Thân thể co quắp, đôi chân teo tóp và những cơn co rút bất chợt - đó là thực tại mà Nguyễn Thùy Chi (34 tuổi), người con gái thuộc miền sơn cước tỉnh Lào Cai, phải đối mặt từ lúc lọt lòng. Kể về căn bệnh mà mình mắc phải, cô gái trẻ cho biết, bại não có nhiều thể và cô không may mắc bại não thể co cứng đặc biệt nặng.

Ngày thơ bé, Thùy Chi đã ý thức sâu sắc về sự “lạc lõng” của mình. Cơn co rút không chỉ là nỗi đau về thể xác, mà còn là rào cản vô hình ngăn cách cô với thế giới xung quanh: “Đến tuổi đi học, tôi càng nhận ra sự khác biệt của mình. Tại sao chị tôi được đi học, tôi thì không? Tại sao chị ấy có thể chạy nhảy, tôi không thể?,... Trẻ con mà, tự đặt cho mình hàng vạn câu hỏi vì sao - những câu hỏi bình thường với nhiều đứa trẻ, nhưng nó đến với tôi sớm hơn”.

“Những câu hỏi ‘vì sao’ ấy, ngay cả ông bà, bố mẹ tôi đều không nỡ và cũng không dám đưa ra một đáp án trọn vẹn”, cô cười xòa, trong nụ cười ấy có chút gì xa xăm, chua xót khi nghĩ về quá khứ một mình chật vật đi tìm câu trả lời. Trong ký ức trẻ thơ, thế giới bên ngoài như một giấc mộng, chỉ có thể nhìn ngắm từ xa. 

Lớn thêm một chút, thế giới của cô gái 9X dần rộng mở hơn nhờ sách vở và báo chí. Thời điểm đó, cô mới gọi tên được vấn đề bấy lâu nay mình gặp phải: “À hóa ra mình là người khuyết tật”. Nhưng thay vì tự giới hạn bản thân, cô gái trẻ chọn cách đối diện với thực tế. Câu hỏi lớn đặt ra là: Làm sao để sống thật trọn vẹn trước những giới hạn của cơ thể?

“Tôi chấp nhận hiện thực không phải để buông xuôi, thay vào đó tôi tìm cách vượt qua. Tất nhiên, câu trả lời cho việc sống tiếp như thế nào không dễ để tìm kiếm. Và đến tận giờ phút này, tôi vẫn đang đi tìm. Một số câu trả lời mơ hồ xuất hiện nhưng chưa phải đáp án cuối cùng”, cô bộc bạch. 

Trong thời gian dài kiếm tìm đáp án, Thùy Chi thử sức với nhiều ngành nghề khác nhau: từ gia sư, kinh doanh đến sáng tạo nội dung và cả những ngày rong ruổi bán hàng rong ven Hồ Gươm. Mỗi bước đi là một bài học, mỗi vấp ngã là một trưởng thành, để rồi khi đã đủ “cứng cáp”, cô nàng 9X quyết định quay trở về xây dựng môi trường xanh cho cộng đồng CP của mình. 

Trên hành trình đó, có thể Thùy Chi chưa tìm được câu trả lời hoàn chỉnh cho riêng mình nhưng cô lại tìm thấy câu trả lời cho nhiều người mắc CP khác. Đáp án của họ có thể nằm ở Câu lạc bộ Người bại não (CP) trưởng thành Việt Nam “Chạm Vào Xanh” - nơi cô cùng người bạn đồng hành Lưu Thị Hiếu thành lập. Tại đây, những người trẻ có hoàn cảnh giống Thùy Chi tìm thấy cơ hội, niềm tin và một cộng đồng để sẻ chia.

Căn bệnh bại não thể co cứng khiến cuộc sống của cô gái trẻ trở nên gian nan. Những cơn đau nhức hành hạ thường xuyên khiến cô không thể giữ nguyên một dáng ngồi trong thời gian quá lâu. Thế nhưng khi chọn con đường học tập, cô phải học cách làm quen với điều đó.

Giọng cô chùng xuống khi kể về những ngày tháng khó khăn: "Tôi như kẻ lữ hành đi trong màn sương, không biết nên đi đâu và bước tiếp như thế nào. Nhưng chính lời động viên của ông tôi: 'Học sẽ thay đổi cuộc đời con' trở thành ngọn hải đăng soi sáng con đường phía trước. Tôi học trong những cơn co thắt quằn quại. Có lúc đau quá, tôi phải quấn chăn đi học”. Nói về chuyện học, chúng tôi thấy thần sắc cô gái trẻ tươi sáng hẳn lên, ánh mắt người con gái ấy dường như có “lửa”.

Trong suốt những năm tháng đèn sách, Thùy Chi may mắn gặp được những người thầy, người cô tâm huyết. Nhờ sự động viên, dìu dắt của họ, cô gái từng bước vượt qua khó khăn để đến được ngày hôm nay. Sau 8 năm ròng học dự thính, một cô giáo tạo điều kiện để Thùy Chi chính thức được ghi danh vào trường, mở ra một chương mới trong hành trình theo đuổi con chữ.

Rồi cô chợt ngừng, nghĩ ngợi xa xăm: “Tôi nhận ra rằng, không chỉ mình tôi, nhiều người khuyết tật khác cũng đang tự giam mình trong những giới hạn tự đặt ra. Họ sợ hãi, tự ti và chưa thật sự hiểu được giá trị của bản thân”. Thùy Chi mong muốn những người khuyết tật nói chung và người mang chứng CP nói riêng có thể xóa bỏ rào cản tự ti ấy. 

Đôi mắt cô gái trẻ chợt ướt, nhưng giọng nói vẫn kiên định: “Trước khi xã hội ‘gán nhãn’ cho chúng ta, hãy thực sự hiểu mình muốn gì. Cũng đừng để định kiến cản bước chính mình. Hãy đi học, dù ít hay nhiều đều sẽ tạo cho chúng ta môi trường lý tưởng để phát triển bản thân”. 

Con đường học tập xua tan “sương mù” của cuộc đời cô. Và giờ đây ngồi đối diện chúng tôi, cô nàng 9X này chỉ có một ước mong làm sao để giúp được nhiều “kẻ lữ hành” tìm thấy ý nghĩa cuộc đời, hiểu ra sự tồn tại của mình thật sự có ích.

Việt Nam hiện có hơn 7 triệu người khuyết tật, mỗi người lại mang trong mình một ước mơ riêng. Thùy Chi nhận ra rằng những ước mơ ấy cần một sân khấu để tỏa sáng. Cô tâm sự: “Người CP nói riêng và cộng đồng khuyết tật nói chung cần tìm thấy một môi trường để thuộc về - nơi họ có thể nhìn thấy những tấm gương sáng, nơi họ cảm nhận được sự đồng hành. Khi thấy người khác vượt qua khó khăn, họ sẽ có thêm động lực để vươn lên. Chẳng ai đi xa được nếu chỉ một mình”.

Và rồi, vào tháng 10/2022, “Chạm Vào Xanh” chính thức ra đời. Theo lời kể của cô, ý tưởng về "Chạm Vào Xanh" được nhen nhóm từ tình yêu hội họa. Cô nàng 9X chia sẻ: "Tôi muốn kể câu chuyện của mình bằng ngôn ngữ của màu sắc. Bởi mỗi sắc độ, mỗi nét vẽ đều mang một câu chuyện riêng". Chính niềm đam mê ấy thôi thúc cô cùng cộng sự tạo ra một sân chơi phi lợi nhuận để những người khuyết tật thỏa sức thể hiện sự sáng tạo của mình.

Với Thùy Chi, "Chạm Vào Xanh" không chỉ là một cái tên, đó còn là một thông điệp. “Đơn giản thôi, màu xanh là màu của niềm tin và ‘chạm’ nghĩa là chạm vào hy vọng, chạm vào nhau và chạm đến khách hàng. Sự xúc chạm nói với ta nhiều điều, kéo gần hơn những khoảng cách”, cô lý giải. 

Tại "Chạm Vào Xanh", những người khuyết tật không chỉ là những người nhận, họ còn là những người cho đi. Họ là những nghệ nhân tài hoa, tạo ra những sản phẩm độc đáo mang đậm dấu ấn cá nhân. Từ Nguyễn Đình Điệp với căn bệnh xương thủy tinh, đam mê mãnh liệt với hội họa, đến Đỗ Hà Cừ - cô gái bại não với nghị lực phi thường, hay những người mẹ có con khuyết tật,... tất cả cùng nhau tạo nên những tác phẩm nghệ thuật độc đáo. 

"Hãy trao cho chúng tôi cơ hội, đừng chỉ trao những suất quà", câu nói này của Thùy Chi trở thành kim chỉ nam cho “Chạm Vào Xanh”. Cô gái 9X muốn mọi người nhìn nhận cộng đồng người khuyết tật như những cá nhân bình thường, có quyền được làm việc và đóng góp cho xã hội. 

Trên chiếc xe lăn, Thùy Chi vẽ nên một bức tranh tuyệt đẹp bằng chính cuộc đời mình. Màu xanh hy vọng tỏa sáng trong đôi mắt cô gái trẻ, trong từng nét vẽ, và trong chính câu chuyện kể sẽ còn “chạm” đến trái tim, cảm xúc của nhiều người…

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN