(Sóng trẻ) - Nửa thế kỷ đã qua, ký ức chiến trường vẫn vẹn nguyên trong cựu chiến binh Nguyễn Tài Triệu (76 tuổi, quận Ba Đình, Hà Nội). Với ông, chiến tranh có thể lấy đi tuổi trẻ và mạng sống, nhưng không bao giờ có thể dập tắt ý chí chiến đấu của con người Việt Nam.
Trong những ngày tháng toàn dân tộc cùng hân hoan mừng Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhóm phóng viên vinh dự được gặp gỡ cựu chiến binh Nguyễn Tài Triệu, người lính của Sư đoàn 351 tham gia kháng chiến chống Mỹ. Mái tóc ông bạc trắng, khuôn mặt đã in dấu ấn thời gian, nhưng ngọn lửa yêu nước trong ông vẫn luôn rực cháy.

Cựu chiến binh Nguyễn Tài Triệu sinh năm 1949 tại phố Vạn Phúc, phường Kim Mã, quận Ba Đình, Thủ đô Hà Nội. Sinh ra và lớn lên trong thời kỳ đất nước bị chia cắt, ông từng không ít lần chứng kiến những tội ác của quân giặc. Từ lâu, trong lòng ông đã sục sôi ý chí tham gia chiến đấu, quyết tâm giành lại độc lập cho nước nhà. Năm 16 tuổi, ngày khi vừa học xong lớp 7, chàng thiếu niên năm ấy đã hừng hực khí thế, mong muốn được sớm gia nhập quân ngũ, đi theo tiếng gọi của Tổ quốc.

Tháng 5/1965, phong trào “Ba sẵn sàng” bùng lên mạnh mẽ, trở thành lẽ sống của mọi thanh niên yêu nước. Những cậu thiếu niên tại ngõ Kim Mã thời đó, trong đó có ông Triệu, đã quyết định viết đơn xin nhập ngũ, sẵn sàng lên đường chiến đấu để mong được hòa mình cùng dòng không khí hào hùng của nước nhà.
Những lá đơn của ông Triệu cùng những người bạn của ông ngay lập tức bị từ chối, bởi khi đó, họ chưa đủ 18 tuổi. Thế nhưng, tuổi đời dù còn non trẻ cũng không thể ngăn cản khát vọng cống hiến của những cậu bé thiếu niên yêu nước. Người chiến sĩ cùng những người bạn đã dùng chính những giọt máu của bản thân để viết đơn xin tình nguyện ra trận, như một lời thề thiêng liêng gửi tới Tổ quốc.
Từng nét chữ đỏ thẫm in trên giấy, được viết bằng máu là minh chứng cho tinh thần dấn thân, khát khao góp sức giành lại độc lập, tự do của nhóm ông Triệu. Những quyết tâm đã được đền đáp xứng đáng, không lâu sau đó, ông Triệu cùng những thiếu niên khác tại ngõ Kim Mã vui mừng khi nhận được giấy gọi nhập ngũ, chính thức được bước vào hàng ngũ chiến đấu. Ở tuổi 16, ông trở thành chiến sĩ của đoàn 13B, sư đoàn 351.
Ông Triệu bồi hồi nhớ lại, khi nhận tin được gia nhập quân ngũ, ông Triệu và gia đình không giấu nổi niềm xúc động. Bởi với gia đình ông hay toàn thể người dân Việt Nam lúc bấy giờ, được tham gia bảo vệ Tổ quốc là niềm vinh dự vô cùng lớn lao.

Ngày lên đường, được đi giữa vòng tay nhân dân, những người lính trẻ càng sục sôi ý chí quyết tâm cống hiến cho Tổ quốc. Ông Triệu nhớ lại: “Giữa cái nắng chói chang mùa hè, người dân làng vẫn vui vẻ tiễn đưa những người lính trẻ chúng tôi lên đường nhập ngũ, suốt chặng dài từ Kim Mã đến Phan Đình Phùng”. Hình ảnh ấy đã theo ông suốt những năm tháng chiến đấu khốc liệt. Mỗi lúc gian nan, tình cảm ấy lại trở thành nguồn động viên to lớn, tiếp thêm sức mạnh để tiếp tục ý chí quyết thắng vì Tổ quốc.

Cũng trong những năm tháng ấy, chàng trai 16 tuổi dần trưởng thành qua từng lớp bồi dưỡng chính trị và các buổi huấn luyện gian khổ trước khi vượt Trường Sơn. Những cuộc chia ly, mất mát nơi chiến trường không chỉ rèn giũa bản lĩnh mà còn hun đúc trong lòng chàng trai ngọn lửa quyết tâm giữ gìn từng tấc đất quê hương.
Nhớ về ký ức hành quân trên đường rừng Trường Sơn, ông Triệu tâm sự: "Khi ấy, giặc Mỹ cày xới khốc liệt, dội bom đạn ngày đêm không ngơi nghỉ, trắng xóa những cánh rừng chúng tôi hành quân qua. Anh em chúng tôi sáng ngồi trò chuyện vui vẻ với nhau, tối đã nghe tin tử của đồng đội vì mắc bệnh, vì kiệt sức. Nhiều người cứ vậy ra đi khi chưa kịp cầm súng ra trận”. Trước sự hy sinh của những người đồng đội kề vai sát cánh, ông Triệu hiểu rằng mình không chỉ sống cho bản thân, mà còn đang sống cho cuộc đời của người nằm lại, phải chiến đấu đến cùng để giành lấy hòa bình, viết tiếp những trang đời còn dang dở.

Tháng 6 năm 1967, được lệnh xuống đồng bằng giải phóng ấp Hòa Trị, Tuy Hòa (huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên), ông và đồng đội chia thành nhiều toán giật bộc phá để mở hàng rào xông vào trận địa. Ông Triệu chậm rãi miêu tả chi tiết cho nhóm phóng viên về khung cảnh ngày hôm đó. Dưới mưa bom bão đạn, những người chiến sĩ nằm trơ trọi trên cánh đồng cạn. Cánh đồng bằng phẳng, không cây, không gò đất. Chỉ cần một cử động dù là rất nhỏ, nếu để quân địch phát hiện, đạn sẽ bay thẳng vào những người chiến sĩ.
Thật không may, bộc phá của toán quân không phát nổ, làm lộ vị trí của ông và đồng đội. Ông Triệu bị quân địch bắn trọng thương ở đầu. Trong khi bò lùi khỏi nơi tác chiến, ông bị những mảnh đạn pháo rải rác trên mặt đất găm vào chân phải, khiến thương tích càng thêm nghiêm trọng. Ông Triệu vì quá đau đớn đã ngất lịm ngay sau đó.
Một thoáng lặng người, nén nghẹn nơi cổ họng, người cựu chiến binh chậm rãi bộc bạch: “Tôi bị địch phát hiện còn sống và lập tức bị đưa về giam giữ. Bất chấp máu từ chân và đầu tôi chảy không ngừng, chúng vẫn tra tấn tôi rất dã man. Ngay sau hôm ấy, tôi đã mất đi một bên chân".

Ông Triệu tâm sự: “Chân tôi bị hoại tử, phải cưa ba lần. Tôi cũng buồn lắm! Mới nhập ngũ được hai năm, vậy mà tôi chỉ còn lại một bên chân. Tôi buồn cho bản thân một phần nhưng buồn nhiều hơn vì mình chưa được vào chiến trường miền Nam để trực tiếp tham gia chiến đấu nơi tiền tuyến". Nói xong, ông mỉm cười nhẹ nhàng, khẳng định bản thân không những không hề nuối tiếc trước những mất mát thân thể, mà còn cảm thấy vô cùng hãnh diện khi được cống hiến cho Tổ quốc.
Sau khi bị bắt, người chiến sĩ bị giam giữ suốt sáu năm tại hai nhà tù: Biên Hòa và Phú Quốc. Giữa những tháng ngày sống trong “địa ngục trần gian” - nhà tù Phú Quốc, ông Triệu cùng các chiến sĩ vẫn âm thầm giữ lửa chiến đấu. Mỗi sáng, họ lặng lẽ đọc mười lời thề quân nhân, giữ vững tinh thần cách mạng. Mọi hoạt động đều diễn ra trong bí mật, bởi chỉ một sơ suất nhỏ cũng phải đánh đổi bằng đòn roi và tra tấn tàn khốc.
Khi hiệp định Paris được ký kết năm 1973, ông cùng nhiều đồng đội tại trại tù Phú Quốc được trao trả tự do. Trở về thủ đô Hà Nội sau nhiều năm xa cách, người lính năm xưa được đảm nhận vai trò mới - trưng tập các hồ sơ liệt sĩ tại Bộ Lao Động, Thương binh và Xã hội.


11 giờ 30 phút, ngày 30/4/1975, khi đang ngồi sắp xếp hồ sơ của các liệt sĩ, ông Triệu nhận được tin báo mừng thắng lợi từ đài phát thanh. Thời khắc thiêng liêng ấy, ông Triệu không dám tin vào những gì mình được nghe, khi điều ông cùng mọi người dân Việt Nam ngày đêm mong mỏi đã trở thành sự thật.
Ngay lập tức, người dân từ khắp nơi đổ ra đường, tung bay cờ hoa rợp trời mừng ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, ngay trước cơ quan nơi ông Triệu đang làm việc. Giữa niềm vui vỡ òa của dân tộc, người lính năm xưa lặng đi trong giây lát. Trước mắt ông Triệu khi ấy là niềm hạnh phúc vô bờ, niềm vui chiến thắng của toàn dân tộc. Nhưng sau lưng ông, lại là những chồng, những tập hồ sơ liệt sĩ xếp cao, đang chờ được xác minh và kiểm tra lý lịch. Ký ức về những người đồng đội đã ngã xuống ùa về như cơn sóng, khiến ông không khỏi bồi hồi và tiếc thương:
“Phải bước qua cái chết rồi mới hiểu sự sống quý giá thế nào. Bởi để có ngày độc lập hôm nay, biết bao người chiến sĩ đã phải ngã xuống, gửi lại tuổi xuân và cả mạng sống cho Tổ quốc"; ông Triệu dõng dạc khẳng định

Từng trải qua những năm tháng chiến đấu gian nan ở tuổi trẻ tràn đầy khát vọng, bây giờ, người chiến sĩ ấy nhìn chúng tôi, ánh mắt đầy kiên định: “Thanh niên, ở bất kỳ giai đoạn nào, cũng là lực lượng tiên phong của đất nước. Trách nhiệm lớn thì khát vọng càng phải mạnh mẽ. Ngoài tiếp thu tri thức mới, người trẻ cần hiểu cội nguồn, sống trách nhiệm và nuôi dưỡng tinh thần yêu nước. Các bạn là thế hệ trẻ hiện nay, là tương lai của đất nước được sinh ra trong nền độc lập tự do, phải biết sống cho xứng đáng với hòa bình ấy".
Chiến tranh có thể lùi xa, nhưng dư âm và mất mát vẫn khắc sâu trong tâm trí người cựu binh năm xưa. Những đoàn người rạng rỡ bước đi dưới sắc cờ phấp phới hôm nay chính là biểu tượng sống động của hòa bình và minh chứng đất nước thống nhất. Từ dòng chảy lịch sử oai hùng ấy, chúng ta tự hào về dân tộc, trân trọng sự hy sinh anh dũng của biết bao thế hệ. Lịch sử không thể viết lại, nhưng thế hệ hôm nay, đặc biệt là người trẻ, hoàn toàn có thể vẽ nên tương lai bằng chính trách nhiệm và khát vọng của mình. Đó cũng là lời nhắn nhủ tâm huyết của cựu chiến binh Nguyễn Tài Triệu gửi đến thế hệ mai sau.
Sóng Trẻ News Awards 2024: Lời hứa tiếp nối của những người làm báo trẻ
(Sóng trẻ) - Sự kiện thường niên Sóng Trẻ News Awards của Trang tin điện tử Sóng trẻ trở lại với chủ đề "Evangeline - Lời hứa của hoa hồng", đánh dấu chặng đường 17 năm hoạt động của CLB.
Khóa II Khoa Báo chí: Hành trình 50 năm hội ngộ và tri ân
(Sóng trẻ) - Nhân kỷ niệm 50 năm ngày tựu trường của cựu sinh viên báo chí (1975 - 2025), ngày 15/3, Ban liên lạc khóa II khoa Báo chí tổ chức buổi gặp mặt thân mật tại tầng 10, tòa nhà A1, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Người dân cả nước hân hoan đón Giao thừa Tết Ất Tỵ 2025
(Sóng trẻ) - Thời khắc chuyển giao sang năm mới Ất Tỵ 2025, không khí hân hoan bao trùm nhiều tỉnh thành trên cả nước. Hàng triệu người dân từ Bắc vào Nam hòa mình vào màn pháo hoa rực rỡ, các chương trình nghệ thuật đặc sắc cùng nhiều hoạt động văn hóa.