Vừa đặt chân đến sảnh Hội trường của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Hà Nội), chúng tôi đã nghe thấy tiếng cười trong trẻo của Hải Anh. Mái tóc cột gọn gàng sau gáy, nụ cười luôn nở rộ trên môi, cô thân thiện kéo chúng tôi lại gần, hỏi han chuyện trò.
“Nhỏ mà có võ” là lời miêu tả chúng tôi được nghe nhiều nhất khi người ta nói về cô gái 24 tuổi này. Không ai ngờ rằng, cô sinh viên chỉ xấp xỉ 1m65 đã chạm tay đến nhiều giải thưởng danh giá mà ít người làm được: Giải Đặc biệt cuộc thi viết thư UPU lần thứ 48; Giải Nhì cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc toàn quốc năm 2019; Bằng khen học sinh tiêu biểu thủ đô năm 2020; Bằng khen thanh niên tiêu biểu toàn quốc của Trung ương Đoàn năm 2022;... Gần đây nhất, cô gái 10X trở thành 1 trong 55 sinh viên xuất sắc của miền Bắc nhận học bổng từ chương trình “Nâng bước thủ khoa” thuộc Quỹ Hỗ trợ Tài năng trẻ Việt Nam.
Khi được hỏi về bí quyết đằng sau những giải thưởng, cô cười hiền. Đối với cô, thành công ấy không chỉ là sự nỗ lực của riêng bản thân, mà còn có bóng dáng của ba người phụ nữ. Họ là những người nâng bước, trải đường cho Hải Anh trên hành trình vượt lên chính mình.
Giọng nói của cô gái trẻ nghẹn lại khi nhắc về mẹ - người phụ nữ dành cả cuộc đời để yêu thương và hy sinh cho con: “Mẹ là anh hùng của mình. Nếu không có mẹ, sẽ không có mình của ngày hôm nay”. Mẹ là mẹ, là người thầy tận tụy, là người bạn tri kỷ, cũng là đôi mắt thứ hai của cô. Mẹ vừa làm lụng vất vả nuôi gia đình, vừa tự học chữ nổi dạy con cái.
Mang trong mình niềm hy vọng không bao giờ tắt, mẹ dạy cô từ những con chữ, phép toán đầu tiên. Mẹ còn cổ vũ, động viên, cùng Hải Anh đi học chữ nổi với mong muốn con gái bé bỏng nhanh chóng hòa nhập, thoát khỏi vỏ bọc tự ti trước kia. Người phụ nữ tần tảo ấy không ngần ngại mà gõ mọi cánh cửa, tìm mọi cách hỗ trợ con gái mình chạm tới những ước mơ.
Người phụ nữ thứ hai giữ vị trí quan trọng trong trái tim Hải Anh là cô Lê Thu Hương - giáo viên dạy Toán tại Trường Giáo dục Thường xuyên Nguyễn Văn Tố (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ký ức đẹp nhất đọng lại trong ba năm cấp 3 là hình ảnh cô giáo thân thương, hết lòng với học trò. Cô đã cống hiến 30 năm tuổi xuân làm hình học nhằm giúp đỡ lớp lớp học sinh khiếm thị. Không chỉ giảng dạy miễn phí, tình thương bao la của nhà giáo ưu tú này cùng các đồng nghiệp còn được biểu đạt qua những bữa trưa ấm áp, do đích thân thầy cô chuẩn bị.
“Dù đã ra trường nhưng cô và mình thường xuyên nhắn tin cho nhau để chia sẻ, tâm sự nhiều khía cạnh cuộc sống. Đôi khi, chỉ vài dòng tin nhắn nho nhỏ như ‘Con có mệt không?’ cũng đủ làm mình vui cả ngày. Hôm nào cũng vậy, đúng 4 giờ sáng, hai cô trò lại chúc nhau một ngày mới tốt lành”, cô gái trẻ phì cười.
Mảnh ghép cuối cùng làm nên Hải Anh của ngày hôm nay là MC Lê Mỹ Vân (công tác tại Đài Truyền hình Việt Nam). “Những bài học cô dạy cho mình, không thể mua được bằng tiền”. MC Mỹ Vân là người hướng cô đến với nghề diễn giả truyền cảm hứng. Những kỹ năng nghề nghiệp mà cô giáo truyền đạt trở thành hành trang không thể thiếu, đưa cô sinh viên 24 tuổi vững bước trên con đường làm nghề sau này.
Thế nhưng, những giải thưởng hào nhoáng kể trên chẳng khác nào lớp sơn bóng, che lấp vết sẹo lòng mà tuổi thơ đã khắc sâu vào tâm hồn cô gái trẻ.
Phòng mổ, kim tiêm và nước mắt là những thứ gắn liền với cô gái 10X suốt thuở ấu thơ. Hai tuổi, cô trải qua 2 lần phẫu thuật. Bản thân chịu nhiều đau đớn, gia đình chạy chữa ngược xuôi để rồi nhận lại lời thông báo từ bác sĩ rằng nhãn cầu đã teo hết, đôi mắt không còn cơ hội nhìn thấy ánh sáng.
Những vết bầm tím chi chít trên đầu gối và khuỷu tay là “bạn đồng hành” của cô từ khi còn nhỏ. “Mình hay đâm đầu vào tường dẫn đến chảy máu, thậm chí còn từng ngã từ tầng hai xuống”, cô gái trẻ bồi hồi. Rồi giọng Hải Anh bỗng trầm lại: “Từ khi còn rất nhỏ, mình đã cảm nhận rõ sự khác biệt của bản thân so với các bạn cùng trang lứa. Tuy vậy, mình không ngờ rằng, sự khiếm khuyết ấy lại cản trở hành trình đi học sau này”.
“Sẽ chẳng có ngôi trường nào nhận một người khuyết tật cả” - lời nói tàn nhẫn của một giáo viên mầm non đã khiến một cô bé luôn háo hức đến trường rơi vào khủng hoảng tâm lý trong khoảng thời gian dài. Cánh cửa tri thức chưa kịp mở ra nay đã đóng sầm lại. Tưởng chừng, cô gái trẻ sẽ phải an phận với những công việc bị xã hội ngoài kia định đoạt đến suốt đời, nhưng nhờ tình yêu thương và động viên từ gia đình, cô đã tìm lại được niềm tin để tiếp tục con đường học tập.
Những năm tháng cấp 2, Hải Anh lên Hà Nội, nhập học trường Phổ thông Cơ sở Nguyễn Đình Chiểu. Niềm vui ngắn chẳng tày gang, hạnh phúc vừa lóe lên đã vụt tắt khi cô bước vào lớp 6. Bố đổ bệnh, công việc của mẹ gặp nhiều trắc trở. Đến tận bây giờ, cô vẫn còn nhớ như in câu nói năm ấy của mẹ: “Có thể mẹ sẽ không hỗ trợ cho con đi học được nữa”.
“Mình nên làm gì đây?”, “Tương lai mình sẽ ra sao?”, “Mình phải bỏ học, về quê phụ giúp mẹ cha bằng việc đi làm tăm tre hay xoa bóp bấm huyệt thật ư?”,... Những câu hỏi liên tiếp xuất hiện trong đầu cô bé mới tròn 16 tuổi. Khi chúng bạn ngày ngày hồ hởi cắp sách đến trường thì sâu thẳm nội tâm cô là những giằng xé, đấu tranh. Hải Anh thương bố mẹ lắm, nhưng cũng thương chính bản thân mình. Nếu không đi học, tương lai mình sẽ chẳng khấm khá hơn, cũng chẳng giúp gia đình thoát khỏi nghèo đói. Và quan trọng hơn, cô sẽ không chứng minh được rằng: người khiếm thị có thể vươn xa đến nhường nào.
Nghĩ là làm, ngay trong năm học ấy, Hải Anh trở thành học sinh xuất sắc toàn khối, nhận học bổng hỗ trợ từ tổ chức phi chính phủ, đỡ đần mẹ cha khoản học phí. Mang trong mình hoài bão lớn lao hơn, cô gái 10X muốn chứng minh cho mọi người thấy rằng người bình thường làm được, người khiếm thị cũng làm được: “Các bạn đạt 9 - 10 điểm thì mình phải cố gắng đạt ít nhất là 8 - 9 điểm”.
Hiện tại, Hải Anh là thành viên của câu lạc bộ Hoa Đá Nhân Văn (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Hà Nội). Cô sinh viên 24 tuổi cũng là một trong những người sáng lập dự án The Eyes Project - cây cầu kết nối các bạn trẻ mắt sáng với cộng đồng người khiếm thị. Không chỉ giúp đỡ nhau trong học tập, các bạn còn tương trợ, săn sóc nhau nơi đời sống thường nhật. Từ đây, nhiều đôi bạn tâm giao đã ra đời.
Hải Anh còn là người khởi xướng dự án đào tạo kỹ năng nấu ăn cho người khiếm thị. Với người bình thường, nấu ăn có thể là việc đơn giản, dễ dàng bởi họ quan sát, nhìn ngắm được. Còn việc nấu ăn với người khiếm thị phải dùng khứu giác, xúc giác để cảm nhận, lại càng khó gấp nhiều lần.
Nhưng với phương châm: “Mình nấu được thì chẳng việc gì các bạn khác không nấu được”, cô gái 10X đã truyền động lực cho những bạn trẻ cùng hoàn cảnh nhằm giúp họ tự tin hơn trong cuộc sống. Sau dự án, nhiều bạn trẻ cải thiện được kỹ năng nấu nướng, đặc biệt là các bạn nam. Các bạn có thể tự tay nấu những món ăn đơn giản mà không cần mua ngoài hàng, vừa tiết kiệm chi phí, vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
“Một người chị sau lớp học nấu ăn đã chia sẻ với mình rằng chị ấy cảm thấy không còn tự ti như trước nữa. Những ngày lễ, chị ấy hoàn toàn có thể gọt hoa quả, rửa rau, nhặt rau, đỡ đần công việc cho gia đình”, cô chia sẻ đầy tự hào.
Vậy điều gì đã làm nên một Hải Anh kiên cường, một Hải Anh rắn rỏi, một Hải Anh không chịu đầu hàng trước số phận như hôm nay? Chìa khóa của thành công ấy có lẽ là sự chủ động. Là một người trẻ mang trong mình nhiều hoài bão lớn lao, cô luôn tin rằng: “Chủ động trong học tập, trong công việc, trong mọi thứ là cách chúng ta mở ra cơ hội cho chính mình. Các bạn hãy cố gắng tự học hỏi những kỹ năng cần thiết cho bản thân. Đồng thời, khi cần giúp đỡ, đừng ngần ngại bày tỏ cho mọi người xung quanh. Chính các bạn phải tự nâng cao giá trị của bản thân, bằng cách học tập không ngừng nghỉ”.
Những lời trên cũng được chính Hải Anh ứng dụng trong đời sống hàng ngày. Được biết, di chứng của căn bệnh đục thuỷ tinh thể và teo nhãn cầu khiến cô gái trẻ phải thường xuyên tái khám. Trước đây, bố mẹ lặn lội xa xôi đưa cô đến bệnh viện. Lớn hơn một chút, nhận thấy bố mẹ tuổi cao sức yếu, cô tự chủ động đến viện khám chữa. Đồng hành với nữ sinh viên là chiếc gậy dò đường cùng sự hỗ trợ nhiệt tình của các tài xế xe công nghệ.
Trên giảng đường đại học, tài liệu học tập cho người khiếm thị vô cùng ít ỏi, tạo ra không ít khó khăn cho chị trong việc tiếp cận tri thức. Để khắc phục điều này, ngay từ trên lớp, Hải Anh luôn chú ý nghe giảng, chắt lọc từ khoá để nắm bắt nội dung kiến thức thầy cô truyền đạt một cách hiệu quả nhất. Song song với đó, cô thường nhờ bạn bè đọc lại bài giảng điện tử để hiểu bài cặn kẽ, chi tiết hơn.
“Đừng coi chúng mình là cộng đồng khác biệt. Chúng mình cũng như bao người. Chỉ là chẳng may Thượng đế vô tình làm khuyết đi một phần nào đấy, để chúng mình cảm nhận cuộc sống một cách riêng biệt hơn. Chúng mình vẫn sống và cống hiến từng ngày”.
Đối với tất cả chúng ta, cuộc sống ngoài kia đôi khi thật mệt mỏi, khắc nghiệt. Nhưng đối với Hải Anh, chỉ cần được thở, được sống đúng với chính mình đã là niềm hạnh phúc vô bờ. Hạnh phúc vì có thể tự đi lại, tự đi khám bệnh, tự đi xem nhạc kịch, tự đi dẫn chương trình mà không cần người hỗ trợ - hạnh phúc của cô đơn giản, nhỏ nhoi vậy thôi…
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.
Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam
(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam
(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.