(Sóng trẻ) - Khu công nghiệp (KCN) sinh thái là một cộng đồng doanh nghiệp sản xuất và cung cấp dịch vụ nằm ở cùng một địa điểm. Các doanh nghiệp thành viên tìm cách nâng cao hiệu quả kinh tế, môi trường, xã hội thông qua công tác về quản lý các vấn đề môi trường.
Năm 2014, thành phố Hải Phòng đã phát triển “Kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng xanh của thành phố Hải Phòng” với sự hỗ trợ kỹ thuật công nghệ từ thành phố Kitakyushu – Nhật Bản nhằm hướng tới xây dựng thành phố cảng xanh (Greenport city), cắt giảm Carbon.
Theo đó, Trung tâm giảm thiểu Carbon khu vực châu Á – Thành phố Kitakyushu; Mạng lưới Eco Town thành phố Kitakyushu; Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền đã ký kết biên bản ghi nhớ trong việc hỗ trợ xây dựng khu công nghiệp sinh thái Nam Cầu Kiền (TP.Hải Phòng).
Sau hơn 13 năm xây dựng và khai thác kinh doanh, khu công nghiệp Nam Cầu Kiền dưới sự đầu tư xây dựng của Công ty Cổ phần Shinec cùng sự hỗ trợ từ đối tác Nhật Bản đã thu hút hơn 50 nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Trao đổi với báo chí, ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Shinec cho biết, sau khi có Nghị định 82, từ một khu công nghiệp sản xuất nhiều ngành nghề đơn lẻ, chủ đầu tư đã quy hoạch các nhóm ngành nghề liên kết với nhau, tạo thành một hệ sinh thái doanh nghiệp cộng sinh lẫn nhau.
Theo đó, việc cung ứng nguyên nhiên liệu, xử lý các chất thải sau sản xuất đã giúp đầu vào của doanh nghiệp này trở thành đầu ra của doanh nghiệp khác, không còn chất thải ra ngoài môi trường. Hiện nay, 3 hệ sinh thái doanh nghiệp cộng sinh tuần hoàn tại đây bao gồm: Ngành thép, ngành nhựa, ngành công nghiệp phụ trợ.
“Mặc dù các doanh nghiệp khi mới tìm hiểu về KCN Nam Cầu Kiền đều đắn đo nhiều về các quy định nghiêm ngặt trong phát triển đảm bảo yếu tố môi trường cao. Song, khi hiểu ra được lợi ích của doanh nghiệp mình trong “hệ sinh thái công nghiệp cộng sinh” thì họ đều tích cực hưởng ứng và thực hiện tốt các nguyên tắc, quy định về môi trường để đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững”, ông Điệp chia sẻ.
Với quan điểm kinh doanh “lấy môi trường làm trung tâm để giải quyết bài toán đầu tư”, trong tổng số 263 ha đất KCN chỉ có 167,19 ha đất đưa vào xây dựng công nghiệp, còn lại trên 40% diện tích đất của KCN dùng vào đất công viên, cây xanh, đất công cộng, hạ tầng, giao thông. 100% nước thải, khí thải, bụi, chất thải của các nhà máy trong KCN được công tơ điện tử đo đếm, hệ thống camera quay quét hình ảnh, hệ thống quan trắc tự động và được giám sát quá trình phát thải, hoạt động của các nhà đầu tư 24/24h…
Trao đổi thêm, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Shinec cho biết, trong năm 2021, Nam Cầu Kiền đặt mục tiêu trồng 1 triệu cây xanh tại KCN, biến không gian nơi đây trở thành một vườn bách thảo có giá trị bền vững.
Ngoài KCN Nam Cầu Kiền và khu dân cư sinh thái tại Thủy Nguyên, vị Chủ tịch này còn ấp ủ rất nhiều dự án về môi trường. Không chỉ trong lĩnh vực sản xuất hoặc đầu tư mà còn có nhiều dự án bảo vệ môi trường thuộc về lĩnh vực khác, như xây dựng khu dân cư xanh, xây dựng vườn hạnh phúc trong các làng xã để mỗi người đều có ý thức bảo vệ môi trường sống và yêu cây xanh. Thậm chí cả các dự án năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.
Vườn Nhật Kyousei-no-niwa (共生の庭) có quy mô diện tích hơn 30.000 m2, được thiết kế và giám sát thi công bởi các kỹ sư người Nhật và Việt Nam, được bố trí bao trùm lên khuôn viên nhà máy xử lý nước thải và các hồ chức năng kết nối với công viên dọc kênh đào trung tâm, tạo nên một dải xanh mềm mại góp phần tôn thêm sự độc đáo của Khu công nghiệp sinh thái – Nơi có hệ thống doanh nghiệp với mối quan hệ cộng sinh, hệ sinh thái sản xuất kinh doanh liên thông nhiều tầng cùng phát triển theo tiêu chí của kinh tế tuần hoàn, đem lại giá trị gia tăng bền vững cho các nhà đầu tư trong KCN Nam Cầu Kiền.
Nam Cầu Kiền kỳ vọng khu vườn này sẽ mang những tinh hoa văn hóa Nhật Bản tô điểm cho nét đẹp cảnh quan trong KCN để thu hút nhóm Nhà đầu tư Nhật Bản. Đồng thời khu vườn cũng sẽ là cầu nối, lan tỏa tạo nên một cộng đồng Nhật Bản thu nhỏ ngay chính KCN Nam Cầu Kiền, tăng tình hữu nghị và đánh dấu mốc kỷ niệm hợp tác giữa Kitakyushu và Nam Cầu Kiền, gắn chặt thêm mối quan hệ giữa hai thành phố kết nghĩa Hải Phòng – Kitakyushu.
Ông Phạm Hồng Điệp - Chủ tịch HĐQT Công ty Shinec chia sẻ về tầm nhìn, ý nghĩa khu vườn: “Chúng tôi chung tay xây dựng thành công Khu Công Nghiệp Sinh Thái theo đúng nghĩa tại Nam Cầu Kiền, mang niềm tự hào này từ Hải Phòng truyền cảm hứng cho các Nhà đầu tư trong cả nước có cách nhìn đầu tư bền vững, đầu tư cho tương lai phát triển kinh tế gắn chặt với bảo vệ môi trường. Từ đó tạo ra nhiều hệ sinh thái cộng sinh đem niềm hạnh phúc đến cho mọi người.”
KCN Nam Cầu Kiền cũng vinh dự nhận được Kỷ lục Việt Nam cho 3 hạng mục công trình cảnh quan: Công trình NMXLNT trong khuôn viên KCN thiết kế theo mô hình vườn Nhật đầu tiên tại Việt Nam; Vườn Kỷ vật - khu lưu niệm về Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong khuôn viên KCN đầu tiên tại Việt Nam; Vườn Kyo-sei-no-niwa Khu vườn Nhật lớn nhất Việt Nam trong khuôn viên KCN.
Không phải tự nhiên mà chàng thanh niên trẻ năm ấy lại có thể một mình đương đầu với vô vàn khó khăn để tiên phong đón đầu mô hình KCN sinh thái mà phía sau là một câu chuyện đầy cảm động của Doanh nhân Phạm Hồng Điệp với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Ông bồi hồi kể lại:
“Đầu năm 2008, tôi vô cùng xúc động khi bất ngờ nhận được lá thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đề ngày 15-1-2008. Như không tin vào mắt mình bởi tôi chỉ là một lãnh đạo doanh nghiệp trẻ và không có quan hệ thân thích gì với Đại tướng.
Trong thư Đại tướng động viên tôi thực hiện tốt việc làm kinh tế và bảo vệ môi trường. Thời điểm trước đó, tôi có tham gia các cuộc thi “Môi trường và Phát triển” do Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức. Vượt qua hàng nghìn đề án, ba năm liền tôi đều được giải Nhất toàn quốc. Nhận được thư, tôi có liên hệ xin được gặp và tặng Đại tướng đề án mà tôi đoạt giải. Và sau đó, tôi được Văn phòng Đại tướng sắp xếp cho gặp trong thời lượng 15 phút của một buổi sáng mùa đông năm 2008.
Tôi hồi hộp khi lần đầu bước chân vào khuôn viên số nhà 30 phố Hoàng Diệu, Hà Nội, đó là một biệt thự cũ, xung quanh là vườn cây rộng. Trong phòng khách rất đỗi bình dị của vị Đại tướng huyền thoại, tôi và những người cùng đi nhận thấy tình cảm thân thương là những món quà, bức trướng của nhân dân và các cựu chiến binh trên mọi miền Tổ quốc biếu, tặng Đại tướng nhân ngày sinh nhật, nhân kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ, nhân kỷ niệm ngày thành lập Quân đội… Là người từng ở trong quân ngũ, tôi thấu hiểu tình cảm chân thành của những chiến sĩ Bộ đội Cụ Hồ và người dân dành tặng người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Đại tướng mặc quân phục từ phòng trong đi ra, ánh mắt và nụ cười đôn hậu đã xua đi nỗi e ngại, dè dặt ban đầu của tôi và những người cùng đi. Đại tướng hỏi các cháu đi xa có mệt không, có phải chờ lâu không? Tôi thưa với Đại tướng: "Chúng cháu không mệt ạ, chúng cháu rất vui khi được gặp Bác". Đại tướng nói: "Nghe Đài Tiếng nói Việt Nam nói về một doanh nhân trẻ tên là Phạm Hồng Điệp ở Hải Phòng 3 lần đạt giải Nhất toàn quốc về đề án bảo vệ môi trường, một người làm kinh tế mà đã quan tâm bảo vệ môi trường, như thế là rất quý. Hôm nay được gặp cháu, Bác rất mừng. Bác muốn gặp để động viên cháu làm tốt hơn nữa, cần luôn xác định là phát triển doanh nghiệp thì phải gắn với bảo vệ môi trường, như thế mới là phát triển bền vững''.
Thời gian trôi đi rất nhanh, đồng chí thư ký nhắc đã hết giờ, nhưng Đại tướng xua tay nói hôm nay cứ để tôi nói chuyện thoải mái, đến khi nào kết thúc câu chuyện thì thôi. Thế là câu chuyện Đại tướng muốn nói với tôi cứ tuôn trào. Đại tướng cho biết: Từ năm 1976, trong cuộc họp Bộ Chính trị tại Nha Trang, Đại tướng đã có một bản báo cáo gửi Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng kinh tế khôi phục đất nước gắn liền với chiến lược bảo vệ môi trường, biển, đảo Việt Nam. Đại tướng dặn bây giờ các doanh nghiệp, doanh nhân cần ý thức rõ được việc phải bảo vệ môi trường. Mấy chục năm chiến tranh đã tàn phá rất nhiều rừng nguyên sinh của Việt Nam. Đế quốc Mỹ đã rải chất độc da cam, ném bom napan thiêu trụi hàng triệu ha rừng. Trong chiến tranh, đó là nơi “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”. Việt Nam chúng ta là nước có khí hậu nhiệt đới, cây cối quanh năm xanh tốt, vì vậy cần bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng quốc gia.”
Lĩnh hội và thực hiện tư tưởng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông Phạm Hồng Điệp luôn đau đáu trong mình mục đích phát triển kinh tế đông thời phải bảo vệ môi trường. Cuộc gặp gỡ định mệnh với Đại tướng năm ấy chính là nguồn động lực giúp ông có thể chèo lái con thuyền Shinec hoạt động và có một Nam Cầu Kiền xanh bền vững như ngày hôm nay.
Ông Phạm Hồng Điệp tâm sự: “Tôi coi cuộc nói chuyện hơn hai tiếng giữa tôi và Đại tướng là lời động viên của Đại tướng muốn nói với tôi. Tôi cho rằng Đại tướng đã giao trách nhiệm cho cá nhân tôi để tiên phong trong xây dựng, phát triển kinh doanh gắn chặt bảo vệ môi trường. Và tôi coi đây chính là kim chỉ nam trong quá trình tôi hoạt động sản xuất kinh doanh. Lời căn dặn của Đại tướng giúp tôi có động lực kiên trì để phát triển, luôn luôn đưa ra những phương án, hành động phát triển bền vững.”
Cách đây chừng 5 thập kỷ, trong một xóm nghèo hoang hoải làng Phục Lễ, thôn dân ven bờ sông Cấm quen nằm lòng, cái dáng cậu bé gầy ngẳng, đen đúa, ngày qua ngày đi nhặt vỏ chai, giấy sắt vụn, về đổ cho các bà đồng nát. Cậu kiếm tiền để tự lo việc học, vừa phụ giúp bố mẹ đắp đổi mưu sinh. Đoản khúc thiếu thời của doanh nhân Phạm Hồng Điệp trôi đi như thế, trong những nếp đời cơ cực, gia cảnh bần hàn. Miền quê mềm mượt lời hát Đúm ấy đã nuôi dưỡng anh, ngấm vào mạch nguồn thi vị, hun đúc nên khí chất hồn hậu, mà nghị lực quật cường, bền chí kiên gan. Lớn lên, anh học và học, khi đã làm lãnh đạo anh vẫn miệt mài học, sớm lo việc phố Cảng, chiều muộn bắt xe lên Hà Nội. Vòng quay ấy không ngừng.
Lửa thử vàng, đời ông biết bao lần giông bão, rồi đi lính, rồi về “đầu quân” một doanh nghiệp và “cứu” được tình trạng thua lỗ triền miên. Để “nuôi” Shinec, vị “thuyền trưởng” từng quyết định từ biển lên núi, trồng rừng ở Lạng Sơn, mở nhà máy sản xuất thức ăn nuôi tôm…
Do đó mà cả tâm can của vị “Thuyền trưởng” Shinec đã dành trọn cho môi trường. Trên con đường hiện thực hóa những nhiệm vụ mà Đại tướng giao phó, ông đã nhận được rất nhiều giải thưởng về môi trường: Giải nhất cuộc thi "Sáng kiến bảo vệ Môi trường toàn quốc 2005-2006, giải nhân tài Đất Việt trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (2014), Giải thưởng Môi trường Việt Nam (2019), Doanh nhân Sao Đỏ, giải Đặc biệt dành cho người hoạt động vì môi trường xuất sắc đi tiên phong vận động chính quyền và nhân dân xây dựng khu dân cư xanh tại huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng…
Những giải thưởng ấy phần nào minh chứng cho những nỗ lực phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường của vị lãnh đạo này. Và sẽ không chỉ dừng lại ở đây, trong tương lai chắc chắn sẽ có nhiều KCN như Nam Cầu Kiền phát triển bền vững như bây giờ. Bởi vì trong tâm trí ông Phạm Hồng Điệp luôn mong muốn mở rộng mô hình KCN sinh thái này.
“Chúng tôi luôn luôn sẵn sàng chia sẻ với các nhà đầu tư trong cả nước về mô hình KCN sinh thái này. Và chúng tôi cũng đem mô hình hình này đi đầu tư các KCN tỉnh thành phố mà chúng tôi thấy rằng sự hợp tác giữa chính quyền và nhà đầu tư là tốt. Việc đem mô hình này để đi và nhân rộng là điều chúng tôi hết sức mong muốn. Chúng tôi hướng đến sự phát triển bền vững. Vì chỉ khi các KCN phát triển bền vững thì kinh tế Việt Nam mới phát triển bền vững.” Ông Điệp chia sẻ.
Không phải ngẫu nhiên nhiều người nhận xét Phạm Hồng Điệp là một doanh nhân xứng đáng được cộng đồng ghi nhận và đánh giá cao. Không phải vì ông có một bộ sưu tập giải thưởng, bằng khen, giấy khen từ Trung ương đến địa phương như mà vì những tâm huyết, bền bỉ, tiên phong lan tỏa thông điệp phát triển kinh tế xanh-kinh tế bền vững.
Giới trẻ hào hứng săn sale ngày Độc thân
(Sóng trẻ) - Ngày Độc thân (11/11) đã trở thành một trong những sự kiện mua sắm lớn và được mong chờ nhất trong năm, thu hút sự quan tâm đặc biệt từ giới trẻ.
Khám phá thế giới thực vật qua Workshop “Vườn bách thảo”
(Sóng trẻ) - Sáng ngày 11/11, tại Phòng Mẫu Vật, Bảo tàng Thực vật, khoa Sinh Học, Đại học Quốc gia Hà Nội đã diễn ra thành công Workshop “Vườn bách thảo” với nhiều trải nghiệm độc đáo cho những người đam mê thực vật.
Ngày lễ Độc thân 11/11: Ngày để yêu thương bản thân
(Sóng trẻ) - Ngày 11/11 - hơn cả một con số, đó là một thông điệp về sự yêu thương và trân trọng bản thân. Đây là dịp để chúng ta khẳng định giá trị của sự độc lập, tự chủ và tận hưởng cuộc sống theo cách riêng của mình.