Đất Mão Điền, huyện Thuận Thành không chỉ nổi tiếng là vùng đất hiếu học, “làng thủ khoa”, mà còn được biết đến với món bánh cuốn mang đậm chất quê hương. Bánh cuốn Mão Điền từ lâu đã trở thành ẩm thực độc đáo, món ăn truyền thống của người Kinh Bắc.
Theo những câu chuyện kể ngày xưa, người đàn ông ở Mão Điền đi bán cá, người phụ nữ ở nhà làm bánh cuốn nuôi con ăn học. Vậy nên từ lâu, bánh cuốn Mão Điền đã là một phần quan trọng trong nếp sống lao động của người dân nơi đây. Người dân trong làng không ai còn nhớ rõ bánh cuốn được xuất hiện từ bao giờ. Theo lời chia sẻ của cô Vũ Thị Thoa (40 tuổi, Xóm Hồ, Mão Điền): “Tôi về làm dâu nơi đây đã được 19 năm. Sau khi về nhà chồng, tôi theo nghiệp gia đình làm bánh cuốn. Nghề đã theo nhà tôi được 3 đời từ thời các cụ đến giờ. Nơi đây là làng nghề truyền thống nên tôi rất vui và tự hào khi được tiếp nối nghiệp của cha ông".
Muốn tạo ra được mẻ bánh ngon, đậm vị, đòi hỏi người thực hiện phải sở hữu sự tỉ mỉ, kiên trì và nhanh nhẹn. Với phần vỏ bánh, vốn dĩ từ xưa bánh cuốn Mão Điền được tráng bằng tay nên phải trải qua rất nhiều công đoạn, bắt đầu từ xây lò, đóng than, đan giàng, đóng khuôn, xay bột bằng cối đá và tráng bánh. Nếu tráng thủ công, người làm bánh phải ngồi bên lò suốt 5 - 6 giờ để làm được 35 - 40kg bánh. Bên cạnh đó, nguyên liệu cũng là một phần quan trọng tạo nên hương vị đặc trưng của bánh cuốn Mão Điền. Loại gạo được dùng để xay bột làm bánh phải là gạo ngon, hạt dài, màu trắng đục, khi xay bột sẽ mịn, không bị vón cục.
Để làm nên hương vị đặc trưng của bánh cuốn Mão Điền, không thể không kể đến tài nghệ phi hành của người dân nơi đây. Hành phải chọn những củ nhỏ, bóc hết vỏ khô, thái thật mỏng rồi đem đi phi thơm. Hành sau khi được phi thơm, thì xay thật nhỏ rồi quyết lên mặt bánh cùng với mỡ hành. Đây là công đoạn tạo nên hương vị màu sắc riêng của bánh cuốn Mão Điền. Ngoài ra, hành phi còn được dùng để rắc lên mặt bánh và hòa cùng nước chấm ăn kèm.
Nhằm đáp ứng nhu cầu của thực khách, người dân Mão Điền phát triển hai loại bánh: bánh nhân mộc nhĩ và bánh cuốn hành. Nhân mộc nhĩ là sự kết hợp hoàn hảo của thịt băm cùng mộc nhĩ thái nhỏ được nêm nếm gia vị vừa vặn. Khi thưởng thức loại bánh này, thực khách sẽ cảm nhận được độ mềm của từng lớp bánh, giòn của mộc nhĩ và chút mặn của thịt băm. Với nhân hành, tuy không có được sự đa dạng trong hương vị như nhân mộc nhĩ, song loại bánh này vẫn dễ dàng lưu lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người yêu ẩm thực với phần vỏ bánh dai, mềm cùng hành phi thơm nức, giòn tan.
Bánh cuốn là món ăn thân thuộc và phổ biến với người dân Việt Nam, và mỗi vùng miền sẽ sở hữu những hương vị bánh cuốn khác nhau. Không phải ngẫu nhiên mà thức quà dân dã được gọi tên cùng với quê hương “bánh cuốn Mão Điền” được mọi người đề cao về hương vị. Sở dĩ nói là đặc biệt vì những hương vị rất riêng, sự kỳ công trong từng công đoạn. Bánh cuốn Mão Điền được tạo nên dưới bàn tay cẩn thận, tỉ mỉ của những người con xứ Kinh Bắc.
Ngày nay, nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhiều hộ gia đình đã chuyển từ thủ công sang làm máy giúp tăng tốc độ sản xuất, tiết kiệm thời gian, năng suất tăng cao gấp 10 - 20 lần. Nếu từ xưa, người dân làng Mão Điền tráng bánh bằng tay chỉ cho ra nửa tạ bánh một ngày. Giờ đây với sự giúp ích của máy móc, con số sản xuất lên đến hàng tấn bánh mỗi ngày vào mùa nóng và 3 - 4 tạ vào mùa lạnh. Tiếng lành đồn xa, hương vị thơm ngon hấp dẫn của bánh cuốn Mão Điền được nhiều người biết đến. Thường ngày, người lao động phải ngồi tráng bánh từ 2 giờ chiều đến 11 giờ tối, có những hôm nhiều đơn hàng họ phải lao động đến 1 giờ sáng để kịp giao bánh tới các tỉnh khác như Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nội,...
Quy trình sản xuất bánh cuốn Mão Điền
Tại xưởng sản xuất Lê Vũ Thái, cô Vũ Thị Tuyết (50 tuổi, Xóm Hồ, Mão Điền) công nhân làm bánh chia sẻ: “Tôi đã làm ở đây được 20 năm rồi. Thu nhập trung bình hàng tháng khoảng từ 5 - 6 triệu đồng. Nghề làm bánh cuốn giúp thu nhập của gia đình ổn định, đủ tiền ăn học cho các con". Cô cho biết thêm, việc kinh doanh bánh cuốn Mão Điền giờ đây còn gặp nhiều khó khăn, nhất là về nguồn nhân lực.
Những người thợ làm bánh hiện nay chủ yếu là các bậc trung niên, còn người trẻ tại địa phương ít ai chấp nhận việc đầu tắt mặt tối bên máy tráng bánh. Những người có kinh nghiệm làm bánh cuốn gia truyền ngày càng ít đi, thế hệ trẻ không còn mặn mà với nghề cha ông khiến thương hiệu bánh cuốn trứ danh đất Kinh Bắc đứng trước nguy cơ mai một.
Trước thực trạng đó, chính quyền xã Mão Điền luôn chuẩn bị nhiều giải pháp để gìn giữ và phát triển nghề làm bánh cuốn, như: tăng cường tuyên truyền người dân quan tâm đến chất lượng sản phẩm, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, truyền dạy nghề cho thế hệ trẻ. Nhờ những nỗ lực tích cực từ chính quyền cũng như bà con nông dân, bánh cuốn Mão Điền đang dần khẳng định lại vị thế, vững bước xây dựng thương hiệu nhằm tiến đến một thị trường rộng mở. Từ đó tạo đầu ra ổn định, góp phần giữ vững kinh tế cho người dân.
Mời quý vị đọc trọn bộ 3 kì tại: https://sway.office.com/3BliVgPlF6alGuOR?ref=Link&loc=play
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.
Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam
(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam
(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.