“Mẹ đau ở đâu để con nắn, con xoa…”. Những lời hỏi han tưởng như quá đỗi bình thường của đứa con quan tâm tới mẹ. Thế nhưng, với cô Đặng Thị Toàn, đây là niềm an ủi, động viên, là sức mạnh để cô vượt qua những thời khắc tưởng chừng như sẽ buông bỏ. Đó cũng là những thanh âm chắp cánh cho niềm tự hào của người mẹ nuôi với tấm lòng bồ tát.

Cô Đặng Thị Toàn (49 tuổi), Xuân Phương, Hà Nội
Cô Đặng Thị Toàn (49 tuổi), Xuân Phương, Hà Nội

Làm mẹ của một đứa trẻ bình thường đã vất vả trăm bề. Vậy mà đã ngót nghét 5 năm, cô Toàn gồng gánh trên vai trách nhiệm chăm sóc và nuôi dưỡng 24 em nhỏ tại nhà T3, Làng Hữu nghị Việt Nam (Hoài Đức, Hà Nội). Nhớ lại những ngày đầu gia nhập đội ngũ chăm sóc những trẻ em khuyết tật, khóe mắt cô đỏ hoe, cuống họng run run nghẹn ngào: “Ngày trước, cô phụ trách chăm trẻ mầm non. Nhưng một lần tình cờ nghe được câu chuyện về các bạn ở Làng thì mình thấy thương lắm. Thế là mới quyết định đến đây thăm các con. Chứng kiến tận mắt rồi thì cả trái tim và lý trí cứ thôi thúc mình phải biến tình thương thành hành động. Vậy là quyết tâm viết đơn tình nguyện làm bảo mẫu tại đây”.

Quyết định đột ngột của cô vấp phải sự bất thuận từ phía gia đình. Phần vì cho rằng cô đang có một công việc ổn định, mặt khác lại lo cô vất vả. Có cả những người ngoài không hiểu mà xì xào lời ra tiếng vào, cho rằng cô Toàn “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”.

Hai tuần đầu làm việc tại trung tâm là thời điểm cô cảm thấy cực nhất. Không những bởi sự thiếu cảm thông của một số thành viên trong gia đình mà còn xuất hiện cảm giác chông chênh, bỡ ngỡ khi tiếp xúc với một môi trường mới hoàn toàn đặc biệt. Có những thời khắc cô chẳng thể nào quên: “Một hôm đang tắm rửa vệ sinh cho các em thì có bạn ụp nguyên xô nước khiến cô từ đầu đến chân ướt như chuột lội”. Và có cả những đêm, tiếng hú hét, khua đập, giậm chân làm cô thức trắng. Muôn mối áp lực hình thành và dồn nén, cô Toàn đã có lúc muốn dừng lại.

Thế nhưng, cái suy nghĩ ấy chỉ bỗng chốc le lói rồi lại vụt tắt. Bởi cô nghĩ rằng, “bỏ đi thì tội tụi nhỏ quá, không đủ người bao quát bên cạnh chúng sẽ ăn uống ra sao, vệ sinh thế nào”. Cả những lúc trêu nhau đến xô xát, ai sẽ là người hòa giải và chữa lành những tâm hồn nhỏ nhắn. Thế rồi, chính lòng bao dung và sự ấm áp vô lượng từ trái tim đã khiến cho sợi dây kết nối giữa “mẹ Toàn” với đàn con thơ ngây, dại khờ chưa bao giờ đứt quãng.

24 em nhỏ mang 24 nỗi đau và số phận. Em thì khiếm thính, khiếm thị, em khác lại khiếm khuyết về nhận thức. Tất cả những thiệt thòi hằn in trên cơ thể các em ngày hôm nay chính là sự đánh đổi của ông cha cho màu xanh hòa bình của Tổ quốc. Cho dù mang những tổn thương nào, có ngờ nghệch ra sao thì tại nơi đây, người mà các em gọi một tiếng “mẹ” thân thương vẫn luôn là điểm tựa, sẵn sàng che chở và bao bọc bất cứ khi nào.

Bỏ ngoài tai những lời miệt thị “không thích bụi quang lại quàng bụi rậm”, cô Toàn vẫn chắc nịch với suy nghĩ “không có những bụi rậm ấy thì chẳng ai được hưởng cuộc sống êm ấm và bình yên như hiện tại”. Thế nên, dù ai có nói ngả nói nghiêng, trái tim cô vẫn quyết hướng về và sưởi ấm cho những trái tim và mảnh hồn đã găm đầy những thương tổn.

Mỗi ngày trôi qua tại Làng Hữu nghị theo một cách thật đặc biệt và đáng nhớ. Bởi mỗi bạn lại nhận được sự quan tâm và chăm sóc của cô theo một cách khác nhau. Với những em bị hạn chế về thị lực, cô phải đánh răng, rửa mặt và bón từng thìa cơm. Hay thậm chí còn phải nắm bắt được giờ giấc và đặc điểm sinh học để hỗ trợ thực hiện vệ sinh cá nhân. Có cả những trường hợp tâm lý không bình thường, đang ngủ hoặc đang ăn mà vùng lên vừa chạy vừa hò hét, cô lại đuổi theo và nhẹ nhàng dỗ dành, vỗ về. Cô tâm niệm, đã xác định gắn bó thì phải thật kiên trì và mở lòng, có như vậy các em mới đón nhận và hợp tác.

Vào những dịp kỉ niệm lớn trong năm như Khai giảng hay Ngày Nhà giáo Việt Nam, cô đều tổ chức hoạt động tập luyện, hướng dẫn các em múa hát và biểu diễn văn nghệ. Dù có là những đứa trẻ không lành lặn về cả thể chất lẫn tâm hồn nhưng các em vẫn xứng đáng được chăm chút về tinh thần, được tiếp cận với những hoạt động giải trí như bao bạn bè đồng trang lứa khác. Các em cũng biết thể hiện niềm vui, sự sung sướng tột cùng khi có người đến thăm, tặng quà và tổ chức các hoạt động giao lưu. Bởi theo lời cô Toàn, “bọn trẻ xa gia đình nên thiếu thốn tình cảm, có người đến chơi là vui lắm!”.

Các em gắn bó với Làng như mái ấm thứ hai, quấn quýt bên cô Toàn như người mẹ thứ hai của mình. Thời gian cô tiếp xúc và kề vai sát cánh còn nhiều hơn thời gian các bạn ở bên gia đình. Có những em nhà ở mãi tận Quảng Bình, Quảng Trị. Một năm chỉ về nhà đúng một lần rồi lại khăn gói lên đường trở lại cùng mẹ Toàn. Có cả những bạn ốm đau nằm viện đằng đẵng cả tháng trời, nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ không đủ điều kiện ra thăm. Ấy là lúc mẹ Toàn lại san sát chăm nom và túc trực. 

Sự ấm áp, lòng bao dung và ngọn lửa tình yêu thương đối với những đứa trẻ ngây ngô chưa bao giờ vụt tắt trong lòng người phụ nữ ở độ tuổi ngũ tuần. Ánh mắt trìu mến cô nhìn các em, nụ cười đôn hậu khích lệ tụi nhỏ mỗi khi làm tốt. Đó chính là những hành động giản đơn mà thiết thực nhất để các em tiến bộ và phát triển từng ngày.

Mẹ Toàn luôn tận tâm chăm lo cho từng em mà chẳng mảy may toan tính. Dường như chính vì lẽ đó mà khi có tâm tư gì, các em cũng tìm đến mẹ để giãi tỏ. “Cứ mỗi ngày sau giờ cơm tối là lại xúm vào mẹ để thì thầm. Có bạn hí hửng khoe hôm nay đi học con được cô khen. Bạn lại mếu máo buồn vì bị trêu chọc”. Mẹ Toàn chẳng những sắm vai một người mẹ, mà còn là một người bạn đồng hành để những cô bé, cậu bé ngây thơ trút bầu tâm sự.

Tuy không được nhanh nhẹn nhưng các bạn nhỏ ấy vẫn cất giấu trong mình một thế giới tình cảm sâu kín, lớn lao và kì diệu. Những lần cô Toàn ốm đau, các em đều lo lắng, ân cần hỏi han và quan tâm. Bạn bóp vai, bạn xoa trán, bạn khác đi lấy nước để mẹ uống thuốc. Những hành động ấy, những khoảnh khắc ấy chính là thứ vũ khí tối tân nhất giúp cô đánh bại và vượt qua những vất vả, khó khăn luôn thường trực.

Những đứa trẻ thường ngày không thể tự xúc cơm và mặc quần áo nhưng lại khiến cô Toàn vỡ òa khi ngày 20/11 đến. Chẳng phải những món quà hào nhoáng đắt tiền hay những bó hoa tươi lộng lẫy, thứ mà cô nhận được là những bông hoa dại được các em lượm từ bãi đất trống sau nhà. Không phải những lời chúc hoa mĩ, điều mà cô nghe thấy chỉ đơn giản ba tiếng “Con tặng mẹ”. Bấy nhiêu thôi cũng đủ khiến cô chộn rộn mừng vui và hạnh phúc.

Dù mang cơ thể không lành lặn, tâm trí thiếu minh mẫn nhưng tình cảm của các em lại chẳng hề khiếm khuyết. Những ánh mắt, khuôn miệng vẫn vô tư bộc bạch và thổ lộ cảm xúc của mình theo cách giản đơn, hồn nhiên mà vô cùng xúc động. Với những tâm hồn non nớt ấy, mẹ Toàn đã xuất hiện như một bà tiên, là người phụ nữ đẹp nhất, dịu dàng và nhân hậu nhất, mãi chiếm một vị trí không thể thay thế trong lòng các bạn nhỏ.

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật5 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật5 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật5 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN