(Sóng trẻ) - Với bề dày lịch sử văn hoá, Việt Nam có nhiều tiềm năng và thế mạnh để phát triển du lịch tâm linh. Thực tế từ lâu, du lịch tâm linh tại Việt Nam đã phát triển, đáp ứng nhu cầu vừa du lịch, vừa hành hương, đi lễ của du khách, đặc biệt là nhóm du khách trẻ.

Du lịch tâm linh trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng cho đến nay vẫn chưa có một quan niệm thống nhất. Đây là loại du lịch kết hợp với đi thăm viếng, chiêm bái, lấy yếu tố tâm linh để thỏa mãn nhu cầu tinh thần cho con người, thường gắn liền với những giá trị văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng, tôn giáo và những giá trị tinh thần khác.

Trong những năm gần đây, các vùng đất tâm linh nổi lên như một địa điểm du lịch lý tưởng cho các bạn trẻ. Đó là các đền chùa, lăng tẩm, toà thánh và những khu tưởng niệm linh thiêng gắn liền với truyền thống và lối sống tại địa phương. Trong đó có thể kể đến: Đỉnh thiêng Yên Tử (Quảng Ninh), Chùa Tam Chúc (Hà Nam), Núi Bà Đen (Tây Ninh), Côn Đảo… Nổi bật là quần thể danh thắng Tràng An, chùa Bái Đính (Ninh Bình) ước tính đạt 4,53 triệu lượt khách ghé thăm trong 6 tháng đầu năm 2023. Đây đều là những địa danh mang những yếu tố thu hút giới trẻ như: cảnh quan đẹp và có giá trị văn hoá, tâm linh cao.

Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, hướng dẫn viên du lịch tại chùa Bái Đính cho biết, ngày càng có nhiều người trẻ đến tham quan khu di tích lịch sử này. Vào thời điểm cách đây 5 - 7 năm, đa số khách du lịch đổ về Bái Đính là những du khách trung niên có độ tuổi từ 35-65. Nhưng hiện nay, cơ cấu du khách theo độ tuổi đã có nhiều sự thay đổi. Trong năm 2022 và nửa đầu năm 2023, bà đã đón tiếp rất nhiều những những nhóm bạn trẻ tới chùa với các mục đích khác nhau như: cầu bình an, tham quan, vãn cảnh, check-in…

Theo Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, cùng với sự đi lên của đời sống kinh tế - xã hội, nhu cầu du lịch của giới trẻ ngày càng tăng lên. Du lịch “văn hoá - tâm linh” được nhận định là một trong những xu hướng đang thu hút sự quan tâm và ngày càng trở nên phổ biến trong cộng đồng người Việt trẻ. Đây là loại hình du lịch có những nét đặc thù riêng, góp phần hồi hướng con người.

Gặp áp lực trong công việc, học tập, nhiều bạn trẻ đến với du lịch tâm linh như một cách giải toả, thư giãn sau chuỗi ngày nỗ lực không ngừng nghỉ. Nguyễn Thị Thu Thuỷ, 22 tuổi, đến từ Hà Nội chia sẻ: “Khi còn là học sinh, mình từng rất thích chọn tới những khu vui chơi giải trí để tận hưởng khoảnh khắc bên bạn bè. Nhưng sau khi đã đi làm, mình ưu tiên chọn những nơi vừa có thể thưởng thức danh lam thắng cảnh, vừa có thể cầu nguyện và chiêm bái. Du lịch tâm linh giúp mình giải toả ưu phiền, hướng đến cái thiện, nạp năng lượng cho chuyến hành trình dài trong cả cuộc đời”.

Góp phần phát huy truyền thống, tín ngưỡng thờ các vị anh hùng dân tộc có công với tổ quốc, nhiều người trẻ chọn du lịch tâm linh vì có thể được học tập, trau dồi thêm về kiến thức lịch sử nước nhà. “Mình là một người ham “xê dịch” và luôn cố gắng cân bằng giữa du lịch thuần giải trí và du lịch tâm linh. Đối với mình, việc tham quan, vãn cảnh tại những di tích cung cấp cho mình các thông tin về văn hoá - lịch sử, đồng thời cho mình thêm các kiến thức về thẩm mỹ kiến trúc. Điều này rất có ích cho ngành nghề mình đang theo đuổi”, Quốc Anh, 25 tuổi, một nhà thiết kế đồ hoạ đến từ thành phố Hồ Chí Minh cho hay.

Tiến sĩ Lê Quang Ðăng - Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cho biết: “Du lịch của giới trẻ giờ đây không chỉ đơn thuần là khám phá một địa điểm với hoạt động tham quan, ngắm cảnh mà hướng đến đầu tư nhiều hơn cho những trải nghiệm trong mỗi chuyến đi, tìm kiếm những giá trị lâu dài, ý nghĩa". Du lịch tâm linh cũng là hình thức du lịch góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống văn hóa không bị mai một theo thời gian.

Không chỉ có nhu cầu về tinh thần, một số du khách tìm đến các địa điểm du lịch tâm linh còn để học hỏi về văn hóa lịch sử. Du lịch tâm linh tại Việt Nam mang nhiều giá trị về văn hóa lịch sử dân tộc. Những giá trị đó đang thu hút được sự quan tâm của giới trẻ, cần được gìn giữ, phát huy. Bà Trần Thu Thủy, Trưởng phòng Quản lý Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nam Định khẳng định: “Du lịch tâm linh đóng vai trò to lớn trong việc nâng cao nhận thức và kiến thức về văn hóa, truyền thống và lịch sử”.

“Đến các điểm du lịch tâm linh, tôn giáo du khách có thể tìm hiểu, chiêm ngưỡng, tham gia vào nghi lễ, lễ hội truyền thống và các hình thức nghệ thuật. Họ được tìm hiểu về lịch sử và văn hóa từ hướng dẫn thích hợp tại khu tôn giáo” - Bà Thu Thủy cho biết.

Mỗi địa điểm du lịch lại mang những truyền thống, văn hóa vùng miền khác nhau. Việc các bạn trẻ đi du lịch tâm linh để tìm hiểu, học hỏi luôn mang đến những trải nghiệm mới lạ. Bạn Ngọc Thảo, sinh viên Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp bày tỏ: “Ngoài việc đi tìm sự an yên cho tâm hồn khi đi du lịch tâm linh, bản thân còn cảm thấy tình yêu đối với truyền thống, văn hóa dân tộc được củng cố sâu sắc, nhờ hiểu biết có được tại những địa điểm đã đi qua”.

Giáo dục lịch sử, những giá trị văn hóa truyền thống cho mọi người, đặc biệt là với giới trẻ là nhiệm vụ hết sức cần thiết. Các bạn trẻ chủ động tìm hiểu, học hỏi qua hình thức đi du lịch tâm linh tuy chưa có nhiều, nhưng là tín hiệu đáng mừng khi thế hệ trẻ không còn thờ ơ, vô cảm với lịch sử văn hóa dân tộc.

Nhằm đưa văn hóa lịch sử đến gần hơn với thế hệ trẻ thông qua du lịch tâm linh, bà Thu Thủy đưa ra một số giải pháp: Địa phương cần phải triển khai xây dựng hệ thống du lịch thông minh, phục vụ cho công tác tuyên truyền quảng bá; giới thiệu sản phẩm du lịch của địa phương nói chung, sản phẩm du lịch tâm linh nói riêng trên hệ thống các nền tảng số. 

Ngoài ra, lãnh đạo địa phương cần phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo và các đơn vị liên quan thẩm định các nội dung, chương trình giáo dục, tài liệu giáo dục địa phương, góp phần chuẩn hóa các thông tin của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tới nhà trường và học sinh. Các trường học cần tích cực tổ chức các hoạt động ngoại cho học sinh tham gia học tập, trải nghiệm tại các địa điểm du lịch tâm linh; tạo điều kiện cho các bạn trẻ tiếp cận nhiều hơn với các nội dung về truyền thống, lịch sử nước nhà.

Nếu được khai thác theo hướng tích cực, phù hợp, du lịch tâm linh sẽ trở thành công cụ hữu hiệu trong việc giáo dục các giá trị văn hóa nói chung và những giá trị văn hóa tinh thần nói riêng cho du khách, đặc biệt là thế hệ trẻ. Qua đó, du lịch tâm linh góp phần gìn giữ và truyền bá văn hóa lịch sử Việt Nam tới bạn bè quốc tế.

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật7 tháng trước

(Sóng trẻ) - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN