Nghị lực diệu kỳ của người thầy "Nguyễn Ngọc Ký" thứ hai

(Sóng trẻ) - Bị tật nguyền cả tay và chân từ nhỏ, anh Phùng Văn Trường (thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến, Chương Mỹ, Hà Nội) đã quyết tâm tập viết chữ bằng miệng. Những dòng chữ đẹp là thành quả của nghị lực vươn lên và nhiều năm kiên trì luyện chữ. Chính những dòng chữ này đã mở ra những ngày tháng đầy niềm vui bên lớp học yêu thương của chính anh.

Vào một ngày chiều mưa ở Hà Nội, chúng tôi tìm đến nhà thầy Trường với nhiều cảm xúc lẫn lộn sau khi thấy những dòng chữ thật đẹp của anh trên mạng xã hội. Bước vào căn phòng nhỏ thật ấm áp, giá sách thật to, bàn ghế đơn sơ, bóng lưng của một người đàn ông ngồi xe lăn đang cặm cụi quan sát, trò chuyện với các em nhỏ. Thầy quay lại, tươi cười chào đón chung tôi và nhẹ nhàng, suy tư bắt đầu kể những câu chuyện về cuộc đời mình.

Tuổi thơ nhiều thiệt thòi

Sinh ra trong một gia đình thuần nông tại vùng quê yên bình của huyện Chương Mỹ, cậu bé Trường ngày ấy không thể phát triển bình thường như bao bạn bè cùng trang lứa khác.

Mới 2 tuổi, cậu bé Phùng Văn Trường đã bắt đầu có triệu chứng teo cơ. Căn bệnh này càng nặng khiến cho mọi sinh hoạt của cậu trở nên khó khăn và gần như phải phụ thuộc hoàn toàn vào bố mẹ.

“Hồi 5,6 tuổi, khám mổ xong 2 bên chân, tôi nhen nhóm hạnh phúc được đi lại bình thường như bao người khác, khổ nỗi lại hỏng cả hai tay nữa, mình không nắm tay được, sức khỏe nó vẫn rất yếu, vì mình là người khuyết tật về vận động, đi được một chút thôi”, thầy Trường ngậm ngùi chia sẻ.

Căn bệnh teo cơ quái ác đã cướp đi tuổi thơ đầy tiếng cười và niềm vui, cậu trở nên tự ti và xấu hổ về cơ thể mình, không muốn gặp ai, không muốn trò chuyện với bất kì người nào.

Tật nguyền cả tay và chân, tuy vậy Trường lại rất hiếu học, cậu vẫn chống nạng đi học cùng các bạn. Thế nhưng đến năm lớp 8, cơ thể yếu đi, cậu buộc phải nghỉ học. Ngày ngày làm bạn với chiếc xe lăn, cuộc sống chỉ biết gắn liền với tấm lưng của bố mẹ, ngồi nhìn bạn bè người thì đi học, người thì công việc ổn định. Có lẽ anh đã luôn cảm thấy tủi thân và ganh tị với các bạn cùng trang lứa có một cơ thể lành lặn và khoẻ mạnh.

anh3.png

Những ngày tháng xa trường, nhớ lớp, nhớ bảng đen, phấn trắng, cậu đã nhiều lần tìm mọi cách để cầm bút viết bằng đôi tay tật nguyền, run rẩy của mình. Nhưng thật trớ trêu, cứ cầm bút lên lại tự động rơi xuống, cậu không thể kiếm soát được cây bút nhỏ bé ấy. Không đầu hàng số phận, cậu bé Trường đã tìm mọi cách để có thể viết chữ trở lại, cậu quyết chiến thắng số phận, thay đổi cuộc đời của mình, cậu bắt đầu tập viết chữ bằng miệng.

“Từ lúc nhỏ, nghe đài tôi biết đến thầy Nguyễn Ngọc Ký, hay là anh Khoa Xuân Tứ bị tai nạn cũng mất hai cánh tay, tôi nghĩ đó là những tấm gương có chí rất là lớn, đã vượt lên được cái nghịch cảnh. Thì mình cũng là người bất hạnh như thế thì mình phải cố gắng, mình phải vươn lên theo thôi, chứ ngồi ở trong bóng tối mãi thế nào được”, anh tâm sự.

Thả hồn vào từng nét chữ

Những ngày đầu tập viết rất gian nan. Bút chọc thẳng vào miệng, đau rát, mồ hôi, nước mắt và nước miếng ướt đẫm cả tờ giấy và chiếc bút. Đã từng có lúc anh Trường phải luyện tập đến chảy máu miệng. Cả ngày cúi sát xuống vở tập viết, đến khi ngẩng lên là đau vai mỏi cổ, hoa mày chóng mặt kinh khủng. Về sau, thầy Trường đổi cách "cầm" bút, đó là ngậm chéo trong miệng. Răng hàm, răng cửa giống như những ngón tay kẹp chặt lấy bút còn cổ dùng để điều khiển bút đi ngang, đi dọc trên trang giấy. Tập luyện ròng rã hơn một tháng trời, thầy Trường thành công viết được những chữ đầu tiên, tạm gọi là có thể đọc được.

“Cơ thể mỗi ngày nó một giảm sút, phần thịt ở mông mình nó teo và nhão đi, ngồi nhiều nó đau. Đấy là những khó khăn mình gặp phải thôi nhưng mà tôi cố gắng, còn ngồi đc thì còn viết”, anh nhớ lại.

anh4.png

Chưa dừng lại ở việc có thể viết được chữ, anh Trường muốn mình phải viết thật đẹp vì như thế sau này sẽ dạy lại được cho các em học sinh. Anh chia sẻ: “Tôi luôn miệng dặn các cháu phải viết đẹp, thế nên mình phải cố gắng viết sao cho đẹp nhất trong khả năng có thể thì các cháu mới phục, mới nghe mình”

Nghĩ là làm, anh Trường ngày đêm nắn nót, luyện tập từng nét chữ một. Anh không chỉ tập viết theo các chữ cái trong sách vở, TV, anh còn sáng tạo ra những cách viết sao cho đẹp và độc đáo. Quả thực, bây giờ nhìn thấy những nét chữ bay bổng tinh tế của anh, không ai nghĩ những dòng chữ ấy lại được viết bằng miệng.

anh5.png

Lớp học tình cờ, thư viện miễn phí

Không chỉ tự viết lên cuộc đời mình, anh Trường còn có duyên trở thành người thầy truyền cảm hứng, mang ánh sáng tri thức đến với nhiều trẻ em nghèo.

Năm 2010, lớp học của “thầy Trường” ra đời trong một sự tình cờ và trở thành một lớp học vô cùng đặc biệt. Từ ngày có con chữ, anh Trường tranh thủ vừa bán hàng, vừa trông và dạy học cho đứa cháu 6 tuổi, con cô em gái để chúng bớt ham chơi. Dần dần, hàng xóm xung quanh thấy anh Trường chỉ dạy bài bản vậy nên cũng mang con, mang cháu đền nhờ trông nom dạy dỗ mỗi khi bận việc. Cứ thế căn nhà nhỏ của anh Trường trở thành lớp học “trong mơ” của nhiều em nhỏ ở vùng quê nghèo trong huyện Chương Mỹ lúc nào không hay. “Lớp học của tôi nó ra đời từ năm 2010 đến nay thì tôi nghĩ đấy cũng là cái duyên với các cháu bởi ban đầu tôi không nghĩ là tôi mở lớp, tôi nghĩ mình giúp được các cháu chút nào thì hay chút đấy thôi” anh Trường chia sẻ.

Tiếng lành đồn xa, người dân trong thôn rồi các thôn khác không ai là không biết đến lớp học của anh Trường. Lớp lúc đầu chỉ có 3-4 người đã tăng dần lên 15-20 người. Lớp học của anh Trường đặc biệt ở chỗ lớp học ấy không có phấn trắng, bảng đen như những lớp học bình thường khác. Nơi ấy chỉ có chỉ có những tiếng ê a đọc bài không ngớt, chỉ có hình ảnh người thầy tâm huyết ngồi xe lăn giảng bài, chỉ có sự thích thú, chăm chú của học sinh nhìn thầy nắn nót từng dòng chữ bằng miệng.

anh6.png

Nhắc đến lớp học của mình, thầy giáo đặc biệt ấy cho hay, phần lớn cháu tìm đến mình thường có học lực trung bình. Không ít em trước khi vào lớp 1 còn được cô giáo khuyên nên đến "bác Trường" luyện chữ trước. "Bọn trẻ thấy tôi viết chữ đẹp bằng mồm thì thích lắm. Cũng giống như bài học đạo đức, mình mà viết xấu thì không hướng dẫn chúng được. Có khi bọn trẻ lại bảo, bác còn chẳng viết được mà lại bắt cháu viết đẹp", anh Trường nói.

Suốt nhiều năm liền dạy học, anh Trường không lấy một đồng tiền công nào, đó hoàn toàn là dạy miễn phí. Chỉ đến khi các phụ huynh học sinh dúi vào tận tay, bảo là chút chi phí trả tiền điện nước, tiền mua sữa cho con, anh Trường mới nhận 70-100 nghìn đồng/học sinh/tháng. Khi nhắc đến công việc dạy chữ cho các em nhỏ, anh Trường khiêm tốn “Tôi thì không bao giờ nhận mình là thầy giáo, có những phụ huynh cũng cứ tôn trọng thôi”. Để có phương pháp học hiệu quả và hợp lý, ngoài thời gian giảng dạy, anh Trường còn tìm hiểu thêm kiến thức qua sách báo, tivi. Anh Trường đánh giá đúng lực học của từng em để có cách dạy sao cho phù hợp.

Dạy thôi chưa đủ, anh Trường còn thường xuyên động viên, khuyến khích các em nhỏ và yêu mến chúng thực sự bằng cả tấm lòng. Bởi theo anh, thứ quý giá nhất mà con người có được đó là tình thương, cần đánh thức “hạt giống” tốt đẹp đó, giúp cho chúng nảy mầm và ngày càng phát triển. “Các cháu đến đây thương mến, yêu quý mình, giúp được chúng nó thì mình thấy cuộc đời nó ý nghĩa” anh Trường tâm sự.

Lớp học tuy nhỏ nhưng mỗi em học sinh đến đây đều rất ham học hỏi. Với các em, được học thầy Trường, được thầy nắn nót cho từng nét chữ, hướng dẫn làm từng bài toán là điều ý nghĩa hơn cả.“Khi em đến lớp học của thầy Trường thì em được học toán Tiếng việt, tập đọc, tập viết ạ. Khi thấy thầy viết đẹp như thế thì em rất ngưỡng mộ và học theo thầy” Phùng Như Quỳnh (Trường tiểu học Nam Phương Tiến A, học sinh theo học thêm lớp thầy Trường) hào hứng chia sẻ.

Gần 10 năm qua, lớp học của anh lúc nào cũng rộn ràng tiếng trẻ đánh vần và làm các phép toán. Tiếng ríu rít của bọn trẻ sau giờ tan trường là niềm vui, niềm hạnh phúc lớn nhất mà anh có. Khi được hỏi về kỉ niệm đáng nhớ với các em nhỏ, anh bồi hồi nhớ lại: “Kể từ khi gắn bó với lớp học, tôi nhớ mãi một học sinh bị tự kỷ, nhiều năm vẫn học mãi một lớp. Lúc đến học, cậu bé đã lớp 3 nhưng vẫn chưa đọc, viết thành thạo. Đồng cảm và kiên nhẫn, tôi hướng dẫn cháu từng nét chữ, phép toán. Giờ đã lên lớp 5, cháu đã có thể đọc thông viết thạo, tôi mừng lắm”

anh7.png

Phụ huynh gửi con ở đây, ngoài mong muốn con biết chữ, các ông bố bà mẹ còn hy vọng bọn trẻ học được nghị lực và đạo đức từ người thầy đặc biệt này. Và quả thực, người thầy nghị lực ấy đã tạo nên được những điều kỳ diệu ngay tại lớp học đơn sơ.“Có người bảo thầy tàn tật và không có bằng cấp, tôi thì chỉ thấy con tôi học tiến bộ, lúc đi họp phụ huynh thấy cô giáo khen con cải thiện rất nhiều, làm toán giỏi tôi vui lắm. Nếu không có thầy Trường giúp chắc con tôi khó được như vậy vì so với các bạn cùng lứa, bé tiếp thu chậm và hay nghịch ngợm"- một phụ huynh đến đón con tình cờ chia sẻ.

anh8.jpg

Ngoài dạy học, anh Trường còn kết hợp với dự án thư viện cộng đồng Hallo World – Tủ sách ước mơ tại ngôi nhà của mình để các em nhỏ có để đọc, mượn sách miễn phí mỗi ngày. Với hơn 3000 đầu sách từ giáo khoa, khoa học, kỹ năng sống, truyện tranh mà thư viện đang có, anh hy vọng có thể gieo tình yêu sách đến với vùng quê nghèo nơi đây.

Hiền Phạm – Thu Trang – Nguyễn Hiền

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật7 tháng trước

(Sóng trẻ) - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN