(Sóng trẻ) - Theo đoàn cứu trợ lên tập kết ở Hội Chữ thập đỏ Thái Nguyên những ngày lũ  vừa qua, thật dễ dàng để bắt gặp hình ảnh chàng trai khuyết tật với nụ cười rạng rỡ, hăng hái làm việc, hỗ trợ mọi người. Đó là Phúc Đức - công dân nhỏ “chỉ có một cánh tay, cũng chỉ có một trái tim vẹn tròn vì đồng bào”.

Trích trong bài hát Một đời người, một rừng cây của nhạc sĩ Trần Long Ẩn, câu hỏi đó luôn được Phúc Đức nhắc đi nhắc lại khi trả lời phỏng vấn chúng tôi. Nguyễn Phúc Đức - Sinh viên năm 4 trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên). 

Trở về nhà sau 3 ngày liên tục hỗ trợ bão lũ ở Hội chữ thập đỏ Thái Nguyên, đôi bàn chân của Đức đã tê lạnh, nhăn nhúm lên. Trong tiếng ho khù khụ, Phúc Đức chia sẻ “Ba hôm nay mình hoạt động như một người đủ hai tay. Thương đồng bào mình quá. …” - Một câu trả lời dang dở, không đầu đuôi mà nghẹn ngào.

Sinh ra và lớn lên ở Thái Nguyên - một tỉnh thuộc trung du miền núi Bắc Bộ, chưa bao giờ Đức nghĩ tới quê mình lại có thể bị lũ lụt nghiêm trọng như vậy. Một trận lũ lịch sử vừa về, phần lớn Thái Nguyên ngập trong biển nước. Tối hôm đầu tiên nước dâng,  Đức vội vã đăng bài lên trang cá nhân của mình kêu gọi các bạn sinh viên ở vùng lũ tập trung về trọ xóm của Đức để trú ngụ. Sau đó, Đức cùng vài người bạn của mình lên đường đến tham gia hỗ trợ nấu ăn tại các điểm còn có điện trong thành phố.

Dù thiệt thòi, khó khăn vì không đủ hai bàn tay như mọi người, nhưng tinh thần không ngại khó, không ngại khổ luôn tràn đầy ở chàng trai này. Sau khi kết nối với anh chị từng hoạt động Đoàn, Đội cùng mình, Đức lại nhanh chóng tham gia Đội phản ứng nhanh của Hội chữ thập đỏ Tỉnh vừa thành lập khi lũ về. 

Đêm đã muộn, nước lên cao, không điện, không sóng, Đội của Đức được Hội chữ thập đỏ Tỉnh trang bị áo phao và đèn pin, tiến về điểm tập kết có các cơ quan chức năng để hỗ trợ tiếp nhận, vận chuyển hàng cứu trợ từ các địa phương khác gửi về. “Mình làm việc quên cả ăn đồ đoàn cứu trợ cho mình. Dù với một tay, việc bê vác của mình hết sức khó khăn, bất tiện nhưng mình nghĩ sức mình được chừng nào thì mình sẽ làm chừng ấy”.

Trong những ngày đầu tham gia hỗ trợ bão lũ cùng Hội chữ thập đỏ, Đức chia sẻ mình nhớ nhất là chiều tối hôm nước hạ, cơ quan chức năng cho phép thuyền vào, Đội phản ứng nhanh của Đức đi thuyền vào sâu bên trong vùng lũ tiếp tế lương thực vào cho mọi người. Quãng đường đi vào rất xa, cả đoàn di chuyển từ đầu giờ chiều đến tối mịt mới có thể quay ra đến điểm tập kết ban đầu ở bên ngoài rốn lũ.

“Ở đoạn ngoài nước còn nông, chúng mình phải xuống cùng nhau đẩy, thuyền bằng sắt nên rất nặng. Lúc đó mình nghĩ, mình một tay nên phải cố sức nhiều hơn, gấp đôi để mọi người đỡ vất vả. Vào đến trong thì sâu, nước siết, trời tối nguy hiểm. Lúc ấy đến cách nhà dân 200 mét, nhìn thấy họ ở đó ra tín hiệu bằng đèn pin, nhưng không thể nào tiếp cận được. Thật may, khi đó có một bác địa phương, thạo bơi, có thuyền riêng nhỏ nên tiếp cận và tiếp tế lương thực cho họ” - Đức nhớ lại.  

Đức vẫn nhớ như in hình ảnh chiếc thuyền đoàn mình đi vào tiếp tế cho dân có biển hiệu và đề chữ “chùa Hương”. Chàng trai xúc động: “Tức là thuyền này được vận chuyển từ chùa Hương, Hà Nội lên Thái Nguyên. Đúng bão lũ khổ thật nhưng mà từ đó mới biết vì sao chúng ta gọi nhau là “ĐỒNG BÀO”.  

Khi tâm sự cùng chúng tôi về những ngày qua, sau một loạt câu chuyện kể, tái hiện, Đức lại “Nhưng mà không sao cả. Mình làm được, mình chỉ muốn cố gắng hết sức để giúp đỡ mọi người, đồng bào mình”.  

Đó là câu nói mà mẹ Đức luôn căn dặn con trai mình. Đúng như ý nghĩa cái tên mà bố mẹ đặt cho, Phúc Đức nghị lực, năng nổ hoạt động cộng đồng, tình nguyện. Sinh ra lành lặn như những người khác, nhưng biến cố ập đến năm Đức học lớp 6. Đức bị bể chứa nước ở quê đổ ập vào người và mất đi một cánh tay. Từ đó, Đức trở nên nhút nhát, khép kín và tự ti trước mọi người.

Mãi đến khi ra trường cấp 3, chàng trai một tay ấy được vực dậy từ khi tham gia các hoạt động Đoàn, Đội ở Tỉnh nhà. Đến bây giờ, sau 8 năm tham gia hoạt động hiến máu nhân đạo, Đức đã có tổng cộng cho mình hơn 30 chứng nhận. Đức cho rằng ban đầu rất lo lắng sẽ không đủ điều kiện vì mình khuyết tật. “Nhưng ngay từ lần đầu hiến máu về, mình thấy sức khỏe bản thân bình thường, ổn định. Vậy là từ ấy, cứ 3 tháng mình sẽ tham gia hiến 1 lần”. Chàng sinh viên Thái Nguyên vinh dự được Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào hiến máu nhân đạo. Đặc biệt, Đức là 1 trong 100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc được Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt động viên và tuyên dương năm 2023.

Bên cạnh đó, Đức còn tham gia tích cực các hoạt động cộng đồng, tình nguyện của Đoàn, Đội ở Tỉnh nhà. “Bản thân em là một Đoàn viên, cũng là một Đoàn viên thanh niên, em tâm niệm phải luôn yêu đồng bào, Tổ quốc như lời Bác Hồ đã dạy. Thời chiến tranh thì cầm súng, thời bình thì mình có vô vàn cách để cống hiến. Như trong mùa bão lũ vừa qua, mình chưa có đủ vật chất, kinh tế, mình có sức và mình sẽ cố gắng bằng tất cả những gì mình có thể để giúp đồng bào mình”.

“Mình mong những người yếu thế, không may bị khuyết tật như mình hãy cứ lạc quan, sống thật ý nghĩa, giá trị bằng những hoạt động thiết thực. Chắc chắn sẽ được mọi người ghi nhận và đó cũng chính là động lực cho bản thân mình”.

Trong những khó khăn, mất mát khi lũ về, trái tim hướng về Tổ quốc, đồng bào, tinh thần, sức trẻ của nhiệt huyết, phụng sự luôn đong đầy như thế. Những thanh niên như Phúc Đức góp phần đẩy lùi những “gập ghềnh” hiện tại mà cả miền Bắc ruột thịt của ta đang phải gánh chịu. Chàng trai một tay ấy đã có một trái tim vẹn tròn vì đồng bào. 

Là những người trẻ của dân tộc Việt Nam, hãy sống với lý tưởng “Đừng hỏi tổ quốc đã làm gì cho ta, mà cần hỏi ta đã làm gì cho tổ quốc hôm nay” - Trích “Khát vọng tuổi trẻ” tác giả Vũ Hoàng. 

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN