Hơn 12 năm theo nghề, đôi bàn tay ấy dần trở nên thuần thục hơn trong mỗi đường vẽ, bớt run hơn và cũng bớt xa lạ hơn.
Năm 19 tuổi, Bích Ngọc khiến không ít bạn bè ngưỡng mộ bởi thành tích học tập đáng nể của mình tại trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội với vị trí Á khoa ngành Thiết kế Thời trang. Nếu “an phận” thì có lẽ giờ đây Bích Ngọc đã trở thành một nhà thiết kế thời trang theo đúng lĩnh vực cô theo học. Nhưng cuộc đời vốn muôn hình vạn trạng và với tâm hồn của một cô gái ở độ tuổi mới lớn, Ngọc biết bản thân muốn trải nghiệm, muốn được sống cho thỏa những ước mơ của chính mình. Cô gái ấy quyết định rẽ hướng một cách táo bạo sang một lĩnh vực mới - xăm hình.
Lựa chọn theo xăm hình vốn không phải là quyết định dễ dàng, Ngọc hiểu rằng ở thời của cô khi đó, nghề xăm còn mang nhiều định kiến nặng nề. Nhớ lại quãng thời gian đó, Bích Ngọc chia sẻ: “Tôi là 9x đời đầu và chúng tôi thường bị ảnh hưởng bởi cách sống của thế hệ trước. Nhiều người vẫn sống dựa theo việc người khác nghĩ gì về mình, người khác muốn mình thế nào. Rất ít người dám sống theo những gì mình mong muốn, nói những gì mình thực sự nghĩ lắm”.
“Huống hồ việc một người cũng thuộc dạng ‘con ngoan, trò giỏi’, bỗng một ngày thông báo với bố mẹ sẽ gắn bó với nghề xăm hình, bố mẹ không sốc mới là chuyện lạ. Nó gần như phá vỡ các quy chuẩn trong suy nghĩ của bố mẹ tôi (cười)”, Ngọc nói.
Thời gian đầu, khi biết Ngọc làm nghề xăm hình, không ít người xung quanh buông lời ác ý, cho rằng Ngọc bị bạn bè “rủ rê” rồi đi theo con đường không đứng đắn. Thậm chí họ gọi xăm hình là “môn nghệ thuật tội lỗi” ngay khi vừa nghe đến tên. Còn bố mẹ Ngọc chỉ lặng thầm quan sát nhưng lắm lúc không giấu khỏi nỗi lo lắng mà bảo rằng: “Con làm xăm, sợ sau này không lấy được chồng”.
Đó cũng chính là những chướng ngại tâm lý mà cô luôn cất giấu trong lòng. Dẫu vậy, Bích Ngọc chưa bao giờ có ý định dừng lại bởi chị biết việc mình làm “dù khó nhưng rất cần” và nếu không là mình sẽ không là ai khác.
Với kiến thức và kỹ năng được đào tạo từ trường đại học, Ngọc hiểu hơn về tư duy hình ảnh, bố cục, màu sắc để áp dụng vào xăm hình. Cũng giống như khi thiết kế quần áo, Ngọc cần dựa vào tính cách, công việc, địa vị xã hội của khách hàng để tạo nên những bộ quần áo phù hợp, thì lúc xăm hình, Ngọc cũng quan sát, lắng nghe chia sẻ từ khách hàng để đưa ra những tư vấn gần sát nhất.
Bắt đầu với việc xăm trên da thường, cô sinh viên ngày ấy luôn mang theo bên mình một chiếc túi xách mà cô xem là “bảo bối thần kỳ” chứa những hộp mực xăm và vài cây kim để luyện tập sau giờ tan học. Ngọc thử xăm trên đủ các chất liệu từ bì lợn đến da giả, da silicon,... và sắm riêng một chiếc ghế da thật để thực hành.
Nhớ lại những ngày đầu còn “chân ướt, chân ráo” với xăm hình, Ngọc mỉm cười khi nhắc đến vị khách đầu tiên - thầy giáo dạy Taekwondo của Ngọc. Chỉ với một câu nói: “Thầy tin Ngọc vẽ đẹp nên thầy cho Ngọc xăm nguyên mảng lưng” đã khiến cô học trò được truyền thêm động lực. Và cứ như vậy, cô bắt tay vào thực hiện tác phẩm đầu tay của mình.
Lần đầu tiên vẽ trực tiếp lên da thật khiến Ngọc mất rất nhiều thời gian vì vừa làm vừa loay hoay học hỏi. Tập trung đi từng đường kim suốt một đêm dài đến tận 4 giờ sáng, hình xăm hoa mẫu đơn hôm ấy khiến cả thầy và trò vui cười tít mắt. Có lẽ vì thành quả sau khoảng thời gian chờ đợi thật xứng đáng.
Càng dấn thân vào nghề xăm hình, Ngọc lại có cơ duyên gặp những trường hợp đặc biệt khiến cuốn “nhật ký” cuộc đời chị thêm đa sắc. Có những người tìm đến Ngọc để xăm hình nghệ thuật, chỉ với nhu cầu muốn được làm đẹp. Thế nhưng, dần dà về sau, càng có nhiều vị khách đến với Ngọc Like để thực hiện xăm che sẹo. Những vết sẹo do bệnh tật, do sinh đẻ, do tai nạn,... chằng chịt, hằn sâu hoặc lồi nổi trên da. Những vết sẹo đôi khi vẫn còn hiển hiện rõ những đường dao mổ, đường khâu chỉ khiến Ngọc lắm lúc không dám nhìn thẳng vào.
Mỗi vết sẹo của khách hàng đều gắn với một câu chuyện mà Ngọc luôn trân quý, biết ơn khi được lắng nghe. Nhìn vào ảnh những hình xăm sẹo do chính bàn tay mình thực hiện, Ngọc tâm sự: “Hồi đầu, tôi cũng giật mình vì từ bé đến lớn chưa bao giờ thấy vết sẹo nào to đến thế. Nhưng phải kiềm chế cảm xúc lại, điều chỉnh phản ứng, vì điều khiến tôi sợ hơn cả là chính tôi làm họ buồn”.
Hơn 11 năm theo nghề, Ngọc tiếp xúc với hàng nghìn vết sẹo nhưng không vết nào giống nhau bởi chúng đều mang theo những câu chuyện riêng. Đó có thể là vết sẹo hình thành từ những lần “vượt cạn” để sinh con, là vết sẹo đi liền sau ca mổ cột sống, là vết sẹo bỏng nước sôi nằm trên cánh tay và cũng có khi là di chứng từ những cuộc hôn nhân không hạnh phúc... Những vết sẹo thực sự đã dạy Ngọc những bài học cuộc đời đắt giá mà đôi khi không cần phải tự mình trải qua vẫn có thể thấu được.
Cho đến nay, Ngọc Like đã thực hiện hơn 2.000 hình xăm sẹo và không thể nhớ nổi số lượng khách hàng từng đến xăm. Trong số đó, phần lớn khách hàng là phụ nữ, có lẽ vì thế khi chứng kiến nỗi đau của những người mẹ, người vợ, những cô gái trẻ, Ngọc thương họ hơn và cũng trân trọng họ nhiều hơn.
Hàng ngày, chạm lên những vết sẹo, lắng nghe muôn vàn câu chuyện, có một quãng thời gian Ngọc trở nên nhạy cảm quá mức và thường lo lắng khi bắt đầu làm mọi việc. Nỗi sợ khi thực hiện xăm hình nếu không cẩn thận có thể gây ra vết sẹo mới, chồng lên vết sẹo cũ chưa lành. Nỗi sợ bản thân mình có lúc cũng phải chịu những vết sẹo không đáng có.
“Tôi sợ đau và cũng sợ lỡ khi làm tổn thương những người đã mang quá nhiều nỗi đau”, Ngọc tâm sự.
“Vũng lầy cảm xúc” ập đến, kéo dài trong một quãng thời gian, nhưng bỏ cuộc không phải là cách mà cô gái này lựa chọn. Ngọc Like dành thời gian để học cách đối diện với những cảm xúc bên trong mình và chấp nhận rằng chính bản thân vẫn còn nhiều “khiếm khuyết”.
Để hoàn thiện một hình xăm trên cơ thể phải trải qua rất nhiều công đoạn, đòi hỏi tính cẩn thận và độ tỉ mỉ cao. Ngay sau khi xem vết sẹo của khách hàng, Ngọc Like sẽ tư vấn ý tưởng để chuẩn bị cho bước phác họa hình trên máy tính.
Tuy nhiên, không phải ai khi đến cũng nói ngay ra được điều mình muốn, Ngọc thường phải gợi mở bằng một số hình ảnh cụ thể hoặc nói chuyện để biết khách cần gì. Sau khi thiết kế hình mẫu, Ngọc Like sẽ vẽ trực tiếp lên người khách rồi đưa đi ủ tê.
Những vết sẹo gồ ghề khiến Ngọc phải xoay bút liên tục và cân đối bố cục sao cho thật hài hòa và sắc nét. Khi hoàn tất, chị lại cùng khách ngắm nhìn hình xăm, ủ dưỡng vết thương và dặn dò vệ sinh kỹ lưỡng.
Xăm hình giờ đây đã không còn quá xa lạ nữa bởi số lượng người chọn xăm đã ngày càng nhiều. Thế nhưng, ở Ngọc Like Tattoo, xăm hình không chỉ để làm đẹp mà còn là một liệu pháp để chữa lành.
Những vết thương thể chất lẫn tinh thần đã kìm kẹp cuộc sống của nhiều người, có những vị khách đến gặp Ngọc khi đã sống cùng vết sẹo hơn nửa đời người khiến họ mất đi sự tự tin và không dám trao cho mình những cơ hội tốt hơn.
Xăm sẹo chính là hành trình “phá kén” những tổn thương và cho phép bản thân được sống vì chính mình nhiều hơn. Quyết định xăm sẹo đối với nhiều người không hề dễ dàng, bởi đôi khi chính những định kiến và nỗi sợ của bản thân là thứ cản trở. Nhưng xăm sẹo không có nghĩa là xóa hoàn toàn đi vết thương cũ.
Ngọc Like chia sẻ: “Hành trình chữa lành không dừng lại ở việc xăm che sẹo, chữa lành phải đến từ cả sự thay đổi từ bên trong họ. Tôi chỉ là người giúp khách cảm thấy phần nào tự tin hơn khi nhìn vào những vết thương cũ”.
Là một người làm nghệ thuật, Ngọc Like tự nhận bản thân là một người có cá tính mạnh mẽ và có gu thẩm mỹ riêng nhưng qua hơn 11 năm gắn bó với xăm sẹo, chị hiểu rằng: “Không phải tôi muốn xăm gì cho đẹp là xăm mà phải lắng nghe nhu cầu của khách hàng. Bạn thấy xăm hoa hồng đẹp, không đồng nghĩa với việc khách hàng cũng phải ưa thích nó. Đồng cảm là điều đầu tiên phải có khi làm nghề. Có thể tôi chỉ xăm cho họ một lần thôi nhưng hình xăm sẽ theo họ cả đời”. Do đó, chị luôn cố gắng cân bằng cái tôi cá nhân và nhu cầu, sự phù hợp với khách hàng.
Chia sẻ về chính mình, Ngọc Like cho biết bản thân cũng mang trên mình những vết sẹo và đã thực hiện tự xăm như một cách lưu giữ kỷ niệm. Trong số đó, hình xăm một chú thỏ xanh nằm ngay trên cánh tay trái hiện lên vô cùng nổi bật.
“Thỏ” là biệt danh của Ngọc Like và những gì được thể hiện trong chú thỏ ấy cũng chính là những mong muốn của chị: sống vững chãi như núi, tĩnh lặng như rừng cây, nhẹ nhàng như nước, rộng mở như bầu trời và sáng ngời như một vì sao.
Với khát khao ấy, cô gái 9x Trần Thị Bích Ngọc không ngừng rèn luyện bản thân, học qua việc “người dạy người”, “nghề dạy nghề”. Chị cũng dự định mở thêm các cơ sở và truyền dạy nghề cho các thế hệ sau để có thể giúp đỡ nhiều người che đi vết sẹo, mở ra sự tự tin.
Thành tích: - Năm 2011: Á khoa đầu vào chuyên ngành Thiết kế trang phục, Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh. |
Xem chi tiết bài viết tại: https://preview.shorthand.com/d0jCb8N3D4Vd80eU
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.
Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam
(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam
(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.