


Từ nhỏ, bà Phan Thị Phúc đã say mê với ánh đèn sân khấu. Năm 1963, sau khi tốt nghiệp khoa Kịch nói của trường Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, bà nhanh chóng hòa mình vào không khí sôi động của giới nghệ sĩ, thử sức nhiều vai trò. Từ những vai diễn đầy cảm xúc đến cương vị đạo diễn, hay cả việc tổ chức những chương trình nghệ thuật đặc sắc dành cho thiếu nhi, bà đều để lại dấu ấn riêng.
Giờ đây, những nếp nhăn nơi khóe mắt bà như ghi lại ký ức về một thời làm nghệ thuật sôi nổi: “Tôi đã dành trọn tâm huyết cho sân khấu, cống hiến hết mình cho nghệ thuật. Những năm tháng ấy, tôi luôn tự hào về những đóng góp của mình”.

Hành trình làm nghệ thuật chuyên nghiệp đã thôi thúc người phụ nữ ấy đi tìm một ý nghĩa sâu sắc hơn. Và rồi, ý tưởng về một ngôi nhà nghệ thuật dành cho trẻ em khuyết tật dần hình thành trong tâm trí bà. Ý tưởng đến với bà Phúc vào những năm 1987, sau khi nhận thấy có rất ít môi trường nghệ thuật dành cho những bạn trẻ có hoàn cảnh đặc biệt. Kinh nghiệm tích lũy từ việc dạy học cho trẻ em khuyết tật tại các điểm trường ở Xã Đàn, Nguyễn Đình Chiểu, Gia Lâm, Cầu Diễn,... càng thôi thúc bà hiện thực hóa dự định của mình.
Đến năm 1991, Câu lạc bộ Văn nghệ Trẻ em khuyết tật Hà Nội chính thức ra đời. Với bà, nghệ thuật không chỉ là phương tiện để giải trí mà còn là chiếc chìa khóa để mở ra cánh cửa giao tiếp. Bà tâm sự: “Tôi tin rằng nghệ thuật là con đường ngắn nhất để đưa các em đến gần hơn với mọi người”.

Những đứa trẻ ấy, với hạn chế về ngôn ngữ, dường như đã tìm thấy tiếng nói riêng mình trong thế giới màu sắc và âm thanh. Khi chứng kiến các em tập trung vẽ, hòa mình vào điệu nhạc, chúng tôi mới nhận ra rằng nghệ thuật đã trở thành cầu nối kỳ diệu, giúp các em bộc lộ những cảm xúc sâu kín nhất.
Hơn ai hết, bà hiểu được rằng rằng mỗi đứa trẻ là một cá thể độc đáo, các em nhìn đời bằng lăng kính riêng. Càng nói về nghệ thuật, càng kể nhiều về học sinh của mình, người phụ nữ 83 tuổi ấy dường như càng trẻ ra: “Mỗi đứa trẻ đều mang trong mình một thế giới riêng. Khi tiếp xúc với múa, hát và vẽ, tinh thần các con trở nên thoải mái. Tại đây, tôi cùng nhiều cô giáo khác vừa là thầy, là bạn, cùng nhau chia sẻ yêu thương, thấu hiểu, để các con cảm nhận rằng mình không đơn độc. Nghệ thuật không phân biệt, không có ranh giới”.

Tháng 5/1994, Hội Cứu trợ Trẻ em Tàn tật Việt Nam quyết định “nâng cấp” Câu lạc bộ Văn nghệ Trẻ em khuyết tật Hà Nội thành Trung tâm Văn nghệ Trẻ em khuyết tật Hà Nội. Tuy nhiên, đối với bà Phúc, cái tên "câu lạc bộ" vẫn thân thuộc và gần gũi hơn. Bà chia sẻ: "Tôi vẫn thích gọi là câu lạc bộ vì nó gợi lên hình ảnh ấm cúng, gần gũi hơn. Quy mô của trung tâm có thể lớn, nhưng tình cảm mà chúng tôi dành cho các em vẫn vậy, vẫn là sự quan tâm chân thành và những giờ phút sẻ chia ấm áp".
Từ một nghệ sĩ bao năm miệt mài nơi ánh đèn sân khấu, "mẹ" Phúc trở thành gia đình của những đứa trẻ đặc biệt. Nhiều “lứa con” đã tốt nghiệp, còn bà vẫn miệt mài đứng lớp, tiếp tục xây dựng nên những “ngôi nhà” chung ấm áp. Hiện tại, bà đang dạy cho lứa học sinh thứ tư - những đứa trẻ mang trong mình hội chứng Down, chậm phát triển, tăng động, trầm cảm,... Mỗi đứa trẻ là một câu chuyện, mỗi câu chuyện là một bài học. Bà hiểu rằng, để đến được với các em, cần phải có sự kiên nhẫn, sự thấu hiểu và một trái tim yêu thương.
“Chúng tôi hiểu được các em đang muốn gì. Sự vui thích của các em biểu hiện qua việc hú hét, khi vui các em sẽ chạy quanh phòng, khi buồn các em ngồi khóc. Những giáo viên như tôi, đồng thời sẽ là nhà tâm lý. Các em khóc, tôi không cáu kỉnh, tôi vỗ về an ủi, lắng nghe những tâm sự của các em”, mẹ Phúc chia sẻ.

Trong suốt hơn ba thập kỷ qua, "mái ấm" nghệ thuật của người phụ nữ 83 tuổi đã trở thành điểm tựa vững chắc cho biết bao trẻ em khuyết tật. Đây không chỉ là nơi để các em thỏa sức sáng tạo mà còn là nơi ươm mầm những tài năng, giúp các em tự tin hòa nhập với cộng đồng.
Bà Phúc luôn tâm niệm rằng, nghệ thuật không chỉ là đam mê mà còn là công cụ để thay đổi cuộc sống. Bên cạnh việc dạy các em hát, múa, vẽ, bà còn chú trọng đến việc trang bị cho các em những kỹ năng sống cần thiết. “Tôi muốn các em không chỉ có tài năng mà còn có một nghề nghiệp ổn định để tự nuôi sống bản thân”, bà chia sẻ. Với các bạn nam, bà mời các chuyên gia từ Đại học Bách khoa về để dạy nghề sửa chữa điện dân dụng. Còn với các bạn nữ, bà hướng các em đến các nghề thủ công như thêu thùa, may vá.
Điều đặc biệt là lớp học đặc biệt ấy chưa bao giờ ngưng tiếng cười. Chị Lệ - 30 tuổi, một học sinh mang hội chứng Down luôn là người hào hứng nhất. Khi chúng tôi hỏi chị về cô giáo Phúc, chị chỉ cười toe toét và liên tục lặp lại: “Con yêu mẹ Phúc, con yêu mẹ Phúc…”. Và tình cảm khăng khít ấy không chỉ thể hiện bằng lời, mà còn thể hiện bằng tiếng cười giòn tan, đôi mắt hào hứng, đôi bàn tay huơ huơ như hưởng ứng từng lời “mẹ” dạy.


Lớp học của mẹ Phúc không chỉ trao cho các em cơ hội sống trọn với nghệ thuật, mà còn là ngôi nhà chung - nơi các bậc phụ huynh tìm thấy niềm an ủi và hy vọng.
Bà Nguyễn Thị Tuyết, người mẹ già luôn đồng hành cùng con gái Nhật Lệ trong mỗi lớp học đặc biệt, bộc bạch: “Nhật Lệ được học chữ từ năm 8 tuổi ở trường Trung học Cơ sở Trung Tự. Đến năm 15 tuổi, Lệ được mẹ Phúc dạy hát, múa và gắn bó đến hiện tại. Nhật Lệ yêu ca hát, những lúc ở nhà, Lệ hát mãi. Nhưng Lệ chậm và mẹ Phúc phải ‘cầm tay chỉ việc’ từng chút để con tiến bộ như hiện tại. Tôi biết ơn mẹ Phúc nhiều lắm, chỉ mong mẹ có thật nhiều sức khỏe để có thể đồng hành cùng các con lâu dài”.

Rồi người mẹ già ấy nấc lên từng tiếng, giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt khắc khổ, hằn sâu dấu vết thời gian. Cả căn phòng như nghẹn lại trong khoảnh khắc xúc động. 15 năm qua, “mẹ" Phúc đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của gia đình bà. Thật khó để không xúc động trước tấm lòng cao cả của một người thầy, người mẹ đã tận tâm dạy dỗ con em mình.
Bà Nguyễn Thị Tuyên, phụ huynh của chị Vân - một học sinh mắc hội chứng Down, cũng dành cho cô Phúc nhiều tình cảm trân trọng: "Vân tham gia CLB từ năm 2018, và trong suốt 6 năm qua, con đã tiến bộ vượt bậc. Vân nhanh nhẹn hơn, biết được nhiều việc hơn. Tôi kính trọng và yêu thương mẹ Phúc lắm, chỉ mong mẹ có thể đồng hành mãi cùng các con”.
Giọng bà chợt lạc hẳn đi, có lẽ vì nhiều điều trăn trở mà chính bà cũng không biết sẻ chia cùng ai: “Vân rồi sẽ ra sao nếu một ngày tôi và mẹ Phúc không còn ở bên?”.

Nỗi lo lắng của bà Tuyên cũng chính là nỗi lo lắng chung của nhiều bậc phụ huynh có con là người khuyết tật. Nhưng chúng tôi tin rằng sẽ ngày càng nhiều những tấm lòng nhân hậu xuất hiện để kế nhiệm bà Phúc, tiếp nối hành trình yêu thương và chăm sóc cho những người con "đặc biệt". Bởi những tấm lòng đẹp luôn tìm về với nhau...
Khóa II Khoa Báo chí: Hành trình 50 năm hội ngộ và tri ân
(Sóng trẻ) - Nhân kỷ niệm 50 năm ngày tựu trường của cựu sinh viên báo chí (1975 - 2025), ngày 15/3, Ban liên lạc khóa II khoa Báo chí tổ chức buổi gặp mặt thân mật tại tầng 10, tòa nhà A1, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Người dân cả nước hân hoan đón Giao thừa Tết Ất Tỵ 2025
(Sóng trẻ) - Thời khắc chuyển giao sang năm mới Ất Tỵ 2025, không khí hân hoan bao trùm nhiều tỉnh thành trên cả nước. Hàng triệu người dân từ Bắc vào Nam hòa mình vào màn pháo hoa rực rỡ, các chương trình nghệ thuật đặc sắc cùng nhiều hoạt động văn hóa.
Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"
(Sóng trẻ) - 14h30 ngày 05/12/2024, Trang tin điện tử Sóng trẻ sẽ tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Đi và viết khi ta còn trẻ”.