Không chỉ dừng lại ở mục tiêu kinh doanh thu lợi nhuận, chị Trang Phương và Xưởng hoa khô Xavia còn mang sứ mệnh cao cả hơn: lan tỏa hạnh phúc và truyền cảm hứng tới xã hội.
Đã ra đời được một khoảng thời gian khá dài nhưng cái tên Xavia lại chưa thực sự được nhiều người biết đến. Marketing có phải một thách thức đối với chị và Xưởng hoa Xavia?
Ban đầu, chúng tôi gặp khá nhiều khó khăn trong quá trình marketing để đưa sản phẩm gần hơn với khách hàng. Hầu hết khách hàng đều nói rằng: “Tại sao bán giá đắt thế, chỉ là vỏ ngô thôi mà?”. Khi đó, tôi phải học nhiều: học cách bán hàng, học cách phân loại nhóm đối tượng khách hàng, học một số chiến lược để thuyết phục họ cũng như học từ chính những thiếu sót trong quá trình bán hàng.
Sau cùng, tôi rút ra một bài học, muốn marketing thành công, trước hết vẫn phải là chữ “thật”. Tôi luôn cố gắng mang đến những giá trị chân thực của các sản phẩm tại Xavia như bảo vệ môi trường, phục vụ giáo dục, đáp ứng nhu cầu về lao động, việc làm… Dần dần, doanh nghiệp cũng nhận được nhiều sự quan tâm hơn, mức độ nhận diện thương hiệu tăng và ngày càng nhiều khách hàng đến mua sản phẩm. Tôi tự tin khẳng định rằng, hàng chúng tôi không phải giá cao mà là cao giá.
Một số sản phẩm của Xavia được thiết kế trở thành học liệu của trẻ em trong các hoạt động giáo dục trải nghiệm sáng tạo. Những sản phẩm đó được áp dụng như thế nào?
Trước đây tôi là giáo viên tiểu học nên trực tiếp có cơ hội áp dụng các sản phẩm của mình vào chương trình học tập của học sinh. Sau khi thu thập đủ các nguyên vật liệu, tôi sẽ cho các em thực hiện một số hoạt động trải nghiệm: tách các cánh hoa, nhuộm màu và sáng tạo ra các tác phẩm nghệ thuật… Từ các nguyên vật liệu thiên nhiên, các em có thể tự tay làm nên một số sản phẩm đơn giản như quả thông hay những bông hoa nhỏ.
Hồi đó, tôi chỉ có thể gọi tên hoạt động này là trải nghiệm nghệ thuật với thiên nhiên. Tuy nhiên sau này, khi các phương pháp giáo dục dần được định hình rõ ràng, tôi nhận ra đó là STEAM - một phương pháp giáo dục liên ngành hướng đến việc trang bị cho người học những kiến thức, kỹ năng tổng hợp từ 5 bộ môn: Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Nghệ thuật và Toán học. Trong đó, Nghệ thuật là yếu tố hiện diện rõ nhất trong những hoạt động trải nghiệm tôi mang đến cho học sinh.
Có thể thấy, thị trường tiêu thụ các sản phẩm thủ công còn hạn chế do người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn sản phẩm được làm mới, có chất lượng cao và giá thành rẻ. Làm thế nào để các sản phẩm của Xavia có được chỗ đứng trên thị trường?
Theo tôi, sẽ luôn có một bộ phận khách hàng chuộng đồ thủ công nói chung và những sản phẩm làm từ hoa khô nói riêng. Do đó, tôi không đặt mục tiêu phải cạnh tranh với các sản phẩm khác. Hơn nữa, tôi quan niệm rằng, về lâu dài, những doanh nghiệp mang lại nhiều giá trị cho xã hội sẽ luôn khẳng định được vị trí của mình trong lòng khách hàng. Còn về vấn đề cạnh tranh với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ khác, tôi không đặt nặng vì càng nhiều chất liệu, càng nhiều sản phẩm thì cơ cấu thị trường đồ thủ công càng đa dạng hơn. Điều đó là tốt chứ!
Riêng với Xavia, có khá nhiều nhóm khách hàng lựa chọn các sản phẩm của chúng tôi. Ví dụ như các trường học hay các Sở, Ban, Ngành, họ rất quan tâm đến việc tái chế các nguyên vật liệu thiên nhiên. Còn có những khách hàng cao cấp, họ tìm đến các sản phẩm của Xavia chỉ đơn giản là để trưng bày, hoặc hơn thế là sử dụng các sản phẩm đó làm quà tặng người thân, bạn bè và gửi gắm vào đó những thông điệp ý nghĩa.
Mục tiêu của Xưởng hoa khô Xavia không chỉ dừng lại ở việc kinh doanh mà còn mang sứ mệnh tạo sinh kế cho người nghèo, lao động nữ, trẻ khuyết tật… Những giá trị họ nhận được khi làm việc tại Xavia là gì?
Người khuyết tật, lao động nữ, trẻ em yếu thế… là những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội, có nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm. Tạo công ăn việc làm, tạo vị thế trong xã hội, cải thiện đời sống tinh thần, mang đến cho họ sự tự tin là những mục tiêu mà Xavia muốn đóng góp cho xã hội.
Tôi là một người phụ nữ hạnh phúc, do đó tôi muốn lan tỏa hạnh phúc đến mọi người. Nếu tôi không tin tưởng chính mình, không tin mình là một người phụ nữ hạnh phúc và đầy yêu thương, làm sao những người xung quanh có thể cảm nhận được điều đó? Tôi thường tâm sự với các nhân viên của mình: “Mặc dù sản phẩm là vỏ bắp ngô thôi nhưng chị được xã hội tôn vinh, ghi nhận, vậy tại sao các em lại không thể tự tin?”. Tôi mong muốn họ cảm nhận được niềm hạnh phúc khi làm công việc này và có bản lĩnh để khẳng định rằng bản thân đang làm điều tốt và mang lại giá trị cho xã hội. Từ đó họ sẽ có động lực và cảm thấy bản thân có giá trị hơn.
Làm thế nào để chị kết nối với các đối tượng đặc biệt này và trao cho họ một cái nghề?
Là một doanh nhân, tôi luôn chú trọng việc xây dựng và mở rộng các mối quan hệ trong cộng đồng. Tôi thường áp dụng cách làm việc của Tổ chức Kết nối Thương mại Quốc tế BNI. Mỗi khi gặp gỡ các đối tác, tôi sử dụng những thành quả mình đã đạt được để nhấn mạnh giá trị xã hội của doanh nghiệp và bày tỏ nguyện vọng tạo sinh kế cho những người yếu thế. Từ đó, tôi mong cái tên Xavia và sứ mệnh của nó được giới thiệu đến đông đảo mọi người.
Ví dụ, tôi thường tận dụng những mối quan hệ xung quanh để xin lời giới thiệu và tìm kiếm cơ hội trao đổi với các tổ chức hỗ trợ trẻ khuyết tật đang có mong muốn tạo việc làm cho đối tượng này. Sau đó, tôi thể hiện mong muốn đưa những đứa trẻ này về Xưởng làm việc. Đây là cách tôi kết nối với những người lao động hiện tại ở Xavia.
Quá trình hướng dẫn, đào tạo, nâng cao kỹ năng cho họ diễn ra như thế nào, thưa chị?
Tôi luôn giữ kết nối và dành thời gian trao đổi, nói chuyện với họ khi họ có thắc mắc về sản phẩm mới hay muốn chia sẻ những vui buồn trong quá trình làm việc. Đó là lợi ích khi làm kinh doanh sản xuất - người chủ như tôi có cơ hội nắm bắt mọi công đoạn sản xuất, từ đó thấu hiểu và đồng cảm với nỗi vất vả của nhân viên ở mỗi khâu lao động. Vậy nên, tôi có cơ hội gần gũi hơn với họ cũng như thêm phần trân quý những sản phẩm do Xưởng hoa tạo ra.
Tuy nhiên, để có thể làm việc suôn sẻ với họ thì không phải điều dễ dàng. Các đối tượng lao động ở Xavia có nhiều hạn chế về thể chất và tinh thần. Năng lượng của họ cũng thấp nữa. Họ kêu ca, phàn nàn, bất mãn về cuộc sống. Tôi phải rất kiên nhẫn đồng hành và không ngừng chia sẻ tinh thần để họ nguôi ngoai và có niềm tin vào cuộc sống. Phải mất đến vài năm họ mới xóa bỏ được những suy nghĩ tiêu cực trước đây.
Với các sản phẩm như Xavia, tính bền vững của việc tái chế rác thải nhằm bảo vệ môi trường cần được nhấn mạnh. Vậy trong các giá trị khẳng định tính bền vững của Xavia, giá trị nào là quan trọng nhất, thưa chị?
Đó là giá trị văn hóa dân tộc trong mỗi bông hoa, lá cỏ. Một bông hoa sen được kết tinh bởi không chỉ nắng, gió, mưa, các yếu tố thiên nhiên mà còn bởi những giọt mồ hôi của biết bao người nông dân cũng như bởi sự sáng tạo, tỉ mỉ của những người phụ nữ Việt Nam. Tất cả cộng hưởng thành một bông hoa mang đậm bản sắc văn hóa Việt, tâm hồn Việt. Dòng chảy văn hóa của nước ta không bao giờ ngừng lại, nên tôi tin rằng cảm hứng cho việc sáng tạo các tác phẩm nghệ thuật mang đậm bản sắc dân tộc sẽ không có điểm dừng.
Cảm hứng sáng tạo nghệ thuật sẽ không có điểm dừng. Vậy còn cảm hứng của chị đối với việc tái chế các phụ phẩm nông nghiệp thì sao?
Tôi vẫn theo đuổi niềm đam mê và tiếp tục sứ mệnh của mình thôi, làm được đến đâu thì làm! (cười) Mình là một người phụ nữ có tài năng mà, mình phải tự tin vào mình chứ. Nhưng chỉ dựa vào bản thân thôi là chưa đủ. Tôi mong rằng báo chí, truyền thông cũng như các tổ chức, đoàn thể sẽ “nhân bản” nguồn cảm hứng này thông qua các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao ý thức về tái chế rác thải cũng như thay đổi tư duy cho người trẻ về vấn đề bảo vệ môi trường. Bất cứ ai có cơ hội biết đến Xavia đều có thể là một cái nhân giúp lan tỏa cái duyên của Xavia, làm Xavia khởi phát, tỏa sáng như đúng cái tên của nó. Trên tất cả, tôi muốn trở thành một người truyền cảm hứng tới cộng đồng, xã hội.
Để tiếp tục sứ mệnh truyền cảm hứng tới nhiều người, chị có dự định gì trong tương lai?
Dự định sắp tới, tôi sẽ mở ra một số lớp học trực tuyến chia sẻ về việc sáng tạo sản phẩm thủ công từ đồ tái chế. Ở đó, tôi muốn chia sẻ niềm đam mê và kỹ năng nghệ thuật nhằm truyền cảm hứng tới nhiều người trên hành trình tạo ra những tác phẩm nghệ thuật độc đáo và ý nghĩa. Việc tự mình tạo ra những tác phẩm đặc biệt này không chỉ là một hình thức giáo dục, mà còn là một cách tuyệt vời để giữ gìn và sẻ chia những kỉ niệm đẹp. Tôi hy vọng rằng người học không chỉ là người sáng tạo, mà còn là người quan tâm đến môi trường và có đóng góp tích cực cho cộng đồng, xã hội.
Tôi cũng muốn mở rộng thị trường nữa. Hiện nay, các Xưởng hoa khô Xavia chủ yếu nằm ở một số tỉnh, thành miền Bắc như Hà Nội, Hà Nam, Hưng Yên, Ninh Bình, Thanh Hoá... Chúng tôi nuôi hy vọng tiếp tục mở rộng mô hình này vào thị trường miền Nam, thậm chí đưa ra nước ngoài. Bởi trong tương lai, tôi nghĩ các sản phẩm thủ công tái chế như vậy sẽ được quan tâm rất nhiều.
Sự thắm thiết, thân tình giữa chị Phương và những người yêu mến Xưởng hoa Xavia (Video: Ngọc Thanh)
Xin cảm ơn chị vì cuộc trò chuyện trò chuyện vừa rồi. Chúc cho chị và Xưởng hoa khô Xavia lan tỏa được nhiều giá trị tích cực hơn nữa cho xã hội!
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.
Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam
(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam
(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.