(Sóng trẻ) - Năm 2022 là năm đánh dấu chặng đường 60 năm lịch sử vẻ vang của Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Học viện Báo chí và Tuyên truyền là một trường Đảng, đồng thời là một trường đại học trọng điểm quốc gia, có thương hiệu trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Được thành lập ngày 16-01-1962 theo Nghị quyết số 36 NQ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa III, trên cơ sở hợp nhất 3 trường. Trường Nguyễn Ái Quốc II, Trường Tuyên huấn và Trường Đại học Nhân dân, Ngày 16 tháng 01 hàng năm là ngày kỷ niệm thành lập Trường.
Từ năm 1962 đến năm 1969, Học viện Báo chí chí và Tuyên truyền (viết tắt là Học viện) đã mở các lớp bồi dưỡng ngắn hạn nghiệp vụ báo chí cho các phóng viên, biên tập viên, cán bộ làm công tác tuyên huấn, báo chí ở Trung ương và địa phương.
Năm 1969, Nhà trường chính thức đào tạo báo chí ở trình độ đại học, với khóa học đầu tiên (Khóa 1), trong đó có lớp báo chí tiền phương, đào tạo 53 phóng viên để đưa vào chiến trường, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Năm 1992 là một bước chuyển lớn trong đào tạo báo chí tại Học viện. Nhà trường lần đầu tiên tuyển sinh đối tượng thí sinh tốt nghiệp THPT vào học Khóa 11. Đây cũng là thời điểm Khoa Báo chí tiếp tục đầu tư mạnh mẽ cho việc đào tạo báo chí theo chuyên ngành Báo in, Báo ảnh, Phát thanh, Truyền hình.
Năm 2003, Khoa Phát thanh - Truyền hình được thành lập trên cơ sở tách chuyên ngành Phát thanh và Truyền hình từ Khoa Báo chí. Cũng thời gian này, Khoa Phát thanh - Truyền hình mở thêm chuyên ngành đào tạo Báo mạng điện tử và Báo chí đa phương tiện (năm 2017 đã giải thể chuyên ngành Báo chí đa phương tiện do chưa phù hợp với thực tiễn) và Quay phim Truyền hình.
Thời gian đầu mới thành lập, dù trong điều kiện khó khăn bởi chiến tranh, nhưng Nhà trường đã tập hợp được đội ngũ những người hoạt động thực tiễn trong lĩnh vực tư tưởng văn hóa, báo chí để viết các tập, bài giảng, giáo trình vừa mang tính lý luận, vừa nóng hổi hơi thở của thực tiễn hoạt động báo chí. Đây cũng là tiền đề cho ra đời hai tập sách quý “Giáo trình Nghiệp vụ báo chí” (tập I, II, xuất bản năm 1977, 1978).
Ngay từ khi mới thành lập Khoa Báo chí, Nhà trường đã chú trọng tuyển dụng các cán bộ có kinh nghiệm từ các cơ quan tuyên huấn, báo chí về làm giảng viên cơ hữu; đồng thời, mời các nhà báo giỏi nghề ở Trung ương và địa phương làm giảng viên thỉnh giảng. Tiếp đó, hầu như khóa đào tạo nào Nhà trường cũng tuyển chọn, giữ những học viên, sinh viên xuất sắc ở lại đào tạo, bồi dưỡng bổ sung cho đội ngũ giảng viên báo chí ngày một lớn mạnh. Có thể khẳng định, ở mỗi giai đoạn, cho dù thăng trầm, nhưng các thế hệ giảng viên báo chí của Học viện luôn thể hiện rõ bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn nghề nghiệp trước các đồng nghiệp, học viên, sinh viên. Chính các thầy cô đã tạo dựng nên thương hiệu đào tạo báo chí cho Nhà trường trong hơn nửa thế kỷ qua. Nhiều thầy cô là tấm gương nghiên cứu học thuật có uy tín trong nước và quốc tế. Nhiều thầy cô là chuyên gia giỏi, được các cơ quan báo chí tín nhiệm mời cố vấn nội dung, giữ chuyên mục, tổ chức xuất bản báo chí. Nhiều thầy cô đoạt các giải thưởng báo chí, văn học - nghệ thuật cấp quốc gia, bộ, ngành, địa phương; đồng thời là thành viên ban giám khảo các giải báo chí lớn trong cả nước. Nhiều thầy cô trưởng thành từ Khoa Báo chí giữ trọng trách cao trong hệ thống chính trị của đất nước.
Dù mang nhiều tên gọi khác nhau để phù hợp với từng giai đoạn cách mạng nhưng từ trước đến nay Học viện luôn là một Trường Đảng trong hệ thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Đồng thời với hơn 30 năm là một Trường Đại học trong hệ thống giáo dục quốc dân.
So với thời kỳ đầu, hoạt động chuyên môn của Nhà trường đã có bước phát triển mạnh mẽ. Học viện liên tục đổi mới, hoàn thiện các chương trình đào tạo đại học và sau đại học theo hướng đảm bảo tính thống nhất, liên thông theo từng ngành, nhóm ngành đào tạo, phù hợp với phương thức đào tạo theo tín chỉ, góp phần nâng cao phẩm chất và năng lực của người học, giảm tải lý thuyết, tăng cường kỹ năng thực hành thực tập, thích ứng với nhu cầu của xã hội và chuẩn đầu ra.
Được là một phần của AJC và hiểu rõ sứ mệnh của trường ta là điều tất yếu mà mỗi sinh viên cần ghi nhớ. Mỗi sinh viên từ đó sẽ có cảm nhận sâu sắc hơn về ngôi trường mình theo học, noi theo những truyền thống và cùng phát triển cho sự nghiệp vẻ vang của Học viện.
Từ những ngày đầu thành lập, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã mang sứ mệnh đặc biệt đào tạo ra đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị, phong cách và sáng tạo nhằm phụng sự cách mạng của Đảng và toàn dân. Nắm rõ được điều đó, ngay từ những ngày đầu thành lập, Học viện đã nỗ lực phát động phong trào "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" và gặt hái được nhiều thành công.
Giai đoạn đầu (1962), chương trình được xây dựng tập trung chủ yếu phục vụ công tác bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ báo chí ngắn hạn. Giai đoạn bắt đầu đào tạo trình độ đại học báo chí (1969), chương trình bắt đầu được đầu tư quy mô, bài bản, phân định rõ khối kiến thức chung và khối kiến thức ngành, chuyên ngành báo chí, phù hợp với việc đào tạo các đối tượng đang hoạt động thực tiễn báo chí.
Giai đoạn đào tạo trình độ đại học báo chí (1992) theo hình thức tuyển sinh đối tượng mới tốt nghiệp THPT, chương trình đào tạo được đầu tư công phu hơn. Đặc biệt, đây là giai đoạn Khoa Báo chí có một đội ngũ giảng viên có trình độ cao, được đào tạo bài bản ở Liên Xô. Chương trình đào tạo được kết cấu rành mạch. Các môn học được định danh rõ ràng, phù hợp với thực tiễn phát triển của báo chí thế giới và trong nước. Nhiều vấn đề về lý luận và kỹ năng tác nghiệp báo chí được luận giải, đưa vào chương trình giảng dạy, được các cơ quan sử dụng nguồn lực báo chí đánh giá cao.
Năm 1995, Khoa Báo chí bắt đầu xây dựng đề án, tuyển sinh đào tạo sau đại học ngành Báo chí. Chương trình đào tạo thạc sĩ báo chí ra đời, tạo một bước chuyển mới trong đào tạo báo chí tại Học viện.
Năm 2000, Ban Chủ nhiệm Khoa Báo chí đã bàn bạc, thảo luận, thống nhất xây dựng Đề án đào tạo Tiến sĩ Báo chí học. Bên cạnh chương trình đào tạo đại học, sau đại học ngành Báo chí, Nhà trường còn chú trọng chỉ đạo xây dựng chương trình bồi dưỡng ngắn hạn quản lý báo chí và kỹ năng nghiệp vụ báo chí. Các chương trình đã tạo độ hấp dẫn đối với các đối tượng đang hoạt động báo chí trong thực tiễn. Điều này cũng đã tạo ra thương hiệu cho đào tạo, bồi dưỡng báo chí tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Năm 2013, Nhà trường đã chỉ đạo các đơn vị đào tạo báo chí xây dựng chương trình đào tạo báo chí theo hình thức tín chỉ và chính thức đưa vào thí điểm áp dụng năm 2014. Đây là một bước chuyển mới trong đào tạo báo chí, tiến kịp với xu hướng đào tạo hiện đại trên thế giới. Việc đào tạo báo chí ở bậc đại học theo hình thức tín chỉ thể hiện nhiều điểm ưu việt.
Năm 2016, Nhà trường chỉ đạo tổ chức triển khai xây dựng Chương trình đào tạo báo chí theo hướng tích hợp, định hình rõ tổ hợp, khối kiến thức chung, kiến thức cơ sở ngành, ngành và chuyên ngành, trong đó việc định danh các môn học theo khối kiến thức về cơ bản đã giản lược, khắc phục được sự phân tán các môn nhỏ lẻ, hẹp.
Trong suốt 60 năm qua, Học viện Báo chí Tuyên truyền đã đạt được những thành tựu quan trọng về đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, cùng những bước phát triển nhanh chóng về cơ sở vật chất, hạ tầng kĩ thuật.
Nếu như thời kỳ đầu tiên đào tạo báo chí tại Học viện gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, kỹ thuật thì đến nay, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ dạy và học tại Học viện được đầu tư, phát triển vượt bậc. Nhà trường xây dựng mới khu hành hành chính 11 tầng, thư viện, các giảng đường cao tầng, xóa trắng các nhà cấp 4. Đây là thời kỳ kỹ thuật, công nghệ số phát triển, các phòng học thực hành đào tạo báo chí - truyền thông với kỹ thuật cũ, lạc hậu được thay thế bằng các thiết bị mới hiện đại. Năm 2017, Nhà trường được đầu tư gần 70 tỉ đồng cho hệ thống phòng học thực hành đào tạo báo chí, bao gồm các studio, trường quay ảo, phòng thực hành sản xuất truyền thông đa phương tiện (multimedia), phòng chụp ảnh, phòng xuất bản báo in...
Sinh viên học báo chí được thực hành xuất bản các sản phẩm báo chí như: Đặc san Báo chí Trẻ, Chương trình phát thanh Sóng Trẻ, Chương trình truyền hình STV, trang thông tin điện tử Songtre.vn… Đặc biệt, Chương trình phát thanh Sóng Trẻ đã kết nối sản xuất sản phẩm phát thanh theo đơn đặt hàng của Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội; nhiều sinh viên báo chí là cộng tác viên hưởng lương ở các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương khi còn đang học tập tại Trường.
Hiện nay, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã và đang đào tạo được 40 khóa báo chí ở bậc đại học với 06 chuyên ngành, bao gồm: Báo in, Ảnh báo chí, Phát thanh, Truyền hình, Quay phim truyền hình, Báo mạng điện tử, trong đó có cả các lớp báo chí chất lượng cao. Từ năm 1962 đến nay, Nhà trường đã đào tạo được gần 15.000 nhà báo cho đất nước và các nước bạn anh em như: Trung Quốc, Lào, Campuchia.
Hiện tại, hơn một nửa giảng viên của Học viện có trình độ giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ, chuyên viên cao cấp. Những năm qua, Học viện đã đào tạo, bồi dưỡng cho đất nước gần 70.000 cán bộ lý luận chính trị, tư tưởng, văn hóa, công tác đảng, báo chí và truyền thông. Đội ngũ cán bộ do Học viện đào tạo, bồi dưỡng có bản lĩnh chính trị vững vàng, năng lực chuyên môn cao, có những cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Nhiều người trong số đó đã trở thành các nhà khoa học đầu ngành, các nhà giáo có uy tín, các nhà báo, biên tập viên có tên tuổi… Không ít người đã trở thành cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước.
Trong 10 năm trở lại đây, Học viện được 4 lần nhận Cờ Thi đua của Thủ tướng Chính phủ vì có thành tích hoàn thành xuất sắc, toàn diện nhiệm vụ công tác, dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cụ thể vào những năm:
Năm học 2010 - 2011 (Quyết định số 1457/QĐ-TTg, ngày 23/8/2011)
Năm học 2015 - 2016 (Quyết định số 1822/QĐ-TTg ngày 21/9/2016)
Năm 2017 (Quyết định số 440/QĐ-TTg ngày 23/4/2018)
Năm 2020 (Quyết định Số 579/QĐ-TTg ngày 16/4/2021).
Là trường Đảng, trường đại học trọng điểm quốc gia, Học viện Báo chí và Tuyên truyền thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh có sứ mệnh nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực lý luận chính trị, tư tưởng - văn hóa, báo chí, truyền thông và một số ngành khoa học xã hội và nhân văn khác. Các cơ sở đào tạo chú trọng sử dụng mọi phương thức, phương tiện, kênh… để truyền thông quảng bá về trường, khoa, ngành, chương trình, quy mô, chất lượng, năng lực đào tạo, sản phẩm đầu ra…
Thế hệ tiếp nối cần bước tiếp con đường đào tạo báo chí, khai mở hướng phát triển mới tiên tiến, hiện đại, hội nhập thông qua việc cải tiến, đổi mới Chương trình và quy mô đào tạo, chú trọng về chất lượng, chuẩn đầu ra và vị trí việc làm của người học sau khi tốt nghiệp. Tiếp tục đổi mới, cải tiến chương trình đào tạo đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, nhưng cũng phải đáp ứng tốt nhu cầu xã hội là trọng trách to lớn đặt lên vai những người làm công tác đào tạo báo chí tại Học viện hôm nay.
Cập nhật, hoàn thiện hệ thống giáo trình, sách chuyên khảo, tài liệu tham khảo về báo chí mà thế hệ đi trước đã tạo ra là việc làm cần thiết đòi hỏi những người tiếp nối công tác đào tạo báo chí tại Học viện phải đầu tư nhiều trí tuệ, công sức, tiền của. Nếu như có chiến lược phát triển cùng với sự quyết tâm của người đứng đầu, ý chí chung sức và sự tự trọng nghề nghiệp của những người làm công tác đào tạo báo chí, chắc chắn thương hiệu đào tạo báo chí không chỉ được giữ vững mà còn phát triển lên tầm cao mới.
Trong hội nghị tổng kết công tác Đảng năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2022, đồng chí Hoàng Phúc Lâm đề nghị Đảng ủy Học viện Báo chí và Tuyên truyền cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như: Đảm bảo tính hệ thống; trong công tác Đảng cần nắm chắc các nguyên tắc tổ chức trong đảng để vận dụng vào các công việc cụ thể; tiếp tục tập trung làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ, đảng viên; phát huy tốt hơn nữa công tác tổ chức - cán bộ, đảm bảo công khai, minh bạch, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm đảm bảo đúng quy trình; đổi mới phương thức lãnh đạo cấp ủy Đảng các cấp.
Thương hiệu đào tạo báo chí của Học viện đã được tạo dựng. Điều quan trọng nhất hiện nay, đó là Nhà trường cần phải chú trọng tiếp tục xây dựng đội ngũ giảng viên báo chí đủ về số lượng, có chất lượng về nghiên cứu và giảng dạy để đảm bảo tiếp nối gìn giữ và phát huy những giá trị mà thế hệ đi trước đã tạo dựng. Học viện cũng phải chăm chút, giáo dục truyền thống cho thế hệ tiếp nối. Những người tiếp nối cần phải tự hào, noi gương và tôn vinh thế hệ đi trước đã viết nên trang sử vẻ vang về đào tạo báo chí của nước nhà và của Nhà trường.
Gìn giữ và phát triển thương hiệu đào tạo báo chí là lương tâm, nghĩa vụ và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, giảng viên, sinh viên, học viên tại Học viện hôm nay.
Hình ảnh tuyển sinh của Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền qua các thời kỳ
Theo dõi bài viết tại đây: 60 NĂM TRAO TRUYỀN KHÁT VỌNG NGHỀ BÁO
Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"
(Sóng trẻ) - 14h30 ngày 05/12/2024, Trang tin điện tử Sóng trẻ sẽ tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Đi và viết khi ta còn trẻ”.
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.
Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam
(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.