(Sóng trẻ) - Hà Nội, những ngày cuối thu, không khí se lạnh như len lỏi vào từng con phố, từng nếp nhà cổ kính. Theo chân nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Nguyễn Hữu Nền, tránh xa ồn ào, tấp nập giữa lòng phố Hoàn Kiếm, tôi có cơ hội được tìm đến nơi những ký ức đóng khung trong từng bức ảnh.
Cánh cửa gỗ mở ra, tôi bất giác thu tầm mắt vào những bức ảnh và bằng khen trên bốn bức tường nhà của người NSNA Nguyễn Hữu Nền. Rót ly nước ấm đựng trong chiếc ly kỷ niệm của Câu lạc bộ nhiếp ảnh người cao tuổi, lão nghệ sĩ bắt đầu kể một cách hăng say về hồi ức bằng ảnh thời chiến.
Năm 1960, chàng trai trẻ Nguyễn Hữu Nền bắt đầu hành trình với nhiếp ảnh tại Thông tấn xã Việt Nam. Chiến tranh leo thang, ông được cử vào Tây Nguyên, vùng đất đỏ bazan đầy nắng gió và hiểm nguy. "Phải có ảnh trong bất kỳ tình huống nào" - mệnh lệnh ngắn gọn ấy trở thành kim chỉ nam cho ông suốt những năm tháng sau này.
Giữa đại ngàn thiếu thốn trăm bề, ông tự mày mò, sáng tạo. Người nghệ sĩ nhiếp ảnh đã biến cả ánh sáng mặt trời thành công cụ phóng ảnh, tự thiết kế phòng tốt, khoét lỗ thông sáng. “Chẳng có ai dạy cả”, nhưng ông vẫn hoàn thành nhiệm vụ một cách bất ngờ. Chiếc máy ảnh Brica B trở thành người bạn đồng hành thân thiết, cùng ông ghi lại những khoảnh khắc lịch sử của cuộc chiến, cuộc sống và chiến đấu của quân dân miền Nam.
Một trong những bức ảnh ông nhớ mãi là khoảnh khắc khẩu pháo 85 nòng dài, nấp trong hầm, nhắm bắn đồn địch. Canh đúng thời điểm tiếng hô "Bắn!", ông bấm máy, bắt trọn khoảnh khắc viên pháo thủ bóp cò. Sau này, bức ảnh ấy được phóng to, trưng bày tại triển lãm ở Bảo tàng Không quân và được chính Bác Hồ cùng các tướng lĩnh đến xem.
Tây Nguyên không chỉ có bom đạn, mà còn là nơi ông đối mặt với căn bệnh sốt rét rừng thiêng nước độc. Do tình hình sức khỏe suy yếu, năm 1971, ông buộc phải trở ra Bắc điều trị. Song, ngọn lửa đam mê với nhiếp ảnh, khát khao được trở lại chiến trường vẫn luôn cháy bỏng trong ông.
Ba năm sau, ông trở lại công tác tại Nhà xuất bản. Tháng 4/1975, ông ghi lại khoảnh khắc lịch sử ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Từ nóc tòa nhà cao tầng đối diện Quảng trường Nhà hát Lớn, người NSNA bắt trọn niềm vui chiến thắng của cả dân tộc qua một góc máy độc đáo, sáng tạo, ghi dấu ấn ngày non sông thu về một mối.
Năm 1979, chiến tranh biên giới nổ ra, người nghệ sĩ lại lên đường. Từ Cao Bằng đến Lào Cai, Yên Bái, ông chứng kiến cảnh quê hương bị tàn phá, ghi lại nỗi đau và sự căm phẫn của người dân. “Chúng phá gần như bằng phẳng, từ cái cột điện cũng nắp bộc pháo để giật đổ, nhà trẻ cũng bị tàn phá,...”, lão nghệ sĩ vừa kể, vừa chỉ tay vào những bức ảnh một thời gian khó được lưu trên máy tính.
Ký ức thời chiến, những thước phim sống động về sự khốc liệt và hy sinh, hiện lên rõ nét trong đôi mắt sâu thẳm của người nghệ sĩ. Mỗi bức ảnh không chỉ là một khoảnh khắc đóng băng thời gian, mà còn là một trang sử sống, ghi lại những mất mát, đau thương, nhưng cũng đầy tự hào về ý chí kiên cường của dân tộc.
Ông nhớ về những đêm dài trú bom trong hầm chật hẹp, tiếng đất đá rơi rào rào trên mái hầm mỗi khi bom nổ gần. Cái đói, cái rét, bệnh tật luôn rình rập. Ban ngày, anh em bộ đội ra ngoài tự túc trồng cây ngô, cây sắn, chia sẻ từng củ sắn luộc với đồng bào Khơ-me. Chiều xuống, máy bay trinh sát địch lượn lờ trên đầu, như những con kền kền rình mồi.
"Máy bay gần đến mức tôi còn nhìn thấy cả mặt phi công", ông nói, giọng trầm xuống, như thể vẫn còn nghe thấy tiếng gầm rú của động cơ máy bay trên bầu trời Tây Nguyên. Sáng hôm sau, bom đạn lại trút xuống, cày xới mảnh đất vốn đã đầy thương tích.
Ông nhớ lại khoảnh khắc cận kề cái chết, khi pháo hiệu của địch rơi ngay sát hầm trú ẩn, chỉ cách chừng 10 mét. Tiếng máy bay trinh sát OB10 gầm rú báo hiệu một đợt oanh tạc mới. "Tôi biết là sắp có chuyện", ông kể, trong giọng nói vẫn còn phảng phất nỗi sợ hãi của giây phút sinh tử.
Ông vội lao xuống hầm, bom nổ ầm ầm ngay trên đầu. Đất đá rơi xuống bịt kín lối vào, bóng tối bao trùm, không khí đặc quánh mùi thuốc súng. Sau loạt bom, tiếng súng máy bay vẫn rít lên từng hồi. Ông nín thở, ẩn nấp trong hầm 10-15 phút, đếm từng giây, từng phút, chờ đợi thời khắc tiếng súng im bặt.
Khi không gian trở lại yên tĩnh, ông mới dám chui ra khỏi hầm, bụi đất phủ đầy người. Xung quanh, cây cối đổ rạp, khói bom mù mịt. "Tôi nhào lên, chạy cùng một đại úy - chính trị viên đại đội", ông hồi tưởng.
Giữa khung cảnh hoang tàn, bản năng sinh tồn trỗi dậy. Dù chưa từng qua huấn luyện quân sự, nhưng trong những thời khắc sinh tử, ông trở nên nhạy bén như một người lính dày dạn kinh nghiệm. Ông nghe tiếng máy bay, phán đoán hướng địch tấn công, kéo người đồng đội nằm rạp xuống đất ngay khi bom rơi xuống. Họ cùng nhau luồn lách qua bụi rậm, chạy ba bốn lần mới thoát ra khỏi bìa rừng, đến nơi an toàn.
Kể lại một lần đến trung đoàn cao xạ Hoàng Liên Sơn, ông gặp người chính ủy từ Hải Phòng, người đã trở thành một trong những biểu tượng về tinh thần bất khuất của Quân đội Việt Nam. Ông nhớ lại, đồng chí chính ủy từng kể về khoảnh khắc sinh tử trong cuộc chiến biên giới: “Sau 5 ngày, đơn vị anh nhận được súng hỏa lực mạnh, nóng tới 1800 độ”, NSNA Hữu Nền thuật lại, nhấn mạnh vào sự căng thẳng tột độ của tình huống ấy.
Ông tiếp lời: “Nguyên tắc khi sử dụng pháo là bắn tầm cao, phóng đạn đi rồi để đạn rơi xuống mục tiêu. Nhưng trước sự xông pha của hàng nghìn lính Trung Quốc chỉ cách họ vài trăm mét, các chiến sĩ biết mình phải cận chiến. Đồng chí chính ủy đã chuẩn bị phương án tự sát – một quyết định dứt khoát để không cho địch bắt và khai thác thông tin. Mỗi người được phát một quả thủ pháo để sẵn sàng hy sinh”.
Khi quân địch áp sát đến 60-70 mét, đồng chí chính ủy chợt nghĩ ra một sáng kiến, cho phép nạp đạn, gằm súng xuống thấp và bắn liên tiếp hai loạt. Địch phía trước ngã rạt, còn quân phía sau thấy vậy bỏ chạy tán loạn. “Chứng tỏ bộ đội mình không thiếu sáng kiến”, ông Nền mỉm cười kể lại, trong ánh mắt ánh lên vẻ tự hào. Những người lính Việt Nam không chỉ kiên cường mà còn thông minh, biết linh hoạt xử lý những tình huống ngặt nghèo trên chiến trường.
Giờ đây, ở tuổi 88, nghệ sĩ Nguyễn Hữu Nền vẫn miệt mài với đam mê nhiếp ảnh. Ông đã có cho mình những cuốn sách ảnh để đời như: "Hồ Hoàn Kiếm: Thời gian và sự kiện", “Thủ đô Hà Nội”, “Việt Nam di tích - văn hóa - thắng cảnh”. Đặc biệt, NSNA Nguyễn Hữu Nền còn đang ấp ủ một cuốn sách ảnh mới, dự định ra mắt vào dịp sinh nhật 90 tuổi trong đời mình.
Gặp gỡ nghệ sĩ Nguyễn Hữu Nền, tôi không chỉ được nghe những câu chuyện lịch sử sống động, chân thực, mà còn được truyền cảm hứng bởi tinh thần thép, lòng yêu nước, sự cống hiến thầm lặng của một người nghệ sĩ đã dành cả cuộc đời mình cho ống kính, cho nghệ thuật và cho Tổ quốc. Như một thông lệ mỗi tuần, người nghệ sĩ lão thành vẫn thường xuyên gặp gỡ bạn bè, những người cùng chung niềm đam mê và chia sẻ nhiều câu chuyện về nhiếp ảnh, về cuộc đời.
Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc mở phòng trưng bày dành riêng cho "Oegyujanggak Uigwe"
(Sóng trẻ) - Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc (NMK) sẽ chính thức khai trương phòng trưng bày cố định đầu tiên dành riêng cho bộ sưu tập "Oegyujanggak Uigwe" vào thứ sáu,15/11.
196 thầy cô được vinh danh trong lễ trao giải “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo”
(Sóng trẻ) - Ngày 14/11, lễ trao giải "Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” diễn ra tại Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam.
Chúng ta thường ít lắng nghe hơn trong thời đại ngày nay
(Sóng trẻ) - Là một hoạt động nghệ thuật trong Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội, chuỗi workshop âm thanh “Lắng Nghe Sâu” mang đến trải nghiệm âm thanh độc đáo giúp người tham gia tương tác, cảm nhận và kết nối với không gian xung quanh.