(Sóng trẻ) - Những câu chuyện hào hùng trên chiến trường khốc liệt vẫn còn vang vọng trong ký ức người chiến sĩ Nguyễn Hà Long, minh chứng sống cho những năm tháng khói lửa. Với ông, mỗi kỷ niệm chiến trường không chỉ là dấu tích của quá khứ mà còn là nhịp đập mạnh mẽ của lòng yêu nước, ngọn lửa không bao giờ tắt trong trái tim nhiều thế hệ chiến sĩ. 

Trong hành trình đi tìm lời hồi đáp cho những câu chuyện yêu nước vượt qua mọi thế hệ, chúng tôi vinh hạnh được gặp gỡ ông Nguyễn Hà Long, người chiến sĩ từng chiến đấu trong cuộc chiến giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. 

2 cuộc trường chinh, 39 đợt vượt ngục, 4 nhà tù, 7 lần bị thương - đó chính là những con số gắn liền với Nguyễn Hà Long - người chiến sĩ từng là Tiểu đội trưởng, Đại đội 2, tiểu đoàn 97 thuộc Quân khu 5 trong xuyên suốt cuộc chiến tranh Giải phóng miền Nam.

 

Ông Nguyễn Hà Long, sinh năm 1940 tại thôn Tri Lễ, xã Tân Ước, Thanh Oai, Hà Nội. Lớn lên trong giai đoạn cách mạng chống Pháp, tuổi thơ in đậm những hình ảnh “máu” và “lửa”, không biết tự bao giờ người chiến sĩ trẻ năm đó đã nung nấu trong mình sự căm thù quân địch cùng quyết tâm giải phóng đất nước. Đến tháng 12 năm 1963, sau thời gian huấn luyện, ông cùng gần 800 chiến sĩ hành quân vào Nam. Ba tháng hành quân “đói” với thiếu thốn lương thực, sốt rét triền miên và địa hình hiểm trở, sự hy sinh là điều không tránh khỏi.

Ngay từ khi đặt chân đến chiến trường miền Nam ở tuổi tròn 24, Nguyễn Hà Long đã tham gia nhiều trận đánh lớn nhỏ. Ông nhớ rõ từng chi tiết của mỗi trận chiến. Dừng lại giữa dòng ký ức, ông hỏi: “Thế nào là chiến tranh?”. Một câu hỏi mà câu trả lời đã được nảy ra trong đầu người thiếu niên trên chiến trường sau trận đánh tại Đèo Nhông. Dù giành chiến thắng, nhưng đứng trước thân xác còn hơi ấm của kẻ địch, chàng thiếu niên bấy giờ mới thực sự định nghĩa được hai từ “chiến tranh”. “À, đây là chiến tranh, mình chết, họ chết, nằm ngổn ngang, quá đơn giản...” – ông cười, nụ cười chất chứa ký ức.

Thế nhưng, không phải trận đánh nào cũng toàn thắng. Trong một lần tập kích tháng 4 năm 1965, Nguyễn Hà Long bị bắt tại Bình Định, bắt đầu hành trình ròng rã 8 năm cùng 4 nhà tù khác nhau.

Ông Long vẫn nhớ cảm giác khi biết mình sa vào lưới địch: “Sợ lắm!”; nụ cười giòn tan, nếp nhăn hằn sâu nơi khóe mắt khi ông tâm sự. Nhưng nỗi sợ không ngăn ông tổ chức các hoạt động yêu nước trong tù, nhiều lần lãnh đạo biểu tình đòi quyền lợi. Khi địch gọi những người chiến sĩ là “Tù binh phiến cộng,” ông và đồng đội hô vang: “Chúng tôi là quân giải phóng!”. Dù trong tù, tinh thần họ vẫn cháy bỏng. Ông Long kể về những ngày tháng ấy như một niềm tự hào, mắt ông long lanh cùng cái nhìn xa xăm như xuyên qua thời gian, xuyên qua không gian, trở về những năm tháng xưa. 

Theo lời ông Long, khoảng thời gian bị giam giữ và phải hoạt động bí mật trong từng nhà tù, đặc biệt là nhà tù tại Phú Quốc, ông gặp gỡ với bao nhiêu người đồng đội máu thịt. Tình anh em, đồng chí, đồng đội đùm bọc nhau trong chốn lao tù trở thành sức mạnh để “máu chảy rồi sẽ ngưng”. 

Xuôi theo dòng hồi ức, người cựu chiến binh bộc bạch lòng mình với chúng tôi: “Những năm tháng chiến đấu, tôi cùng đồng đội luôn sẵn sàng tinh thần thứ nhất là ‘xanh cỏ’, thứ nhì là ‘đỏ ngực’. Gần 11 năm chiến đấu, lúc nhà nước cần, nhân dân cần, tôi luôn sẵn sàng. Phía sau tôi, hàng vạn người chiến sĩ miền Bắc sẽ tiếp tục hành trình này. Sức mạnh của tôi chính là sức mạnh của tập thể”.

 

Rồi ông kể về những người đồng đội trong suốt 11 năm ấy, những người đồng đội ông vẫn nhớ rõ tên, rõ quê quán. Đồng đội Bùi Xuân Bính ở Mỹ Hào, Hưng Yên không ngần ngại chạy đuổi theo địch cùng khẩu 12 ly 7. Đồng đội Lê Quý Được, ở Ngọc Mỹ, Quốc Oai bắn xe tăng bằng khẩu súng trường. Đồng đội Phạm Văn Lập nhận tội thay anh em, bị địch đóng đinh đến chết. 

Trong giây phút hồi tưởng về từng người đồng đội, một nỗi khó tả nào đó ghì chặt nơi cuống họng ông để rồi biến thành những giọt nước mắt lăn dài. Ông nghẹn lại, tâm sự về người đồng đội Phạm Bá Ngải quê Phú Xuyên: “Khi anh Ngải bị tra tấn một thời gian dài, sức kiệt quệ. Anh chỉ cởi cái áo, đưa cho chúng tôi, bảo ‘tôi không sống được nữa, các đồng chí về báo cáo với Đảng, tôi đã hoàn thành’ rồi anh hy sinh. Đó là đặc trưng của con người bất khuất”. Trong giọt nước mắt của ông, chúng tôi như sống lại giây phút người chiến sỹ Bá Ngải nâng áo tù thấm đẫm máu sau trận tra tấn dài, thều thào lời báo cáo tự hào khi hoàn thành nhiệm vụ. Phút giây đó, lặng người, chúng tôi nghiêng mình xin bái biệt tới những người chiến sĩ đã trung liệt bỏ quên thân. 

Đến năm 1969, Nguyễn Hà Long cùng nhiều người đồng đội tổ chức một cuộc vượt ngục bằng đường hầm tại nhà tù Phú Quốc. Đây là cuộc vượt ngục đầu tiên bằng đường hầm thành công ở Phú Quốc. Hai mươi mốt tù nhân đã vượt qua một đường hầm dài 120 mét được chuẩn bị kỹ càng trong gần 5 tháng. Xuyên suốt thời gian sau đó, ông Long tiếp tục hoạt động cách mạng trong Đơn vị Biệt động Phú Quốc và giành được nhiều thắng lợi vẻ vang. Và đến năm 1972, ông trở về đất liền, trở về Hà Nội thân thương. 

11 giờ 30 phút, ngày 30/4/1975, trong thời gian đi công tác và nghe được thông báo chiến thắng, Nguyễn Hà Long không khỏi bồi hồi, xúc động. Cảm xúc thiêng liêng, mừng nhưng tiếc, người chiến sĩ cống hiến hơn 10 năm xông pha mặt trận miền Nam nhưng chẳng thể chứng kiến giây phút thiêng liêng nhất. “Đứng, xúc động, mừng, rơi nước mắt”, ông bày tỏ với nụ cười trông như mếu. Miền Nam đã hoàn toàn giải phóng, lá cờ giải phóng tung bay phấp phới trên nóc Dinh độc lập, những luyến tiếc hòa lẫn với sự tự hào, niềm hạnh phúc tạo nên dư vị khó quên.

Hà Nội nồng thắm lúc ấy cũng rợp bóng cờ hoa, một không khí vui mừng cho toàn thắng của chiến trường miền Nam. Dân tộc Việt Nam đã hoàn toàn độc lập, Bắc - Nam đã thống nhất một nhà. Đến thời điểm hiện tại, trong những năm tháng phát triển và dựng xây cuộc sống mới, từng lớp người nối tiếp lớp người cùng đóng góp sức mình trong công cuộc kiến thiết đất nước. 

Trong những thời điểm này, vai trò của người trẻ là hết sức quan trọng, ông Nguyễn Hà Long khẳng định: “Tôi cùng những người đồng đội của tôi sinh ra trong một giai đoạn lịch sử và được góp sức mình, tham gia vào giai đoạn lịch sử ấy. Dù là nhỏ bé, nhưng chúng tôi tự hào rằng mình đã hoàn thành, đánh thắng Đế quốc Mỹ, đánh thắng Ngụy quyền Sài Gòn và giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Lịch sử Việt Nam, trong đó, có chúng tôi. Còn riêng lớp trẻ, họ có nhiệm vụ nặng nề hơn chúng tôi. Các bạn là một lực lượng giỏi, rất giỏi. Từng lớp thanh niên ngày nay đã thấu hiểu chính bản thân, ý thức được trách nghiệm của bản thân. Tôi tin vào lớp trẻ!”.

 

Những ký ức của người cựu chiến sĩ về ngày giải phóng miền Nam vẫn còn nguyên vẹn, như một dòng chảy lịch sử không bao giờ ngừng nghỉ. Bóng cờ hoa rợp trời Hà Nội khi ấy không chỉ là dấu ấn của chiến thắng, mà còn là biểu tượng của niềm tự hào và hy vọng vào tương lai. Từ những trang sử ấy, lớp trẻ hôm nay mang trên mình một trọng trách lớn lao: không chỉ giữ gìn hòa bình mà còn dựng xây đất nước. Những lời tâm huyết của ông Hà Long là lời nhắn nhủ cho thế hệ sau – giữ gìn và khẳng định mình, để lá cờ Việt Nam mãi tung bay trên bầu trời tự do. 

Theo dõi toàn bộ tuyến bài tại đây

 

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN