Yagi đổ bộ vào đất liền gây ngập úng nặng nề, bà Trần Thị Tuyết (74 tuổi, trú tại xóm trọ Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội) và người dân xóm trọ nghèo dưới chân cầu Long Biên phải sơ tán khẩn cấp vì mực nước sông Hồng dâng cao. Sống từng ấy năm, đi tránh bão lũ trên dưới chục lần nhưng bà Tuyết chưa bao giờ tận mắt chứng kiến sự tàn phá kinh khủng đến vậy.

Sự hoành hành của cơn bão Yagi là điều khó thể lường trước, nhưng cũng không ai ngờ rằng, trong lúc sinh mạng bị đe dọa, thứ bà Tuyết mang theo không phải là di ảnh người chồng bà luôn trân quý, mà lại là cuốn sổ sờn cũ ghi chép danh sách những hộ nghèo trong xóm.

Hai mươi năm trước, chồng bà mất trong một lần làm nhiệm vụ tại khu vực biên giới Lào Cai. Di ảnh là kỷ vật duy nhất lưu giữ hình bóng và ký ức của bà về người chồng đã khuất. Nó không chỉ là sợi dây kết nối, mà còn là nguồn động viên tinh thần giúp bà tiếp tục vững sống. Trao đổi với PV Sóng Trẻ, bà Tuyết nghẹn ngào: “ Tôi tìm mãi mới thấy di ảnh của chồng. Nó như nửa phần đời còn lại đối với tôi. Mỗi lần nhìn nó, tôi cảm thấy được ông nhà chở che, dõi theo mình”.

Vậy tại sao di ảnh không phải thứ đầu tiên bà mang đi khi sơ tán? Tôi tin không chỉ người dân xóm trọ mà nhiều bạn đọc cũng có cùng thắc mắc như nhóm phóng viên chúng tôi. Chia sẻ với Sóng Trẻ News, bà Tuyết mơ hồ: “Đến bây giờ, chính tôi cũng không thể trả lời câu hỏi này. Nghe tiếng gọi sơ tán, tôi vô thức lục tủ tìm cuốn sổ, không kịp nghĩ thêm gì. Có thể hàng ngày tôi luôn mang nó bên mình để tiện ghi chép nên dần già không cầm theo lại thấy thiếu thiếu”.

Cuốn sổ sờn cũ chi chít thông tin về những hoàn cảnh khó khăn trong khu vực xóm trọ nghèo. Tất cả đã được bà ghi chép trong suốt 8 năm làm công tác tình nguyện. Không danh phận, cũng không nhận được bất cứ phúc lợi gì nhưng người phụ nữ “thép” này vẫn âm thầm trở thành cầu nối kéo gần những tấm lòng hảo tâm đến với những số phận bất hạnh hơn mình.

Hóa ra, trong hoàn cảnh khốn cùng nhất, tình đồng bào đã vô thức bao trùm lên tình yêu gia đình, tình yêu đôi lứa. Cũng có thể, chính tình yêu với ông là động lực để bà tiếp tục hành trình sẻ chia cùng những mảnh đời bất hạnh. Nhiệm vụ “cứu” người ông đang làm dang dở, bà lựa chọn sẽ là người tiếp nối. Có thể đó cũng chính là câu trả lời thích đáng nhất cho việc người phụ nữ 74 tuổi từ bỏ cuộc sống an yên cùng con gái mà chọn sống neo đơn trong một căn nhà lụp xụp dưới chân cầu. “Tôi già rồi, sức khỏe cũng yếu nhưng vẫn muốn sống cùng bà con tại xóm. Sống ở đây 20 năm, chứng kiến bao nhiêu buồn vui, chia sẻ từng miếng cơm manh áo nên không thể nói đi là đi ngay được. Khi tuổi càng già, tôi lại càng muốn ở lại để giúp đỡ mọi người nhiều hơn”.

Giữa căn nhà khang trang với một ngôi trọ tan hoang, giữa cảnh được sống trong tình yêu gia đình và một mình neo đơn bên xóm trọ, bà Tuyết vẫn chọn ở lại để đồng hành cùng bà con lối xóm. Việc nhà hảo tâm đi cứu giúp người yếu thế đã là một nghĩa cử cao đẹp, nhưng khi chính bản thân mình cũng phải gánh chịu những tàn dư mà cơn bão để lại, bà vẫn chấp nhận “cho đi” tất cả những gì mình có.

Nhớ lại ngày trở về sau bão, bà Tuyết ngậm ngùi: “Chẳng còn gì nữa rồi! Tài sản trong nhà bị lũ cuốn trôi hết, chỉ còn trơ trọi một đống đồ ướt nhẹp, bao quanh đầy bùn đất ẩm thấp”. Nhìn dọc cả xóm trọ, người ôm con khóc vì tài sản cả đời tích góp đều trôi ra dọc bờ sông Hồng, người đang cố gắng đào tìm trong bùn đất bát hương, ảnh thờ của cha mẹ. 

Điện mất, nước cũng bị cắt. Đôi mắt đỏ hoe do viêm nhiễm của bà ngày càng trở nặng. Mãi sau, bà mới tâm sự, dù nhiều lần được chính quyền cấp phát bình nước sạch, bà vẫn chọn nhường phần của mình cho những hộ dân xóm dưới đang bị ngập đến eo.

“Tôi ở đây còn tốt chán đấy. Xóm phía dưới, nhiều ngày mất điện, mất nước, bùn đất chất đầy đến tận eo, ai nấy sinh hoạt đều khó khăn. Một số người phải đi xin nước hết nhà này đến nhà nọ ở xóm trên để sinh hoạt tạm qua ngày. Ngày nào tôi cũng phải xuống dưới đó xem qua tình hình, chứ không sao ngồi yên được”.

Anh Hoàng Anh Tuấn (41 tuổi, Phúc Xá, Ba Đình, TP. Hà Nội), kể rằng trong xóm ai cũng dành một sự tôn trọng nhất định đối với bà Tuyết. Thậm chí nhiều người còn hay gọi bà là “người hùng Tuyết” vì bất kỳ hộ nào trong xóm khó khăn, nơi đó đều có bà. 

Tàn dư của cơn bão số 3 khiến nước sinh hoạt ô nhiễm nghiêm trọng. Dịch sốt xuất huyết hoành hành, anh Tuấn cũng không may dính phải. Một tuần nằm liệt giường, gia đình anh không có trụ cốt kiếm sống nên khó khăn trăm bề. Thấy vậy, bà Tuyết đã san sẻ một nửa số gạo được nhận hỗ trợ cho gia đình anh. 

Suốt hàng trăm năm qua, Việt Nam hứng chịu rất nhiều cơn bão lớn nhỏ. Cứ mỗi lần như vậy những tấm lòng thơm thảo như bà Tuyết lại xuất hiện. Bà Tuyết không phải người duy nhất mà chỉ là một trong số nhiều người ngoài kia ngày đêm miệt mài, không quản nắng mưa hỗ trợ đồng bào vượt qua bão lũ. Nhiều người cho rằng, bản thân phải đủ đầy mới có thể cho đi. Nhưng khi đồng bào gặp hoạn nạn, từng hành động nhỏ bé mà chúng ta cho đi đều tạo nên những giá trị tốt đẹp. Ai có gì giúp nấy, người có nhiều giúp nhiều, người khó khăn ít chia sẻ với người khó khăn hơn. “Một nắm khi đói bằng một gói khi no” thực sự rất đúng trong thời khắc gian nan ở những địa phương đang bị thiệt hại nặng nề bởi bão lũ và lở đất. 

Yagi qua đi, thứ để lại là tình đồng bào nồng thắm. Khi thiên nhiên không còn ôm ấp con người, con người phải tự ôm lấy nhau. Không thể tách bạch tình yêu đồng bào với tình yêu gia đình, vì trên hết thảy, tình yêu đồng bào đã bao trùm tình yêu gia đình. Hy sinh vì đồng bào cũng chính là cách chúng ta yêu lấy gia đình của mình. 

 

Đừng bỏ lỡ
[Infographic] 2 mức quà tặng người có công dịp 27/7 của TP Hà Nội

[Infographic] 2 mức quà tặng người có công dịp 27/7 của TP Hà Nội

Tin nổi bật2 tháng trước

(Sóng trẻ) - Theo quyết định số 590/QĐ-CTN Chủ tịch nước ký ngày 25/6/2024, quà tặng cho người có công với cách mạng nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024) được chia thành hai mức 600.000 đồng và 300.000 đồng.

Đoàn giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực tế tại cơ quan báo chí, xuất bản Thanh Hoá

Đoàn giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực tế tại cơ quan báo chí, xuất bản Thanh Hoá

Tin nổi bật3 tháng trước

(Sóng trẻ) - Hoạt động diễn ra vào ngày 6/6, nhằm tăng cường gắn kết lý luận với thực tiễn, nâng cao chất lượng đào tạo ngành báo chí - truyền thông tại các đơn vị.

Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác

Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 19/5, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), đồng bào khắp mọi miền Tổ quốc đều hướng về Lăng Bác dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1980 - 19/5/2024). Trong tim mỗi người dân đều mang một cảm xúc bồi hồi khó tả.

XEM THÊM TIN