(Sóng trẻ) - Không tốn kém về tiền bạc, không mất quá nhiều công sức nhưng sau nhiều năm triển khai, chương trình phân loại chất thải tại nguồn vẫn chưa đạt kết quả như kỳ vọng. Tình trạng này khiến việc triển khai EPR, hướng đến nền kinh tế tuần hoàn càng trở nên khó khăn hơn.

Trao đổi với tiến sĩ Quách Thị Xuân (Trưởng đại diện Tổ chức Môi trường Thái Bình Dương, Điều phối viên của Liên minh không rác Việt Nam) về những khó khăn khi thực hiện EPR tại Việt Nam, bà khẳng định: “Vì chúng ta chưa thực hiện tốt việc phân loại rác tại nguồn và các công ty môi trường chưa có cách thu gom bài bản nên lực lượng lao động phi chính thức sẽ đóng vai trò quan trọng để thực hiện EPR hiệu quả”. Như vậy, bên cạnh việc nâng cấp cơ sở hạ tầng và phát triển lực lực thu gom, xử lý rác thải tương xứng, phân loại rác tại nguồn là điều kiện đầu tiên chúng ta cần đạt được để hướng đến một nền kinh tế tuần hoàn với nhựa bền vững, giải quyết ô nhiễm môi trường. 

Theo “Báo cáo Hiện trạng chất thải nhựa năm 2022” được Bộ Tài nguyên & Môi trường công bố vào tháng 4/2023, trong tổng số 2,9 triệu tấn chất thải nhựa trên toàn quốc, chỉ có 0,9 triệu tấn rác thải nhựa được phân loại cho tái chế,  còn lại 90% rác thải sinh hoạt không qua phân loại. Thực trạng này khiến vấn đề ô nhiễm nhựa tại nước ta ngày càng khó kiểm soát. 

Từ góc độ quản lý, Chính phủ một lần nữa khẳng định quy định Phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo khoản 1 điều 75 của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 phải được thực hiện chậm nhất là ngày 30/12/2024. Tuy nhiên, đến hiện nay mục tiêu này có nguy cơ “quá hạn” bởi việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn hiện vẫn đang trong quá trình thí điểm. 

Đầu tháng 6/2024, Hà Nội triển khai phân loại chất thải rắn tại nguồn với 5 quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Nam Từ Liêm. Nhưng theo ghi nhận của phóng viên tại phường Phạm Đình Hổ, người dân vẫn chưa quen với việc phân loại chất thải tại nguồn, công tác tuyên truyền còn kém hiệu quả, nhiều người dân vẫn chưa nắm bắt được thông tin. 

 Tại xã Phương Trung, Hà Nội,  phần lớn rác thải vẫn chưa được phân loại, ùn ứ lâu dài gây mất ảnh hưởng mỹ quan. (Ảnh: Hương Ly)
Tại xã Phương Trung, Hà Nội, phần lớn rác thải vẫn chưa được phân loại, ùn ứ lâu dài gây mất ảnh hưởng mỹ quan. (Ảnh: Hương Ly)

Ông Nguyễn Xuân Tài (sinh sống tại phường này) chia sẻ: “Tôi có nghe đài báo tuyên truyền cần phải phân loại rác, nhưng thú thật tôi vẫn chưa biết loại nào thuộc nhóm nào, mọi người ở đây vẫn thu gom rác thải lẫn lộn với nhau”.

Trong tình cảnh tương tự, chia sẻ với phóng viên, ông Cường (sinh sống tại phố Lò Đúc, phường Phạm Đình Hổ) cho hay: “Tôi cũng ủng hộ việc phân loại chất thải tại nguồn này, nhưng đến nay vẫn chưa thấy phường phổ biến. Có lẽ triển khai ở Việt Nam mình hơi khó, vì ý thức người dân không cao. Đặc biệt là những người già, họ không quan tâm đến mấy việc đấy vì mất thời gian". 

Còn đối với gia đình bà Hoa (sinh sống tại phố Lò Đúc, phường Phạm Đình Hổ), tuy không lúng túng trong phân loại nhưng thực trạng thiếu đồng nhất khiến bà cảm thấy hoạt động này vẫn là vô nghĩa. Bà Hoa bức xúc cho biết: “Gia đình tôi đã thực hiện phân loại rác theo quy định, nhưng các hộ dân xung quanh có nhà vẫn “chứng nào tật ấy" thu gom chung rác thải với nhau rồi mang ra khu tập kết. Như vậy việc phân loại của tôi cũng chả có ích gì”.

Việc phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn là trách nhiệm chung của mỗi người dân, bởi nó mang lại rất nhiều ý nghĩa cho cộng đồng, cho đất nước. Nhiều hộ gia đình đã triển khai phân loại, chia tách rác thải sinh hoạt ngay tại nhà theo từng loại (rác thải hữu cơ, rác thải tái chế và các chất thải khác). 

Tuy nhiên, khi đem ra điểm tập kết thì tất cả các loại rác lại để chung vào một thùng, một xe vận chuyển. Điều này cho thấy các khâu từ phân loại rác tới đơn vị chịu trách nhiệm thu gom, vận chuyển, đưa đi xử lý rác còn chưa được đồng bộ. Đây cũng là trở ngại mà hầu hết các địa phương đều đang gặp phải.

Phương tiện thu gom rác thải chưa đảm bảo tiêu chuẩn và rác thải vẫn thu chung vào một xe. (Ảnh: Hương Ly)
Phương tiện thu gom rác thải chưa đảm bảo tiêu chuẩn và rác thải vẫn thu chung vào một xe. (Ảnh: Hương Ly)

Bà Lan (nhân viên thu gom rác phường Phạm Đình Hổ) cho biết: “Chúng tôi cũng chỉ đi làm thuê, việc thu gom này còn phụ thuộc vào phương tiện thu gom. Phương tiện chưa được cải tiến, còn hạn chế về số lượng. Bên cạnh đó nhiều hộ gia đình dù đã phân loại rác thải nhưng lại để vào 2 túi nilon giống màu nhau, đặc biệt là túi nilon tối màu khiến chúng tôi khó khăn trong việc phân biệt đâu là rác vô cơ, đâu là rác hữu cơ nên đều bỏ hết lên xe để chở đi".

Chia sẻ về vấn đề trên, tiến sĩ Hoàng Thị Huê nhấn mạnh: “Phân loại rác tại nguồn mở ra cơ hội tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và tạo ra nguồn thu nhập đáng kể. Các vật liệu tái chế như kim loại, nhựa, thủy tinh,... có thể được sử dụng để sản xuất các sản phẩm mới, thay thế cho việc khai thác tài nguyên thô. Hoạt động tái chế rác thải cũng giúp giảm thiểu nhu cầu khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường và giảm thiểu biến đổi khí hậu”.

Trên thực tế, Cục kiểm soát ô nhiễm của Bộ tài nguyên môi trường đã đưa ra dự thảo hướng dẫn kỹ thuật về phân loại rác thải, hướng dẫn kỹ thuật về thu gom, vận chuyển. Tuy nhiên, để việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đạt kỳ vọng, tiến sĩ Hoàng Thị Huê cho rằng cần tăng cường khâu giám sát phân loại tại nguồn và thu gom, đặc biệt ở khu vực đô thị. 

“Ở đô thị, chung cư, chúng ta cần phải đầu tư hệ thống camera để theo dõi. Ở khu vực nông thôn, cần có những phong trào “mô hình cộng đồng quản lý chất thải rắn" để mọi người cùng ký cam kết dưới dạng “hương ước" đảm bảo phải thực hiện theo hương ước. Đồng thời, việc đầu tư thiết bị thu gom chuyên dụng với từng loại rác cũng là điều nên làm để việc phân loại có tính đồng bộ và mang lại hiệu quả cao hơn”, tiến sĩ Huê kiến nghị. 

Bên cạnh đó, giải pháp quan trọng nhất chính là truyền thông, tập huấn nhằm nâng cao nhận thức của người dân. “Các địa phương cần hướng dẫn người dân một số phương pháp xử lý tại nguồn như ủ phân đối với rác hữu cơ hay phân loại theo nhóm đối với rác vô cơ. Làm được như vậy không chỉ hạn chế lượng rác thải khó phân hủy mà còn giúp giảm gánh nặng cho hệ thống tái chế hiện nay”, tiến sĩ nói. 

 

Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, các địa phương phải triển khai thực hiện phân loại chất thải sinh hoạt chậm nhất đến ngày 31-12-2024. 

Theo nghị định 45 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường cũng quy định sau ngày 31-12-2024, người dân không phân loại rác thải sinh hoạt sẽ bị phạt từ 500.000 - 1 triệu đồng.

 

Theo dõi toàn bộ tuyến bài tại đây: Thách thức của tái chế nhựa

Đừng bỏ lỡ
[Infographic] 2 mức quà tặng người có công dịp 27/7 của TP Hà Nội

[Infographic] 2 mức quà tặng người có công dịp 27/7 của TP Hà Nội

Tin nổi bật2 tháng trước

(Sóng trẻ) - Theo quyết định số 590/QĐ-CTN Chủ tịch nước ký ngày 25/6/2024, quà tặng cho người có công với cách mạng nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024) được chia thành hai mức 600.000 đồng và 300.000 đồng.

Đoàn giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực tế tại cơ quan báo chí, xuất bản Thanh Hoá

Đoàn giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực tế tại cơ quan báo chí, xuất bản Thanh Hoá

Tin nổi bật3 tháng trước

(Sóng trẻ) - Hoạt động diễn ra vào ngày 6/6, nhằm tăng cường gắn kết lý luận với thực tiễn, nâng cao chất lượng đào tạo ngành báo chí - truyền thông tại các đơn vị.

Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác

Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 19/5, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), đồng bào khắp mọi miền Tổ quốc đều hướng về Lăng Bác dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1980 - 19/5/2024). Trong tim mỗi người dân đều mang một cảm xúc bồi hồi khó tả.

XEM THÊM TIN