Sau khi tốt nghiệp ngành Công nghệ sinh học tại trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, cô gái trẻ Mỹ Triều luôn dành sự quan tâm đặc biệt về môi trường và thường xuyên theo dõi các thông tin khoa học, sáng tạo trong lĩnh vực này. Đây chính là lý do mà cô quyết định “bắt tay” vào kinh doanh túi tote secondhand. 

“Kinh doanh túi tote secondhand không chỉ đem lại thu nhập mà còn đưa mình đến với sự nhận thức về sự lãng phí và tác động của ngành công nghiệp thời trang đối với môi trường. Và mình luôn tự hỏi rằng tại sao phải bỏ tiền ra để nhập ‘rác’ của nước khác về kinh doanh và sau đó lại thải thêm rác cho môi trường của đất nước mình”, Mỹ Triều chia sẻ.

Chính từ những trăn trở đó, Triều đã suy nghĩ nghiêm túc về việc chuyển hướng sang tái chế những đồ jeans cũ thành các sản phẩm hữu ích. Tuy nhiên, vì là một “tay ngang”, chưa từng chạm đến máy may nên khi “dấn thân” vào con đường này, Triều đã loay hoay trong việc học may cơ bản và phải tìm hiểu các vật liệu may, máy móc sao cho vừa tiết kiệm vừa mang đến hiệu quả.

Chia sẻ về quá trình hơn một năm “bén duyên” với nghề, Triều cho biết bản thân luôn cố gắng tạo nên “chất riêng” trong từng sản phẩm của mình: “Một sản phẩm chất lượng đòi hỏi rất nhiều về sự kỳ công và tinh tế. Mình phải xử lý chất liệu jeans, lên ý tưởng thiết kế mẫu rồi tiến hành cắt ghép, xử lý kỹ thuật và hoàn thiện chúng. Mỗi chiếc túi đều là phiên bản duy nhất và chứa đựng một thông điệp, cảm xúc riêng. Bên cạnh đó, chúng còn là một tác phẩm nghệ thuật, một dấu ấn về ý thức bền vững và tâm huyết của mình”. 

Kỷ niệm đáng nhớ nhất của Triều trong suốt quãng thời gian làm nghề là hành trình tạo ra balo “Rùa” bởi nó đánh dấu cột mốc cô hoàn thiện một sản phẩm và được ghi nhận bởi người thân, bạn bè. Triều tâm sự: “Sản phẩm này được ghép từ 5 chiếc túi quần jeans cũ thành hình ngôi sao với suy nghĩ là làm một ngôi sao may mắn và hy vọng. Lúc hoàn thành, mình giới thiệu cho bạn bè thì họ nói là nhìn y hệt như chiếc mai rùa. Và từ đó, tên balo ‘Rùa’ được đặt và trùng hợp rằng mình cực kỳ thích rùa”. 

Thông qua việc “tái sinh” những đồ jeans cũ, Triều mong muốn kéo dài vòng đời các sản phẩm, tiết kiệm tiền bạc và tôn trọng môi trường: “Mỗi sản phẩm tái chế từ đồ jeans cũ là một dẫn chứng về việc tận dụng lại những tài nguyên đã có, thay vì tạo ra thêm lượng lớn rác thải thời trang”.

Bên cạnh đó, Triều hi vọng mọi người quan tâm nhiều hơn về cụm từ “bền vững” và lối sống tiết kiệm tài nguyên qua việc sử dụng những sản phẩm tái chế. Cô gái trẻ tin rằng xu hướng sống “xanh” sẽ góp phần tạo nên những sự thay đổi tích cực cho môi trường.

Sự ủng hộ và đón nhận nhiệt tình của khách hàng chính là động lực lớn nhất giúp Triều có thêm niềm tin vào công việc tái chế những đồ jeans cũ. Triều chia sẻ: “Điều mình khá bất ngờ là những sản phẩm của mình lại nhận được sự quan tâm của các cô chú, anh chị U40 đến U60 và trẻ em. Nó vượt quá kỳ vọng của mình bởi ban đầu mình nghĩ chỉ có bạn trẻ thích thú và hưởng ứng”.

Với cô gái này, đây chính là sức mạnh về mặt tinh thần để theo đuổi tận cùng tới đam mê của mình. Việc tạo ra sản phẩm thân thiện với môi trường không chỉ giúp Triều có thêm thu nhập, mà quan trọng hơn cả là cô đã làm được một điều có giá trị cho môi trường và con người.

Không dừng lại ở mục đích bảo vệ môi trường, Triều còn dành ra 5% doanh thu từ việc bán những sản phẩm tái chế để tham gia các hoạt động thiện nguyện. Điều đó giúp cô cảm thấy cuộc sống tốt đẹp và hạnh phúc hơn.

“Trong gần 3 năm nay, từ khi mình kinh doanh túi tote secondhand đến khi tái chế đồ jeans, mình cùng chồng dùng số tiền trích ra được mỗi tháng để mua quà gửi tặng các mái ấm và chương trình thiện nguyện. Dù nhỏ thôi nhưng mình thấy vô cùng ý nghĩa", Triều nói.

Triều thường gửi những vật phẩm như hộp bút jeans tự cô may hoặc túi tote để đựng sách vở thay vì bao ni lông đến tận tay các bạn nhỏ có hoàn cảnh khó khăn. Triều dành thời gian chọn lọc và giặt giũ thật sạch những chiếc túi để gửi đến những trẻ em còn nhiều thiếu thốn. Cô luôn tin rằng dù giá trị phần quà có thể không cao nhưng cách bản thân gửi gắm thì sẽ đổi lại được nụ cười của các em nhỏ. 

Cô gái 9X cho rằng không phải những người giàu có, dư dả thì mới có thể giúp đỡ người khác: “Ở bất cứ lúc nào, trong hoàn cảnh nào và chỉ cần trong khả năng của mình, chỉ cần bạn muốn thì bạn có thể giúp, miễn là bạn tự nguyện và cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc vì điều mình làm là đủ”. 

Đừng bỏ lỡ
Cuộc đối thoại giữa quá khứ và hiện tại qua Triển lãm "Cảm thức Đông Dương"

Cuộc đối thoại giữa quá khứ và hiện tại qua Triển lãm "Cảm thức Đông Dương"

Tin nổi bật13 phút trước

(Sóng trẻ) - Trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024, Tổ hợp triển lãm nghệ thuật tương tác: Cảm thức Đông Dương tại tòa nhà 19 Lê Thánh Tông trưng bày cụm các tác phẩm nghệ thuật tương tác độc đáo.

Ươm mầm sáng tạo qua Triển lãm tranh thiếu nhi “Mùa gió”

Ươm mầm sáng tạo qua Triển lãm tranh thiếu nhi “Mùa gió”

Tin nổi bật22 phút trước

(Sóng trẻ) - Sáng ngày 9/11, Triển lãm tranh thiếu nhi “Mùa gió” đã chính thức diễn ra tại Hành lang tầng 3, Cung Thiếu nhi Hà Nội.

Nhà hát Múa rối Hà Nội dự thi Liên hoan Sân khấu Hà Nội mở rộng năm 2024

Nhà hát Múa rối Hà Nội dự thi Liên hoan Sân khấu Hà Nội mở rộng năm 2024

Tin nổi bật15 giờ trước

(Sóng trẻ) - Tối ngày 8/11, tại sân khấu thủy đình Nhà hát Múa rối Hà Nội, vở rối nước đặc sắc “Hoàng thành Thăng Long” đã chính thức ra mắt, thu hút đông đảo khán giả đến thưởng thức. 

XEM THÊM TIN