Khu tập thể Quỳnh Mai: Nín thở sống trong nhà chờ sập

(Sóng trẻ) - Trong khi hàng loạt chung cư mới xây dựng đang “nằm đắp chiếu” vì ế khách thì lạ thay, ngay giữa lòng thủ đô, có tới hàng trăm hộ dân vẫn phải thấp thỏm lo âu, sống trong những ngôi nhà đổ nát, chẳng biết sẽ sập lúc nào.
 
Những căn hộ 19m2 và nguy cơ trở thành đống đổ nát

Khu tập thể C5 Quỳnh Mai - Hà Nội được xây dựng từ những năm 1956 gồm 4 tầng với khoảng hơn 90 căn hộ. Sau hơn nửa thế kỷ đi vào sử dụng, đến nay, khu tập thể đã xuống cấp nghiêm trọng.Tuy nhiên, nơi đây vẫn được gần 90 hộ gia đình chọn làm nơi xây dựng tổ ấm với số cư dân lên tới khoảng hơn 400 người. Họ sống trong sự tối tăm, ẩm thấp, từng ngày, từng giờ nín thở vì biết ngôi nhà của mình rất có thể sẽ biến thành đống đổ nát bất cứ lúc nào.
 
7bf1ab11b_i_9365.jpg

Khu tập thể C5 Quỳnh Mai nhìn từ bên nài vào với những mảng tường tróc vôi vữa, trơ lõi gạch

Từ những năm 1978 - 1979, hàng loạt con đường và các khu nhà cao tầng được xây dựng quanh khu tập thể. Điều đó vô hình chung làm mặt bằng của khu C5 trở nên thấp hơn xung quanh, quá trình sụt lún, xuống cấp cũng bắt đầu từ đó và ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn.

7bf1ab11b_i_9376.jpg
 
Không gian sống chật hẹp nên một số hộ dân ở đây phải xây thêm “chuồng cọp” để cơi nới diện tích sinh sống.

abbd0f0cd_i_9382.jpg

Rất khó để nhận ra “căn hầm” ẩm thấp này là lối lên tầng 2 của khu tập thể C5

Bà  Nguyễn Thị M sống ở tầng 1 khu tập thể C5 cho biết: “Tôi sống ở đây lâu lắm rồi, từ hồi vẫn là cô gái trẻ chưa chồng. Thời đó, khu tập thể cao ráo, đẹp đẽ nhưng không có đường đi. Sau này, nhà nước mở đường đi xung quanh nhưng đường mở ra càng nhiều, xây càng cao, càng đẹp thì những ngôi nhà ở đây lại càng thấp xuống, trở thành ao tù nước đọng và bắt đầu xuống cấp dần đều”.
 
abbd0f0cd_i_9390.jpg

Căn nhà chật chội, u tối, ẩm thấp ngay tầng 1 của khu tập thể lúc nào cũng phải thắp đèn ngay cả khi trời sáng.

7bf1ab11b_i_9378.jpg
 
Không gian tù túng, thiếu ánh sáng với các loại dây dợ “chằng chịt” nối tạm bợ từ nhà này sang nhà khác.

Khu tập thể C5 trước thuộc Công ty Cơ khí công trình (Bộ GT-VT). Thời đó công ty xây dựng nhà để bố trí cho cán bộ công nhân viên độc thân. Vì vậy, toàn bộ những căn phòng ở đây chỉ vẻn vẹn có 19m2/phòng hoặc ít hơn. Không chỉ chật chội, những căn hộ ở đây không có bếp riêng, nhà vệ sinh riêng. Mỗi tầng có một nhà tắm và bếp công cộng đặt ở đầu khu nhà, dùng chung cả mấy chục người, từ già trẻ, lớn bé đến gái, trai đều không có sự phân biệt rõ ràng.

abbd0f0cd_i_9412.jpg
 
Quang cảnh nhà vệ sinh chung của hàng chục hộ dân đang sinh sống tại khu tập thể C5 

Trải qua năm tháng, toàn bộ khu tập thể như trở nên méo mó, xiêu vẹo. Những bậc cầu thang u tối như những cảnh heo hút trong phim phá án hoặc phim kinh dị. Khắp nơi, những bức tường rung lên mùi ẩm mốc, vôi vữa tróc lở từng mảng, rêu mọc hoen úa, ký sinh trùng cũng chọn làm đây làm nơi nương tựa. Những viên gạch bị bào mòn bởi nắng mưa lộ rõ màu đen ố trên tường. Tất cả những thứ đó đều như không còn xa lạ gì với người dân nơi đây. C5 không có dấu vết của sự cổ kính, rêu phong mà trái lại, nó toát lên sự nham nhở, u tối, tiêu điều đến rợn người.

Chị Phạm Thị H sống tại tầng 2 khu tập thể cho biết: “Ở nhà tôi, một đêm đang ngủ, một mảng vôi vữa rất lớn rơi ngay giữa nhà, va vào đầu vợ chồng đau điếng, bụi bay tứ tung. Ở trên tầng 2 mà ngay trong một ngày nắng ráo, nước ở đâu cũng tràn qua những kẽ tường nứt, chảy vào trong nhà. Những thanh sắt trống tường hoen gỉ như chỉ trực chờ biến thành đống phế liệu. Chỗ phơi quần áo cũng không có. Ở đây khổ vô vàn, trăm điều khổ”.
 
7bf1ab11b_trannha.jpg

Mặc dù được cơi nới, gia cố thường xuyên nhưng trần nhà vẫn luôn bị sập lở, trơ những thanh gỗ mục nát, cũ kỹ.

Những ngày khô ráo, sự tróc lở của khu tập thể đã khiến người ta khiếp vía thì đến ngày mưa, sự lo lắng ấy càng biến thành một nỗi kinh hoàng đầy ám ảnh.

Chị H kể: “Những ngày mưa, tầng 1 ngập tới lưng ống chân người lớn, ra khỏi vùng nước thì lại đến chỗ bùn đất nhầy nhụa, bẩn không sao kể xiết. Người lớn thì không sao chứ người già và trẻ em thì khổ sở vô cùng. Như con cái nhà chị mà muốn đi đâu ngày mưa là bố mẹ phải cõng ra tới tận đầu đường”.

Những người ở tầng trên khổ là vậy nhưng cũng chưa thấm vào đâu với những người ở tầng 1 ngay sát mặt đất. Chỉ sau một trận mưa không lớn lắm, tầng một nhanh chóng chìm ngập trong bùn nước, rác nổi lềnh bềnh, phân uế ập vào nhà.

Bà M nói: “Có những ngày mưa, nhà tôi lênh láng nước, vợ chồng, con cái đang đêm phải gọi nhau dậy, mang hết xô, chậu ra mà tát nước, hì hục như bắt tôm, bắt cá giữa đồng”.

Bà M cũng kể thêm: “Tôi đã tự tôn nền nhà cao lên cả 1m nhưng xem ra cũng không thay đổi nhiều, xung quanh những nhà khác đều thấp và mặt bằng khu này thấp hơn các khu khác khiến nước cứ thế tràn về, không sao kiểm soát”.

Khở sở là vậy, nhưng hàng trăm hộ gia đình ở đây, cả mấy thế hệ vẫn cùng nhau hạ quyết tâm gắn bó tới cùng với những căn hộ ổ chuột. Giải thích nguyên nhân này, chị H tâm sự: “Chúng tôi là những người lao động nghèo, lương tháng chỉ vỏn vẹn trên dưới 1 triệu đồng chưa kể nguy cơ thất nghiệp luôn rập rình… thế thì biết là đi đâu? Hơn nữa, sống ở đây 30 năm nay, tôi thành quen. Vả lại, hồi xưa đến đây ở, chúng tôi cũng phải bó ít vốn liếng, phải làm sổ đỏ, sao nói bỏ đi là bỏ đi cho được?”.

Bao giờ cho tới “tái định cư”?

Trong suốt nhiều năm qua, người dân ở đây luôn sống trong cảnh tiến thoái lưỡng nan. Họ không nhận được bất cứ sự hỗ trợ nào của chính quyền góp phần làm thay đổi bộ mặt nhếch nhác của khu tập thể. Nhiều người muốn tự bỏ tiền, gia cố lại nơi ở thì gặp phải sự cản trở của cơ quan chức năng, muốn sửa sang thì lại mắc những thủ tục hành chính phiền hà từ ban này đến cấp nọ.

“Nhiều lần tôi muốn chống thêm 1 cái sào sắt ra lùi phía nài hiên để phơi thêm ít quần áo, muốn sửa lại mái nhà… lại phải đi làm đơn trình bày ra phường, ra quận rất mệt mỏi. Bây giờ tôi chỉ hi vọng được tái định cư để gia đình đỡ khổ sở.” – chị H ngậm ngùi kể.

Lời tâm sự của chị H cũng là tâm lý chung của hằng trăm con người khác đang “tồn tại” thay vì “sống” trong khu nhà này. Năm tháng cứ qua đi và khu tập thể C5 vẫn đang tiếp tục “oằn mình” chống chọi với sự khắc nghiệt của thời gian. 

Trước tình cảnh sống khổ sống sở trong những căn nhà tồi tàn, nhiều hộ dân nơi đây đã bàn nhau, cùng làm đơn đề nghị lên các cơ quan chức năng có thẩm quyền, yêu cầu được sửa sang lại khu tập thể. Theo nhiều người dân nơi đây cho biết, từ năm 2009 UBND TP Hà Nội đã lập quy hoạch chi tiết Dự án cải tạo, xây dựng lại tập thể Quỳnh Mai, quận Hai Bà Trưng. Năm 2011, UBND TP Hà Nội có quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch. Tuy nhiên, cho đến nay, đã 5 năm trời mọi thứ vẫn chẳng hề đổi khác.
 
25da0520b_i_9456.jpg

Khu tập thể tồi tàn này sẽ không biết còn có thể đứng vững được bao lâu?

Mong ước lớn nhất của những người dân nơi đây là 3 từ “tái định cư”. Nhưng chặng đường đi đến ước mơ đó của người dân nơi đây xem chừng vẫn còn là một dấu hỏi chưa có lời giải đáp thỏa đáng từ phía các cơ quan chức năng.

Thu Hường - Khánh Linh

Báo mạng điện tử K.31



Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN