Nằm gọn nơi cửa Bắc của thủ đô Hà Nội, bãi rác Nam Sơn là nơi tập kết và xử lý rác của toàn thành phố. Có vẻ không bốc mùi cũng chẳng đến nỗi bẩn thỉu quá đỗi như rác thải sinh hoạt khác, nơi đây ta bắt gặp nhiều túi rác chứa đầy quần áo, vải vóc. Chúng đến từ xu hướng thời trang nhanh, từ thị hiếu của giới trẻ, đi một vòng đời đầy ngắn ngủi rồi “an tọa” tại… bãi rác.

Những chiếc túi bóng đầy ắp, chất chồng như vậy không hề ít ở bãi rác này, công cuộc thu dọn cùng tiêu hủy chúng đã gây nên một lượng lớn chất thải không đáng có cho môi trường. Không chỉ thế, để sản xuất ra hàng loạt trang phục hợp mốt, liên tục thay đổi mẫu mã và gia tăng số lượng, ngành công nghiệp hái ra tiền này cũng góp một phần lớn vào công cuộc hủy hoại hệ sinh thái. 

Phải chăng ngay từ khi sinh ra, xu thế này đã được định sẵn có cái “kết” không đẹp?

Mang “nợ” từ khi sinh ra

Thời trang nhanh là một thuật ngữ chỉ xu hướng trang phục chạy theo mốt, thị hiếu tiêu dùng. Chúng được sản xuất nhanh chóng, với số lượng lớn và giá thành phải chăng. Nhờ những yếu tố ấy, thời trang nhanh ngay từ khi sinh ra đã được ưa chuộng và nhanh chóng lan rộng trên toàn thế giới.

Giá cả phải chăng và sự hài lòng ngay lập tức cho người tiêu dùng, nhiều lợi nhuận hơn cho các công ty và dân chủ hóa quần áo thời trang là những lợi ích của thời trang nhanh. Tuy nhiên, chúng lại mang trên mình món “nợ” lớn với môi trường.

Từ năm 2015, số lượng hàng dệt may được tiêu thụ đã lên tới 95,6 triệu tấn. Đến nay, con số này thậm chí đã tăng gấp 2, gấp 3 lần. 

Ngành dệt may là ngành tiêu thụ nhiều nước, năng lượng, và chất hóa học. Để sản xuất ra lượng sợi nói trên, cần khoảng 2.000 tỷ gallon nước và 145 triệu tấn than, gây ô nhiễm nghiêm trọng không khí và nước.

Lượng lớn nước được sử dụng và thải ra trong quá trình sản xuất là nguyên nhân làm nhiễm độc cho sinh vật sống trong nước ngay từ nguồn, bao gồm các hóa chất hữu cơ độc hại, các anion độc hại, muối, kim loại ion, các phức hợp kim loại, các bioxit, và các chất hoạt tính bề mặt.

Không chỉ vậy, khí thải trong quá trình sản xuất may mặc cũng vô cùng đáng lo ngại. Nitrous oxide, sulphur dioxide, các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC), các hạt tạp sản sinh ra trong hoạt động xử lý cotton;… khiến không khí xung quanh bị vấy bẩn, nguy hại đến môi trường sống của sinh vật.


Những nhân tố độc hại này trước hết ảnh hưởng đến những người công nhân trực tiếp làm ra nó, sau đến là gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống sinh hoạt của con người, động và thực vật.

Ông Phạm Văn Bình cùng gia đình sống cạnh khu công nghiệp tại tỉnh Vĩnh Phúc, nơi nhìn thẳng ra một nhà máy sản xuất may mặc lúc nào cũng trong trạng thái hoạt động hết công xuất ngán ngẩm: “Nước thải ra nhiều, mùi của nó khó chịu lắm. Có dạo mưa suốt, nước giếng của cả làng tôi ám mùi nước tẩy. Cũng chẳng biết phải làm sao, mỗi nhà đành tự sắm lấy cái máy lọc nước.”

Dọc con đường xung quanh nhà máy, lá cây bám một lớp bụi dày, không khí dường như bị cô đặc, hơi nóng phả ra dù hè hay đông đều oi bức và khó chịu. Chính thời trang nhanh đang bức ép quá trình ấy hoạt động nhanh nhất có thể, nhiều nhất có thể. Quá trình ấy lại cũng đang bức ép môi trường xuống cấp nhức nhối nhất có thể.


Sự huy hoàng ngắn ngủi

Rời khỏi nhà máy, những bộ trang phục xinh đẹp, số lượng khổng lồ được hòa vào thị trường, bắt đầu công cuộc kinh tế đầy tiềm năng và đẩy thêm một bước đến sự phá hủy môi trường.

Zara, H&M, UNIQLO, GAP và Forever 21 là những “ông trùm” thu lợi hàng đầu từ thời trang nhanh. Mẫu mã được thay đổi liên tục, nhà sản xuất thường chỉ mất 10 đến 14 ngày để tạo ra một bộ sưu tập mới. Nếu không được tiêu thụ hết, số lượng sản phẩm lỗi mốt định kỳ sẽ bị chất thành đống và đem đi tiêu hủy, mang đến tác hại khôn lường cho môi trường.


Nằm trên tuyến đường đông đúc, tấp nập bậc nhất Cầu Giấy, Chợ Nhà Xanh đã quá nổi tiếng vì số lượng trang phục lớn được bày bán, mẫu mã đa dạng, giá rẻ đến không ngờ. Những tấm biển “Chỉ 50K”, “100K hai sản phẩm”,... được tô vẽ hời hợt, xếp chèn lên nhau, xuất hiện tại mỗi sạp hàng. 

Chị Hoàng Thị Liên - một tiểu thương tại đây tâm sự: “Giá thành như vậy mới bán được nhiều, lại phù hợp với ví tiền của học sinh, sinh viên. Mỗi ngày người mua đi qua chợ này nhiều chứ. Chúng tôi cũng bán được số lượng quần áo kha khá, nói chung là đủ để trang trải cuộc sống”.

“Tiền nào của ấy”, những bộ quần áo ở đây thường chỉ mang màu sắc bắt mắt, kiểu dáng mới lạ, hợp mắt người trẻ nhưng chất lượng lại không được xem trọng. Vải nhăn nhúm, chỉ thừa xuất hiện nhiều, đường may lệch và ẩu, chữ in sai chính tả… xuất hiện như một điều dĩ nhiên và xứng đáng trả giá cho số tiền ít ỏi kia.

Bạn Thùy Trang - sinh viên tại một trường đại học gần đó là khách quen của nơi đây. Trung bình mỗi tháng, Trang sắm cho mình 3 đến 5 bộ quần áo mới. Có những trang phục được lên ảnh một lần rồi xếp gọn vào tủ, có lẽ sẽ không còn được đem ra hoặc cũng có thể sẽ được sử dụng thêm 1,2 lần nữa. 

Trang tỏ ra hào hứng khi bàn về chủ đề này. Cô nàng chia sẻ đối với những cô gái trẻ hiện nay, đa số đều cảm thấy quần áo lên ảnh đôi lần là thành đồ cũ. Hơn thế, vì chất lượng không tốt giặt vài lần sẽ hỏng, cộng thêm giá thành rẻ, cô nàng không ngần ngại mà vứt chúng đi để làm mới tủ đồ của mình bằng những bộ váy xinh đẹp khác.

Lối sống nhanh, bắt theo xu hướng của giới trẻ là bàn đạp cho sự lớn mạnh không ngừng của thời trang nhanh và gián tiếp phá hủy sự trong sạch của môi trường sống. Sau “một phút huy hoàng” lên ảnh, trang phục của xu hướng thời trang nhanh sẽ được trôi dạt… đến bãi rác.


 Kết thúc vòng đời - nguy hại tái diễn

“Quần áo bỏ đi nhiều lắm, tôi đi thu dọn rác thải sinh hoạt thì ngày nào cũng bắt gặp những túi đồ như này người ta vứt đi”, cô Duyên nói trong tiếng đẩy xe rác lọc cọc trên con đường của khu phố Trần Bình. Không thể tái sử dụng vì chất lượng quá kém, địa điểm tiếp theo mà những trang phục của thời trang “ăn liền” phải tới, kết thúc vòng đời chóng vánh của mình chính là khu tập kết rác thải.

Được biết, nguyên liệu làm nên những trang phục này đều là các sợi tổng hợp gốc dầu như là polyester, 25,2% là sợi dựa trên cellulo và protein, 6,4% là sợi cellulose dựa trên gỗ, 1,2% là sợi len và 1,5% là sợi tự nhiên khác. Chúng rất khó để tái chế và hoàn toàn không dễ phân hủy. 

Vào năm 2018, 17 triệu tấn chất thải dệt may đã được đưa đến các bãi rác thải, chúng có thể mất tới 200 năm để phân hủy. Cho đến nay, 84% số quần áo đó cuối cùng vẫn bị mang đến các bãi thải hoặc lò đốt rác thải. 

Phải nhìn nhận rằng, đến khi đã kết thúc “công cuộc làm kinh tế” của mình rồi, thời trang nhanh vẫn “làm tình làm tội” môi trường bởi lượng nước thải, ô nhiễm đất đai, ô nhiễm không khí mà chúng thải ra trong quá trình chôn lấp, vận chuyển tập kết hay thiêu hủy.

Chấm dứt cuộc đời nhưng lại mang đến hậu họa khôn lường mãi về sau, thời trang nhanh là liều thuốc đầu độc hệ sinh thái. Và điều gì kinh khủng hơn sẽ xảy ra nếu thời trang nhanh kéo dài thêm 10 năm hay 100 năm nữa?

Đừng bỏ lỡ
Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác

Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác

Tin nổi bật1 ngày trước

(Sóng trẻ) - Sáng 19/5, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), đồng bào khắp mọi miền Tổ quốc đều hướng về Lăng Bác dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1980 - 19/5/2024). Trong tim mỗi người dân đều mang một cảm xúc bồi hồi khó tả.

Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII hoàn thành toàn bộ nội dung đã đề ra

Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII hoàn thành toàn bộ nội dung đã đề ra

Tin nổi bật1 ngày trước

(Sóng trẻ) - Sau ba ngày (16-18/5) làm việc khẩn trương, nghiêm túc, đầy tinh thần trách nhiệm, Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII bế mạc ngày 18/5, hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra.

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật2 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

XEM THÊM TIN