
(Sóng Trẻ) - Chiến tranh đã qua đi, nhưng ký ức về một thời bom rơi, lửa đạn vẫn hằn sâu trong tâm trí cựu chiến binh Bùi Quốc Sủng - người trở về từ chiến trường khốc liệt năm 1972 tại Quảng Trị.
Trải qua 81 ngày đêm chiến đấu, chịu đựng hàng trăm ngàn tấn bom đạn các loại, nhưng với ý chí “bộ đội còn, Quảng Trị còn”, các chiến sĩ trên mặt trận Quảng Trị đã trở thành một tập thể anh hùng. Với tinh thần, nghị lực, ý chí chiến đấu dưới mưa bom, bão đạn khốc liệt của kẻ thù, các đơn vị bộ đội của ta đã hoàn thành nhiệm vụ chiến lược được giao, làm thất bại ý đồ “tái chiếm Thành cổ” của Mỹ - Ngụy.
Trong tập thể anh hùng ngày đó, cựu chiến binh Bùi Quốc Sủng may mắn sống sót và trở thành nhân chứng lịch sử ngày hôm nay. Ông sinh năm 1954, hiện đang sinh sống tại Thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An. Khi vừa tròn 18 tuổi, ông nhập ngũ và bắt đầu tham gia các trận chiến đấu từ tháng 2 năm 1972. Các trận đánh như: Động Chi, sân bay Tà Cơn, Ái Tử, La Vang cho vào bờ bắc sông Thạch Hãn, đặc biệt tham gia trận 81 ngày đêm tại Thành cổ Quảng Trị từ 28/6/1972 -16/9/1972.

PV: Nhiệm vụ chính của ông tại đơn vị chiến đấu là gì?
Cựu chiến binh Bùi Quốc Sủng: Khi đó tôi được giao nhiệm vụ là một pháo thủ, cụ thể là pháo thủ 14 ly 5 (pháo cao xạ 14.5mm). Khi có máy bay địch xuất hiện, chính tôi sẽ ra trận địa điều khiển khẩu pháo chiến đấu, còn các thành viên khác trong đơn vị chủ yếu ở phía ngoài làm nhiệm vụ hỗ trợ.
Ban đầu, loại pháo này thuộc lực lượng Phòng không – Không quân, chuyên dùng để bắn hạ máy bay tầm thấp. Tuy nhiên, khi vào chiến trường miền Nam, pháo 14,5mm được điều chỉnh để hỗ trợ bộ binh, bằng cách hạ thấp nòng ngắm nhằm bắn trực tiếp vào đội hình bộ binh địch trên mặt đất. Nhờ khả năng cơ động và hỏa lực mạnh, khẩu pháo này trở thành vũ khí hiệu quả trong cả phòng không lẫn hỗ trợ tác chiến mặt đất.
PV: Trong 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ Quảng Trị, ông đã gặp phải những khó khăn gì?
Cựu chiến binh Bùi Quốc Sủng: Tôi đã gặp rất nhiều khó khăn, gian khổ từ việc sinh hoạt, công tác chiến đấu hàng ngày và cả những hiểm nguy từ chiến trường. Đầu tiên phải kể đến việc đi bộ từ Nghệ An vào Quảng Trị, tôi cùng đoàn đi bộ 7 ngày 7 đêm từ Lệ Thuỷ (Quảng Bình) vào đến sân bay Tà Cơn (Quảng Trị). Hành trang vào tiền tuyến của một chàng thanh niên 18 tuổi với cân nặng chỉ khoảng 37kg, bao gồm: Võng, quần áo, 3kg lương khô, 2kg thịt hộp, 1 cái cuốc và 1 khẩu súng.
Ngày ấy đói, không có nhiều đồ ăn, mỗi tối trước khi đi đánh địch thì mỗi người chỉ được phát một chiếc lương khô. Khi đó, món “chè cháo lương khô” được làm từ nước sông Thạch Hãn khuấy với lương khô là món chống đói của chúng tôi.
Bên cạnh những bữa ăn lưng bụng, tôi và đồng đội phải gồng mình vác nòng pháo 50, 60 cân mặc dù ai cũng nhỏ con. Ngày nào cũng bê ra, bê vào điểm tập kết và hành quân đi đánh trận, trong khi đó, điểm tập kết cách vị trí mai phục địch 1km.
Thời tiết khắc nghiệt cũng là một sự khó khăn cản trở, chúng tôi vừa phải đi hành quân dưới cái nắng nóng gay gắt của đất Quảng Trị, vừa đối diện với hiểm nguy của ranh giới sinh tử. Mỗi ngày, ít nhất 10 lần B52 trút bom đánh xuống, thảm khốc tới mức lúc tôi đóng quân để chuẩn bị tiếp tục đi chiến đấu, B52 đánh bom chết tất cả dân chúng ở đó. Bộ binh ta lúc đó hy sinh cũng rất nhiều, đêm 120 người đi chiến đấu thì sáng mai trở về điểm tập kết cũng chỉ còn 20, 30 tay súng.
PV: Có kỷ niệm nào trong quá trình hành quân chiến đấu khiến ông nhớ mãi không?
Cựu chiến binh Bùi Quốc Sủng: Tôi vẫn nhớ mãi ngày 15/8/1972 sau khi đi đánh rút về hậu cứ ở phía Tây Nam động Hông Gio, anh em được nghỉ vài ngày, đó là khoảng thời gian vui vẻ bên các đồng đội. Cả đội tổ chức nấu ăn “linh đình”, anh em làm bếp Hoàng Cầm tráng bánh, ngâm đỗ làm giá, nhớ lại mà cảm xúc vẫn còn đó.
PV: Với những người đồng đội thì sao, ông nhớ nhất là ai trong khoảnh khắc nào?
Cựu chiến binh Bùi Quốc Sủng: Từ đó đến nay đã hơn 50 năm, nhưng tôi không thể quên được một người đồng đội cùng tác chiến đã mãi mãi nằm lại dưới mảnh đất Thành cổ. Ngày đó, anh ấy có mời tôi ghé thăm hầm chiến, tôi từ chối và nói phải về hái rau dền ăn cơm. Sau đó, anh đùa với tôi, nhớ cho anh một bát canh rau dền. Thế nhưng, khi tôi quay lại, một quả bom nổ trên đầu đã làm người đồng đội của tôi ngã xuống và mãi mãi vùi sâu dưới lòng đất Quảng Trị. Cho đến giờ, mỗi khi nhớ lại, tôi vẫn không khỏi bồi hồi và nuối tiếc vì một lời hẹn mãi không thể thực hiện.

PV: Theo ông, điều gì đã khích lệ các chiến sĩ kiên cường bám trụ và chiến đấu trong suốt 81 ngày đêm tại chiến trường ác liệt ấy?
Cựu chiến binh Bùi Quốc Sủng: Từ khi vác súng mũ, ba lô lên đường ra trận, tôi cùng đồng đội đều xác định, đã đi thì khó mà giữ được mạng sống để trở về, dẫu vậy, chúng tôi đều hết mình ra sức chiến đấu, chống lại quân thù. Tôi tự nói với bản thân nếu như bỏ mạng thì phải bỏ mạng tại chiến trường, bởi được hy sinh vì đất nước thì không còn gì vinh dự và hạnh phúc bằng. Hơn nữa, lúc đấy, chúng tôi là những thanh niên có sức trẻ, có khát khao cống hiến, ngày đêm trong lòng đều nung nấu về một ngày mai chiến thắng.
PV: Là một cựu chiến binh đã từng góp phần vào Đại thắng mùa Xuân năm 1975, ông cảm nhận gì về không khí toàn dân trên cả nước đang hướng về kỷ niệm 50 Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước?
Cựu chiến binh Bùi Quốc Sủng: May mắn sống sót trở về từ chiến trường, tôi rất hạnh phúc, tự hào khi được chứng kiến ngày non sông được giải phóng, được tự do và hòa bình. Đất nước đang trong không khí đặc biệt của Tết Độc lập, tôi khao khát được trở lại thăm chiến trường xưa -mảnh đất Quảng Trị anh hùng và kiên cường để “được ôm, được hôn” nơi đã gắn bó với tuổi xuân của mình, nơi từng thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và cả xương máu những người đồng đội thương yêu.

PV: Ông có lời nhắn nhủ gì đến thế hệ trẻ của Tổ quốc ngày nay?
Cựu chiến binh Bùi Quốc Sủng: Như Bác Hồ từng nói “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Tự do, hòa bình không phải dễ, các đồng đội của tôi đã phải chôn vùi xương máu xuống mảnh đất Quảng Trị để góp phần đem lại hòa bình ngày hôm nay. Tôi hy vọng thế hệ trẻ ngày nay luôn biết trân trọng, giữ gìn mảnh đất thiêng liêng này, cùng nhau học tập, phấn đấu để đổi mới, phát triển đất nước để xứng đáng với công lao của cha ông.
Sóng Trẻ News Awards 2024: Lời hứa tiếp nối của những người làm báo trẻ
(Sóng trẻ) - Sự kiện thường niên Sóng Trẻ News Awards của Trang tin điện tử Sóng trẻ trở lại với chủ đề "Evangeline - Lời hứa của hoa hồng", đánh dấu chặng đường 17 năm hoạt động của CLB.
Khóa II Khoa Báo chí: Hành trình 50 năm hội ngộ và tri ân
(Sóng trẻ) - Nhân kỷ niệm 50 năm ngày tựu trường của cựu sinh viên báo chí (1975 - 2025), ngày 15/3, Ban liên lạc khóa II khoa Báo chí tổ chức buổi gặp mặt thân mật tại tầng 10, tòa nhà A1, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Người dân cả nước hân hoan đón Giao thừa Tết Ất Tỵ 2025
(Sóng trẻ) - Thời khắc chuyển giao sang năm mới Ất Tỵ 2025, không khí hân hoan bao trùm nhiều tỉnh thành trên cả nước. Hàng triệu người dân từ Bắc vào Nam hòa mình vào màn pháo hoa rực rỡ, các chương trình nghệ thuật đặc sắc cùng nhiều hoạt động văn hóa.