.
Chia sẻ quan điểm về vấn đề học hộ, thi hộ đang nhức nhối, TS Nguyễn Thị Như Huế, Phó trưởng Phòng Quản lý đào tạo, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết: “Trường đại học là nơi để sinh viên học tập, trau dồi tri thức, kỹ năng làm nghề. Việc học thật, thi thật sẽ giúp sinh viên tiếp thu được kiến thức thực chất chứ không phải để chống đối, lấy bằng cấp. Không chỉ thế, học tập còn giúp sinh viên rèn luyện phẩm chất đạo đức, kỹ năng, năng lực, trách nhiệm”.
TS. Nguyễn Thị Như Huế cho biết thêm, trong năm 2023 tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã phát hiện một trường hợp thuê người thi hộ. Trường hợp này đã bị kỷ luật bằng hình thức đình chỉ học một năm. Cô cũng nhấn mạnh: “Các sinh viên có nhờ người học hộ, thi hộ chắc chắn sẽ bị xử lý”. Qua đó, cho thấy tinh thần quyết liệt xử lý, không bao che trước những trường hợp thuê người học hộ, thi hộ tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Đứng trước tình trạng gian lận trong học tập, thi cử trong Quy chế đào tạo tại các trường đại học đều đưa ra hình thức xử lý đối với những trường hợp nhờ người thi hộ. Tại Đại học Bách khoa, biện pháp xử lý đối với sinh viên thi hộ hoặc nhờ người thi hộ là bị kỷ luật ở mức đình chỉ học tập một năm đối với trường hợp vi phạm lần thứ nhất và buộc thôi học đối với trường hợp vi phạm lần thứ hai.
Tại Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp, học thay hoặc nhờ người khác học thay: Khiển trách khi vi phạm lần đầu, cảnh cáo khi vi phạm lần hai, đình chỉ học một năm khi vi phạm lần 3 và buộc thôi học khi vi phạm lần 4. Thi, kiểm tra hộ, hoặc nhờ thi, kiểm tra hộ; làm thay, nhờ làm hoặc sao chép tiểu luận, đồ án, khóa luận tốt nghiệp sẽ đình chỉ học một năm với lần vi phạm thứ nhất và buộc thôi học với lần vi phạm lần thứ hai.
Các trường đã đưa ra những biện pháp xử lý đối với những hành vi gian lận trong học tập, thi cử. Tuy nhiên, để hạn chế tối đa việc gian lận trong học tập, thi cử nhà trường cần có những hành động quyết liệt hơn trong công tác kiểm tra, giám sát. Khi tình trạng học hộ, thi hộ chưa chấm dứt, các biện pháp xử lý triệt để vẫn luôn là vấn đề cấp bách được đặt ra đối với các trường đại học nói riêng và toàn ngành giáo dục nói chung.
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.
Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam
(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam
(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.