Bà tiên của trẻ khuyết tật
(Sóng trẻ) - 19 năm là khoảng thời gian bà giáo Hồ Hương Nam (phường Yên Phụ - quận Tây Hồ) duy trì lớp học tình thương bằng đồng lương hưu ít ỏi của mình. Dù đã nài 80 tuổi, sức không còn khoẻ, giọng không còn vang như xưa nhưng bà vẫn đứng lớp để dạy các em học sinh khuyết tật biết đọc, biết viết.
Người gieo hạt trên sỏi đá
Bà giáo Hồ Hương Nam là người con xứ Huế. Sau năm 1954, bà tập kết ra Bắc và giảng dạy tại trường tiểu học Hoàng Hoa Thám (Hà Nội). Khi đến tuổi về hưu, làm cộng tác viên dân số ở phường, tiếp xúc với nhiều gia đình có con khuyết tật, bà lại đau đáu về một lớp học tình thương dành cho những trẻ em đặc biệt ấy. Bà nhớ lại: “Khi về hưu, thấy tình cảnh của nhiều em học sinh khuyết tật không thể đi học khiến tôi không thể làm ngơ. Vì thế tôi đã mạnh dạn, quyết tâm để mở lớp học tình thương”.
Ở cái tuổi đáng ra được nghỉ ngơi vui vầy bên con cháu, bà Nam vẫn chọn cho mình công việc từ thiện khiến bà cảm thấy vui, cảm thấy mình có ích, đem lại ý nghĩa cho các em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt
Bắt đầu từ năm 1997, người giáo viên gốc Huế này đã vận động những gia đình có con em bị khuyết tật bẩm sinh, tự kỷ, thiểu năng trí tuệ đưa các em tới lớp để bà dạy cho biết đọc, biết viết. Ban đầu, không ít người cho rằng bà Nam không minh mẫn, thích lo chuyện người ta. Nhiều gia đình từ chối hợp tác bởi mặc cảm tự ti về con em mình. Không nản lòng, bà đã gõ cửa từng nhà thuyết phục, khuyên nhủ để họ có niềm tin vào bà, vào khả năng tiếp thu của các em khuyết tật. Lứa học sinh đầu tiên của lớp học đặc biệt ấy dần có nhiều chuyển biến tích cực. Từ những đứa trẻ không “biết ăn, biết nói”, sau một thời gian được cô tỉ mẩn rèn giũa, các em đã biết chào hỏi người lạ, ăn cơm biết mời và dần làm quen với mặt chữ, mặt số.
Nhớ những ngày đầu, việc tìm địa điểm học rất chật vật. Bà giáo kể lại: “Trước kia các cháu phải ngồi sụp dưới đất, không có bàn không có ghế, tôi phải xin từng khoảng đất mà người ta để không để làm lớp học.”. Ban đầu, nơi học của cô và trò chỉ là căn phòng tuần tra của cụm, rồi đến phòng mượn của nhà trẻ. Phải đến năm 2002, Ban giám hiệu trường THCS An Dương đồng ý cho mượn một phòng nhỏ để tổ chức lớp học tình thương. Từ đó mà lớp học của bà ổn định hơn và duy trì cho tới tận bây giờ.
Lớp học nhỏ bé với chỉ hai dãy bàn nhưng tình thương mà bà giáo già dành cho các em học sinh không gì đong đếm được trong 19 năm qua
Lớp học của tình thương và âm nhạc
Lớp học bé nhỏ diễn ra trong tiếng nhạc du dương, tiếng ú ớ, ngọng nghịu và cả giọng Huế trầm ấp, nhẹ nhàng của bà giáo hơn 80 tuổi. Chiếc radio trên bàn giáo viên đã đồng hành với bà và những đứa trẻ đặc biệt này gần 2 thập kỷ. Bà giáo Nam chia sẻ rằng âm nhạc giúp các em cảm thấy thư giãn, thoải mái và gần gũi hơn với những con số, con chữ.
Lớp học đặc biệt không bảng đen, phấn trắng, bục giảng, chỉ có hai dãy bàn kê sát tường và lối đi nhỏ ở giữa để bà giáo có thể đến tận chỗ ngồi của từng học sinh. Lớp học không có tiếng giảng bài bởi với những học sinh của mình, bà giáo Nam phải vừa dạy, vừa dỗ từng em một. 16 em học sinh- mỗi em một lứa tuổi, một bệnh tật khác nhau: em thì khiếm thính, em thì tự kỷ hoặc liệt tứ chi, bà nhẫn nại chỉ bảo uốn nắn để phù hợp với sự tập trung, khả năng tiếp thu của mỗi em.
Dáng người nhỏ nhắn của bà chầm chậm đi dọc theo dãy bàn. Bà cầm tay các em, đưa từng nét chữ, rồi lại kiên trì ngồi bên để chỉ cách đánh vần từng từ một cho đến khi các em đọc thạo hơn. Cứ như vậy, suốt nhiều năm qua, sự tận tuỵ kiên nhẫn đầy tình thương của bà đã giúp các em học sinh khuyết tật tưởng chừng không thể nhớ được mặt chữ, con số mà giờ đây đã có thể biết đọc biết viết.
Bà Nam không chỉ dành cho các em học sinh tình cảm thiêng liêng giữa thầy và trò, mà sâu sắc hơn còn là tình cảm chân thành của người bà, người mẹ dành cho con của mình
Bà Nam tâm sự rằng đối với các em học sinh bị tự kỷ, bà luôn tìm những phương pháp giảng bài kết hợp chữa bệnh: “Tôi sẽ dạy các em các bài toán, văn đơn giản trước, sau đó kết hợp cho các em nghe những bài nhạc phù hợp. Tôi tạo ra bài múa đơn giản để các em học theo các động tác giơ tay lên xuống...”
Từ khi mở lớp đến giờ. bà chưa từng thu một đồng phí của phụ huynh. 19 năm duy trì lớp học là 19 năm bà trích số lương hưu ít ỏi của mình mua sách vở, bút chì, mua quà động viên các em học sinh trong lớp.
Khi thóc lép nảy mầm
Nhiều gia đình có trẻ khuyết tật quan niệm rằng con cháu họ coi như đã bỏ đi. Nhưng những gì bà tiên Hồ Hương Nam đã làm được sau gần hai thập kỷ là biến những hạt thóc, tưởng như vô dụng, im lìm sau bao năm tháng, dù muộn màng, vẫn bật lên những chiếc chồi bé xinh.
Anh Lưu Hồng Dương, 35 tuổi, là một trong những học sinh của lớp học tình thương từ những năm đầu tiên. Anh bị liệt toàn thân, mọi hoạt động cá nhân đều phải nhờ gia đình chăm sóc. Ở lớp, anh Dương nằm trong nhóm những học sinh có tình trạng sức khoẻ yếu nhất, ngay cả khi ngồi cũng cần buộc dây để vững hơn. Bác Dũng – bố anh Dương kể lại về quá trình theo học của anh: “Bà Nam nhiệt tình với các cháu lắm, thường xuyên kèm cặp từng cháu một. Con tôi không thể đi lại, tâm trí cũng không phát triển được, từ 15 năm trước bà đến nhà vận động cho thằng Dương tới lớp. Việc đưa đón đi học cũng vất, nhưng thấy con mình có thể xem báo đọc chữ tôi thấy vui và biết ơn bà Nam lắm”.
19 năm qua, anh Dương vẫn đều đặn đến với lớp học để được bà uốn nắn từng lời ăn, tiếng nói; dạy bảo từng câu, từng chữ và để thư thái trong không gian âm nhạc. Mỗi cuối buổi, khi bố anh sắp xếp chiếc cặp sách màu xanh bế và đỡ anh vào xe lăn, anh cũng không quên nhoẻn miệng cười và trao ánh mắt trìu mến dành cho bà tiên của đời mình – bà giáo Hồ Hương Nam.
Hà Thương (Đa phương tiện K33)
Cùng chuyên mục
Bình luận