Theo tìm hiểu, được biết bà là người có nhiều năm kinh nghiệm trong công tác nghiên cứu các vấn đề môi trường tại các làng nghề. Vì sao bà chọn bảo vệ môi trường làng nghề là đối tượng nghiên cứu suốt nhiều thập kỷ qua?
Khi thành lập Trung tâm Khoa học & Công nghệ Môi trường, nay là Viện Khoa học và Công nghệ môi trường của Đại học Bách khoa Hà Nội, chúng tôi rất trăn trở và mong muốn tìm kiếm các đề tài nghiên cứu về môi trường gắn liền với đời sống thực tiễn ở Việt Nam.
Đến giai đoạn khoảng cuối những năm 90 của thế kỷ XX, tôi có cơ hội được làm việc với chuyên gia người Mỹ. Anh ấy vào Việt Nam với mục đích tìm hiểu về vấn đề “Ô nhiễm môi trường của những hoạt động sản xuất phi nông nghiệp, nằm trong vùng nông nghiệp” hay nói cách khác chính là các làng nghề. Trong quá trình hợp tác, hỗ trợ chuyên gia người Mỹ, tôi nhận thấy rằng vấn đề môi trường tại các làng nghề rất đáng quan tâm.
Từ đó, bản thân tôi cũng dành nhiều thời gian hơn để tìm hiểu các vấn đề môi trường tại các làng nghề ở Việt Nam. Đây có thể xem như một cái duyên để tôi có cơ hội được nghiên cứu về vấn đề này suốt nhiều thập kỷ qua. Mong muốn lớn nhất của tôi khi thực hiện công tác nghiên cứu chính là tìm ra các phương án giải quyết vấn đề về môi trường một cách thực sự hiệu quả.
Trong quá trình nghiên cứu của mình, khó khăn lớn nhất mà bà gặp phải khi tiếp cận các làng nghề để triển khai công tác nghiên cứu là gì?
Khi thực hiện nghiên cứu về vấn đề ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, điều tiên quyết là chúng tôi sẽ phải đến trực tiếp tại các làng nghề đó. Chỉ khi đến trực tiếp chúng tôi mới có thể tìm hiểu về quá trình, hoạt động sản xuất đặc thù của từng làng nghề, từ đó rút ra các nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường.
Những ngày đầu (cuối những năm 90 của thế kỷ XX), chúng tôi thống kê được ở Việt Nam có đến 1450 làng nghề. Các làng nghề này phân bố rải rác khắp mọi nơi từ Bắc vào Nam. Việc di chuyển đến nhiều nơi, nhiều làng nghề ở nhiều địa phương khác nhau trong điều kiện giao thông chưa phát triển là khó khăn nhất trong việc triển khai đề tài.
Trong những năm qua, đã có rất nhiều cảnh báo trước thực tế ô nhiễm nghiêm trọng diễn ra ở nhiều làng nghề. Tuy nhiên, vấn đề ô nhiễm phát sinh từ hoạt động sản xuất này vẫn chưa tìm được giải pháp triệt để, việc thực hiện các giải pháp còn chưa đem lại nhiều hiệu quả đáng kể. Bà đánh giá sao về thực trạng này?
Chúng tôi đã di chuyển đến nhiều làng nghề trên khắp cả nước và có thể rút ra một số nhận định như sau:
Thứ nhất, làng nghề xuất phát từ chính các cơ sở sản xuất nhỏ, thường ở quy mô hộ gia đình và phát triển tự phát theo nhu cầu của dân cư trong vùng. Sau đó, các hộ kinh doanh độc lập này sẽ được phát triển thành nhiều các hộ kinh doanh khác trong cùng một khu vực địa lý hình thành nên làng nghề.
Thứ hai, do hình thức sản xuất nhỏ lẻ nên hoạt động chủ yếu ở làng nghề là hoạt động thủ công và trình độ kỹ thuật của người dân làng nghề là sự kế thừa từ các thế hệ đi trước. Quá trình phát triển, sản xuất của các hoạt động phi nông nghiệp này hầu hết chỉ tập chung vào số lượng và tốc độ tiêu thụ mà không quan tâm chất thải sinh ra trong quá trình sản xuất. Đây cũng chính là lý do khiến cho các chất thải từ hoạt động sản xuất không được xử lý đúng cách gây nên ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, ô nhiễm tại các làng nghề xảy ra ở cả 3 dạng là: ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí và ô nhiễm đất.
Trong suốt hơn 20 năm qua, đã có rất nhiều cảnh báo liên quan đến vấn đề ô nhiễm ở các làng nghề. Thậm chí có nhiều làng nghề trở thành điểm nóng về tình trạng ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, các hoạt động sản xuất thiếu khoa học cũng như ý thức của nhân dân còn chưa cao khiến tình trạng này vẫn tiếp tục tiếp diễn.
Chất thải làng nghề (nước thải, khí thải, chất thải rắn,...) đang tồn tại với khối lượng rất lớn. Điều này ảnh hưởng đến môi trường sinh thái cũng như sức khỏe người dân xung quanh như thế nào?
Tôi muốn nhấn mạnh rằng vấn đề ô nhiễm tại các làng nghề phụ thuộc rất nhiều vào đặc thù của loại hình sản xuất ra các sản phẩm của làng nghề đó. Ví dụ như các hoạt động dệt nhuộm sẽ gây đến hậu quả là ô nhiễm nguồn nước; hay đối với làng nghề chuyên sản xuất vật liệu xây dựng thì có thể gây ra các hiện tượng ô nhiễm không khí,.... Hoặc, đối với các làng nghề chuyên sản xuất lương thực thực phẩm có thể dẫn đến nhiều dạng ô nhiễm như: ô nhiễm không khí do than củi; ô nhiễm nguồn nước do nước thải sinh ra từ hoạt động sản xuất,...
Dù bất kể ở dạng ô nhiễm nào thì những hậu quả mà môi trường và con người phải gánh chịu là không thể bàn cãi được. Người dân sinh sống trong khu vực ô nhiễm sẽ là người đầu tiên phải gánh chịu hậu quả khi trực tiếp hít phải nguồn không khí ô nhiễm, sử dụng nguồn nước thiếu đảm bảo,... Phạm vi ảnh hưởng trước thực trạng ô nhiễm này không chỉ dừng lại ở làng sản xuất đó mà có thể lan rộng ra cả xã hay các vùng lân cận khác.
Đối với nhiều người dân, việc sản xuất làng nghề là sinh kế của họ nhưng điều này lại gây ảnh hưởng đến môi trường nghiêm trọng. Vậy theo bà, vấn đề này cần giải quyết ra sao để phát triển kinh tế bền vững?
Hiện nay, rất nhiều địa phương đang chịu cảnh ô nhiễm từ chính hoạt động sản xuất ở các làng nghề. Thực tế này đòi hỏi các địa phương cần có sự quan tâm đầy đủ, đúng mực để hạn chế và khắc phục tình trạng trên.
Nhiều năm qua, ở không ít các địa phương đã dành sự quan tâm, xây dựng chương trình, kế hoạch để khắc phục tình trạng ô nhiễm. Tuy nhiên, mức độ hiệu quả còn phải phụ thuộc phần lớn vào tính tự giác của nhân dân.
Hơn 20 năm thực hiện công tác nghiên cứu, chúng tôi đã nhiều lần xây dựng kế hoạch hay các mô hình xử lý ô nhiễm như: mô hình xử lý bụi ở làng nghề chế biến gỗ; xử lý nước thải ở làng nghề chế biến giấy; xử lý chất thải giết mổ ở các làng nghề có hoạt động chế biến lương thực phẩm,... Tuy nhiên, khả năng nhân rộng của các mô hình này là chưa cao do còn phụ thuộc vào chính sự tự giác của người dân.
Người dân làng nghề họ nhận thức được vấn đề ô nhiễm, hiểu được tính độc hại của hoạt động sản xuất nhưng họ vẫn bất chấp để có thể phát triển kinh tế. Họ chấp nhận đánh đổi sức khỏe để có được “miếng cơm manh áo”.
Nhằm hạn chế ô nhiễm tại chỗ, đã có nhiều địa phương thực hiện giải pháp di dời làng nghề ra một khu vực xa khu dân cư để hình thành Cụm Công nghiệp ( CCN) làng nghề. Bà đánh giá giải pháp này như thế nào?
Tôi đánh giá đây là một trong những biện pháp có tính hiệu quả cao trong việc giảm thiểu và khắc phục vấn đề ô nhiễm tại nhiều làng nghề. Tuy nhiên, để có thể thực hiện thành công giải pháp này còn cần phải kết hợp với việc giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân. Mỗi người dân trong làng nghề cần phải hiểu rõ được trách nhiệm của mình đối với xã hội, đối với gia đình và những người xung quanh. Bên cạnh đó, các biện pháp xử lý chất thải, rác thải từ các cụm công nghiệp làng nghề cũng cần được thực hiện một cách khoa học , đảm bảo và được giám sát theo yêu cầu Luật Bảo vệ Môi trường
Bà có thể đề xuất một số giải pháp tạm thời và lâu dài, hướng đến việc giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường làng nghề?
Trước thực trạng ô nhiễm đang diễn ra phức tạp như hiện nay đòi hỏi các cơ quan chức năng cần có những biện pháp tổng thể, lâu dài để có thể giải quyết một cách triệt để vấn đề môi trường tại các làng nghề.
Họ cần hiểu được rằng hoạt động sản xuất không đảm bảo, gây ô nhiễm không chỉ tác động tiêu cực đến môi trường mà còn gây nguy hại đến chính bản thân và những người trong gia đình họ. Không chỉ vậy, chính quyền địa phương cần khuyến khích người dân tích cực tìm hiểu các biện pháp xử lý hoặc thay đổi phương pháp sản xuất để có thể giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm phát sinh từ hoạt động sản xuất.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cần xây dựng, hoàn thiện nhanh chóng các quy định pháp luật đủ sức răn đe đối với những hộ gia đình có hoạt động sản xuất không đảm bảo an toàn về môi trường . Các chính sách thưởng - phạt rõ ràng cũng nên được áp dụng để người dân tích cực hơn trong việc giữ gìn, bảo vệ môi trường làng nghề.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần có các biện pháp đánh giá chính xác về tính nguy hại tại các điểm nóng ô nhiễm môi trường như: các làng nghề tái chế nhựa, tái chế giấy , tái chế kim loại ,... Trong trường hợp ô nhiễm vượt ngưỡng có thể tiến hành các biện pháp đánh thuế cao hơn hoặc thậm chí buộc dừng sản xuất tránh gây những hậu quả đáng tiếc về sau.
Cuối cùng, cần xem xét, thực hiện xây dựng khu, cụm công nghiệp làng nghề tách biệt để có thể di chuyển các cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư. Khu vực này sẽ được kiểm soát bằng các biện pháp giảm thiểu và xử lý nguồn phát thải gây ô nhiễm. Ngoài ra, nếu chưa có điều kiện thành lập các Cụm Công nghiệp làng nghề cũng có thể tập hợp các cơ sở sản xuất nhỏ , liền kề nhau trong làng nghệ thành các cụm cùng phối hợp áp dụng các biện pháp giảm thiểu và xử lý các nguồn gây ô nhiễm hoặc giám sát lẫn nhau, thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường.
Trước khi kết thúc cuộc phỏng vấn, bà có muốn dành lời khuyên tới những người dân tại các làng nghề hay những nhà khoa học trẻ đang thực hiện nghiên cứu để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề ở Việt Nam hiện nay?
Như tôi đã đề cập, mức độ hiệu quả của các biện pháp phụ thuộc vào phần lớn ý thức của người dân. Vì vậy, tôi mong rằng, các hoạt động bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ môi trường tại các làng nghề nói riêng cần được tiến hành một cách liên tục. Hoạt động này xuất phát từ chính mong muốn và trách nhiệm của những người dân trong làng nghề.
Trên phương diện những người làm khoa học, cần phải có trách nhiệm không ngừng nghiên cứu để có được các biện pháp hiệu quả nhất, khả thi nhất, phù hợp nhất với đặc điểm của từng địa phương.
Trân trọng cảm ơn GS.TS Đặng Thị Kim Chi về những chia sẻ hữu ích vừa rồi!
Xem chi tiết tuyến bài tại: Bế tắc xử lý vấn đề ô nhiễm tại làng nghề
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.
Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam
(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam
(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.