Nắm bắt nhu cầu làm đẹp của người dân, nhiều cơ sở làm đẹp mọc lên “như nấm”. Sẽ không có gì đáng nói, nếu các cơ sở này tuân thủ nghiêm theo đăng ký kinh doanh, hoạt động dịch vụ theo giấy phép được cấp, vừa đảm bảo quy định của pháp luật và an toàn cho khách hàng. Thế nhưng, thời gian qua, các bệnh viện liên tục tiếp nhận bệnh nhân bị biến chứng nặng do tiêm filler. Sự việc gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về việc phẫu thuật thẩm mỹ chui đang diễn ra tại các cơ sở làm đẹp. Đồng thời, dấy lên nghi ngờ trong quy trình tổ chức thẩm mỹ.
Qua tìm hiểu của PV, nhiều cơ sở thẩm mỹ trái phép để lấy lòng tin người dân thường lựa chọn những tên gọi hết sức sang trọng, mỹ miều như "beauty", "clinic", "academy",… hay chèn thêm tiếng Hàn Quốc, Nhật Bản. Ngoài ra, cơ sở thường thay đổi địa điểm liên tục, có nơi chỉ hoạt động ở chung cư với diện tích khoảng 60-80m2 hoặc các tiệm làm tóc, gội đầu để dễ dàng “trá hình”. Chính vì vậy, khách hàng sau vài tháng làm đẹp gặp biến chứng không biết kêu ai khi những cơ sở này đã mất tích.
Theo số liệu của Hội Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ TP Hà Nội, hiện nay có khoảng 3.000 cơ sở thẩm mỹ chui hoạt động. Dưới những vỏ bọc như spa, các cửa hàng được gọi là chăm sóc da nhưng thực chất bên trong lại là phòng phẫu thuật thẩm mỹ với lời quảng cáo hấp dẫn. Đây thật sự là những cái bẫy những người có nhu cầu làm đẹp. Chỉ vì đặt niềm tin nhầm chỗ nên nhiều người đã phải trả giá đắt, trở thành nạn nhân của những cơ sở thẩm mỹ trái phép, thậm chí phải trả giá bằng cả tính mạng.
Đặc biệt, để lách luật, các cơ sở này thường đăng ký là spa chăm sóc da. Mới đây, thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã liên tiếp đình chỉ hoạt động của các cơ sở thẩm mỹ không được cấp phép nhưng vẫn cố tình thực hiện các dịch vụ như nâng mũi, tiêm filler, cắt mí,... Tất cả các nhân viên thực hiện kỹ thuật này tại đây đều không có bằng cấp về y tế.
Cụ thể, vào đầu tháng 9 vừa qua, cơ sở thẩm mỹ VIN, địa chỉ đường Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân, Hà Nội), vốn được quảng cáo là nâng mũi, cắt mí, độn mỡ do bác sĩ các bệnh viện lớn có uy tín thực hiện đã bị phát hiện không có tên trong danh sách được Sở Y tế Hà Nội cấp phép hoạt động thẩm mỹ.
Còn tại một cơ sở làm đẹp nằm trên phố Xã Đàn (quận Đống Đa, Hà Nội) vào thời điểm thanh tra Sở Y tế Hà Nội vào kiểm tra đột xuất, phòng phun xăm lại đang diễn ra hoạt động niềng răng. Bên trong phòng chăm sóc da là bàn phẫu thuật cùng nhiều trang thiết bị y tế. Kiểm tra sổ sách, thanh tra phát hiện, cơ sở đã thực hiện các thủ thuật làm đẹp như hút mỡ, phẫu thuật mũi, môi cằm với giá hàng chục triệu đồng/ca. Theo nhân viên cửa hàng, tất cả những dịch vụ này, đều do bác sĩ được thuê về thực hiện.
Trước đó, vào đầu tháng 8, thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng đã đột nhập vào khách sạn nằm trên quận 1, phát hiện một nhóm người có dấu hiệu thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ cho khách hàng sau khi đơn vị nhận được thông tin phản ánh của người dân.
Qua quá trình kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện các dụng cụ phục vụ phẫu thuật thẩm mỹ gồm bông, gạc, thuốc sát trùng, máy đốt, đèn tiểu phẫu, mực phun xăm, thuốc uống, thuốc tê, hộp tiêm filler… đã mở và đang sử dụng. Trong nhà vệ sinh, thùng rác có vứt băng gạc thấm máu tươi, ống thuốc, kim tiêm… đã sử dụng. Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã tiến hành niêm phong, tạm giữ các dụng cụ, trang thiết bị y tế nêu trên. Đơn vị sẽ tiếp tục tổng hợp hồ sơ và mời các cá nhân có liên quan đến làm việc, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật khi có phát hiện sai phạm.
Theo quy định của pháp luật, các phương pháp làm đẹp có xâm lấn, như tiêm filler, nâng mũi, nâng ngực, tiêm mỡ, hút mỡ… phải được cấp phép và chỉ được thực hiện tại bệnh viện. Đặc biệt những bệnh viện thẩm mỹ phải trải qua khâu thẩm định của Sở Y tế các tỉnh, thành phố với những yêu cầu rất khắt khe, được đánh giá hết sức chặt chẽ mới được cấp phép. Sau khi cơ sở đi vào hoạt động, Sở Y tế còn phải kiểm tra đột xuất không chỉ về thủ tục giấy tờ mà còn kiểm tra cả trình độ và việc cập nhật kiến thức của bác sĩ, vì theo quy định, trong 2 năm bác sĩ phải trải qua 48 tiết học liên tục để tiếp nhận kiến thức mới, nâng cao tay nghề.
Tuy nhiên, với tình trạng “bát nháo" các loại chứng chỉ như hiện nay, những tấm giấy chứng nhận để lấy lòng tin khách hàng có thể dễ dàng có được. Khi trong vai là người muốn học nghề làm đẹp, PV được chủ các cơ sở thẩm mỹ “chào mời” bằng nhiều chiêu trò khác nhau. Theo đó, học qua loa từ 7-20 ngày là đã có thể nhận chứng chỉ “ảo” tiêm trên toàn bộ cơ thể người, hay có cơ sở “nổ” rằng chỉ cần 6-7 triệu đồng là đã nhận được bằng điều dưỡng hệ trung cấp. Đây chính là lỗ hổng trong công tác quản lý của ngành nghề này.
Nhằm bảo đảm việc chấp hành các quy định của pháp luật, nâng cao chất lượng trong hoạt động cung cấp dịch vụ thẩm mỹ, chăm sóc sắc đẹp, chính quyền các địa phương đã triển khai nhiều biện pháp. Như tại quận Hà Đông (TP Hà Nội), Phó Chủ tịch UBND quận này cho biết, UBND quận yêu cầu các phòng, ban, cơ quan chức năng và UBND các phường phối hợp tăng cường kiểm tra hoạt động các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ, tham mưu UBND quận xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm.
Hay tại quận Hai Bà Trưng, UBND đã tăng cường công tác quản lý bằng các hoạt động kiểm tra, xử phạt. Trong 8 tháng đầu năm 2022, toàn quận đã kiểm tra 532 lượt cơ sở, xử phạt gần 600 triệu đồng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm tại một số thẩm mỹ viện.
Đặc biệt, về vấn đề trên, các chuyên gia ngành thẩm mỹ đưa ra khuyến cáo, người dân cần lựa chọn các cơ sở được cấp phép hoạt động thẩm mỹ. Với các thủ thuật, kỹ thuật xuyên qua da (kỹ thuật xâm lấn) hoặc có bôi, đắp thuốc trên da diện rộng, cần tới các bệnh viện bảo đảm đúng chuyên môn về thẩm mỹ và cấp cứu hồi sức.
Theo ông Nguyễn Văn Nhiên, Phó chánh thanh tra Bộ Y tế: “Quản lý các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ trước hết thuộc trách nhiệm của sở y tế các tỉnh, thành. Cùng với việc tăng cường thanh kiểm tra, cơ quan quản lý cần áp dụng việc xử phạt, chấn chỉnh hiệu quả, triệt để; đồng thời cơ quan quản lý cũng cần có các hình thức thông tin để người có nhu cầu làm đẹp tiếp cận được các cơ sở được cấp phép, sử dụng dịch vụ an toàn”.
Trong khi đó, trao đổi với PV Sóng trẻ, luật sư Nguyễn Tiến Thủy (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: “Về góc độ pháp lý, theo khoản 6, Điều 39, Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; hoặc đang trong thời gian bị đình chỉ hoạt động; hoặc tại địa điểm không được ghi trong giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh”.
Như vậy, cơ sở thẩm mỹ viện hoạt động trái phép có thể bị phạt hành chính lên tới 50 triệu đồng. Ngoài ra, còn có thể bị đình chỉ hoạt động trong thời hạn từ 12 tháng đến 24 tháng theo khoản 7, Điều 39, Nghị định 117.
“Ngoài chế tài xử lý vi phạm hành chính, nếu trong thời gian hoạt động, các cơ sở này gây ra hậu quả chết người; hoặc tổn thương về sức khỏe của những khách hàng đến thực hiện dịch vụ; thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 315 – Bộ luật Hình sự 2015 về tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” - Luật sư Nguyễn Tiến Thủy nhấn mạnh.
Nhiều ý kiến chuyên gia pháp lý cũng cho biết, những chế tài xử phạt hiện nay vẫn còn chưa đủ sức răn đe. Từ đó, bất chấp các quy định, nhiều chủ cơ sở vẫn ngang nhiên vi phạm, thực hiện các kĩ thuật không được phép, chỉ để đạt được mục đích lợi nhuận. Thực trạng này một lần nữa đặt ra những đòi hỏi bức thiết phải tăng nặng các biện pháp, chế tài quản lý nhà nước hay có những biện pháp “cứng rắn" hơn với các vi phạm này.
Rõ ràng, để bảo đảm sức khỏe, tính mạng của mình, người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin, chỉ nên sử dụng dịch vụ thẩm mỹ khi cơ sở được cấp phép thực hiện kỹ thuật; bác sĩ được đào tạo về chuyên môn, được cấp chứng chỉ hành nghề; thuốc và các phương tiện máy móc được cấp phép lưu hành.
Mời các bạn xem chi tiết bài viết tại: Thâm nhập thị trường tiêm filler trái phép - Kỳ 3: Cần những chế tài mạnh mẽ hơn
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.
Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam
(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam
(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.