Yagi đi qua Việt Nam trong 15 giờ nhưng để lại chuỗi thiên tai kéo dài và những mất mát không thể đong đếm. Người dân trong những ngôi nhà xập xệ nơi xóm trọ nhỏ Phúc Xá (Ba Đình, Hà Nội) cũng không nằm ngoài ảnh hưởng của cơn bão lịch sử. Nước dâng đến lưng trần, có nhà chạm nóc, người dân buộc phải sơ tán sang các khu vực lân cận để đảm bảo an toàn. Vốn đã túng thiếu đủ điều nhưng giờ đây họ lại phải bất lực nhìn căn nhà đổ sập trước mắt.  

Những bức tường ẩm mốc, vật dụng tan nát vương vãi khắp nơi, không khí nặng mùi bùn đất bao trùm cả xóm trọ nghèo Phúc Xá. Cảnh tượng hoang tàn tạo thành vết sẹo sâu hoắm trong lòng mỗi người dân nơi đây, khó có thể xóa nhòa.

Ngay khi được trở về “nơi trú ngụ”, bà Trần Thị Nhung (75 tuổi, Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội), một thân một mình lặng lẽ vật lộn với đống đổ nát. Tuổi cao, sức yếu, lủi thủi đi chạy lũ và tự “vực dậy” căn nhà của chính mình, bà Nhung tâm sự: “Tôi mới về đây hai hôm nay thôi. Lúc mới về, nhà còn lõng bõng bùn nước, đồ dùng điện bị chập hoàn toàn, mái dột lỗ chỗ, có giường mà chẳng ngủ được. Mất hết rồi, giờ rửa qua cái tủ mà chẳng biết sẽ đựng đồ gì. Quần áo cái trôi, cái thì ướt sũng bùn đất”.

Cơn bão không chỉ cuốn đi đồ đạc mà còn mang đi cả cuộc sống bình yên của bà Nhung. Thiếu nước, thiếu điện, thiếu cả hơi ấm của gia đình, bà chỉ biết cố gắng từng ngày để vượt qua khó khăn. Từng bữa ăn, bà Nhung đều phải trông chờ vào sự giúp đỡ của mạnh thường quân. 

Không may mắn như bà Nhung, hàng xóm - cụ bà Trần Thị Thắm (103 tuổi) bất lực chứng kiến căn nhà sập một bức tường, nghiêng ngả như sắp đổ hoàn toàn. Chịu cảnh mất điện mất nước với cả xóm nhưng tuổi đã quá bách niên, rất khó để cụ có thể tự mình phục dựng lại căn nhà. “Nhà không ra nhà, chẳng biết sống sao bây giờ. Dựng lại cái ghế nhựa ngồi nghỉ ngơi chứ cũng không dọn dẹp được gì. Tôi bất lực lắm!”, cụ bà vừa ngồi ăn suất cơm từ thiện vừa trầm ngâm bộc bạch. 

Nhìn quanh một vòng gian nhà thuê, thứ còn khô ráo và được để trịnh trọng ở giữa nhà là hai thùng đồ đặc biệt. Ít ai hình dung được, bà cụ đã thọ trên trăm tuổi ấy vẫn ngày ngày kéo hai thùng hàng đồ chơi truyền thống lên phố Hàng Ngang, Hàng Đào (Hà Nội) để bán kiếm sống qua ngày. Đôi chân già nua vẫn ngày ngày miệt mài đẩy xe hàng trên quãng đường 5km cả đi lẫn về để kiếm sống. Bão đến, thứ đầu tiên bà cụ nghĩ tới là hai thùng hàng này. Cụ chia sẻ: “Khi các cán bộ phường báo có bão và nước sông dâng cao, tôi phải mang chúng đi ngay. Mấy cái trống này nuôi tôi sống. Không có nó, tôi không biết dựa vào đâu. Bão có thể làm hỏng căn nhà nhưng mấy cái trống này tôi phải giữ”. 

Cụ Thắm quyết giữ lấy số hàng của mình có lẽ vì cụ tin rằng sau cơn mưa, trời lại sáng. Cụ sẽ sớm quay trở lại với công việc, sẽ chấp nhận những mất mát về tiền bạc, của cải để rồi dựng lại đời mình. Khoảng thời gian này, bà Nhung, cụ Thắm và những người dân xóm trọ nghèo dưới gầm cầu Long Biên đang phải chống chọi với hậu quả thảm khốc mà cơn bão Yagi để lại. Họ sẽ cùng nhau dựng lại đống đổ nát, lợp lại mái nhà, xây lại bức tường kiên cố, quét dọn con đường đầy bùn lầy và bước tiếp. 

Căn nhà có thể xây lại ngày một ngày hai, của cải có thể kiếm lại trong vài tháng nhưng cây cối - người bạn của chúng ta - phải mất bao lâu mới lại phủ xanh Thủ đô như xưa? 

Chỉ tính riêng tại Hà Nội, đến sáng 8/9, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố đã thống kê có 14.660 cây xanh bị đổ và gãy cành. Nhiều tuyến đường nổi tiếng với hàng cây trăm năm tuổi như Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Chu Trinh,... đều ngổn ngang những gốc cây trơ trụi. Đến thời điểm hiện tại, công tác khắc phục đã được hoàn thiện giai đoạn thu dọn cây xanh gãy đổ vào ngày 20/9. Thế nhưng, cảnh quan của Thủ đô đã ít nhiều thay đổi. Có những sự đổi thay làm con người ta trở nên xót xa, tiếc nuối. 

Trên mạng xã hội TikTok, một tài khoản có tên “Đi cùng Yang” đã chia sẻ hình ảnh về các địa điểm nổi tiếng của Thủ đô trước và sau khi cơn bão đi qua, thu hút 4 triệu lượt xem. Với dòng trạng thái “Sau bão Yagi, những địa điểm này chỉ còn là kỷ niệm…”, tài khoản trên đã tạo sự đồng cảm mạnh mẽ, thu hút hơn 3.000 lượt bình luận: “Tự nhiên nhìn hình đầu cái nhói trong lòng”; “Đó không chỉ là cây, mà còn là một phần của Hà Nội”; “Tiếc quá, toàn cây đẹp với lâu năm”; “Sao tôi thấy buồn vậy ta, cảm giác vừa mất đi thứ gì đó làm mình tiếc nuối, một phần hình ảnh của Thủ đô”...

Sinh sống tại con phố Phan Đình Phùng (Hoàn Kiếm, Hà Nội) từ nhỏ, ông Lý Mai Xuân (60 tuổi) đến hiện tại vẫn chưa hết bàng hoàng trước sự tàn phá của cơn bão Yagi với những hàng cây tại đây. “Tận mắt chứng kiến nhưng tôi vẫn không thể tin gốc cây gắn bó với 3 thế hệ gia đình mình bị sụp đổ. Tôi ngồi đây, nhìn ra con đường, mà lòng cứ quặn thắt lại. Nhìn những gốc cây đổ gục, tôi cảm thấy như một phần tuổi trẻ của mình cũng mất đi. Chúng từng là bóng mát cho tôi và bà con nơi đây, giờ lại tan tác trước sức mạnh của thiên tai”, ông Xuân chia sẻ. 

Sau cơn bão lịch sử, người dân Hà Nội, như ông Xuân, càng thấm thía hơn về giá trị to lớn mà cây xanh mang lại. Hình ảnh cây cối không chỉ đơn thuần là cảnh quan mà đã trở thành một phần ký ức đối với người dân Thủ đô. Thời gian càng trôi đi, sự gắn bó ấy càng mật thiết. Cây xanh tiếp tục đóng vai trò quan trọng, vừa là "chiếc ô xanh mát" che chở con người khỏi nắng mưa, vừa là nơi thư giãn, giúp con người tìm lại sự bình yên giữa nhịp sống hối hả. 

Nhiều quan điểm cho rằng không nên trồng cây xanh trong thành phố vì bộ rễ của nó không thể phát triển sâu dưới lòng đất, dẫn đến dễ đổ gãy sau các trận bão, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, với một đất nước vùng nhiệt đới nắng nóng như Việt Nam, thật khó có thể tưởng tượng nếu các thành phố vắng bóng cây xanh. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để tạo ra một không gian đô thị xanh, sạch, đẹp mà vẫn đảm bảo an toàn cho người dân trước thiên tai. Điều này đòi hỏi chúng ta phải có những giải pháp toàn diện, từ việc lựa chọn giống cây phù hợp, chăm sóc đúng cách, đến việc xây dựng các công trình xanh và tăng cường ý thức bảo vệ cây của cộng đồng.

Yagi qua đi, thứ để lại là nhận thức về sự tàn khốc và khó lường của thiên tai, nhất là trong thời điểm biến đổi khí hậu ngày một rõ rệt. Con người phải luôn chuẩn bị một tâm thế sẵn sàng ứng phó trước sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Qua cơn bão Yagi, chúng ta càng nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của cây xanh. Cây không chỉ là bóng mát, mà còn là lá phổi xanh của trái đất, là hàng rào bảo vệ chúng ta trước thiên tai. Chỉ khi con người và cây xanh cùng chung sống hài hòa, một tương lai bền vững mới có thể được xây lên. 

Đừng bỏ lỡ
[Infographic] 2 mức quà tặng người có công dịp 27/7 của TP Hà Nội

[Infographic] 2 mức quà tặng người có công dịp 27/7 của TP Hà Nội

Tin nổi bật2 tháng trước

(Sóng trẻ) - Theo quyết định số 590/QĐ-CTN Chủ tịch nước ký ngày 25/6/2024, quà tặng cho người có công với cách mạng nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024) được chia thành hai mức 600.000 đồng và 300.000 đồng.

Đoàn giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực tế tại cơ quan báo chí, xuất bản Thanh Hoá

Đoàn giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực tế tại cơ quan báo chí, xuất bản Thanh Hoá

Tin nổi bật3 tháng trước

(Sóng trẻ) - Hoạt động diễn ra vào ngày 6/6, nhằm tăng cường gắn kết lý luận với thực tiễn, nâng cao chất lượng đào tạo ngành báo chí - truyền thông tại các đơn vị.

Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác

Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 19/5, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), đồng bào khắp mọi miền Tổ quốc đều hướng về Lăng Bác dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1980 - 19/5/2024). Trong tim mỗi người dân đều mang một cảm xúc bồi hồi khó tả.

XEM THÊM TIN