Giao lưu trực tuyến "Giới trẻ gìn giữ các làn điệu dân ca và nhạc cổ truyền Việt Nam"

(Sóng trẻ) - Vào lúc 14h10 ngày 30/11/2017 tại hội trường B1, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, BBT Trang tin điện tử Sóng Trẻ có buổi Giao lưu trực tuyến “Giới trẻ giữ gin các làn điệu dân ca và nhạc cổ truyền Việt Nam” với khách mời là TS. Văn hóa học Nguyễn Thị Hồng – Phó Trưởng khoa Tuyên truyền HV BC&TT và bạn Nguyễn Nam Giang – Giải A cuộc thi Tiếng hát Dân ca TP. Vinh 2016.

Hiện nay, giới trẻ hiểu biết những gì về các làn điệu dân ca và nhạc cổ truyền? Nhà nước có chủ trương, chính sách gì để bảo tồn âm nhạc dân tộc cũng như khích lệ các bạn trẻ theo đuổi con đường này? Làm thế nào để giới trẻ hiểu và ứng xử đúng với nhạc cổ truyền Việt Nam? 

Cùng lắng nghe những chia sẻ về các vấn đề này tại buổi giao lưu trực tuyến: “Giới trẻ giữ gìn các làn điệu dân ca và nhạc cổ truyền Việt Nam”.

0efdc3098_24250829_927894084028258_1897581542_o.jpg
Đại diện BBT trao hoa cho khách mời

14h10, buổi giao lưu trực tuyến chính thức bắt đầu.

Cơ duyên nào đưa bạn đến với loại hình nghệ thuật dân gian vốn không nhiều hào quang như các loại hình nghệ thuật  khác? (Hải Anh – Hà Nội)

Nguyễn Nam Giang: Sau một lần tham gia cuộc thi hát dân ca của phường, mình phát hiện bản thân có năng khiếu và đam mê với âm nhạc dân gian. Từ đó, mình đi theo dòng nhạc này và gắn bó với nó.

Có ý kiến cho rằng giới trẻ hiện nay không quan tâm lắm đến các làn điệu dân ca và nhạc cổ truyền, thậm chí còn xa lánh. Tiến sĩ có nghĩ dòng nhạc trên sẽ bị mai một trong tương lai. (Quỳnh Chi, 22 tuổi)

TS. Nguyễn Thị Hồng: Tôi không nhất trí với ý kiến trên, bởi chính chương trình giao lưu ngày hôm nay cũng đã cho thấy giới trẻ không hề xa lánh mà còn tìm đến với nó bằng sự đam mê. Tôi nghĩ ngày nay âm nhạc cổ truyền sẽ không mai một mà có một khuynh hướng phát triển khác, vì nó nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nhà văn hóa nghệ thuật, các bạn trẻ. 

Nguyễn Nam Giang: Theo mình, nếu nói từ xa lánh thì hơi nặng nề. Không có nhiều bạn nghe dòng nhạc dân gian theo cách say mê, gắn bó nhưng các bạn có nghe, có quan tâm chứ không hề xa lánh.

Em ở Phú Thọ nhưng rất hiếm khi được nghe hát xoan, em cũng muốn giữ gìn nhưng hiểu biết về nó còn hạn hẹp thì phải giữ gìn bằng cách nào? (Nguyễn Linh, số điện thoại 0988050xxx)

TS Nguyễn Thị Hồng: Hát xoan kén khán giả nghe vì gắn liền với nghi lễ cung đình và ngọc phả Hùng Vương. Kể từ khi hát xoan được trở thành di sản văn hóa thì mức độ tuyên truyền, phủ sóng cũng cao hơn, vì thế, để giữ gìn thì bạn nên tự nâng cao hiểu biết của chính mình, để tự cảm nhận được nét tinh túy. Muốn hiểu được hát xoan thì phải hiểu được ca từ, đặc trưng và không gian của hát xoan.

Vùng em nhiều người dân tộc Chăm sinh sống, các điệu múa và nhạc của người Chăm có được xếp chung vào nhóm dân ca và nhạc cổ truyền Việt Nam không, hay chỉ là của chung Nam Á, vì văn hóa người Chăm bị ảnh hưởng nhiều của văn hóa Ấn Độ? (Ngọc Trinh, Sóc Trăng)

TS Nguyễn Thị Hồng: Văn hóa người Chăm là 1 yếu tố trong tổng thể văn hóa Việt Nam. Văn hóa người Chăm tạo thành bộ phận của văn hóa Việt Nam từ thế kỉ 14. Âm nhạc Chăm chịu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ tuy nhiên yếu tố Việt hóa vẫn là cốt lõi.

Ở trường anh Nam Giang có chia thành các chuyên ngành nhỏ theo các dòng nhạc khác nhau không? Bản thân anh có cảm thấy cách dạy đó hiệu quả và phù hợp với việc gìn giữ các làn điệu dân ca không? ([email protected])

Nguyễn Nam Giang: Ở trường ĐH Văn hóa chỉ có duy nhất 1 chuyên ngành thanh nhạc, sau đó sinh viên được tự lựa chọn các dòng nhạc khác nhau phù hợp với giọng hát của từng người, gồm có dân gian, thính phòng, nhạc nhẹ. 4 năm đầu trung cấp mình được học thanh nhạc, 4 năm sau mình được đào tạo chuyên sâu về bộ môn dân ca. Mình nghĩ đây là một cách giảng dạy hiệu quả và chắc chắn.

6819bff45_24209837_927897614027905_894303315_o.jpg
Khách mời hát giao lưu cùng khán giả

Một số bài tuồng, chèo có lối hát, lối diễn phức tạp, hơn nữa lời hát là truyền miệng, khá khó nhớ và có nhiều cải biên, nên giới trẻ khó mà tiếp thu cũng như giữ gìn. Theo cô đây có phải lý do mà giới trẻ ngày một xa lánh âm nhạc truyền thống? (Hồng Hà, 22 tuổi, số điện thoại 01634987xxx)

TS Nguyễn Thị Hồng: Tôi nghĩ đây cũng là một lý do tạo lên rào cản trong tâm lý tiếp nhận của giới trẻ. Tuy nhiên tôi cũng không đồng ý cách nghĩ của một người khi nói giới trẻ đang dần xa lánh. Theo tôi, lý do chính là bởi sự lên ngôi của âm nhạc hiện đại với những nhịp điệu sôi động, phù hợp với tâm lý tiếp nhận của giới trẻ hơn.

Bạn bè em chia sẻ là học trong trường không có nhiều cơ hội đi diễn, vậy trong quá trình học anhcó được đi diễn nhiều không? (Mỹ Duyên – Trường THPT Nguyễn Huệ)

Nguyễn Nam Giang: Học trong trường được đi diễn rất nhiều, thậm chí còn không có thời gian để nghỉ. Em đi diễn từ khi bắt đầu vào trường. Lần đầu tiên đi diễn ở Đại Hội Đảng tại sân vận động Mỹ Đình. Tuy sau buổi diễn đó khá mệt nhưng cũng rất hào hứng và vui.

Ở quê em có làn điệu hát Dô nổi tiếng, em rất muốn học hát, nhưng bố mẹ và nhiều người trong làng ngăn cấm vì họ nói rằng có lời nguyền của thánh Tản Viên. Cô có thể cho em biết thêm về hát Dô và tích truyện này được không? (Linh, Quốc Oai, Hà Nội)

TS. Nguyễn Thị Hồng: Hát dô là dân ca nghi lễ cổ, nghi lễ thờ thánh Tản Viên. Có nội dung rất hay. Làn điệu hát Dô được ra đời từ thế kỉ thứ XIV – XV, đến thời Lê thì làn điệu này lên ngôi. Hát Dô thể hiện tình yêu đôi lứa, tình yêu thiên nhiên,… Hát Dô là di sản văn hóa kết tinh trí tuệ tâm huyết của người Hà Tây.

Nếu bây giờ có một ông bầu muốn bạn theo dòng nhạc thị trường và lăng xê bạn nổi tiếng. Thì bạn sẽ lựa chọn như thế nào? (Hoàng Hải – Đà Nẵng)

Nguyễn Nam Giang: Em sẽ không theo dòng nhạc thị trường bởi giọng hát của em không phù hợp với dòng nhạc thị trường. Dòng nhạc thị trường em hát chỉ để giải trí thôi ạ, còn em sẽ vẫn luôn định hướng theo dòng nhạc dân tộc.

Hiện nay một số bài dân ca được giới trẻ hòa âm lại theo nhịp điệu và tiết tấu hiện đại, thậm chí là đưa vào vũ trường, quán bar để làm nhạc nhảy. Cô nghĩ sao về việc này? (Bạn Thanh Thảo có số điện thoại 0986584xxx)

TS. Nguyễn Thị Hồng: Có những bài hát đi cùng năm tháng, là những giai điệu tự hào của một thời kỳ, một giai đoạn. Đôi khi, chúng ta không nên đóng khung âm nhạc theo một lối cũ mà cần có sự phá cách. Tuy nhiên, nếu một số bài dân ca được đưa vào vũ trường quán bar thì tôi thấy ái ngại vì đây không phải môi trường phù hợp cho sự phát triển của nhạc dân ca cổ truyền.

727f45147__mg_4961.jpg
Toàn cảnh buổi giao lưu

Hồi nhỏ, em hay được nghe các bà ,các cô hát ru, em muốn hỏi là hát ru có được xếp vào, các làn điệu dân ca và nhạc cổ truyền Việt Nam không? Hát ru có ý nghĩa như thế nào trong việc phát triển nhân cách của trẻ nhỏ? ( Hoài Thương lớp Văn hóa Phát triển – HVBCTT)

TS. Nguyễn Thị Hồng: Hát ru cũng là một trong những làn điệu dân ca cổ truyền. Hát ru với hình thức là những câu hát gắn bó với tinh thần của người Việt. Nhưng hiện nay hát ru đang dần bị mai một. Cần phải lưu giữ và phát triển hát ru. Hát ru chứa đựng tình mẫu tử, tâm tình của người mẹ, chưa đứng tâm hồn lành mạnh, nhân văn sẽ tạo nên dấu ấn đầu tiên và suốt đời cho trẻ.

Dân ca và nhạc cổ truyền kén khách, không được ưa chuộng như nhạc trẻ bây giờ, thu nhập của nghệ sĩ cũng bấp bênh. Lựa chọn dòng nhạc này em có từng lo lắng cho vấn đề kinh tế trong tương lai không? (Facebook Văn Phong Phạm)
 
TS Nguyễn Thị Hồng: Không phải lúc nào chúng ta cũng đặt vấn đề kinh tế lên trên. Nhiều nghệ sĩ phương Tây thường xuống đường biểu diễn miễn phí. Họ biểu diễn vì tình yêu đối với âm nhạc dân tộc. 

Nguyễn Nam Giang: Em không lo lắng vì với dân ca, em hát vì niềm đam mê, mà em tin rằng càng ngày nhạc truyền thống sẽ có nhiều người nghe hơn.

727f45147_2.jpg
Khách mời trả lời câu hỏi của chương trình

Tôi là một doanh nhân và rất yêu thích các thể loại dân ca. Quê tôi có câu lạc bộ tự phát cho các cháu thiếu niên, nhi đồng, tôi muốn hỗ trợ để các CLB như vậy phát triển hơn. Nhưng lại sợ người giảng dạy không có chuyên môn sẽ làm dòng nhạc này trở nên lai căng, mất chất. TS có thể cho tôi lời khuyên? (Độc giả Xuân Khánh (Cầu Giấy, Hà Nội)
 
TS. Nguyễn Thị Hồng: Tôi nghĩ việc tổ chức CLB nên được duy trì và lan rộng vì những ảnh hưởng tích cực nó mang đến. Với vai trò là một mạnh thường quân, anh có thể tìm và mời những giảng viên có chuyên môn cao, quan trọng là anh hãy nói ra tâm huyết, mong muốn của mình với giáo viên. Tôi tin rằng khi hiểu được điều ấy, sự tự nguyện và nhiệt huyết sẽ tự chảy trong tim họ để truyền được tình yêu dân ca cô truyền cho các thế hệ sau.

15h50: Chương trình Giao lưu trực tuyến " Giới trẻ gìn giữ các làn điệu dân ca và nhạc cổ truyền Việt Nam" kết thúc.

fd2f06185__mg_5006.jpg
BBT chụp ảnh cùng khách mời tham dự chương trình

Mặc dù vẫn còn rất nhiều những câu hỏi, sự quan tâm gửi về từ khắp nơi qua những kênh thông tin của buổi giao lưu trực tuyến ngày hôm nay nhưng do thời lượng chương trình có hạn, BBT sẽ gửi những câu hỏi chưa được giải đáp trực tiếp đến khách mời và tiếp tục cập nhật tới quý vị độc giả.

Xin chân thành cảm ơn TS. Văn hóa học Nguyễn Thị Hồng – Phó Trưởng khoa Tuyên truyền HV BC&TT và bạn Nguyễn Nam Giang – Giải A cuộc thi Tiếng hát Dân ca TP. Vinh 2016 đã dành thời gian giao lưu và chia sẻ nhiều điều hữu ích và thú vị tới các độc giả của Sóng Trẻ. Cảm ơn Th.s Trần Thị Phương Lan và nhà báo Nguyễn Việt Hà đã luôn đồng hành, tư vấn và hướng dẫn BBT thực hiện thành công chương trình này. Cảm ơn quý độc giả đã theo dõi, quan tâm và ủng hộ chương trình.

BBT Sóng trẻ

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật7 tháng trước

(Sóng trẻ) - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN