Từ một địa phương không núi, không biển; Hưng Yên nay lại nổi tiếng bởi những núi rác khổng lồ, cao sừng sững, chực chờ “đổ sập” vào cuộc sống con người. Hàng chục năm nay, người dân làng Minh Khai (hay còn gọi là làng Khoai, thuộc thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm) đã quen thuộc với cảnh khói bụi ngập trời, những con kênh đen kịt và cả những bãi rác bốc mùi hôi thối. Tình trạng ô nhiễm đạt đỉnh điểm khiến ai ai cũng mong chờ về một phương án tổng thể đủ mạnh để bảo đảm cho làng nghề phát triển bền vững.
Làng Minh Khai bị liệt tên vào danh sách những ngôi làng ô nhiễm nhất cả nước có lẽ bởi ngay từ cổng làng, rác thải đã ngập tràn. Hai bên đường đi, không khó để bắt gặp hình ảnh những bao tải chồng chất, bên trong là hỗn tạp các loại phế thải. Những thứ bẩn thỉu và bốc mùi ấy được vứt la liệt dọc hai bên đường, kéo dài khắp làng. Và có một sự thật hiển nhiên: tất cả chúng đều là rác vô chủ.
Khi chúng tôi tiến vào gần khu tái chế của các hộ dân trong làng, một mùi ghê rợn xộc thẳng vào mũi. Thứ mùi khó ngửi đó là mùi của nhựa nung chảy tỏa ra, hòa vào mùi khét lẹt của những cột khói bốc ra từ các nhà xưởng hoạt động liên tục nhiều ngày đêm. Theo thống kê, số lượng chất thải rắn phát sinh từ quá trình tái chế phế liệu tại làng Minh Khai có thể lên tới 50-55 tấn/ngày.
Cạnh khu tái chế, những bao bì, túi nilon cùng nhiều loại vật dụng bằng nhựa khác đã qua sử dụng được vứt dọc hai bên bờ và ở cả dưới dòng kênh. Con kênh bốc mùi với nước đen sì dường như đang kêu cứu giữa “trận địa rác”. “Nước bẩn, ô nhiễm từ rác rỉ ra, ngấm vào đất, khiến cho cây lúa không tài nào phát triển được, hạt gạo nấu lên khô như rang”, bà Nguyễn Thị Nõn (59 tuổi), một người dân nơi đây chia sẻ.
Vì chưa có nhà máy xử lý nên toàn bộ số phế thải bỏ đi đều được đem tới những bãi tập kết, điều này dẫn tới việc rác thải chồng chất qua nhiều năm. Đứng trước bãi rác lớn nhất của địa phương, chúng tôi không khỏi sững sờ bởi cảnh tượng kinh hoàng trước mắt: một núi rác khổng lồ, cao hơn 10m; trên đỉnh của ngọn núi ấy là những cụm khói nghi ngút tỏa khắp bầu trời.
Làm công việc trông coi xe vận chuyển rác lên bãi tập kết, bà Phạm Thị Doan (63 tuổi) chia sẻ bản thân đã quen với mùi rác thải, với những làn khói dày đặc. “Phế thải người dân họ không dùng nữa sẽ mang vứt lên đây. Mỗi ngày có cả trăm chuyến xe lên xuống bãi rác này. Đêm thì đốt, ngày sẽ phun nước để tắt lửa cho xe chở rác còn hoạt động”, bà Doan nói.
Cứ như vậy, rác trở thành vật liệu để bồi đắp nên ngọn núi ấy. Theo lời người dân, tro phát sinh sau quá trình đốt cùng với những mảnh nilon, chai lọ còn sót lại cứ tồn tại ở đó năm này qua năm khác mà không được xử lý triệt để. Điều đáng nói, ngoài làng Minh Khai còn rất nhiều làng nghề tái chế tại các địa phương khác cũng gặp tình trạng ô nhiễm nặng nề như vậy.
Mùi xú uế, khói bụi đen kịt cùng ruồi nhặng bu đầy các bãi rác đã trở thành những điều “thân thuộc” tại làng Minh Khai. Hàng chục năm nay, người dân nơi đây đã chấp nhận sống trong cảnh không khí đặc mùi nhựa dù cho ai cũng biết làn khói ấy chính là thủ phạm đang từ từ giết chết sức khỏe của họ.
Chấp nhận “sống chung” với rác suốt hơn nửa thế kỷ, ông Phạm Thanh Nguyên (65 tuổi) đã nhận ra sức khoẻ của mình bị ảnh hưởng từ nhiều năm trước. “Làng này giàu lên nhờ rác, nhưng người dân chết cũng vì rác. Ngày nào cũng hít khói bụi; khoẻ thì ho vài ngày, yếu như người già, trẻ em không khéo còn viêm phổi. Nói chung là đủ thứ bệnh”, ông Nguyên chia sẻ.
Đây cũng chính là nỗi khổ chung của người dân và người lao động nơi “thủ phủ rác”. Không chỉ làng Minh Khai, hầu hết điều kiện lao động ở các làng nghề tái chế đều không đạt tiêu chuẩn. Sống tại các địa phương này, người ta phải chấp nhận đối mặt với hàng trăm nguy cơ có thể xảy ra. Việc tiếp xúc khoảng thời gian dài với một lượng lớn hóa chất, khói bụi, rác thải cũng khiến những người lao động dễ mắc các bệnh như hô hấp, tim mạch hay ung thư.
Dù biết sức khỏe bản thân phải chịu ảnh hưởng không nhỏ từ công việc, song, bất chấp những hiểm họa luôn âm thầm đe doạ, người dân vẫn quyết bám trụ lại nơi này. Đối với họ, rác là mối nguy hại nhưng cũng là nguồn sống. Thậm chí, nhiều người từ địa phương khác cũng đổ về nơi đây, lựa chọn gắn bó với nghề tái chế rác thải nhựa.
Dù quê ở Bắc Ninh nhưng hàng ngày bà Bùi Hồng Loan (51 tuổi) vẫn lặn lội đi hơn 30km để tới Hưng Yên làm công việc phân loại rác. “Chúng tôi bắt đầu làm từ sáng sớm tới 4 giờ chiều, tiền công được 230.000 đồng/ngày, bao bữa cơm trưa. Làm việc này biết là ô nhiễm nhưng vì miếng cơm, manh áo; mà nhà tôi vẫn còn đứa con trai đang độ tuổi ăn học”, bà Loan chia sẻ.
Ngoài bà Loan, vẫn còn rất nhiều lao động khác cũng đang ngày ngày đối mặt với hiểm họa về sức khỏe. Theo đánh giá của các chuyên gia, nguyên nhân phổ biến nhất gây ra ô nhiễm phải kể đến trang thiết bị, máy móc của các xưởng sản xuất còn khá thô sơ, công nghệ mang tính thủ công, nguyên liệu đầu vào là những phế thải mất vệ sinh. Ngoài ra, việc chưa có một nhà máy xử lý rác khoa học cũng là lý do khiến môi trường xuống cấp trầm trọng.
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, hiện cả nước có khoảng gần 2.000 làng nghề được công nhận đang hoạt động. Các làng nghề tái chế phế liệu như làng Phú Lâm (Bắc Ninh), làng La Khê (Bình Định), làng Xuân Tiến (Nam Định) hay làng Minh Khai (Hưng Yên) được xem là một trong sáu loại hình làng nghề sản xuất điển hình.
Nhiều làng nghề tái chế hoạt động cũng đòi hỏi những quy định liên quan tới vấn đề xử lý rác thải, đảm bảo vệ sinh. Theo luật sư Nguyễn Đăng Thái, Đoàn luật sư Hà Nội, tại điều 56 Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã quy định rõ về việc bảo vệ môi trường tại các làng nghề nói chung và các làng nghề tái chế nói riêng.
Theo luật, làng nghề phải có tổ chức tự quản bảo vệ môi trường và hạ tầng bảo vệ môi trường, gồm hệ thống thu gom, xử lý nước thải; điểm tập kết chất thải rắn đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường. Ngoài ra, các hộ sản xuất cũng phải thực hiện biện pháp giảm thiểu tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bụi, bức xạ nhiệt, khí thải, nước thải và xử lý ô nhiễm tại chỗ; thu gom, phân loại, lưu giữ, xử lý chất thải rắn theo quy định của pháp luật.
Theo lý là vậy nhưng hiện nay vẫn tồn tại tình trạng các xưởng sản xuất không đáp ứng đúng và đủ yêu cầu trên. Quay trở lại làng Minh Khai, dù địa phương này đã xây dựng 2 cụm công nghiệp tái chế và sắp tới sẽ triển khai xây dựng cụm công nghiệp thứ 3 nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn hết sức nan giải, có giảm cũng giảm “nhỏ giọt”.
Chia sẻ với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Như Quỳnh - ông Nguyễn Hồng Vương cho biết hướng đi hiện nay mà địa phương hướng tới là nâng cao sản phẩm bằng chất lượng đầu vào, bên cạnh đó đầu tư vào các dây chuyền sản xuất hiện đại hơn. Ngoài ra, bãi rác gần cổng làng cũng được thu dọn đi nơi khác để trả lại mặt bằng, tiến hành xây dựng cụm công nghiệp. “Số rác được chở đi sẽ được chôn lấp, sau đó phủ đất lên và trồng cây phía trên, tạo ra hành lang bảo vệ cây xanh, đó cũng là điều mà Nhà nước yêu cầu”, ông Vương cho biết.
Nhìn từ làng Minh Khai, ta có thể thấy được thực trạng đáng buồn đang tồn tại trong các làng nghề tái chế trên khắp cả nước hiện nay. Nếu không muốn bị loại bỏ, các làng nghề cần chuyển hướng hoạt động bền vững và có hệ thống hơn, điều này cũng cần đến sự chỉ đạo quyết liệt đến từ các cấp quản lý của địa phương và trung ương.
Nhưng có lẽ, yếu tố quan trọng nhất vẫn luôn là ý thức của người dân. Phương án vẫn cứ đề ra, còn ô nhiễm thì vẫn hoàn ô nhiễm. Bài toán rác thải qua nhiều năm vẫn chưa có lời giải, trong khi chất lượng cuộc sống của người dân làng Minh Khai vẫn bị bào mòn từng ngày…
>> Xem trọn bộ ba kỳ tại: Theo dấu rác thải
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.
Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam
(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam
(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.