(Sóng trẻ) - Nhiều nhóm kín mang tên “Hỗ trợ học tập” xuất hiện tràn lan trên Facebook. Thế nhưng qua tìm hiểu của phóng viên, chủ yếu các cuộc giao dịch trong này là thuê người đi học, thi hộ tại các điểm trường đại học, cao đẳng.

Chỉ cần gõ từ khóa “học hộ thi hộ” lên thanh tìm kiếm Facebook sẽ có hàng trăm các nhóm kín hiện ra, với số lượng từ vài, cho tới hàng chục nghìn thành viên. Có nhóm được mở công khai, người nào có nhu cầu cũng có thể vào, ngược lại, có nhóm thì phải xác nhận danh tính, đủ các điều kiện, nội quy mới được vào nhóm. 

Tuy nhiên, đa phần các hội nhóm này đều phục vụ cho một mục đích chung là chào mời những dịch vụ gian lận học tập, thi cử công khai trên không gian mạng.

Học hộ, thi hộ là vấn đề nổi cộm trong ngành giáo dục, nó đang dần trở thành một loại hình "dịch vụ" đối với các bạn sinh viên. Mỗi ngày trên những hội nhóm tìm người học hộ có đến hàng chục bài viết rao tin, nhộn nhịp nhất là khung giờ vào các buổi tối để tìm thuê người học hộ cho buổi học sáng hôm sau. 

Những hội nhóm với tên gọi “Hỗ trợ học tập” nhưng thực chất là nơi tìm kiếm “người hộ giúp”, những hình thức “hỗ trợ” phổ biến nhất là học hộ, làm tiểu luận, luận văn hộ, thậm chí là đi thi hộ… Đủ mọi học phần, mọi giá cả, hình thức từ online đến offline, từ cao đẳng đến cao học, “khách hàng” của dịch vụ này đa dạng từ sinh viên cho đến cả thạc sĩ.

Cách thức tìm kiếm “dịch vụ” rất dễ dàng, nếu bạn có nhu cầu chỉ cần tìm đến các hội nhóm và đăng tải bài viết bày tỏ nhu cầu sẽ có ngay người bình luận, nhắn tin “nhận đơn”. Tất cả các bước giao dịch của “dịch vụ” này thường diễn ra online và đều qua tin nhắn.

Theo chúng tôi tìm hiểu, nhóm kín có tên “Hỗ trợ học tập” có số lượng thành viên rất “khủng”, với hơn 88 nghìn người tham gia, hơn 21 bài viết được đăng tải một ngày, để trao đổi giao dịch các dịch vụ “học tập”. Thậm chí nhiều sinh viên còn có nhu cầu “thuê lâu dài” các dịch vụ này.

Ngoài ra, nhiều nhóm “Hỗ trợ học tập” còn trang bị thêm mạng xã hội Zalo cho những ai có nhu cầu tìm người gấp. Chẳng hạn, nếu với hình thức đăng bài sẽ phải mất ít nhất là 15 - 30 phút mới có người nhận nhưng với nhóm Zalo chỉ cần một tin nhắn khả năng sẽ có người nhận ngay lập tức.

Dịch vụ này rất đa dạng, chỉ cần có nhu cầu thì bất kỳ yêu cầu gì cũng có người đáp ứng. Giá thành của một buổi “học hộ” sẽ giao động trung bình từ 100.000 - 200.000 đồng đối với cả môn đại cương cho đến chuyên ngành. Giá của các dịch vụ thi, làm thẻ sinh viên, làm bài tập sẽ cao hơn phụ thuộc vào độ khó của “công việc”.

Không chỉ dừng lại là một dịch vụ “đắt khách” hiện nay, “Học hộ, thi hộ” còn là một nghề làm thêm “hái ra tiền” được nhiều bạn sinh viên ưa chuộng. Khi mà công việc thì nhẹ nhàng, lương lại cao hơn gấp nhiều lần so với những công việc bán thời gian tính theo giờ.

Dạo qua một vòng nhóm “Hỗ Trợ Học Tập (Học Hộ, Thi Hộ)” trên Facebook, chúng tôi bị thu hút bởi bài đăng của một thành viên có tên T.H. Bài viết cung cấp chi tiết những thông tin về dịch vụ như: “Nhận làm thẻ sinh viên, nhận học hộ cho cả nam và nữ, nhận tìm người thi hộ, nhận thi hộ các môn thể chất…”. 

Và dĩ nhiên là cũng chẳng khó khăn để liên hệ với người cung cấp những dịch vụ trên. Trong vai người đi thuê học hộ môn Tiếng Anh, phóng viên đã nhanh chóng tiếp cận được chủ bài đăng có tên T.H thông qua tin nhắn.

Người này nhiệt tình báo giá dịch vụ như sau: “Đến điểm danh xong về giá 70 nghìn đồng, học cả buổi thì phụ thuộc vào hôm đấy có kiểm tra hay không. Nếu không kiểm tra thì chị lấy 250 nghìn đồng còn kiểm tra 15-20 phút thì tính thêm phụ phí là 50 nghìn. Một tiếng thì thêm 100 nghìn đồng. Tùy theo độ dài ngắn của bài kiểm tra thì chị sẽ báo thêm lúc thanh toán”.

Ngoài ra, theo gợi mở của chủ tài khoản có tên T.H, bên cạnh cung cấp dịch vụ học hộ, người này còn quảng cáo đến việc tìm người thi hộ nếu chúng tôi có nhu cầu.  

So với việc học hộ ở trên lớp thì việc đi thi hộ còn khó khăn hơn rất nhiều, bởi các kỳ thi luôn có sự quản lý nghiêm ngặt về kỷ luật và những quy định chặt chẽ của nhà trường trong việc xác minh sinh viên.

Để tìm hiểu sâu hơn về dịch vụ thi hộ, chúng tôi có hỏi về mức giá thì người này cũng cho biết thêm: “Thi hộ thì giá sẽ phụ thuộc vào điểm. Nếu đạt được từ 7,5 - 8 điểm thì giá sẽ là 600 nghìn đồng, còn không đạt được như thế sẽ thỏa thuận hoàn lại 50% cho em. Bên chị cũng làm cho nhiều bạn rồi nên em cứ yên tâm, điểm tối đa mà bên chị có thể hỗ trợ được là từ 7,5 trở lên”.

Tránh để giám thị phát hiện thì tài khoản T.H chia sẻ sẽ tìm bạn có ngoại hình gần giống với sinh viên để dễ dàng qua mắt. Hoặc có thể sử dụng dịch vụ làm giả thẻ sinh viên với giá tầm khoảng 300 nghìn đồng. 

Lần theo những thông tin của người cung cấp dịch vụ nói trên và lướt qua một vài hội nhóm trên mạng xã hội, chúng tôi còn phát hiện ra nhiều cá nhân, tổ chức chuyên cung cấp, làm giả thẻ sinh viên để đi thi hộ.

Thẻ sinh viên sẽ có thông tin như tên, lớp, trường của sinh viên còn ảnh là của người thi hộ. Điều này sẽ khiến giám thị không phát hiện ra, bởi khi đi coi thi giám thị thường chỉ xem mặt và ảnh trên thẻ của thí sinh có khớp không, ít khi kiểm chứng xem đây có phải là thẻ thật hay giả. Điều này vô tình tạo nên cơ hội để sinh viên thực hiện trót lọt hành vi vi phạm của mình. 

Theo quy định của pháp luật, thẻ sinh viên không phải là con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức nhưng thuộc loại giấy tờ quản lý nội bộ của cơ quan tổ chức. Tuy nhiên, nếu đủ điều kiện để cấu thành tội phạm làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức thì sẽ bị xử lý theo Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 126  Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.

(Còn tiếp)

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN