(Sóng trẻ) - Cùng gặp gỡ chị Nguyễn Thảo My - CEO và Founder (nhà sáng lập) thương hiệu nội y phụ nữ Mialala và lắng nghe những chia sẻ đầy thú vị của nữ doanh nhân trẻ về một hành trình không ngừng lan toả tinh thần tích cực và tình yêu bản thân đến với phụ nữ Việt.

Bất cứ ai từng gặp gỡ chị Nguyễn Thảo My đều ấn tượng với hình ảnh một nữ doanh nhân tự tin, tràn đầy năng lượng tích cực với nụ cười tươi tắn thường trực trên môi. Và “năng lượng tích cực" cũng chính là một trong 4 giá trị cốt lõi làm nên “bản sắc" của “đứa con tinh thần" Mialala - thương hiệu nội y & đồ ngủ, đồ mặc nhà dành cho phái đẹp với hành trình sắp chạm mốc 10 năm trên thị trường Việt.
Xuất phát điểm chỉ là một cửa hàng nội y nhỏ vỏn vẹn 9m2 tại ngõ 3 Thái Hà từ năm 2014, đến nay, thương hiệu Mialala đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường nội y & đồ mặc ở nhà dành cho nữ với gần 20 cơ sở, trải dài 8 tỉnh thành trên toàn quốc.
Hành trình gần 10 năm xây dựng và phát triển thương hiệu của nữ doanh nhân trẻ gặp không ít khó khăn. Song sứ mệnh hướng tới khách hàng vẫn luôn được chị Thảo My cùng đội ngũ nhân viên duy trì: tạo ra cuộc cách mạng về trải nghiệm trong ngành nội y & đồ ngủ thiết kế khiến khách hàng hài lòng và tâm đắc - không chỉ bằng việc cung cấp những sản phẩm nội y, đồ ngủ, đồ mặc nhà chất lượng, mà còn ở dịch vụ chăm sóc & tư vấn tận tâm mà Mialala mang lại.

PV: Được biết khởi điểm của Mialala chỉ là một cửa hàng nội y nhỏ vỏn vẹn 9m2 tại ngõ 3 Thái Hà, chị có thể kể lại bước ngoặt trong hành trình 10 năm để Mialala đi đến vị trí như hiện tại?
Nguyễn Thảo My: Ít người biết rằng tiền thân của Mialala khá khiêm tốn: chỉ là một cửa hàng nội y nhỏ nằm trong ngõ với cái tên “Mia House", đó là vào năm 2014, khi mình mới 22 tuổi. Quá trình khởi nghiệp dù nhiều khó khăn nhưng sau 2 năm, mình cũng có những trái ngọt đầu tiên: Chạm mốc 4 cửa hàng vào năm 2016. Cũng có thời điểm mình “điếc không sợ súng" mở thêm cửa hàng ở Sài Gòn vào năm 2018, nhưng rồi sau đó vì vấn đề quản lý mà đành đóng cửa. Khi đó mình nhận ra rằng mình vẫn “ếch ngồi đáy giếng” lắm. Vì vậy, trong quãng thời gian sau, mình bắt đầu lao vào mở rộng mối quan hệ với các anh chị em CEO tài giỏi, tự mình học tập, tự mình thực hành áp dụng những điều mình đã học.

Để rồi, đến năm 2020, Mia House đã có một “bước ngoặt" lớn, đánh dấu cột mốc trong quá trình xây dựng & phát triển thương hiệu - cũng là cột mốc của bản thân mình trong việc học làm “sếp", học cách quản trị. Mình thành lập công ty, đổi tên thành Mialala, xác định rõ tầm nhìn doanh nghiệp. Mình tuyển dụng các trưởng phòng và mời các nhân tài về công ty để cùng nhau phát triển, rồi dần dần có được Mialala ngày hôm nay.
PV: Vào thời điểm trước khi xảy ra “bước ngoặt" đó, làm thế nào để chị thoát khỏi “vùng an toàn" với suy nghĩ “chỉ cần một cửa hàng với thu nhập ổn định thế này là đủ rồi", để có động lực vươn xa hơn - đó là thành lập doanh nghiệp?
Nguyễn Thảo My: Để chia sẻ về điều này thì mình có 3 lý do. Thứ nhất là khi ấy mình mới chỉ 22 tuổi, còn trẻ nên mình suy nghĩ rất đơn giản về cuộc đời. Mình nhìn thấy cơ hội có thể mở thêm 1 cửa hàng nữa nên mình đã thử. Lý do thứ hai là mình lắng nghe lời “than phiền” của khách hàng. Thời gian ấy Mialala chỉ là một cửa hàng có 9m2 ở trong ngõ, rất nhỏ, khi đông khách thì mọi người phải đứng ở ngoài chờ người bên trong đi ra thì mới có chỗ để vào. Mình là người trực tiếp tiếp xúc với khách hàng, thấy họ hay “càm ràm” về không gian quán, mình cảm thấy có lỗi với họ nên muốn được phát triển hơn. Và mình rất biết ơn khách hàng vì đã là động lực to lớn cho mình. Điều thứ ba là mình được chồng ủng hộ. Khi có ý tưởng thì cộng sự cũng là anh họ mình đã khuyên ngăn, nhưng chồng mình rất ủng hộ, đi vay tiền bạn để mình mở cửa hàng thứ hai.

PV: 3 từ khóa nổi bật mà chị sẽ mô tả về Mialala?
Nguyễn Thảo My: Tích cực, trọn vẹn và tận tâm. Tích cực ở việc làm chủ suy nghĩ, cảm xúc và hành động. Trọn vẹn ở việc nói được, làm được và chịu trách nhiệm về những việc mình làm. Tận tâm ở thái độ chân thật, yêu thương và tử tế với tất cả mọi người: từ gia đình, bạn bè đến đồng nghiệp, khách hàng, đối tác.
PV: Một kỷ niệm đáng nhớ nhất về Mialala trong hành trình 10 năm vừa qua của chị?
Nguyễn Thảo My: Mình sẽ kể về kỷ niệm đáng nhớ gần nhất nhé. Có một bạn tên là Thảo, đến với Mialala với vị trí ban đầu là nhân viên bán hàng part-time vì bạn đang làm sinh viên. Sau khi ra trường bạn vẫn yêu thích công việc nên quay lại làm nhân viên full-time. Thời điểm đó đó bố mẹ bạn ấy có chút phản đối và xem nhẹ việc bán đồ nội y, nhưng bạn vẫn kiên định theo đuổi mục tiêu của mình. Sau một thời gian nỗ lực phấn đấu, bạn đã được lên vị trí cửa hàng trưởng. Mặc dù bạn sinh năm 2000 nhưng thu nhập đã hơn 20 triệu 1 tháng. Nhưng bên cạnh việc thu nhập cao, điều khiến mọi người bất ngờ là trên hành trình phát triển bản thân cùng Mialala, bạn đã trở thành một con người hoàn toàn khác, chín chắn, trưởng thành, điềm tĩnh và biết suy nghĩ hơn, làm bố mẹ bạn ấy có cái nhìn khác về công việc này. Câu chuyện này chính Thảo là người kể lại cho mình, và mình cảm thấy mình đã phần nào tạo ra một môi trường giúp mọi người phát triển. Có thể thấy rằng nhìn ngoài thì có thể những sản phẩm nội y... chỉ là phụ kiện nhỏ thôi, nhưng bên trong Mialala, mọi người làm công việc này với rất nhiều tâm huyết, tình yêu và nỗ lực hàng ngày.

PV: Một vài điều về Mialala mà chị thấy tự hào và biết ơn?
Nguyễn Thảo My: Điều đầu tiên mình nghĩ đến chính là đội ngũ trưởng phòng và nhân viên của Mialala, và để nói về những điều mình biết ơn từ họ thì không bao giờ là đủ. Đó có thể là một bạn khối Nhân sự dành nhiều tâm sức để thiết kế slide đào tạo nhân viên cực kỳ đẹp. Một bạn đội Thiết kế có hẹn buổi tối, nhưng đến hơn 6 giờ tối vẫn còn cố ngồi ở công ty hoàn thiện nốt ấn phẩm cho bộ sưu tập mới, dù mình đã bảo bạn ấy rằng thôi để đó mai làm nốt cũng được. Hay những bạn trong đội ngũ cửa hàng không ngừng học hỏi, cải thiện trong cách bán hàng, cách hiểu “nỗi lòng" của khách, cách tư vấn khách... để mang đến chất lượng dịch vụ chu đáo hơn, tận tâm hơn.

PV: Chị có thể chia sẻ một vài khó khăn hay định kiến đã từng gặp phải trên hành trình trở thành một nữ doanh nhân không?
Nguyễn Thảo My: Sau dịch bệnh Covid, Việt Nam nói chung đối mặt với suy thoái kinh tế và Mialala không nằm ngoài khủng hoảng này. Khi ấy, công ty đối diện với khó khăn rất lớn: phần lớn thu nhập của Mialala đến từ bán hàng trực tiếp nhưng dạo đó các cửa hàng bị đóng cửa hết theo chỉ thị, trong khi nhân sự vẫn còn nhiều. Bài toán đặt ra là làm thế nào để trả lương cho mọi người và duy trì được cửa hàng trong thời điểm đó đây? Mình lúc đó rất “shock” và lo lắng, nhưng mình phải cố vượt qua vì trong vai trò người điều hành công ty, mình phải nghĩ đến mọi người. Và mình đã quyết định sẽ bán hàng online thông qua livestream.
Vì trở ngại nhân sự xa, trở ngại trong việc đào tạo, gửi đồ... nên rất khó kiếm nhân sự làm công việc này, và mình đã quyết định mình sẽ tự livestream. Vốn dĩ mặt hàng nội y là một mặt hàng rất đặc thù nên những sản phẩm không quá hở thì mình sẵn sàng tự mặc vào để mọi người xem livestream luôn, vì sản phẩm phải được nhìn một cách trực quan thì mới tăng khả năng quyết định mua hàng ở khách. Đối với mình thì điều này không hề phản cảm. Thế nhưng mẹ mình sau khi xem được thì lập tức gọi ngay cho mình “Sao CEO mà lại làm công việc này?”. Nhưng mình thì nghĩ một cách đơn giản, đây không phải việc làm trái đạo lý hay sai trái gì, mà chỉ là một việc bình thường trong vô số những công việc khác nhau nhằm đem lại dòng tiền cho công ty mà mình phải bắt tay vào làm để đi qua thời điểm khó khăn này mà thôi.
May mắn là mình được khách hàng ủng hộ và nói chuyện, giao lưu trên live, đồng thời cũng đem lại nguồn thu nhập để mình có thể gồng gánh qua giai đoạn đó và vẫn trả lương đầy đủ cho nhân viên của mình. Thậm chí, sau giai đoạn đấy công ty còn mở rộng thêm cả mảng bán hàng online. Mình tin rằng dù là CEO, mình vẫn sẽ sẵn sàng xắn tay vào bán hàng, làm tất cả mọi việc kể cả những việc mà người ta cho rằng “đây không phải là công việc của một CEO”. Nghĩa là mình sẽ vượt qua mọi định kiến với một tâm thế tích cực, không ngại thử thách.
PV: Đâu là nguồn cảm hứng và động lực để chị bất chấp khó khăn mà tiếp tục bước đi trên hành trình đó?
Nguyễn Thảo My: Trước hết là gia đình: một người chồng luôn ủng hộ mình; 2 đứa con lúc nào cũng tò mò và luôn miệng hỏi mình về doanh nghiệp, về Mialala. Tiếp đến là đội ngũ nhân viên không ngừng nỗ lực và cải thiện sản phẩm. Khách hàng với những nỗi lo lắng thường gặp về “sự cố nội y", mong muốn được ở trong trạng thái thoải mái với các sản phẩm nội y và đồ mặc nhà chất lượng...
PV: Là một CEO, nếu có thể đưa ra một lời nhắn nhủ truyền động lực cho các nữ doanh nhân và nữ start-up trẻ đang không ngừng vượt qua định kiến và rào cản để theo đuổi sự nghiệp của riêng mình, chị sẽ nhắn nhủ điều gì?
Nguyễn Thảo My: Mình vẫn luôn tin rằng một người phụ nữ có thể tự chủ độc lập về mặt tài chính thì họ luôn có một sức hấp dẫn riêng. Với mình - một người vốn yêu thích việc nội trợ gia đình, mình cảm thấy rằng người phụ nữ đừng nên giới hạn bản thân mình rằng mình chỉ làm cái này, chỉ làm cái kia. Bởi vì mình thấy khi phụ nữ họ có sự thông minh, họ tự chủ tài chính, họ có thể được chi tiêu theo ý thích của họ thì họ sẽ có được sự tự do. Đó là điều đầu tiên - phụ nữ hãy tin là mình có thể làm được.
Mình cho rằng, mọi thứ bắt đầu từ niềm tin. Khi bạn tin là bạn có thể làm được thì bạn có thể học, bạn có thể vượt qua mọi khó khăn. Còn lại, đừng giới hạn mình bởi việc là “cái này khó lắm”, “mình còn phải lo cho em bé” hay gì cả. Ví dụ như cá nhân mình, thật ra mình chưa tốt nghiệp đại học, mình cũng không có quá nhiều kinh nghiệm, và gia đình mình vốn không có ai làm kinh doanh. Nhưng mình thấy khi mình rất muốn làm một cái điều gì đấy và mình tin mình có thể làm được thì mình sẽ làm được! Nếu có đôi lời nhắn cho các bạn trẻ và đặc biệt là các bạn nữ thì đầu tiên, hãy tin rằng phụ nữ có những sức mạnh riêng và có thể làm được mọi thứ! Và các bạn sẽ khám phá ra mình là một kho tàng với rất nhiều khả năng tuyệt vời ở bên trong.


PV: Theo chị, tư duy tích cực trong kinh doanh ở người lãnh đạo được biểu hiện như thế nào? Tư duy ấy ảnh hưởng như thế nào đối với sự phát triển của một doanh nghiệp?
Nguyễn Thảo My: Mình cho rằng, nếu như một người làm lãnh đạo mà không tích cực thì chắc là họ đã bỏ nghề rồi. Bởi làm kinh doanh nghĩa là bạn đã chấp nhận lao vào một chiến trường khốc liệt: hết Covid đến suy thoái kinh tế, rồi nếu đi vào giai đoạn phát triển thì phải đối mặt với sự cạnh tranh - tức là lúc nào khó khăn cũng tồn tại. Doanh nghiệp đứng trước vô số khó khăn đó chỉ có 2 khả năng: một là kinh doanh thất bại và sẽ phải dừng lại; hai là vẫn tiếp tục kinh doanh. Mình tin rằng những doanh nghiệp nào ở trường hợp thứ hai đều là biểu hiện của sự tích cực - bởi vì tích cực là một trong những điều đã giúp doanh nghiệp đó vượt qua giai đoạn khó khăn.

Xác định làm kinh doanh là sẽ luôn luôn có khó khăn, nhưng quan trọng là cách mình đối diện với nó như thế nào? Có những bạn sẽ đổ lỗi là “À, tại vì Covid”, “Tại vì suy thoái”, hay là “Tại vì đối thủ cạnh tranh ăn cắp công thức”, “Tại đối thủ cạnh tranh không lành mạnh”, “Tại bạn nhân sự thế này thế kia”. Nếu như mình luôn luôn đổ lỗi như thế thì mình không vượt qua được, suy cho cùng là một người lãnh đạo thì mình phải giữ sự tích cực. Mình luôn luôn nhìn nhận với tâm thế chủ nhân rằng mình phải có trách nhiệm trong việc đó. Ví dụ khi doanh số công ty không tốt, mình không bao giờ đổ lỗi rằng tại nhân viên này, tại trưởng phòng kia, tại khách hàng này, tại đối thủ kia. Mình luôn nghĩ rằng, mình đã làm điều gì chưa tốt và mình có thể làm được gì tốt hơn. Đó là suy nghĩ giúp mình giữ được sự tích cực và lạc quan, từ đó có thể vượt qua được những giai đoạn khó khăn và làm chủ “cuộc chơi”, làm chủ doanh nghiệp của mình.
PV: Những ai từng tiếp xúc với chị đều có ấn tượng về một doanh nhân luôn tự tin, tràn đầy năng lượng tích cực với nụ cười thường trực trên môi. Cảm giác mọi người gần như chưa bao giờ thấy chị ở trạng thái “hụt hơi" hay “kiệt sức". Vậy đâu là bí quyết để chị luôn duy trì năng lượng đó bên trong bản thân mình, trong khi đang nắm giữ một vai trò quan trọng đầy bận rộn và áp lực đến vậy?
Nguyễn Thảo My: Trước tiên phải khẳng định một điều là mình có rất nhiều lúc tiêu cực. Mình tin rằng trên đời này không ai là không có lúc tiêu cực cả. Đúng là những ai từng tiếp xúc mới mình, dù là trực tiếp hay qua online đều hỏi mình như thế: “Tại sao lúc nào trông cũng năng lượng thế?”, “Tại sao lúc nào cũng thấy tích cực vui vẻ thế?”. À thì bởi vì, những lúc không ổn, thậm chí là những lúc rơi vào trạng thái kiệt quệ, hẳn là mình sẽ không để cho ai biết. Trong quá trình xây dựng công ty, từ lúc khởi nghiệp đến quãng thời gian phát triển và duy trì, mình gặp vô số thất bại, khó khăn, và cũng vô số lần sợ hãi, lo lắng, thất vọng.
Những lúc đó, điều đầu tiên mình làm là chấp nhận những cảm xúc tiêu cực này. Mình sẽ khoá cửa phòng, ở một mình, đối thoại với bản thân để tự mình xử lý những tiêu cực: tự bảo rằng bản thân hãy bình tĩnh, phân tích những việc xảy ra gần đây để xem xét đâu là điều khiến tâm trạng mình không ổn; nếu cần thì có thể viết lên giấy tất cả những gì đang xảy ra trong đầu để hệ thống hoá vấn đề. Nói chung là tìm ra nguyên nhân cốt lõi của tâm trạng tiêu cực này và tự mình giải quyết. Rồi mình sẽ tự nói với bản thân là: phải tiếp tục cố gắng; mọi thứ đều xuất phát từ mình, mình hãy thay đổi tư duy, thay đổi góc nhìn, từ đó sẽ tìm ra phương hướng giải quyết cụ thể.
PV: Chị đã làm gì để lan toả năng lượng tích cực đó đến với nhân sự trong môi trường công sở?
Nguyễn Thảo My: Trong văn hóa của Mialala có một định nghĩa thế này: “Vui vẻ vốn thuộc về tính cách, nhưng tích cực lại là một năng lực có thể rèn luyện được”. Đầu tiên mình phải cảm ơn bố mẹ vì mình sinh ra đã là một người hướng ngoại. Từ nhỏ mình đã rất là vui vẻ và hay cười - đó là tính cách của mình. Nhưng mà sau này, khi lớn lên, mình không còn vô tư như ngày bé, mình bắt đầu phải lo về cơm áo gạo tiền, mình gặp nhiều khó khăn, nhiều chuyện buồn và cả chán nản, thất vọng. Thế là mình thấy rằng để có thể phát triển năng lực tư duy, mình phải thay đổi góc nhìn của mình đối với cuộc sống - đó là góc nhìn tích cực, tin vào bản thân và những điều tốt đẹp phía trước.

Về việc lan toả tinh thần tích cực trong môi trường doanh nghiệp, thì thật ra nó phụ thuộc rất nhiều vào năng lượng sẵn có của chính mỗi nhân sự. Ý mình là, không phải mình truyền lửa cho mọi người đâu - mà thật ra mọi người đã có sẵn ngọn lửa ở bên trong rồi, còn mình chỉ tạo ra một môi trường để nó bùng lên thôi. Ví dụ, nếu bạn là một ngọn nến lập loè, gió thổi cái là tắt thì thôi, lửa đâu mà mình châm được, đúng không? Nhưng nếu bạn vốn mang một hòn than ở bên trọng, thì khi gió thổi vào, ngọn lửa nhiệt huyết sẽ bùng lên.

PV: Thông điệp xuyên suốt mà chị muốn nhắn gửi đến đối tượng khách hàng phụ nữ Việt Nam qua các sản phẩm: nội y, đồ mặc nhà, đồ ngủ thiết kế... là gì?
Nguyễn Thảo My: Thông điệp mà Mialala muốn gửi gắm tới phái đẹp vốn đã nằm trong cái tên của các bộ sưu tập từ trước đến nay: BST đồ ngủ “Em cho phép", BST nội y “Em yêu", BST đồ mặc nhà “Sống rạng rỡ". Đó là lời nhắn nhủ hãy luôn trân trọng bản thân mình, chấp nhận những điểm chưa hoàn thiện của bản thân để từ đó “cho phép" mình được nuông chiều, được yêu thương, được chăm sóc, theo đuổi những việc mình yêu thích.
PV: Mialala được biết đến với những sản phẩm, dự án hay chiến dịch truyền thông hướng tới phụ nữ, với những thông điệp khuyến khích người phụ nữ hiện đại luôn yêu thương bản thân, được tận hưởng niềm vui, theo đuổi điều mình mong muốn trên tinh thần tích cực. Vậy theo chị, đâu là biểu hiện của việc yêu bản thân ở phụ nữ?
Nguyễn Thảo My: Nếu nói về biểu hiện bên ngoài thì mọi người hay nghĩ đó là những người hay mua sắm cho bản thân hay biết cách tạo ra những giây phút thư giãn. Nhưng gốc rễ để có thể làm được điều đó còn phụ thuộc vào điều kiện kinh tế và hoàn cảnh của mỗi người.

Còn theo quan điểm cá nhân mình, một người phụ nữ yêu bản thân là người biết tha thứ cho mình. Vì đôi khi mình thấy phụ nữ hay hy sinh nhiều quá, hay tự trách mình nhiều quá. Thế nên yêu bản thân là sự "thả lỏng", cho phép bản thân mình được mắc sai lầm, được đôi lúc yếu mềm. Nỗi sợ lớn nhất của mỗi người đến từ việc mình sợ kém cỏi, sợ xấu, tự ti về bản thân. Còn khi mình tha thứ cho mình, thì mình sẽ chấp nhận con người của mình, chấp nhận cả những điều không tốt - theo mình, đó mới là yêu bản thân, chừng nào mình không còn nghĩ mình phải hy sinh quá nhiều, mình được làm những điều mình thích và tha thứ cho lỗi lầm của mình, thì đó là biểu hiện của tình yêu.
PV: Nhiều năm về trước, người Việt vốn khá khắt khe với các chủ đề liên quan đến nội y. Các chị em phụ nữ thường tỏ vẻ ngại ngùng, xấu hổ khi nhắc đến những từ khoá như là “quần lót, áo lót”. Chính vì vậy, họ hiếm khi tâm sự với người khác nếu chẳng may gặp phải những tình huống không thoải mái liên quan đến nội y. Vậy mà từ hồi đó, chị đã mạnh dạn đi theo con đường này. Vậy chị đã làm những gì để góp phần cho hành trình "chuyển hoá" suy nghĩ của phụ nữ Việt từ nỗi e ngại đến sự thoải mái bàn luận về chủ đề vốn từng được cho là “nhạy cảm"?
Nguyễn Thảo My: Bản thân mình từ hồi đó đã nghĩ đến vấn đề này theo hướng đơn giản lắm: nội y là nhu cầu thiết yếu của phụ nữ, thì tại sao phải xấu hổ, phải “ngại” khi nhắc đến nó? Thế nhưng để truyền tải được điều này cho những người phụ nữ xung quanh thì thực sự không dễ dàng. Khi khách mặc phải các sản phẩm nội y kém chất lượng, họ gặp phải các sự cố nào là “lộ”, “hở”, rồi thì chất vải không tốt sẽ khiến họ ngứa ngáy khó chịu - thì mình phải là người giúp họ phát hiện ra được các vấn đề oái oăm đó, giúp họ giải quyết nó. Mà để mình có thể giúp được họ thì mình phải tìm cách động viên họ nói ra chứ! Không nói lên vấn đề thì làm sao giải quyết được vấn đề, đúng không?
Và mình chỉ có thể truyền tải điều này bằng chính hành động của mình mà thôi: mình thoải mái bàn luận đến các vấn đề về nội y với chị em phụ nữ xung quanh, không hề tránh né. Mình đào tạo đội ngũ nhân viên bán hàng cách tiếp cận, tư vấn khách hàng sao cho khéo léo, giúp họ “mở lòng” chia sẻ vấn đề để tìm được sản phẩm phù hợp với họ. Bản thân mình sẵn sàng mặc sản phẩm áo nội y lên người để chụp ảnh phục vụ cho mục đích truyền thông trên mạng xã hội: Facebook, Instagram.
Và như mình đã kể, trong giai đoạn Covid khó khăn và Mialala quyết định chuyển sang mảng online qua việc bán hàng livestream, chính mình cũng trực tiếp mặc các sản phẩm đó đứng trước máy quay để tương tác, nói chuyện với những khách hàng đang xem. Mình vô tư chia sẻ mọi vấn đề xoay quanh việc mặc nội y và trả lời các câu hỏi của người xem: làm sao để chọn form áo phù hợp với cơ thể, làm sao để xác định dáng hay kích cỡ vòng một, chất liệu quần lót nào là thoải mái và thông thoáng nhất,... không ngại ngần gì cả. Việc này đã thực sự giải quyết được vấn đề của khách hàng, không chỉ kích thích họ đến với hành động mua mà còn giúp hình thành trong tâm trí họ rằng “À, đây là một chủ đề hoàn toàn bình thường, không việc gì phải xấu hổ hay ngại ngần hết”, vì thực tế đúng là vậy mà!
Cứ thế, ban đầu là chị em bạn bè xung quanh, rồi đến khách hàng, đến cả những người mình không quen biết, dần dà họ có cái nhìn “thoáng” và tự tin hơn về nội y. Càng ngày càng có nhiều người hiểu rằng: nội y là thứ không chỉ phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của mình; mà còn là thứ giúp mình trở nên dễ chịu (nếu chọn đúng sản phẩm chất lượng), tránh tối đa các “sự cố”. Rồi tâm trạng cũng sẽ được cải thiện hơn khi bạn có thể học hành, làm việc, vô tư “bay nhảy” mà không phải lo lắng rằng sao cái áo này khó chịu thế, sao cái quần này chật thế. Rồi nội y đẹp cũng giúp mình tự tin hơn, tận hưởng niềm vui “thầm kín” thay vì mặt cứ khó đăm đăm cả ngày vì đang mặc một sản phẩm không ưng ý. Hành trình “chuyển hóa” suy nghĩ cho khách hàng của mình và Mialala đã diễn ra như vậy đó.

PV: Hành trình của chị trong việc cung cấp dịch vụ nội y, đồ mặc nhà, cũng như lan toả giá trị tích cực, tình yêu bản thân đối với phái đẹp Việt Nam sẽ còn tiếp tục đến khi nào?
Nguyễn Thảo My: Mình là 1 người theo chủ nghĩa khắc kỷ nên sẽ luôn lường trước được những chuyện tương lai, những việc sẽ xảy ra. Mình luôn nghĩ sẽ phải chuẩn bị thật tốt cho bây giờ để sau này nếu mình không còn giữ vai trò là CEO của Mialala thì vẫn sẽ có những đội ngũ kế cận để các bạn sẽ tiếp tục phát huy, phát triển hơn nữa. Vì Mialala là 1 tổ chức chứ nó không phải là mình, cho dù mình có mất đi thì giá trị của Mialala vẫn còn ở lại, và những đội ngũ kế cận của mình vẫn sẽ tiếp tục phát huy những giá trị đó.

Nếu may mắn mình sống đến trên 60 tuổi (đến tuổi nghỉ hưu) thì mình cũng chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ nghỉ hưu. Bởi vì mình thấy hạnh phúc khi được làm việc, nếu bây giờ cho mình ở nhà không làm gì thì sẽ rất buồn chán. Vậy nên sau này nếu trên 60 tuổi mình vẫn sẽ tiếp tục cống hiến, có thể lúc đó không còn được minh mẫn như bây giờ thì mình có thể làm những việc khác hoặc giảm lượng công việc xuống thôi. Vì làm việc khiến mình vui vẻ và tạo ra giá trị, đấy là thứ tạo ra năng lượng cho mình. Nếu còn may mắn sống thì mình chưa nghĩ đến chuyện dừng lại, còn giả sử không may mắn kết thúc hành trình trên nhân gian sớm hơn thì Mialala và hành trình của công ty vẫn sẽ còn đó, bởi vì còn rất nhiều đội ngũ kế cận sẽ tiếp nối và phát huy văn hóa Mialala, thậm chí có thể phát triển hơn nữa. Cho đến ngày nào phụ nữ còn mặc nội y thì hành trình đó vẫn còn tiếp tục!
PV: Chị nhìn thấy được Mialala sẽ phát triển ra sao trong vòng 10 năm nữa?
Nguyễn Thảo My: Câu trả lời nằm ngay trong chính tầm nhìn của Mialala, và cũng là điều mà chính mình và đội ngũ của mình đang không ngừng cố gắng từng ngày để chạm tới: trở thành thương hiệu thời trang nội y, đồ ngủ thiết kế số 1 Việt Nam về trải nghiệm và quy mô hệ thống, với 100 điểm bán trên cả nước. Để làm được điều đó, chúng mình luôn tâm niệm để làm tròn sứ mệnh: tạo ra cuộc cách mạng về trải nghiệm trong ngành nội y, đồ ngủ thiết kế khiến khách hàng tâm đắc và đội ngũ tốt hơn mỗi ngày.
PV: Là một doanh nhân trẻ, chị muốn chia sẻ hay truyền đạt một bài học kinh nghiệm nào dành cho lớp trẻ đang bắt đầu bước vào những hành trình start-up không?
Nguyễn Thảo My: Mình thấy các bạn trẻ bây giờ rất giỏi, nên nếu để mình chia sẻ, thì đầu tiên hãy có niềm tin vào bản thân mình. Vì mỗi người sẽ có rất nhiều những khả năng tiềm ẩn chưa được khai phá. Như mình bản thân mình, khi còn bé mình chưa bao giờ nghĩ mình sẽ may mắn có được những điều như ngày hôm nay, vì ngày xưa những mơ ước của mình đơn giản lắm.
Đầu tiên hãy tin rằng các bạn có một kho báu vô tận ở bên trong, và các bạn có thể trở thành một người giỏi tới mức mà các bạn sẽ không thể tưởng tượng được. Hãy tin vào bản thân mình, rằng mình rất giỏi và mình có thể làm được.
Thứ hai là hãy bắt đầu một “tương lai khao khát”, tức là đặt ra những mục tiêu, những điều mình thực sự muốn, rằng mình muốn cuộc sống như thế nào. Khi mình có mục tiêu thì mình bắt đầu hành động để đi đến mục tiêu đấy. Nếu không hành động thì nó sẽ mình là một giấc mơ viển vông. Nên hãy đặt ra những mục tiêu cụ thể, rằng bạn muốn cái gì, muốn nó trông như thế nào, vào ngày giờ nào mình sẽ đạt được. Ví dụ muốn giàu thì đối với bạn giàu là bao nhiêu tiền, có người thấy 100 triệu đã là giàu có người lại thấy trăm tỷ mới là giàu.

Và cuối cùng, mọi thứ bắt đầu từ một bước chân: hãy hành động đi! Có thể bạn sẽ vấp ngã nhưng hãy cứ hành động, đó là điều quan trọng nhất. Đấy là những điều mà mình muốn nhắn nhủ tới các bạn trẻ, rằng hãy khai phá bản thân mình đi, các bạn rất giỏi và các bạn có thể trở thành những điều vô cùng tuyệt vời!
Xin cảm ơn những chia sẻ đầy thú vị và truyền cảm hứng của chị!
Sóng Trẻ News Awards 2024: Lời hứa tiếp nối của những người làm báo trẻ
(Sóng trẻ) - Sự kiện thường niên Sóng Trẻ News Awards của Trang tin điện tử Sóng trẻ trở lại với chủ đề "Evangeline - Lời hứa của hoa hồng", đánh dấu chặng đường 17 năm hoạt động của CLB.
Khóa II Khoa Báo chí: Hành trình 50 năm hội ngộ và tri ân
(Sóng trẻ) - Nhân kỷ niệm 50 năm ngày tựu trường của cựu sinh viên báo chí (1975 - 2025), ngày 15/3, Ban liên lạc khóa II khoa Báo chí tổ chức buổi gặp mặt thân mật tại tầng 10, tòa nhà A1, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Người dân cả nước hân hoan đón Giao thừa Tết Ất Tỵ 2025
(Sóng trẻ) - Thời khắc chuyển giao sang năm mới Ất Tỵ 2025, không khí hân hoan bao trùm nhiều tỉnh thành trên cả nước. Hàng triệu người dân từ Bắc vào Nam hòa mình vào màn pháo hoa rực rỡ, các chương trình nghệ thuật đặc sắc cùng nhiều hoạt động văn hóa.