15 năm kể từ khi được UNESCO công nhận ca trù là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, sau thời gian bị lãng quên, nghệ thuật này đang dần hồi sinh nhờ những nỗ lực bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị truyền thống của các nghệ nhân.
Với lịch sử hơn một nghìn năm, ca trù không chỉ là một loại hình nghệ thuật truyền thống mang đậm giá trị văn hóa, lịch sử và tinh thần của dân tộc mà còn là sự kết hợp tinh tế giữa âm nhạc, thơ ca và nghệ thuật biểu diễn. Mặc dù từng đứng trước nguy cơ mai một do nhiều biến động xã hội và sự phát triển nhanh chóng của các loại hình nghệ thuật hiện đại. Nhưng bằng tình yêu mê đắm với ca trù, nhiều cá nhân, nghệ nhân đã và đang nỗ lực truyền dạy, phục dựng và phổ biến ca trù, đưa nó trở lại với đời sống văn hóa tinh thần của người Việt.
Để có thể hiểu hơn về nghệ thuật ca trù và quá trình nỗ lực gìn giữ và phát huy nét văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc này, phóng viên đã có cơ hội trò chuyện với NSƯT Bạch Vân - người thành lập CLB Ca trù đầu tiên ở Việt Nam.
Cơ duyên nào đã đưa bà đến với ca trù và bắt đầu hành trình theo đuổi nghệ thuật hát ca trù tính đến nay đã dài hơn 50 năm, thưa bà?
NSƯT Bạch Vân: Bản thân tôi sinh ra trong một gia đình có truyền thống văn hoá nghệ thuật ở Nghệ An, được cha mẹ, anh trai truyền dạy cho tình yêu âm và học, đọc các tác phẩm của các bậc hiền triết từ khi còn bé. Trong ký ức của Bạch Vân, tuổi thơ với những buổi theo cha mẹ, anh chị và các ca nương, kép đàn tập hát đã trở thành kỷ niệm đẹp đẽ, không thể nào quên. Anh chị em tôi được học hát từ mẹ, tôi được thừa hưởng giọng hát của mẹ, vốn hiểu biết văn chương từ cha và các anh. Thế nhưng cơ duyên đến với ca trù cũng rất tình cờ. Một lần tôi được nghe nghệ nhân Quách Thị Hồ hát trên đài, tự nhiên tôi cảm thấy bị mê đắm và tò mò. Tôi thấy quyến luyến bởi những giai điệu, lời ca của ca trù và tôi quyết định gắn đời mình với ca trù.
Hành trình 50 năm qua hẳn là có rất nhiều khó khăn?
NSƯT Bạch Vân: Để mà nói lúc bấy giờ, yêu thích ca trù thì nhiều người yêu thích, nhưng sống chết với nó và muốn phục dựng nó thì không phải ai cũng làm được. Trong quá khứ người ta gọi “ca trù” là “hát cô đầu”, “hát ả đào” - những từ có ý miệt thị, coi thường bộ môn nghệ thuật này, người xưa định kiến rất nặng nề, không ai dám chơi với những người hát cô đầu. Họ xem đây là văn hoá tàn dư của chế độ cũ vì vậy ca trù không còn đất sống, không được phép tồn tại. Cùng lúc đó các nghệ nhân giỏi nghề, đàn hát, trống, phách rồi những người nghiên cứu người ta cũng mai danh ẩn tích. Và có những người họ giỏi nghề thì họ ban đi về thiên cổ không truyền lại cho thế hệ trẻ nên ca trù bị đứt đoạn. Cho nên con đường tìm tòi và theo đuổi rất vất vả, gặp nhiều trở ngại.
Trong suốt quá trình theo đuổi loại hình nghệ thuật này, điều gì đã thôi thúc bà thành lập CLB Ca trù Hà Nội?
NSƯT Bạch Vân: Tôi thành lập Câu lạc bộ Ca trù Hà Nội vào năm 1990, nhưng còn học và nghiên cứu về ca trù thì từ năm 1983. Sau đó tôi tự mình đi tìm các nghệ nhân cũ, học ca trù và thành lập CLB ca trù đầu tiên ở Việt Nam. Và tuổi thơ với những buổi theo cha mẹ, anh chị và các ca nương, kép đàn tập hát đã trở thành kỷ niệm đẹp đẽ, không thể quên. Cho nên rất là yêu và thấy mất đi thì phí, cứ thế đi theo mê đắm, đi tìm con đường bảo tồn, phục dựng nghệ thuật này và mong thế hệ sau sẽ tiếp tục cùng Bạch Vân để bảo tồn, phục dựng nó.
Khi câu lạc bộ ra mắt tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám 28/4/1991, các CLB nhỏ về ca trù cũng dần xuất hiện theo. Năm 1995, ông Trần Văn Khê bên Pháp đã tài trợ cho một nhóm ca trù trẻ Thái Hà, rồi nhiều nhóm trẻ bắt đầu được thành lập và hiện tại cả nước có trên 100 CLB về ca trù.
Bên cạnh việc thành lập CLB Ca trù Hà Nội thì bà còn là người thuyết phục và đưa nhiều nghệ nhân mai danh ẩn tích trở lại với nghề?
NSƯT Bạch Vân: Quả thực là hành trình gian nan. Bạch Vân vừa viết, vừa đi khắp nơi tìm các cụ nghệ nhân, nỗ lực thuyết phục họ quay lại chiếu hát để truyền nghề, bởi tôi sợ sự mai một khi không có người kế tục. Nhờ cái duyên và tình yêu với ca trù, tôi may mắn thuyết phục được bà Phó Thị Kim Đức trở lại dạy đàn, dạy hát rồi thành lập nhóm ca trù giáo phường Kim Đức, hay như nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ, Nguyễn Thị Trúc… Bạch Vân mới phục sinh được ca trù trước nguy cơ tàn lụi.
Thưa bà, ca trù đã có những bước chuyển mình như thế nào trong suốt một nghìn năm lịch sử?
NSƯT Bạch Vân: Ca trù thay đổi nhiều bởi nó gắn liền với lịch sử dân tộc. Trước đây, ca trù rất được trọng vọng trong các thời đại quân chủ Việt Nam, tổ chức các nhà hát cô đầu, và trong đó có những cô đầu hát và cô đầu rượu với những thú vui chơi đàng điếm, không trong sáng, không phải với mục đích văn chương. Sau năm 1945, ảnh hưởng của lịch sử, của thời cuộc khiến ca trù bị đứt đoạn. Chúng ta coi trước đây là văn hoá tàn dư của chế độ cũ vì vậy ca trù không còn đất sống, không được phép tồn tại.
Sau giai đoạn ca trù bị chìm lắng, các nghệ nhân giỏi nghề, đàn hát, trống, phách rồi những người nghiên cứu cũng rời nghề. Họ không truyền lại cho thế hệ trẻ. Sau này khi tìm lại đã có vận động nhiều người quay trở lại với nghề, đây là giai đoạn tiếp theo.
Khi trở lại với nghề họ đàn hát và bắt đầu truyền lại cho thế hệ trẻ và đến khi Bạch Vân thành lập CLB ca trù Hà Nội đầu tiên của Việt Nam. Đây được xem là sự kiện trọng đại và là bước chuyển mình của ca trù Việt Nam.
Đặc biệt năm đầu tiên ca trù Hà Nội tổ chức với Sở văn hóa, Thành uỷ Hà Nội tổ chức liên hoan ca trù mở rộng năm 2000 thì đã được quỹ Ford tài trợ cho mở các hội thảo, họ tài trợ cho đào tạo cấp tốc diễn viên trẻ ca trù năm 2002. đây lại là một bước chuyển mình nữa, ta có một thế hệ trẻ được đào tạo nhờ thành quả của CLB ca trù Hà Nội tổ chức liên hoan nghệ thuật.
Khi bắt đầu tổ chức liên hoan ca trù, các bạn trẻ họ học hai tháng lại tỏa ra đi dạy, đây là sự kiện lớn trên hành trình bảo vệ, giữ gìn ca trù. Ngày càng nhiều hoạt động tổ chức ca trù diễn ra, nghệ thuật này vì thế cũng được xã hội quan tâm hơn.
Năm 2009, tổ chức UNESCO ghi danh ca trù Việt Nam là bộ môn văn hoá phi vật thể của thế giới cần được bảo vệ khẩn cấp. Cho đến năm 2020, ca trù Việt Nam đã đại diện cho nhân loại, thể hiện chiều sâu văn hóa, chiều sâu tâm hồn của cộng đồng người Việt, là nơi hội tụ những tinh hoa của văn hóa dân tộc, tạo nên sự độc nhất vô nhị không có ở bất kỳ loại hình nghệ thuật nào khác.
Con đường phục dựng ca trù khó khăn và vất vả như vậy, bà có bao giờ thấy nản chí không?
NSƯT Bạch Vân: Đối với Bạch Vân, tình yêu ca trù lớn lắm, tôi đã gắn với ca trù thì mãi mãi tôi sống chết với nghề. Tôi luôn muốn cống hiến và quyết tâm đến tận cùng là phục dựng, bảo tồn và phát huy đối với bộ môn nghệ thuật này. Bạch Vân mong muốn có thể đào tạo lớp trẻ đến với ca trù. Mong rằng những ai yêu và học ca trù không vụ lợi, bảo tồn thật sự trong tâm. Tôi khao khát ca trù được đến gần hơn với tất cả mọi người, đến với du khách quốc tế, đặc biệt là các bạn trẻ để tiếp tục gìn giữ môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc ta mãi về sau.
Trong một xã hội không ngừng phát triển như hiện nay, bà có suy nghĩ gì về tương lai của ca trù ?
NSƯT Bạch Vân: Suy nghĩ nhiều về tương lai của ca trù thì mình mới quyết định mở CLB, quyết định lăn xả và không nghĩ đến quyền lợi của mình, hy sinh gia đình, hạnh phúc riêng tư để bảo tồn, phục dựng nó. Tôi vẫn luôn đau đáu, nếu chúng ta không có những kế hoạch, tận tâm và hết mình cho nó thì sau này chỉ còn trong cái “kho băng”. Bản thân bây giờ, thế hệ trẻ nếu không học nghiêm túc thì không thể nào tiếp thu vốn quý của các cụ được.
Nếu chỉ nghe và nghe thì rất khó, những người học nghệ thuật cổ điển người ta còn sợ ca trù, nhiều người chỉ biết hay thôi chứ không biết được ca trù hay như thế nào.
Được biết ở CLB Ca trù Hà Nội đến nay đã có nhiều thành viên là các bạn trẻ cũng có niềm say mê và yêu thích với loại hình nghệ thuật này, vậy khi được truyền dạy đam mê của mình với thế hệ trẻ thì cảm xúc của bà như thế nào?
NSƯT Bạch Vân: Rất sung sướng. Bởi vì là quan điểm lúc thành lập CLB Ca trù là không phải để kinh doanh mà mình phải mở cửa để mình đón tất cả những người quan tâm và yêu thích ca trù. Thậm chí có bé 4 tuổi, người nhiều tuổi nhất là 95 tuổi. Đặc biệt, có cả những người là tri thức cũ, hay ông Trần Cung - người tù Côn Đảo lâu nhất hoặc thậm chí ông Hoàng Tùng là Nguyên Bí thư Trung ương Đảng - Nguyên Tổng biên tập báo Nhân dân là người rất ủng hộ ca trù, cùng với những nhà thơ, nhà văn Kim Lân, nhà biên kịch Tào Mạt... Rất nhiều các nhà văn hoá lớn quốc gia họ đến và cùng Bạch Vân đưa tình yêu ca trù quay trở lại.
Các bạn tiếp xúc với nghệ thuật ca trù, sau đó làm luận án, luận văn rồi chuyên đề hay là biểu diễn trên sân khấu, mình rất mừng. Không riêng ca trù mà nghề nào cũng vậy, cũng cần sự tiếp nối từ các thế hệ trẻ. Nếu không có sự tiếp nối, kế thừa thì chúng ta sẽ mất nghề, làm mất đi truyền thống quý giá của các cụ đời xưa truyền lại. Chúng ta phải biết chắt lọc những tinh hoa văn hoá của cha ông và tiếp tục phát triển cho mai sau.
Bà có kỳ vọng gì cho thế hệ trẻ, đặc biệt là những người muốn theo đuổi nghệ thuật ca trù và tiếp tục truyền lửa cho loại hình nghệ thuật truyền thống này?
NSƯT Bạch Vân: Với công nghệ hiện đại như bây giờ thì họ học nhanh hơn thời Bạch Vân. Họ có máy quay hình, máy ghi âm, có truyền hình, chụp và quay nên học rất nhanh. Chứ ngày xưa bọn tôi chỉ tập trung vào cái tai của mình để nghe. Bây giờ nhanh hơn nhưng nếu nhanh hơn thì các bạn lại không chuyên. Các bạn thông minh hơn lại có điều kiện hơn nhưng đất để cho ca trù sống thì không có. Có ai sau khi học xong lại được mời đi biểu diễn ở đâu, chúng ta chỉ chạy theo trào lưu, còn đối với lớp trẻ, nhiều người tỏ ra thờ ơ với ca trù.
Mong rằng các thế hệ trẻ tiếp theo sẽ tiếp tục bảo tồn, phát huy và tạo sức sống bền vững cho nghệ thuật ca trù. Nhà nước cần có những chính sách, ngành văn hoá, cơ quan có trách nhiệm được Nhà nước phân công cần tạo điều kiện, khôi phục và cùng nhau bảo tồn di sản dân tộc thì mới có thể an lòng cho những người có nghề, cho những người tâm huyết với nghề.
Xin cảm ơn NSƯT Bạch Vân, chúc bà có nhiều sức khỏe để tiếp tục hành trình gìn giữ nghệ thuật ca trù trong tương lai!
Chiêm ngưỡng triển lãm Quốc Tế Cà phê, Trà và Bánh ngọt Lần 8
Không gian triển lãm được trưng bày từ 31.10 đến 02.11. 2024 quy tụ hàng trăm thương hiệu trong nước và quốc tế. Triển lãm hứa hẹn sẽ mang lại trải nghiệm vô cùng độc đáo tới du khách.
Triển lãm “Cây Quân tử”: Khi tranh phác họa từ văn chương
(Sóng trẻ) - Triển lãm ”Cây Quân Tử” là triển lãm cá nhân thứ hai của họa sĩ trẻ Hoàng Thiện Phúc lấy cảm hứng từ những nét đẹp cảnh quan tự nhiên và văn hóa đang thay đổi tại quê hương - làng chài ven biển thuộc tỉnh Bình Thuận.
Triển lãm “Ngày rộng” – Khoảng lặng giữa nhịp sống hiện đại
(Sóng trẻ) - Triển lãm “Ngày rộng” không đơn thuần là nơi trưng bày về nghệ thuật mà là không gian để giới trẻ tìm về những khoảnh khắc yên bình, thoát khỏi cuộc sống hối hả và suy ngẫm về chính mình.