Thưa bà, “hoa lụa” vào những năm 90 của thế kỷ trước, có thể nói vẫn còn là một điều xa lạ, vậy bắt đầu từ đâu mà bà lại lựa chọn theo đuổi nghề này?

Thực ra có một điều mọi người ít biết, truyền thống gia đình tôi không phải ngay từ ban đầu đã gắn với hoa lụa mà lại theo nghiệp cha truyền con nối với nghề làm chả cá. Thời Pháp thuộc, mẹ tôi là một trong những nhân vật nữ công gia chánh rất giỏi trên Hà thành. Sau này, nhờ có tài lẻ về tỉa hoa, tạo hình, mẹ tôi được mời về dạy nghệ thuật ở trường tại Hưng Yên do bác Phạm Văn Đồng mở trong đợt sơ tán năm 1983.

Sau này, khi hòa bình trở lại, gia đình tôi vẫn tiếp tục nghề cũ xong mới đổi sang nghiệp làm hoa. Khi ấy, gia đình mới nghiêm túc theo đuổi lĩnh vực này.

Có mẹ cũng là nghệ nhân, được đào tạo bài bản ngay từ nhỏ, phải chăng con đường tới với việc làm hoa lụa của bà đã được xác định theo đuổi ngay từ đầu?

Ngay từ nhỏ, vì là con út trong gia đình nên tôi cũng ít áp lực, được tự do hơn trong việc lựa chọn công việc của mình. Nghề làm hoa lụa đến với tôi có thể coi là tình yêu được bén rễ từ từ qua năm tháng.
Hồi nhỏ, tôi đã có niềm yêu thích đặc biệt với hoa, đi trên đường có hương đồng gió nội thì ngắt hoa về, thích nhất là những chậu phong lan trên đồi. Tuy nhiên, lúc ấy niềm đam mê và mong muốn được theo đuổi hội họa trong tôi lớn hơn.

Sau khi đi sơ tán về, bố mẹ đã xin cho tôi đi học lớp hội họa của thầy Nguyễn Viết Song, một người thầy mà tới giờ tôi vẫn biết ơn mãi. Đánh giá về những bức tranh của mình, thầy nói tôi có khả năng vẽ, nhưng chưa phải xuất sắc nhưng về đôi mắt nhìn nhận thiên nhiên, hình tượng của tôi thì lại rất tinh tế.

Lập tức thầy đã đến khuyên bố mẹ tôi: “Anh chị nghe tôi, họa sĩ thì vô cùng nhiều nhưng nghệ nhân thì lại rất hiếm. Hãy nghe tôi cho con đi học làm hoa. Nhất nghệ tinh nhất thân vinh.” Thời ấy quả thực trở thành một nghệ nhân rất cao quý, nên tôi đã nghe bố mẹ tiếp tục nghiên cứu về làm hoa.
Sau này, tôi có cơ hội được theo mẹ đến trường nghe dạy cách làm hoa, rồi khi thấy mẹ tỉa hoa, rảnh cũng mày mò bắt chước làm theo. Dần dần, khả năng được trau dồi, sự gắn bó khiến tôi mê mẩn bộ môn này và theo đuổi tới tận bây giờ.

Tiếp xúc từ nhỏ, gia đình có truyền thống cũng đạt được nhiều thành tựu, khi 35 tuổi được phong nghệ nhân, liệu rằng con đường với việc làm hoa lụa với bà có thể được coi là bằng phẳng?

Điều này cũng chưa hẳn là đúng. Tôi may mắn có được sự chỉ dẫn và điều kiện để phát triển không gian nghề của mình. Tuy nhiên việc làm hoa lụa thủ công với sản xuất hoa lụa đại trà lại vô cùng khác biệt. Mỗi nghệ nhân phải tự làm tay 100%, mỗi tác phẩm phải chứa đựng hồn cốt của người sáng tạo. Theo tôi đó là điều khó.

Khi bắt đầu, quá trình tự tìm tòi, nghiên cứu để vận dụng chất liệu và sáng tạo trên đó chưa bao giờ bằng phẳng, dễ đi. Nói là làm hoa giả chứ trước khi bắt tay vào làm một tác phẩm nào, việc đầu tiên tôi vẫn phải đi mua hoa thật về, ngắm nghía, nghiên cứu không phải một ngày mà thậm chí có khi là vài tháng như thế. Vì thế, làm hoa đòi hỏi sự kiên trì, yêu nghề và không ngừng học hỏi để nâng cao tay nghề. Đó đôi khi sẽ phải là cả cuộc đời đi, tìm và học.

Vậy nếu để nói về công đoạn khó nhất trong khi sáng tạo một tác phẩm hoa lụa, đó sẽ là gì?

Cách nhìn nhận! Tôi nghĩ việc một người sáng tạo có cái nhìn đúng nhất về những thứ mình dựa nên là một điều vô cùng khó nhưng làm được thì sẽ đạt được những tác phẩm có độ tốt nhất.

Ví dụ, khi sáng tạo hoa lụa, nếu chỉ coi nó là bản sao chép một chiều dựa trên mẫu hoa thực thì dù có đẹp đến đâu, nó vẫn sẽ khô cứng và thiếu hồn. Với tôi, hoa có nở phải có tàn, chứ hoa nào mà cũng tươi thắm thì không đúng. Hoa nở to đẹp là một điều tốt, nhưng có bông hoa tàn thì mới tôn được vẻ đẹp của bông hoa mới nở. Có thấy bông hoa rũ thì mới tôn được bông hoa tươi căng bên cạnh. Như vậy, tác phẩm hoa mới có sức sống, mới có được sự hồn nhiên, chân thực nhất.

Nghĩa là khi sáng tạo cần chú ý tới độ linh hoạt và sắc hoa khác nhau, vậy để làm được điều đó, quá trình lựa chọn và vận dụng chất liệu chính là lụa diễn ra như thế nào?

Lụa thì cũng có nhiều loại lụa khác nhau. Thú thực, tìm được và vận dụng cho phù hợp ý mình một chất liệu lụa nào đó cũng là cả một quá trình dài. Để tìm được loại chất liệu tốt nhất cho hoa, tôi phải dành thời gian suy nghĩ, nghiên cứu.

Ví dụ, nhìn bông hoa thược dược có cánh dày thì mình phải làm bằng loại chất liệu dày, như vậy khi vẽ mới lên được tuyết, trông mới có hồn. Nhưng khi làm hoa phăng thì phải làm hoàn toàn bằng lụa mới đạt được độ mềm dẻo như hoa vốn có. Còn với hoa bưởi, cành hoa bưởi làm bằng chất liệu vải phi thì sẽ rất xấu, lại phải làm bằng vải thô. Người không trong nghề sẽ nghĩ làm sao vải thô làm hoa lại đẹp được? Một trăm loại hoa là một trăm cách vận dụng chất liệu riêng lẻ và đa dạng. Đó cũng là đặc điểm thú vị khi đi sâu vào nghiên cứu, tìm tòi nghề này. Tất cả những điều này để biết thì phải tự đi tìm, tự nghiên cứu, đôi khi là trải qua nhiều thử nghiệm, thất bại thì mới tìm ra sự phù hợp thực sự.

Để làm nên sự đặc sắc và vẻ đẹp ấn tượng cho những tác phẩm họa lụa, chắc hẳn người nghệ nhân sáng tạo đã phải vận dụng nhiều kỹ thuật riêng, với bà thì đó là những kỹ thuật như thế nào, liệu bà có thể bật mí một chút về điều đó không?

Để có thể từ lụa tạo thành bông hoa, tôi phải cắt, rồi vẽ lên, sau đó tia màu để nó mềm mại. Tùy từng loại hoa mình mới vẽ màu, có loại thì nhuộm cánh theo kỹ thuật.
Để hoa lụa có mùi thơm giống như hoa thật, đôi khi tôi sẽ sử dụng các loại tinh dầu. Mỗi loại hoa lại có một loại tinh dầu khác nhau chiết xuất đúng mùi hương của hoa đó. Tùy từng loại hoa, tùy từng yêu cầu của khách hàng mà mình sử dụng chúng. Chỉ cần vẩy vài giọt tinh dầu vào, hương thơm sẽ dậy lên, hoa lụa không chỉ trông giống hoa thật mà còn đem lại mùi hương như thật. Làm hoa cũng cần chú trọng về cả màu sắc, hình thức tới hương thơm, như thế hoa mới giống thật nhất, có hồn và ấn tượng nhất.

Được mệnh danh là “Nữ hoàng hoa lụa” hay “Bông hoa lụa Hà Thành", các tác phẩm của Mai Hạnh luôn đặc biệt được nhiều người yêu thích. Vậy có kỷ niệm nào trên hành trình làm nghề khiến bà nhớ mãi không?

Nhớ nhất có lẽ là lần sang bên Nhật biểu diễn làm hoa. Khi đó, trong tôi có vô vàn cảm xúc khác nhau: vừa sợ hãi mà cũng vừa xúc động. Tôi bắt đầu vào bàn biểu diễn cùng với 12 nghệ nhân ở 12 nước châu Á. Tôi đã từng đi dạy ở nước ngoài từ năm 1979, nhưng đến để biểu diễn thì đây là lần đầu tiên.
Khu vực biểu diễn rất rộng, cũng có rất nhiều thương gia đến xem đại diện nghệ nhân các nước đến biểu diễn. Khi ấy, tôi lo lắng đến mức tim cứ thót lên, bởi nghệ nhân mỗi nước đều có máy dập, dập 1 lần được luôn 20 cánh hoa. Còn tôi không có, trong tay chỉ có độc 1 cây kéo. Thành thử ra tôi cũng chỉ biết cắt thôi chứ cũng chẳng biết làm thế nào. Thế mà cuối cùng, tôi lại xuất sắc đứng đầu, vì tôi đã làm tác phẩm thủ công hoàn toàn, từ cắt cho đến vẽ, rồi thành hình một bông hoa sen. Mọi người đều rất phục vì tôi làm hoàn toàn thủ công, hơn nữa tôi cắt cũng rất nhanh. Mỗi ngày tôi có thể cắt lên đến 20m vải.

Sau khi biểu diễn xong, đoàn trưởng của Nhật Bản xin mời tôi ở lại để phỏng vấn. Các vị nhận xét rằng từ dáng điệu, tư cách là thấy ở tôi có gì đó rất Hà Nội. Tác phong, dáng điệu của tôi khi đứng lên biểu diễn như múa. Thành thử ra trong 12 người có tôi và 1 người nữa về thêu đã được Nhật Hoàng nước Nhật tặng bằng khen. Đây có thể coi là một trong những niềm hạnh phúc nhất đời tôi. Sau này tôi cũng được mời sang Nhật thêm nhiều lần nữa, ngoài ra còn có các quốc gia khác như Pháp, Hàn Quốc, Ấn Độ, Singapore, Nga, Mông Cổ…

Vẫn không ngừng mỗi ngày phát triển, cống hiến và lưu giữ nghề truyền thống về hoa lụa, nhưng trong một thời đại nhiều ngành nghề truyền thống đang dần mai một thì con đường lưu giữ nghề của bà phải chăng đang gặp nhiều khó khăn?

Khó chứ! Một nỗi buồn của tôi khi đến với nghệ thuật là những người theo nghề mình gần như không có. Làm hoa vừa đòi hỏi có thẩm mỹ, lại đòi hỏi sự kiên trì và yêu nghề. Nhiều bạn trẻ cũng theo học nhưng không lâu, hoặc có theo lâu nhưng khó đạt được độ tinh tế như mong muốn trong tay nghề.

Vì thế, trong suốt những năm qua, tôi đã đến không ít ngôi trường, làng hữu nghị truyền nghề cho các học sinh, tạo công ăn việc làm cho các em mồ côi, tàn tật. Thậm chí tôi còn dạy cho cả những du khách nước ngoài có niềm đam mê với nghệ thuật hoa lụa. Tôi vẫn tiếp tục hành trình đưa nghệ thuật hoa lụa tới nhiều người biết nhất có thể, để rồi ở đâu đó ươm mầm những tài năng nhỏ cho một thế hệ những nghệ nhân hoa lụa như tôi ra đời.

Hơn 50 năm gắn bó với nghề hay có thể nói là dùng cả một đời để theo đuổi, vậy động lực nào đã khiến bà thực hiện công việc này lâu như vậy?

Có nhiều điều làm nên quyết định đó lắm! Nếu có thì điều đầu tiên giữ chân tôi lại là vì niềm đam mê. Trong quá trình làm ra một tác phẩm hoa, càng nghiên cứu, tôi càng có thời gian để mình nhập vào bông hoa, sống cùng hồn hoa. Tôi phát hiện ra thêm nhiều điều thú vị về hoa, càng làm tôi càng say mê. Để rồi giờ đây trở thành niềm yêu nghề được ấp ủ sau hàng chục năm.

Có những lúc tôi làm hoa đến say đắm, hai giờ sáng chưa đi ngủ. Bởi vì khi làm một tác phẩm hoa ấy mà, thấy được vẻ đẹp của nó thì sung sướng lắm. Vì thế mà khi làm ra được những tác phẩm nghệ thuật đẹp thì cảm xúc lớn nhất trong tôi chính là sự hạnh phúc. Tôi luôn hạnh phúc và tự hào khi được cống hiến các tác phẩm, mang sắc hoa lan tỏa không chỉ trong Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới.

Cảm ơn những chia sẻ của bà rất nhiều!

Xem chi tiết bài viết tại đây.

Đừng bỏ lỡ
[Infographic] 2 mức quà tặng người có công dịp 27/7 của TP Hà Nội

[Infographic] 2 mức quà tặng người có công dịp 27/7 của TP Hà Nội

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Theo quyết định số 590/QĐ-CTN Chủ tịch nước ký ngày 25/6/2024, quà tặng cho người có công với cách mạng nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024) được chia thành hai mức 600.000 đồng và 300.000 đồng.

Đoàn giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực tế tại cơ quan báo chí, xuất bản Thanh Hoá

Đoàn giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực tế tại cơ quan báo chí, xuất bản Thanh Hoá

Tin nổi bật3 tháng trước

(Sóng trẻ) - Hoạt động diễn ra vào ngày 6/6, nhằm tăng cường gắn kết lý luận với thực tiễn, nâng cao chất lượng đào tạo ngành báo chí - truyền thông tại các đơn vị.

Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác

Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác

Tin nổi bật3 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 19/5, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), đồng bào khắp mọi miền Tổ quốc đều hướng về Lăng Bác dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1980 - 19/5/2024). Trong tim mỗi người dân đều mang một cảm xúc bồi hồi khó tả.

XEM THÊM TIN