Chiến tranh kết thúc, trở về cuộc sống thời bình, trên vai người chiến sĩ Đinh Thế Văn là niềm tự hào hãnh diện, là nỗi nhớ đồng đội, quê hương. Để tiếp tục phát huy phẩm chất của “Bộ đội cụ Hồ - tận trung với nước, tận hiếu với dân", vị Đại tá ấy không chỉ đóng góp trong đấu tranh bảo vệ nền độc lập tự do, mà còn giữ gìn và phát triển nghệ thuật truyền thống Việt Nam.

PV: Đến nay, ký ức về chiến tranh có ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống hiện tại của ông?

Là người lính trải qua vô số trận đánh khốc liệt, từng tham gia cả hai chiến dịch Điện Biên Phủ 1954 và Điện Biên Phủ trên không 1972, tôi chưa bao giờ quên những ký ức ấy. Chiến đấu với máy bay B52, tôi vẫn nhớ như in hình ảnh chúng gầm rú bay trên bầu trời Hà Nội, tiếng ném bom liên tục, đất nước bị tàn phá, chiến đấu trong hoàn cảnh ấy, tiểu đoàn 77 chúng tôi càng quyết tâm phải bắn hạ máy bay địch. 

Bây giờ, mặc dù sống gần sân bay Nội Bài, hàng ngày nghe tiếng máy bay, tôi may mắn không gặp ảnh hưởng xấu hậu chiến tranh. Phải hiểu thế này, cái tiếng máy bay của giặc trời nó kinh khủng, đinh tai nhức óc lắm, mang trên người nó là tấn bom đạn. Còn máy bay của ta bây giờ, êm dịu và dễ nghe hơn rất nhiều, hơn cả chở trên đó là hàng trăm đồng bào ta, sứ mệnh khác nhau nhiều chứ. Cho đến bây giờ hay mãi về sau, tôi luôn tự hào vì đã chiến đấu hết mình cho Tổ quốc, vui vì đất nước thanh bình, người dân được sống trong nền độc lập, tự do. Chính vì vậy, từ khi nghỉ hưu đến nay, cuộc sống tôi thanh thản, tôi còn được truyền lửa về lịch sử về nghề cho lớp trẻ. 

PV: Hơn 30 năm từ ngày về hưu, ông đã từng gặp lại những đồng đội cũ năm xưa chưa? 

Tôi hoạt động trong quân ngũ đã lâu, cùng luyện tập, cùng chiến đấu với biết bao nhiêu người, có người đã ngã xuống, cũng có người vẫn còn sống đến bây giờ. Trước khi nghỉ hưu, tôi và các đồng đội đã hứa với nhau rằng sau này, khi có thời gian nhất định phải gặp nhau. Những người ở xa còn sống, gian khổ sung sướng như nào chúng tôi đều liên hệ để anh em được đoàn tụ. Riêng tiểu đoàn 77 hy sinh hơn chục người, từ khi nghỉ công tác, tôi đã đi gần 20 nghĩa trang tưởng niệm từ Bắc chí Nam tới Tây Nguyên, Đồng Văn… thắp hương cho những đồng đội đã ngã xuống nơi chiến trường.  

Thêm vào đó, hậu quả sau chiến tranh nó lớn lắm, vừa chịu cảnh đổ nát của bom đạn, vừa chịu sự giày vò của chất độc màu da cam đến thế hệ sau này. Về hưu rồi tôi cùng đồng đội đi làm từ thiện nhiều nơi, nhất là miền Trung, nhìn thấy cảnh chiến sĩ cùng thời ra trận với mình và thế hệ sau của họ ảnh hưởng bởi chiến tranh, tôi thương và đau lòng lắm. 

PV: Trở về quê hương sau khi đã lập nhiều chiến công, có thể nghỉ ngơi an dưỡng tuổi già, tại sao ông lại chọn thả hồn vào những tích trò? 

Người ta cứ nghĩ khi về rồi, tôi có thể nghỉ ngơi nhưng vì niềm yêu thích, nỗi trăn trở nên tôi cứ thế gắn bó với con rối, với các tích trò. Hơn nữa, tôi sinh ra trong gia đình có truyền thống làm nghề, cha dặn không được bỏ mà phải yêu, phải giữ. 

Tôi cũng từng là người lính, tham gia biết bao nhiêu trận đấu, cho nên, tôi muốn lấy những kỷ niệm sâu sắc trong đời mình truyền lại cho các thế hệ. Tôi muốn truyền lửa cho các cháu, thế hệ sau nên quyết định làm kịch bản mới dựa trên ký ức về một thời bom đạn, đưa vào trong con rối, vào nghệ thuật để quần chúng dễ tiếp thu. Đời vui chỗ ấy, thực hiện đúng khẩu hiệu “sống vui, sống khỏe, sống có ích”, tôi sống vui thì càng khỏe càng làm được nhiều việc có ích cho địa phương mình. 

PV: Khi đang quen với hình ảnh là một người lính, trở về với cuộc sống tại phường rối nước Đào Thục, ông đã gìn giữ nghề truyền thống này như thế nào?

Thực tế, trong những năm chiến tranh, vì không có điều kiện biểu diễn và cũng không ai xem, phường rối đã xao nhãng đi hàng chục năm, khoảng 30 - 40 năm chứ không phải là ít. Thời điểm tôi trở về, không còn nhiều nhà làm rối, thủy đình cũng không còn, bà con chỉ còn làm lúa nước, nên tôi nghĩ mình cần phải khiến cho nghề sống lại.

Rối nước như một phần con người tôi, khiến tôi phải tìm cách “cứu nghề”. Lúc ấy, tôi đã lên Bộ Văn hoá, đến Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, đến Sở Văn hóa Hà Nội, rồi UBND huyện Đông Anh đề nghị khôi phục rối nước ở địa phương. Tôi khơi lại ý thức lịch sử trong lòng dân làng về những đình, chùa, cụ tổ rối nước… sau khi khôi phục được các di tích, tôi tìm lại các tích trò cũ. Từ đó, dần dần làng Đào Thục ổn định và phát huy nghề đến hiện tại. 

PV: Tôi nghe nhiều người trong làng cho rằng lớp trẻ giờ đã dần rời xa nghệ thuật truyền thống, đứng trước tình trạng này, ông đã làm gì để giáo dục thế hệ trẻ tại làng qua nghệ thuật rối nước?

Tôi luôn đau đáu một nỗi niềm là làm sao để các cháu yêu nghề, các cháu giữ được truyền thống của làng Đào Thục. Đặc biệt là kinh tế thị trường phát triển, chỉ múa rối nước thôi thì không thể đảm bảo đời sống gia đình. Nghệ nhân trong làng cũng truyền lại cho rất nhiều nhưng nhiều cháu phải bỏ nghề vì không kiếm sống được. 

Vì cái tâm, cái truyền thống nên nhiều anh em có tay nghề cao ai cũng nghĩ về văn hóa làng nên vẫn cố bám lấy nghề. Thế nên, những người như tôi luôn phải cố gắng truyền lại cho lớp sau, gìn giữ truyền thống cha ông. Mặc dù không còn trực tiếp múa rối, tôi vẫn tham gia vào công tác cố vấn, hậu trường, truyền dạy cho các cháu trong làng. Giờ nhiều cháu được học rối nước từ nhỏ, cả làng cùng nhau gìn giữ. 

Đến nay phường rối Đào Thục chúng tôi luôn cố gắng, cộng thêm sự động viên, giúp đỡ từ nhà nước, rối nước Đào Thục được đầu tư thì càng có cơ hội phát triển. Các con rối được làm đẹp hơn, đường xá đến với làng cũng được làm mới rộng rãi, các buổi diễn thu hút nhiều người quan tâm đón nhận khiến cho nghề múa rối nước vẫn còn giữ đến ngày nay. Tôi càng vui hơn nữa khi công sức của mình được đền đáp, năm 2023, múa rối nước Đào Thục được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Không chỉ tôi, mà mọi người dân càng thêm phấn khởi, cùng nhau truyền dạy, phát huy vốn quý của làng. 

PV: Là một người từng trải qua những trận đánh khốc liệt, liệu có điều gì ông rút ra từ thời gian hoạt động quân ngũ để áp dụng vào nghề rối nước?

“Kiên trì, học hỏi, hiểu dân và thương dân” đó là những cái tôi đúng kết sau khi tham gia quân đội. 

Vì chiến tranh khiến rối nước Đào Thục từng mai một đi nhiều năm, nên người làm nghề như tôi phải kiên trì tìm lại những vết tích xưa, khơi lại lòng yêu nghề của người dân địa phương. Tôi đã gặp nhiều cơ quan, đoàn thể vận động, giải thích với bà con đề nghị khôi phục nghề bởi tôi không muốn mất đi văn hóa vốn có từ cha ông tôi. Lúc đó, tôi thấy Đào Thục trước kia nhộn nhịp tiếng nhạc tiếng ca sao giờ đìu hiu thế, lớp trẻ thì không mặn mà với nghề. Cho nên cần hiểu vì sao dân nghèo, thương con cháu trong làng, nên tôi bảo mọi người phải vận động, đưa các cháu về nghề xưa chốn cũ. Lớp này kế cận lớp khác, luôn học và phải học, học trong thời đại mới để không bị tụt lại. 

Tôi hành quân qua biết bao tỉnh thành, cống hiến cho đất nước mấy chục năm nên khi về thấy tình cảnh làng lúc bấy giờ, tôi không thể đứng nhìn mà quyết giúp xóa đói giảm nghèo. Mình phải đưa nghề rối nước trở lại thì đời sống dân làng mới khá lên một phần, tôi đã nghĩ như vậy suốt hành trình khôi phục nghề của mình.

PV: Năm 2003, ông từng dựng hoạt cảnh: “Hà Nội chiến thắng B52” trên sân khấu rối nước Đào Thục, lí do nào khiến ông muốn dựng lại hoạt cảnh ấy?

Như chia sẻ ở trên, tôi khao khát truyền lửa cho lớp trẻ, đặt hết tâm huyết của mình vào sân khấu rối nước. Tôi nghĩ thêm cứ diễn mãi những tích trò cũ thì không đủ hấp dẫn, cần phải có tiết mục mới, tôi nhớ lại những trận đánh B52 và quyết định tái hiện lại ký ức ấy trên quê nhà. 

Tôi cho rằng hoạt cảnh “Hà Nội chiến thắng B52” không những có sự mới lạ, mà còn có tác dụng giáo dục lịch sử cho khán giả, đặc biệt là lớp trẻ. Năm 2003, tôi cùng đạo diễn Mạnh Hùng, các nghệ nhân khác trong làng bắt tay vào dựng hoạt cảnh mới, thiết kế những con rối chưa từng có trong lịch sử Đào Thục như: những chú bộ đội, những cô dân quân, những chiếc máy bay Mỹ, những quả tên lửa… 

PV: “Hà Nội chiến thắng B52” là hoạt cảnh rất đặc sắc của phường rối nước Đào Thục, vậy điều gì làm nên sự khác biệt so với những tích trò cũ, thưa ông?

Trước tiên, kịch bản hoạt cảnh này phải công phu, muốn biểu diễn được phải có sân khấu rộng, đạo cụ như máy bay, tên lửa được tạo hình ra sao. Các con rối cũng được làm hoàn toàn mới và khác so với những lần biểu diễn trước. Việc điều khiển rối đòi hỏi kỹ thuật phức tạp, cần số lượng lớn nghệ nhân biểu diễn. Để thực hiện được buổi diễn cũng mất rất nhiều công sức người làm, kinh phí sản xuất nên chỉ khi có đoàn đặt xem trước thì hoạt cảnh này mới được diễn lại.

Điều kiện sân khấu là một, hai là tốn nhiều kinh phí, ba là phải tập hợp nhiều nghệ nhân. Ba yếu tố trên thực hiện được thì mới thành công được “Hà Nội chiến thắng B52”. Một điểm rất hay, đó là chiến tranh của chúng ta là chiến tranh toàn dân cùng nhau đánh giặc nên tiết mục B52 cũng thể hiện được đặc trưng này. Như câu nói: “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, hoạt cảnh được dàn dựng rất công phu, đầu tiên là tên lửa bắn rơi B52, sau là các phi công nhảy dù xuống, những người đang đi cày cũng ra bắt “giặc lái”, những người đang đánh bắt cá, làm đồng biết “giặc lái” đang rơi xuống cũng bỏ để bắt giặc. 

Tiết mục múa rối này phải nói là truyền lửa và phát huy truyền thống chống giặc ngoại xâm. Rất may, sau khi hoàn thành và biểu diễn hoạt cảnh này, khán giả hưởng ứng rất nhiệt tình, không ai là không kinh ngạc, kể cả lớp trẻ nên xem để biết đến rối nước Đào Thục, để ý thức phải giữ gìn những gì ông cha ta đã làm.

Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện. Kính chúc ông thật nhiều sức khỏe!

Đừng bỏ lỡ
Khóa II Khoa Báo chí: Hành trình 50 năm hội ngộ và tri ân

Khóa II Khoa Báo chí: Hành trình 50 năm hội ngộ và tri ân

Tin nổi bật2 tuần trước

(Sóng trẻ) - Nhân kỷ niệm 50 năm ngày tựu trường của cựu sinh viên báo chí (1975 - 2025), ngày 15/3, Ban liên lạc khóa II khoa Báo chí tổ chức buổi gặp mặt thân mật tại tầng 10, tòa nhà A1, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Người dân cả nước hân hoan đón Giao thừa Tết Ất Tỵ 2025

Người dân cả nước hân hoan đón Giao thừa Tết Ất Tỵ 2025

Tin nổi bật2 tháng trước

(Sóng trẻ) - Thời khắc chuyển giao sang năm mới Ất Tỵ 2025, không khí hân hoan bao trùm nhiều tỉnh thành trên cả nước. Hàng triệu người dân từ Bắc vào Nam hòa mình vào màn pháo hoa rực rỡ, các chương trình nghệ thuật đặc sắc cùng nhiều hoạt động văn hóa.

Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"

Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - 14h30 ngày 05/12/2024, Trang tin điện tử Sóng trẻ sẽ tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Đi và viết khi ta còn trẻ”.

XEM THÊM TIN