“Kỹ nghệ” thời điên đảo: Kỳ 2- Lạc trắng hô biến thành lạc đỏ là nhờ...phẩm nhuộm
( Sóng Trẻ )- Với manh mối là lời tâm sự thật thà của một tiểu thương tên Mai tại chợ đầu mối phía Nam ( quận Hoàng Mai, Hà Nội). Những kỹ nghệ lừa đảo của một số tiểu thương gian manh đã bị vạch trần trong màn kịch hô biến lạc trắng thành lạc đỏ.
Nhuộm đỏ lạc trắng bằng phẩm màu
Trong vai một tiểu thương buôn bán nông sản ( đỗ, gạo, lạc, vừng…) chúng tôi lân la được một người bán hàng “có số má” tại chợ đầu mối phía Nam cho số điện thoại của tổng đại lý cung cấp loại lạc đỏ giả hiệu kia.
Người bán hàng còn không quên nhiệt tình đến mức nhắc chúng tôi: “ Cứ nói là cháu bác Quang là người ta giới thiệu cho. Nhớ là mua với giá 30.000 VNĐ thôi vì nó là lạc trắng chứ chẳng phải lạc đỏ đâu mà mua đắt. Tầm giá đó là mua được rồi”. Người bán hàng cũng cho biết mỗi ngày cô ta bán được hàng mấy tạ lạc đỏ như thế. Tính mỗi kg lãi khoảng 20.000 VNĐ. Số tiền lãi nhờ bán loại lạc đỏ trí trá kia lên đến cả chục triệu đồng. Đây thực sự là một số tiền lãi khủng khiếp, điều đó lý giải vì sao bất chấp sự quản lý gắt gao của thị trường, các cơ sở kinh doanh vẫn bất chấp kinh doanh lại lạc đỏ trên.
Lạc trắng hô biến thành lạc đỏ nhờ…phẩm nhuộm
Lần theo số điện thoại của đầu dây bên kia, chúng tôi được một người đàn ông trung niên tiếp máy. Sau khi giới thiệu là cháu bác Quang và đặt vấn đề mua một nguồn hàng lớn bao gồm các loại gạo, lạc, vừng… và đặc biệt là lạc đỏ giống Thanh Hóa chúng tôi được người đàn ông tư vấn nhiệt tình về giá mua, giá bán, khâu vận chuyển. Tuy nhiên khi đi sâu vào nguồn hàng là loại lạc đỏ được làm giả, người đàn ông bắt đầu dè dặt và có ý nghi ngờ. Liên tục là những câu hỏi được đưa ra: Vì sao lại biết đây là lạc làm giả? Ai đã cho số điện thoại liên hệ ? Đơn hàng muốn lấy là bao nhiêu? Cách thức thanh toán, vận chuyển ?
Sau khi tạo được lòng tin đối với người đàn ông kia dưới cái vỏ bọc là “cháu bác Quang” cuối cùng đầu dây bên kia cũng tiết lộ một số thông tin quan trọng. Theo đó chính đại lý Tổng cũng không biết vì sao lạc trắng lại có thể biến thành lạc đỏ vì tất cả khâu sản xuất đều được đặt ở Trung Quốc. Loại lạc này mà người ta quen miệng gọi là “lạc Tàu” thực ra là lạc trắng nhưng đã được nhuộm thành lạc đỏ. Khi hỏi có được biết chất nhuộm màu cho loại lạc trên là chất gì không thì bản thân người đầu dây cũng “ chịu chết” vì họ chỉ biết đánh hàng từ cửa khẩu sau đó đem về nước tiêu thụ.
Bản thân người đại diện đại lý tổng cũng khuyên chúng tôi : “ Mua bán thì được chứ mua ăn đừng dại mà mua. Đây là lạc Tàu nó đã pha phẩm thành lạc đỏ Thanh Hóa. Mà nhắc đến hóa chất cái gì chả có độc hại, nhất là phẩm nhuộm công nghiệp. Phẩm này không xịn đâu, vì nếu xịn thì sẽ không bị phai màu nhanh như thế”.
Khi được hỏi vì sao biết độc hai mà vẫn bán, họ trả lời : “ Lãi quá lớn ai mà chẳng ham. Còn bên nài đầy thứ độc hại. Không ăn lạc của mình thì họ cũng ăn thứ độc hại khác, có khác gì nhau đâu”.
Sau cuộc trò chuyện điện thoại, người đàn ông hẹn chúng tôi thu xếp xuống xem hàng và mua bán cho thuận tiện. Người đàn ông này cũng cho biết thêm : Nguồn hàng rất khan hiếm do người mua quá đông, họ phục vụ không đủ. Nếu không xuống nhanh thì sợ không có hàng mà bán cho khách”.
Như vậy qua lời của đại lý tổng có thế phần nào khẳng định đây là loại lạc trắng đã được xử lý bằng hóa chất để biến thành lạc đỏ. Loại lạc này có xuất xứ từ Trung Quốc đang được các lái buôn rất chuộng vì giá thành thấp, dễ che mắt người tiêu dùng trong khi lợi nhuận đem lại thì quá lớn.
Tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho sức khỏe con người
Những thông tin về loại lạc trắng pha phẩm để biến thành lạc đỏ được chúng tôi nhanh chóng chuyển đến Ts. Vũ Văn Thoại, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện nghiên cứu cây đàn hương và thực vật quý hiếm cho biết, hiện nay loại lạc đỏ của Trung Quốc “tràn” sang Việt Nam khá nhiều. Vì thế, giá thành lạc trong nước cũng bị giảm mạnh. Lạc ta màu đỏ sậm trong khi lạc Trung Quốc đỏ nhưng màu nhạt hơn, chất lượng loại lạc này cũng kém hơn hẳn.
Trước thông tin nghi ngờ về việc lạc đỏ ngâm phẩm màu, Ts Vũ Thoại cho biết cần phải có sự vào cuộc của cơ quan chức năng. “Thông thường lạc đỏ của Việt Nam khi ngâm trong nước cũng bị phai màu nhưng vỏ lạc bên nài vẫn giữ được màu đỏ nguyên bản. Việc chỉ ngâm khoảng 15 phút, lạc đã chuyển sang màu trắng bệch thì đúng là hiện tượng lạ”, Ts Vũ Thoại thông tin.
Lạc đỏ Việt Nam khi ngâm nước cũng phai màu nhưng vỏ lạc vẫn giữ được màu đỏ tươi bên nài. (Ảnh: Ts Vũ Thoại cung cấp)
Trong khi đó PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng, thực phẩm được nhuộm màu hóa học thường có màu sắc bắt mắt, sặc sỡ nhưng trông kém tự nhiên hơn đồ ăn dùng màu tự nhiên. Hiện nay, trên thị trường phẩm màu được chia làm hai loại. Thứ nhất là loại phẩm màu tự nhiên được phép sử dụng, lưu thông và dùng trong thực phẩm. Loại này được chiết xuất và chế biến từ nguyên liệu hữu cơ có sẵn trong tự nhiên (ví dụ màu từ nghệ, gấc, đường…). Tuy nhiên, loại này có giá thành khá cao, không bền màu.
Loại thứ hai là phẩm màu hóa học, loại này có độ bền màu cao tuy nhiên nếu dùng quá liều lượng có thể gây ngộ độc. PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết, ông từng ghi nhận nhiều trường hợp hạt dưa, hướng dương... được tiểu thương nhuộm phẩm màu để trông bắt mắt, hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, lạc nhuộm phẩm màu thì cũng chỉ mới nghe thông tin mà chưa được kiểm chứng.
“Muốn biết thực phẩm có độc hại hay không cần phải mang đi xét nghiệm ở các cơ sở uy tín mới khẳng định được. Tuy nhiên, việc trà trộn hàng Trung Quốc, gian dối đánh lừa người tiêu dùng là hành vi đáng lên án và không thể chấp nhận được”, ông Thịnh thông tin.
Các chuyên gia cũng cho rằng, để tránh mua phải hàng kém chất lượng, người tiêu dùng nên mua ở những địa chỉ uy tín, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng không nên mua hàng trôi nổi. Đặc biệt các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, xử ký các cơ sở buôn bán và sản xuất không đạt tiêu chuẩn, tránh tình trạng bán hàng kém chất lượng, không đảm bảo điều kiện lưu thông trên thị trường.
Vũ Ninh
ĐPT K34 A2
Cùng chuyên mục
Bình luận