(Sóng trẻ) - Từ năm 2011 cho đến nay, TP Hà Nội cũng như các cấp, ngành liên quan đã đưa ra nhiều giải pháp để xử lý ô nhiễm, hồi sinh sông Tô Lịch. Tuy nhiên, hơn một thập kỷ qua sông Tô Lịch vẫn là “đầu bài” chưa thể giải quyết triệt để.
Trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay, đặc biệt với bối cảnh Hà Nội đang xây dựng Chương trình phát triển đô thị, lập Quy hoạch TP thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cải tạo, hồi sinh sông Tô Lịch chính là một trong những mục tiêu của thành phố để phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế, các cam kết trong các điều ước quốc tế đa phương và song phương mà Việt Nam là thành viên.
Những vấn đề này là "đầu bài" để triển khai đầu tư, xây dựng, khai thác trong TP. Nhưng hiện nay "đầu bài" chưa xong, chưa đề ra thì việc nghiên cứu chi tiết, cụ thể từng dự án là vấn đề rất khó thực hiện.
Theo số liệu của Viện Nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường, sông Tô Lịch tiếp nhận nước mưa và nước thải của lưu vực 77,5km2 với lưu lượng 30m3/s. Mỗi ngày tiếp nhận khoảng 150.000m3 nước thải sinh hoạt, khu công nghiệp.
Theo đánh giá của các nhà khoa học, tình trạng ô nhiễm của sông Tô Lịch là rất nghiêm trọng, hoàn toàn không thể sử dụng nước sông trong sinh hoạt, sản xuất, trồng trọt. Những năm qua, thành phố Hà Nội đã có nhiều giải pháp khác nhau để cải tạo dòng sông. Tuy vậy, hiện nay sông Tô Lịch vẫn ô nhiễm trầm trọng.
Năm 2000, sông Tô Lịch được nạo vét đáy, kè bờ với mục đích làm sạch và chống lấn chiếm. Nhớ trận lụt lịch sử năm 2008, sông Tô Lịch như được “hồi sinh” với dòng chảy cuồn cuộn, nước trong vắt chứ không lờ nhờ bốc mùi xú uế như bây giờ.
Chứng kiến cảnh đó, nhiều người dân sống quanh sông Tô Lịch đã vui mừng vì tưởng dòng sông đã trở lại như xưa, nhưng chỉ được vài tuần nước sông lại đen ngòm trở lại.
Dựa vào ý tưởng này, năm 2009, TP.Hà Nội từng có đề án bơm nước sông Hồng vào Hồ Tây, rồi đổ sang sông Tô Lịch để lưu thông dòng chảy…, song không khả thi nên dự án không thực hiện được. Năm 2019, TP.Hà Nội cho phép một Công ty Cổ phần tập đoàn Nhật Việt (JVE) thí điểm phương án làm sạch nước sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano-Bioreactor.
Cuộc thí điểm có vẻ cũng đạt hiệu quả mong muốn, nhưng lại gặp sự phản đối bởi việc khoanh vùng và xử lý một khu vực nhỏ chưa thể phản ánh mức độ thành công cho cả một con sông dài. Cũng trong năm 2019, sông Tô Lịch còn được thành phố xả hơn một triệu mét khối nước từ Hồ Tây vào, dẫn tới những ý kiến bất bình từ các chuyên gia Nhật Bản về việc lượng nước xả vào đã phá hỏng thử nghiệm dự án làm sạch bằng nano-bioreactor.
Hơn 10 năm trước, Công ty cổ phần Nước và môi trường Việt Nam cũng đã trình UBND TP.Hà Nội dự án “Cải tạo môi trường, cảnh quan, xây dựng các cơ sở dịch vụ công cộng và du lịch trên sông Tô Lịch” gồm 2 giai đoạn với tổng mức đầu tư khái toán là 255 tỉ đồng.
Chủ đầu tư đề xuất xây dựng một sàn bê tông kê lên mặt sông Tô Lịch với chiều dài khoảng gần 1km để xây dựng bãi đỗ xe, nhà hàng ăn uống, ki-ốt bán hàng, chợ ẩm thực... trên mặt sông. Dự án cuối cùng không được phê duyệt do vướng phải nhiều ý kiến phản đối.
Đến tháng 7/2019, trong kỳ họp HĐND TP.Hà Nội, Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm – ông Dương Đức Tuấn đã đề nghị thành phố xem xét cống hóa kết hợp xây dựng các bãi đỗ xe thông minh đối với một số con sông có tính chất kênh, mương thoát nước, trong đó có sông Tô Lịch và sông Kim Ngưu. Đề xuất này vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các đại biểu HĐND, chuyên gia, môi trường, đô thị, cấp thoát nước…
Vào tháng 11/2019, đề xuất xây dựng “lầu vọng nguyệt” dọc hai bờ sông Tô Lịch lại gây ồn ào, vấp phải ý kiến phản đối. Theo đó, UBND TP.Hà Nội xin ý kiến các nhà khoa học hoàn thiện Dự án Xây dựng trạm bơm phổ cập nước hồ Tây và cải thiện chất lượng nước sông Tô Lịch.
Ông Lê Minh Châu, nguyên Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội đánh giá du lịch sông Tô Lịch sẽ phục vụ cho du lịch tâm linh nối liền các chùa ở hồ Tây đến đền Voi Phục, chùa Láng… Dọ$c 2 bờ sông Tô Lịch sẽ xây dựng nhiều nhà chờ theo kiến trúc đẹp như các lầu vọng nguyệt ở các triều đại nhà Lê, nhà Trần, nhà Nguyễn... Song dự án được đánh giá là rất khó thu hút tiền đầu tư do không có nguồn thu.
Năm 2020, rất nhiều các cuộc họp, hội nghị, hội thảo,… đã được tổ chức để mổ xẻ vấn đề, tìm ra những giải pháp tổng thể, căn cơ làm sạch và hồi sinh dòng sông này sao cho phù hợp với đặc thù và những giá trị văn hóa, lịch sử của nó.
Điển hình, ngày 15/9/2020, Công ty Cổ phần tập đoàn Nhật Việt (JVE) lại một lần nữa gửi công văn tới Thành ủy, UBND TP.Hà Nội về việc đề xuất “Giải pháp tổng thể” cải tạo sông Tô Lịch trở thành “Công viên Lịch sử - Văn hoá - Tâm linh Tô Lịch” hoàn toàn miễn phí.
Hay việc, ngày 18/5/2020 một hệ thống cống gom nước thải ở thải bên bờ sông Tô Lịch được khởi công với mục đích đưa hàng trăm nghìn mét khối nước thải về nhà máy Yên Xá để xử lý nhằm chặn nguồn nước thải đổ trực tiếp vào dòng sông này.
Nhà máy có diện tích 13,8 ha, nằm ở cánh đồng Yên Xá, ngay cạnh trục đường đôi nối từ Nguyễn Xiển đi Xa La (quận Hà Đông). Đây được xem là một trong những dự án quy mô lớn nhất và mang tính cấp bách của Hà Nội về xử lý nước thải, có tầm quan trọng việc xử lý ô nhiễm nước sông Tô Lịch.
Tuy nhiên, dự án với tổng vốn đầu tư hơn 16.000 tỷ đồng, xử lý 55% lượng nước thải toàn thành phố lại đang chậm tiến độ.
Mới đây, trong buổi thị sát, kiểm tra tiến độ của dự án, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội nhấn mạnh, đây là công trình trọng điểm, có ý nghĩa dân sinh lớn, thuộc danh mục đầu tư trong Chương trình của Thành ủy về "Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội, giai đoạn 2021 - 2025".
Để thúc đẩy nhanh tiến độ dự án, sớm hoàn thành để thực hiện xử lý 27% trong tổng số 55% lượng nước thải toàn thành phố, ông Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị Ban quản lý dự án cần nhanh chóng triển khai theo tiến độ ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2022.
Đại diện Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường thành phố Hà Nội cho biết, do dự án sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản nên việc triển khai thực hiện các thủ tục của dự án phải hài hòa giữa Luật pháp Việt Nam và quy định của Nhà Tài trợ - Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) mất nhiều thời gian.
Năm 2020 và 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 dẫn đến việc đi kiểm tra các thiết bị nhà máy thuộc gói thầu số 1 không thể thực hiện được; các nhà sản xuất, cung cấp cũng bị ảnh hưởng trong sản xuất, chế tạo dẫn đến chậm giao hàng, không thể vận chuyển hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam…
Cùng với đó, công tác thi công của gói thầu gồm nhiều tuyến trải dài, liên quan đến địa bàn nhiều quận, phường trên địa bàn thành phố; khu vực thi công tiềm ẩn nhiều các công trình ngầm, nổi nên gặp nhiều khó khăn...
Ngoài ra, thủ tục xin cấp phép thi công, phân luồng giao thông, thống nhất biện pháp dẫn dòng thi công, dịch chuyển di dời cây xanh, di chuyển các công trình ngầm, nổi... cần phải làm việc với nhiều sở, ngành, cơ quan, đơn vị; một số hạng mục thi công sát nhà dân không nhận được sự đồng thuận của nhân dân gây ảnh hưởng đến tiến độ của dự án.
Ông Nguyễn Hữu Hà (nhà ở đường Nguyễn Khang, Hà Nội) cho sẻ: “Trước đây sông chưa ô nhiễm nặng như bây giờ nên cuộc sống còn đỡ vất vả. Nay nước sông ô nhiễm rất nặng, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, nhất là mấy ngày trời nắng nóng cảm giác như muốn ngộp thở. Sống chung với mùi hôi thối nhưng người dân chúng tôi cũng không có biện pháp gì để khắc phục, chỉ còn biết đóng cửa cả ngày thôi”.
Đây là đoạn sông Tô Lịch mà trước đó ngày 16/5, TP Hà Nội đã khởi động dự án thí điểm làm sạch một đoạn bằng công nghệ Nano - Bioreactor Nhật Bản. Sau một thời gian thí điểm, bước đầu nước sông tại khu vực thí điểm có cải thiện theo chiều hướng tích cực. Tuy nhiên, đến ngày 9/11, đơn vị thí điểm đã tháo dỡ toàn bộ hệ thống thiết bị làm sạch. Theo ghi nhận của phóng viên, đoạn sông Tô Lịch này lại có hiện tượng nước đen kịt, bốc mùi hôi thối khó chịu.
Theo bà Nguyễn Thị Yến (đường Nguyễn Ngọc Vũ, Hà Nội), mùi hôi thối dưới sông bốc lên rất nồng nặc và vô cùng độc hại. “Cứ khi trời nắng lên nhất là mùa hè hoặc trời nổi gió, y như rằng hơi độc từ dưới sông bốc lên rất khó chịu, các hộ kinh doanh hàng quán dọc bờ sông luôn bị nhức đầu, hắt hơi, sổ mũi...
Không ít gia đình sống tại đây vì không chịu nổi không khí ô nhiễm, đành phải cho thuê lại nhà, chuyển tới nơi khác sinh sống... Nên dù có thể giờ đây dòng sông đen hơn, nặng mùi hơn người dân cũng không còn sức kêu than nữa. Chúng tôi chỉ mong sớm khắc mục hết mùi hôi thối độc hại này là dân chúng tôi thấy được nhờ lắm rồi”, bà Yến than thở.
Người dân sống cạnh các dòng sông chết không quan tâm đến các chỉ số kỹ thuật, điều họ mong mỏi nhất là cơ quan quản lý nhà nước xử lý được triệt để mùi hôi thối.
Anh Nguyễn Văn Dũng (sống trên đường Nguyễn Khang) cho hay: “Sông Tô Lịch ô nhiễm đã ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của gia đình mình và các hộ dân sống gần sông. Cụ thể, vào những ngày nắng và có gió, mùi hôi thối bốc lên từ sông khiến cho mọi người rất khó chịu, dần dần lượng khách đến ăn giảm đi đáng kể”.
Cô Nguyễn Thúy Ánh (trú tại Giáp Nhất, Thanh Xuân, Hà Nội) đã sống và buôn bán bên dòng sông Tô Lịch 30 năm nay. Cũng là chừng đó năm cô Ánh và nhiều người dân Hà Nội chứng kiến sự đổi thay của dòng sông.
Cô Ánh chia sẻ, dù thời thiết có nắng mưa thế nào, mùi thối từ dưới sông bốc lên rất khó chịu. Không ít gia đình vì không chịu nổi đành phải cho thuê lại nhà, chuyển tới nơi khác sinh sống.
"Mấy hôm nay có tin một doanh nghiệp đề xuất phương án cải tạo sông Tô Lịch thành công viên khiến người dân rất vui mừng, nhưng đó vẫn còn xa vời lắm. Chúng tôi chỉ mong sẽ có 1 ngày dòng sông trong xanh trở lại", cô Ánh nói.
Ông Nguyễn Huy Quý (trú tại Thượng Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) kể, gia đình ông sống gần sông Tô Lịch đến nay đã được 3 thập kỷ. Trước đây sông Tô Lịch trong xanh đến nỗi nước sông có thể rửa rau, dùng cho sinh hoạt.
Theo ông Quý, gọi là sông nhưng không có dòng chảy mà chỉ chứa nước thải. Phải sống chung với mùi nước thải nhưng các gia đình cũng không có biện pháp gì để khắc phục, chỉ còn biết đóng cửa, đeo khẩu trang cả ngày.
"Không chỉ sức khỏe của người dân bị ảnh hưởng, mỹ quan thủ đô cũng trở nên nhếch nhác. Chúng tôi đã chứng kiến thành phố nỗ lực cải tạo sông Tô Lịch nhiều lần nhưng chưa mang lại kết quả. Hi vọng thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ sớm gỡ được "nút thắt" khó khăn này", ông Quý chia sẻ.
Giai đoạn 2016 - 2021, Việt Nam đã có bước phát triển quan trọng, đạt những thành tựu ấn tượng về kinh tế - xã hội (KT-XH); mặc dù đầu nhiệm kỳ (2016) gặp sự cố môi trường biển nghiêm trọng tại bốn tỉnh miền trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế);
cuối nhiệm kỳ (2020) bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 toàn cầu, nhưng Việt Nam vẫn thuộc nhóm quốc gia có mức tăng trưởng kinh tế cao của thế giới.
Trong đó, 04 năm đầu (2016 - 2019), nền kinh tế nước ta đạt mức tăng trưởng bình quân 6,8%/năm; năm 2020 tăng 2,58% (quý I tăng 4,72%; quý II tăng 6,73%; quý III giảm 6,02%; quý IV tăng 5,22%).
Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao cũng đã gây áp lực lớn lên môi trường do các loại chất thải phát sinh từ hoạt động phát triển kinh tế, công nghiệp hóa, đô thị hóa, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức cho công tác bảo vệ môi trường (BVMT) hiện nay và giai đoạn tiếp theo.
Công tác BVMT đã đạt được những kết quả nhất định trong việc kiểm soát và phòng ngừa ô nhiễm môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH). Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường đặc biệt là môi trường nước vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp tại Hà Nội cụ thể là sông Tô Lịch.
Sau khi tiếp nhận nước sông Tô Lịch (vận chuyển nước thải từ các quận nội thành Hà Nội), nước sông Nhuệ tiếp tục bị ô nhiễm nặng. Đoạn sông chảy qua các huyện Thường Tín, Phú Xuyên cũng bị ô nhiễm bởi nước thải sinh hoạt và làng nghề.
Bên cạnh đó, nước sông Nhuệ bị ô nhiễm còn gián tiếp ảnh hưởng và làm suy giảm chất lượng nước sông Đáy, nhất là vào mùa nước sông Nhuệ - sông Đáy. Giai đoạn 2016 - 2020, Hà Nội đã có nhiều công trình, dự án, đề án bảo vệ và cải thiện môi trường nước các sông nội đô, góp phần giảm thiểu mức độ ô nhiễm môi trường (đặc biệt là thông số TSS).
Tuy nhiên, giá trị các thông số hữu cơ và nitơ vẫn ở mức khá cao, vượt ngưỡng B1 của QCVN 08-MT: 2015 / BTNMT. Trên sông Tô Lịch đoạn qua nội thành từ Nghĩa Đô đến Cầu Sét, chỉ số WQI luôn ở mức thấp (<25), nước thường xuyên bị ô nhiễm nặng và hầu như không có cải thiện trong nhiều năm qua.
Các sông nội đô khác như sông Lừ, sông Sét, sông Kim Ngưu cũng trong tình trạng tương tự. Các sông trên địa bàn thành phố Hà Nội (sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu, sông Lừ, sông Sét) đang là điểm nóng về ô nhiễm môi trường lưu vực sông.
Theo Unicef, tình trạng ô nhiễm nguồn nước hiện nay đang diễn ra ở khắp nơi trên thế giới đặc biệt tại các nước đang phát triển như ở miền Nam sa mạc Sahara, Đông Nam Á và Mỹ Latinh.
Các tổ chức môi trường quốc tế đã báo động Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam đang đứng TOP 5 những quốc gia có lượng rác thải đổ ra biển nhiều nhất thế giới.
Thống kê và đánh giá của Bộ Y tế và Bộ Tài Nguyên môi trường trung bình mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 9.000 người tử vong vì nguồn nước và điều kiện vệ sinh kém và gần 200.000 trường hợp mắc bệnh ung thư mới phát hiện, mà một trong những nguyên nhân chính là nguồn nước ô nhiễm.
Theo khảo sát của Trung tâm Quan trắc môi trường Quốc gia – Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho thấy hiện trạng môi trường nước mặt ở nước ta nhiều nơi bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Miền Bắc tập trung đông dân cư (đặc biệt là Đồng bằng sông Hồng) lượng nước thải đô thị lớn hầu hết của các thành phố đều chưa được xử lý và xả trực tiếp vào các kênh mương và chảy thẳng ra sông. Ngoài ra một lượng lớn nước thải công nghiệp, làng nghề cũng là áp lực lớn đối với môi trường nước.
Theo thống kê mỗi năm có đến 9000 người chết vì ô nhiễm nguồn nước, và phát hiện 100.000 trường hợp ung thư mỗi năm mà nguyên nhân chính là do sử dụng nguồn nước ô nhiễm.
Ô nhiễm nước ảnh hưởng đến sức khoẻ con người bởi các hợp chất hữu cơ: các hợp chất hữu cơ thường độc và có độ bền sinh học cao, đặc biệt là các hidrocacbon thơm gây ô nhiễm môi trường mạnh, gây ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ con người.
Các hợp chất hữu cơ như: phenol, chất bảo vệ thực vật như thuốc trừ sâu, linden, sevin, endrin… và các chất tẩy hoạt tính đều là những chất ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ, nếu nhiễm phải, nguy cơ gây ung thư rất cao.
Cho đến nay đã có nhiều kế hoạch, kịch bản được đưa ra nhằm “hồi sinh” dòng sông Tô Lịch, song thực tế việc áp dụng vẫn còn bỏ ngỏ. Sông vẫn ô nhiễm nặng. Nhiều nút thắt cần phải tháo gỡ nếu không có những giải pháp cải tạo hiệu quả hơn, tình trạng ô nhiễm sẽ ngày một trở nên nhức nhối, cuộc sống của người dân quanh sông Tô Lịch sẽ ra sao?
Hồi sinh sông Tô Lịch không đơn thuần là “mệnh lệnh của hiện tại” mà còn góp phần hướng tới một Hà Nội xanh, sạch. Một Hà Nội đáng sống.
[Infographic] 2 mức quà tặng người có công dịp 27/7 của TP Hà Nội
(Sóng trẻ) - Theo quyết định số 590/QĐ-CTN Chủ tịch nước ký ngày 25/6/2024, quà tặng cho người có công với cách mạng nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024) được chia thành hai mức 600.000 đồng và 300.000 đồng.
Đoàn giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực tế tại cơ quan báo chí, xuất bản Thanh Hoá
(Sóng trẻ) - Hoạt động diễn ra vào ngày 6/6, nhằm tăng cường gắn kết lý luận với thực tiễn, nâng cao chất lượng đào tạo ngành báo chí - truyền thông tại các đơn vị.
Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác
(Sóng trẻ) - Sáng 19/5, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), đồng bào khắp mọi miền Tổ quốc đều hướng về Lăng Bác dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1980 - 19/5/2024). Trong tim mỗi người dân đều mang một cảm xúc bồi hồi khó tả.