(Sóng trẻ) - Đặng Văn Quang - thủ khoa môn Văn THPT Quốc gia 2021, chủ nhân của kênh Instagram chia sẻ kiến thức văn học với hơn 40.000 người theo dõi đã có những chia sẻ về vấn đề bình đẳng giới dưới góc nhìn của một người trẻ năng động, bản lĩnh và đầy thông minh.
Việt Nam được đánh giá là 1 trong số các quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong 20 năm qua, đặc biệt sau 10 năm thực hiện chiến lược Bình đẳng giới. Thế nhưng, những vấn đề về định kiến giới vẫn còn đó và để tiến đến một xã hội thực sự bình đẳng giới vẫn còn là một chặng đường dài.
Vấn đề bình đẳng giới sẽ trở nên “khập khiễng” và mất đi giá trị nếu phần đông mọi người cho rằng nó chỉ dành cho phụ nữ mà bỏ qua đàn ông, bỏ qua các giới khác. Thực tế, chúng ta cần xem xét bình đẳng giới từ nhiều khía cạnh. Phóng viên đã có cơ hội gặp gỡ Đặng Văn Quang - một gen Z có góc nhìn về bình đẳng giới mang nhiều phần tích cực, mới mẻ.
PV: Dưới góc nhìn của một gen Z, bạn cảm nhận thế nào về vấn đề bất bình đẳng giới đang xảy ra trong cuộc sống?
Trong những thập kỷ gần đây, không chỉ ở Việt Nam mà còn rất nhiều những quốc gia khác trên thế giới “rộ” lên phong trào đấu tranh đòi bình đẳng giới. Đó có thể xem là một tín hiệu tốt cho thấy sự ý thức của con người về giới, về giá trị của mình. Song, tín hiệu ấy cũng chỉ mang tính chất tương đối. Ở đâu đó trên thế giới vẫn còn tồn tại những câu chuyện về bất bình đẳng giữa các giới tính. Bất bình đẳng giới, về bản chất chính là sự phân biệt giữa các giới, tạo ra khoảng cách và những so sánh giữa người với người. Dưới góc nhìn của một gen Z, mình cảm thấy đây là một vấn đề khá nan giải và để lại nhiều hệ lụy.
“What will they say about you? – Họ sẽ nói gì về bạn?” luôn được xem là câu hỏi ám ảnh hầu hết mọi người. Câu hỏi này tạo nên nỗi sợ trong lòng mọi người: sợ những ánh mắt dị nghị, sợ bị nói xấu sau lưng, sợ bản thân và gia đình sẽ bị đánh giá thế nên họ không dám làm những điều mình muốn. Để có thể vượt qua những định kiến của xã hội thậm chí là những định kiến mà bản thân tự tạo nên là điều không hề dễ dàng.
PV: Được biết Đặng Văn Quang là thí sinh “gây bão” với điểm 10 môn Ngữ văn trong Kỳ thi THPT Quốc gia 2021. Thế nhưng, nhiều người nghĩ rằng “con trai học văn, học ban xã hội sẽ yếu đuối, thiếu nam tính” bạn suy nghĩ gì về quan niệm này?
Trước hết, chúng ta vẫn phải thừa nhận một tư duy cố hữu trong cách đánh giá, nhìn nhận của rất nhiều người về việc con trai học Văn, rằng “con trai học văn, học ban xã hội sẽ yếu đuối, thiếu nam tính”. Người ta dường như để tâm nhiều hơn đến một đứa con trai học giỏi Văn và thường xem đó là hiện tượng lạ. Song, với mình - một người cũng học Văn, mình lại cảm thấy việc học Văn lại là một lựa chọn, gắn với những thích thú, đam mê.
Cái cốt không phải vì một ai đó yếu đuối, hay không học giỏi ban tự nhiên mới chọn Văn; mà chọn Văn đơn giản vì ở môn học đó, người ta được tự do thể hiện những góc nhìn, quan điểm, suy nghĩ của mình về thế giới và về chính mình. Rõ ràng, trong chính cách nhìn của rất nhiều người như thế đã tiềm ẩn sự phân biệt về giới. Và thật đáng lo ngại, khi sự phân biệt về giới này lại len lỏi vào ngay trong môi trường giáo dục.
PV: Dưới những suy nghĩ mang tính tiêu cực đó, bạn có cảm thấy áp lực trong việc theo đuổi môn Văn, và bạn đã làm gì để chứng minh quan niệm đó là sai lầm, chứng minh được dù là con trai nhưng vẫn có thể học giỏi văn?
Là một người học Văn, chọn Văn, mình được học cách nhìn mọi thứ toàn diện, đa chiều hơn. Mình không quan tâm đến những tiếng ồn ào ở bên ngoài. Thay vì áp lực và cảm thấy tủi nhục, tại sao chúng ta không nỗ lực từng ngày, khẳng định giá trị của bản thân? Và mình luôn tự dặn bản thân, dù ở bất kỳ lựa chọn nào, cũng phải khẳng định được giá trị nội tại. Bởi mình có một niềm tin xác tín rằng, khi bản thân trở nên xuất sắc, mọi phán xét về giới hay mọi lời dèm pha đều chỉ là “bong bóng xà phòng”...
PV: Khi bạn thực hiện được những điều đó, mọi người có thay đổi phần nào suy nghĩ?
Đúng như mình nói ở trên, dường như rất ít ai dám phán xét hay dèm pha một người xuất sắc cả. Vậy nên, với tất cả những nỗ lực và quyết tâm của bản thân, mình đã dần chứng minh cho mọi người thấy, việc con trai học Văn đúng là do lựa chọn của mỗi người. Từ những thành quả mình đã đạt được và cống hiến, mình nhận được nhiều sự ngưỡng mộ, tôn trọng nhiều hơn.
PV: Có những tiêu chí truyền thống để tạo dựng một người đàn ông đích thực hoặc một người phụ nữ thực thụ như “đàn ông phải kiếm được nhiều tiền, phải trở thành trụ cột trong gia đình”, “đàn bà phải chăm con, lo cơm nước cho gia đình”. Đối với bạn, quan niệm này và những quan niệm tương tự như thế đã ảnh hưởng như thế nào đến mọi người trong cuộc sống của họ?
Những quan niệm trên (và cả những quan điểm tương tự như thế) có những khía cạnh đúng đắn của nó, nhưng không hẳn là đúng với mọi thời. Ở mỗi bối cảnh xã hội khác nhau, người ta sẽ có những cách định nghĩa khác nhau về một người đàn ông đích thực hay một người phụ nữ thực thụ. Một phần nào đó, trong những quan điểm như trên người ta đã thấy một sự mặc định, phân biệt rạch ròi, vô tình tạo ra những khoảng cách giới, những sự bất bình đẳng giới trong xã hội. Nhưng trong thời đại ngày nay, ta vẫn hoàn toàn có thể thấy một người phụ nữ trụ cột, bản lĩnh trên thương trường; và những người đàn ông nội trợ, chăm sóc gia đình chu đáo. Điều đó nên được “bình thường hóa”.
PV: Không biết Quang đánh giá thế nào về mức độ quan tâm và hiểu biết của những bạn đồng trang lứa, những người xung quanh về vấn đề bình đẳng giới?
Với sự tiến bộ của công nghệ, đặc biệt là các kênh truyền thông đại chúng, các bạn trẻ gen Z phần nào cũng ý thức nhiều hơn về sự bình đẳng giới, về giá trị của bản thân mình. Một tín hiệu đáng mừng là ngày càng có nhiều cuộc thi tìm hiểu về giới, các workshops, webinars,... chia sẻ về bình đẳng giới; góp phần nâng cao nhận thức của giới trẻ về vấn đề này. Bản thân mình cũng là một người cực kì quan tâm đến bình đẳng giới; và mình tin những người bạn đồng trang lứa của mình cũng thế.
PV: Là một người trẻ tài năng và có tầm ảnh hưởng nhất định, bạn có suy nghĩ gì về việc thúc đẩy quá trình thực hiện bình đẳng giới, xóa đi những định kiến, sự phân biệt giữa nam và nữ trong đời sống xã hội?
Mình luôn tin vào giáo dục và tin vào những người trẻ có khả năng thay đổi và kiến tạo. Muốn thúc đẩy quá trình thực hiện bình đẳng giới, chúng ta cần xem xét thay đổi tư duy, nhận thức của những người trẻ - những chủ nhân tương lai trước. Thật khó để loại bỏ hoàn toàn những quan niệm “thâm căn cố đế” ở các thế hệ trước ta. Vậy cách tốt nhất là đầu tư vào hiện tại.
Mình hy vọng nền giáo dục nước nhà sẽ chú tâm đào tạo nhiều hơn cho học sinh về những kỹ năng ngay từ thuở nhỏ, đặc biệt là năng lực nhận thức về bản thân, về giới tính của mình. Chừng nào mà một đứa trẻ vẫn còn cảm thấy ngại ngùng khi chơi với một người bạn khác giới, chừng nào mà việc con trai học Văn vẫn là một “hiện tượng lạ” chịu sự soi mói của mọi người, thì chừng ấy vấn đề về bất bình đẳng giới vẫn còn đáng lo ngại…
PV: Cảm ơn những chia sẻ của bạn!
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.
Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam
(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam
(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.